Người nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp thấu từng nỗi đau của các bà mẹ
Khẳng định đam mê với thể loại chụp chân dung ngay từ khi mới bước vào nghề, nhưng Đại tá Trần Hồng cho biết, ông đặc biệt thấu hiểu nỗi đau của các bà mẹ trong từng bức ảnh của mình.
Mỗi dịp 20/10 đến gần, người ta lại nhớ tới một người nghệ sĩ nhiếp ảnh dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp của mình để khai thác một đề tài muôn thuở, đó là Chân dung mẹ. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh đó chính là Đại tá, nhà báo Trần Hồng, công tác tại báo Quân đội nhân dân.
Được biết, 2 chủ đề xuyên suốt mà Đại tá theo đuổi trong suốt sự nghiệp của mình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chân dung các bà mẹ. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Đại tá có thể nói về cơ duyên khiến ông chọn đề tài Chân dung các bà mẹ làm niềm đam mê của mình?
|
|
Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng. |
Đã nói rằng đam mê thì rất khó lý giải, cũng rất khó khẳng định nó bắt nguồn từ đâu, chỉ biết rằng, ngay từ khi mới bước chân vào nghề và làm việc ở báo Quân đội nhân dân, khi đó là vào năm 1973, tôi đã có sẵn ý tưởng cho những đề tài mà mình theo đuổi.
Thể loại tôi thích nhất là chụp chân dung, trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chân dung các bà mẹ được tôi chọn là hai đối tượng không thể thiếu trong các tác phẩm của mình.
Đại tá có nhớ người phụ nữ đầu tiên mà ông chụp là ai không?
Người phụ nữ đầu tiên mà tôi chụp là mẹ tôi, chụp vào năm 1973.
Tôi có một tình cảm rất đặc biệt với mẹ, mỗi lần về phép tôi có một cảm giác gần gũi vô cùng.
Tôi còn nhớ khi ấy về nhà, mẹ tôi còn gội đầu, chải tóc, kỳ lưng cho tôi, dù lúc đó tôi đã là một sĩ quan quân đội. Và khi bà trầm ngâm ngồi suy nghĩ thì tôi đã chụp một bức ảnh của bà. Đó là bức ảnh đầu tiên tôi chụp về Chân dung các bà mẹ.
Ngoài ra, khi vừa ra trường và còn độc thân, tôi ở số 8 Lý Nam Đế – Hà Nội. Khi ấy chúng tôi ở tầng 3, ở đó có một bà cụ rất cưng chiều cháu gái. Chiều nào bà đi chợ về, bé gái tên Hòa cũng cứ chạy ùa ra đón bà, tình cảm ấy ngày này qua ngày khác khiến tôi rất thích.
Từ chụp ảnh mẹ mình, thấy những hình ảnh xung quanh nữa, tôi bắt đầu cảm thấy chụp đối tượng ấy, và từ ấy cho đến bây giờ, đề tài ấy vẫn là đề tài tôi theo đuổi suốt cuộc đời, vì thực ra, trên đời này, bất kỳ ai cũng có một bà mẹ, kể cả Tổng bí Thư cho đến người ăn mày, kể cả bên chính nghĩa và phi nghĩa, ai cũng đều có 1 người mẹ. Dù có làm bất kỳ điều gì, lúc nào trong tâm khảm của mình, họ cũng dành 1 góc cho người mẹ. Vì vậy, đối với tôi, hình ảnh người mẹ vô cùng thiêng liêng, cao quý.
Đối với ông, điều khó nhất khi chụp và khai thác những bức ảnh về chủ đề Các bà mẹ, điều gì là khó khăn nhất?
Ở Việt Nam, trải qua 30 năm chiến tranh, người chịu nhiều hy sinh, thiệt thòi nhất vẫn là các bà mẹ. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau của bà mẹ mất con, đó là nỗi đau kinh khủng nhất. Mất con là mất tương lai, khôngbao giờ đền bù được sự hy sinh mất mát của các bà mẹ.
Nếu chụp ảnh đi sâu vào đối tượng này là rất khó, vì không ai muốn gợi lại mất mát, đau thương của mình, nhưng nếu vượt qua cái khó này để chụp dc lại rất dễ thành công.
|
|
Theo Đại tá Trần Hồng: "Những bức ảnh ngày xưa chụp các bà mẹ mà họ cười thì đó chỉ là một hiện tượng, còn ẩn sâu trong đáy lòng họ là sự hy sinh và sức chịu đựng lớn lao". Ảnh: Chụp lại từ ảnh của Đại tá Trần Hồng |
Trong suốt sự nghiệp ông đã đi qua, chân dung về người mẹ nào mà ông cho rằng khó chụp nhất?
Có lẽ, lần tôi khác thác khó nhất là mẹ của Thiếu tướng Chu Phác. Bà mẹ ấy có 1 câu chuyện riêng, bà đặc biệt không thích con trai của mình vì công việc của con trai bà quá bận.
Hàng tháng, con trai bà vì mải công việc không về thăm nên bà rất ghét, bà bảo bà không cần tiền, không cần bất cứ thứ gì, nhưng chiều chiều, ngày nào bà cũng gióng tai nghe tiếng ô tô của con nhưng không thấy. Bà cũng nói rằng, bà muốn nhìn tận mắt con trai, sờ tận tay con trai chứ không cần người công vụ của con trai mang tiền đến.
Có lần, Đại tướng Chu Phác mời tôi về nhà chơi gặp bà mẹ, nhưng bà lạnh băng không tiếp cận, vì bà bảo bộ đội ai cũng như nhau hết cả.
Tôi nói chuyện nhưng bà không nói, tay bà cứ lần tràng hạt gần 1 tiếng, tôi tưởng mình đã thất bại. Thế nhưng, trong ý nghĩ của tôi, tôi tự nhủ rằng, sau này trong quyển sách, bộ sưu tập của tôi không thể thiếu cá tính của bà mẹ này, vì vậy tôi cố gắng chụp bằng được ảnh của bà.
Gần 1 tiếng sau, bà dừng hoạt động lần tràng hạt để têm trầu. Thấy thế, tôi bảo bà hãy để con làm cho, bà nhìn tôi như có viên đạn xuyên qua. Chưa để bà đồng ý hay không, tôi bắt đầu têm trầu cho bà.
Bà ngạc nhiên khi thấy tôi bổ cau, têm trầu. Sau khi ngạc nhiên, bà bắt đầu có mối giao cảm với tôi, tôi nói rằng khi tôi đến đây là tôi đỡ nhớ mẹ tôi rất nhiều, khi nghỉ phép tôi hay ngồi têm trầu cho mẹ, nay tôi được têm trầu cho bà tôi rất thích, sau đó bà mới bắt đầu tâm sự.
Có 1 đối tượng nữa rất khó khai thác, đó là các bà mẹ trong bối cảnh từ Huế trở vào. Tại những khu vực này, trên bàn thờ đều có 2 bát hương. Một bát hương thờ người con cộng sản, là chiến sĩ giải phóng, một bát hương nữa thờ người con là chiến sĩ ngụy. Trong một gia đình, 2 anh em thuộc 2 chiến tuyến khác nhau, đó là điều không ai mong muốn, nhưng lịch sử đã tạo neen nghịch cảnh trớ trêu đó. Và người đau đớn nhất không ai khác chính là người mẹ đứng ở giữa, vì đối với họ, con nào cũng là con.
|
|
Bức ảnh Giấc mơ của mẹ ghi lại hình ảnh Người mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ khi bà đang thiếp đi ngủ, trên đầu giường là di ảnh con trai. Tấm khăn Mẹ đội hằn lên di ảnh tạo thành một khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa. Ảnh: Chụp lại từ ảnh của Đại tá Trần Hồng |
Điều mà ông cảm nhận sâu sắc nhất sau hơn 40 năm chụp ảnh cho các bà mẹ là gì, thưa Đại tá?
Đó là sự hy sinh vô cùng lớn lao và sức chịu đựng dường như vô tận của những người mẹ Việt Nam.
Tôi còn nhớ, có một lính Mỹ khi nhìn thấy những bức ảnh tôi chụp về chân dung các bà mẹ đã thốt lên rằng: “Đây rồi, nguyên nhân của nguyên nhân mà chúng ta thua Việt Nam trong cuộc chiến tranh chính là đây. Bà mẹ là sức mạnh của sức mạnh. Tất cả mọi đứa con của các mẹ đi làm bất kỳ việc gì đều muốn làm tốt nhất để về với mẹ, và chiến tranh cũng thế”.
Những bức ảnh ngày xưa tôi chụp các bà mẹ mà họ cười thì đó chỉ là một hiện tượng, còn ẩn sâu trong đáy lòng họ là sự hy sinh và sức chịu đựng lớn lao.
Tôi còn nhớ, người mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ là người tôi ấn tượng nhất. Đó là người mẹ phải hứng chịu một nỗi đau không từ nào có thể diễn tả. Nhà mẹ Thứ có đến 11 liệt sĩ, trong đó có 9 người con trai, một người con rể và một người cháu ngoại.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn rất thích bức ảnh Giấc mơ của bà mẹ. Đó là bức ảnh mà tôi may mắn chụp được khoảnh khắc mẹ đang ngủ thiếp đi bên cửa sổ, trên đầu giường là di ảnh của người con trai, chiếc khăn mẹ đội vô tình nhờ có ánh nắng lại phản chiếu lên di ảnh của người con liệt sĩ khiến bức ảnh có một khoảnh khắc vô cùng quý giá.
Cho đến nay, bộ sưu tập ảnh chân dung các bà mẹ của ông đã được bao nhiêu bức, thưa Đại tá?
Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp, số ảnh tôi chụp về chủ đề Chân dung mẹ cũng lên tới gần 2.000 bức.
Đến địa phương nào, khi làm xong việc của mình thì tôi cũng dành ít nhất 35% thời gian của mình để đi chụp chân dung các bà mẹ.
Riêng bà mẹ Quảng Nam, Đà Nẵng khiến tôi ấn tượng nhất, cảm thấy có tình cảm đậm đà nhất.
Cho đến nay, đây vẫn là một đề tài mà tôi đam mê, và chắn chắn, tôi vẫn sẽ tiếp tục khai thác chủ đề về các bà mẹ, bởi đối với tôi, đây là một nguồn đề tài, và cũng là nguồn cảm hứng bất tận.
Xin cảm ơn ông!