Tại sao người xưa luôn quá nghiêm nghị khi chụp ảnh?
Nếu có dịp được xem lại những bức ảnh chân dung thực hiện từ thế kỷ 19, khi con người mới bắt đầu làm quen với máy ảnh, khi mỗi lần đứng trước ống kính là một sự kiện gây hồi hộp, người ta luôn có vẻ nghiêm nghị, trang trọng lạ thường, tại sao vậy?
Thứ nhất, các nhà nghiên cứu xã hội học vẫn thường lý giải hiện tượng này là bởi thời xưa con người không có điều kiện chăm sóc răng tốt, hiếm người có được hàm răng đều đặn, trắng sáng, vì vậy, họ thường mím môi lại khi chụp ảnh để không lộ ra những khiếm khuyết thiếu thẩm mỹ ở hàm răng.
Nhưng thực tế, hàm răng không đẹp là một điều thường thấy ở xã hội thời đó và không phải điều gì quá đỗi trầm trọng để tất cả mọi người đều phải mím môi như vậy, dù vậy, đây cũng là một lý giải có phần hợp lý.
Ông Angus Trumble, giám đốc Triển lãm Ảnh chân dung Quốc gia Úc (đặt ở thủ đô Canberra, Úc), đồng thời là tác giả của cuốn “A Brief History of the Smile” (Lược sử nụ cười) chia sẻ rằng: “Chính việc hàm răng của con người càng về sau càng được chăm sóc tốt hơn, tình trạng răng miệng được cải thiện nhiều hơn, nên con người mới tự tin nở nụ cười hơn hẳn trước đó”.
Thứ hai, lại cũng có lý giải cho rằng do thời gian chụp ảnh thời “sơ khai” quá lâu, không ai có thể giữ nguyên một nụ cười tự nhiên trong suốt vài phút, nên để bức ảnh chân dung được hoàn hảo nhất, người ta giữ gương mặt nghiêm nghị cho “dễ thực hiện”.
Những bức ảnh chân dung đầu tiên được con người thực hiện hồi cuối thập niên 1820. Nhiếp ảnh kể từ đó phát triển, tiến bộ không ngừng suốt chiều dài thế kỷ 19. Những thiết bị chụp ảnh cũng dần được cải tiến, trở nên thuận tiện hơn trong cách sử dụng. Nhiếp ảnh từ một hoạt động nghệ thuật dần trở thành hoạt động thường thấy trong đời sống xã hội.
Dù vậy, những nụ cười vẫn rất ít khi xuất hiện trong ảnh chân dung thế kỷ 19. Phải đến tận thập niên 1920-1930 của thế kỷ 20, những nụ cười mới bắt đầu xuất hiện trong ảnh chân dung, lúc này nụ cười trở thành biểu cảm “chuẩn mực”.
Ông Todd Gustavson, giám đốc kỹ thuật của Viện bảo tàng George Eastman (New York, Mỹ) cho biết: “Nếu đánh giá kỹ thuật chụp ảnh thuở sơ khai ban đầu, khi mỗi bức ảnh đều phải phơi sáng lâu, đương nhiên người ta sẽ lựa chọn tư thế chụp, biểu cảm chụp sao cho dễ dàng và thoải mái nhất”.
“Nhưng đến thập niên 1850-1860, người ta đã có thể chụp ảnh chỉ cần phơi sáng có vài giây và trong những thập kỷ sau đó, thời gian phơi sáng ngày càng rút ngắn lại. Điều đó có nghĩa là công nghệ chụp ảnh lưu giữ nụ cười tự nhiên và nhanh chóng đã đạt được từ giữa thế kỷ 19, nhưng vì một lý do nào đó, đến tận đầu thế kỷ 20, người ta mới dám cười khi chụp ảnh và lúc này nụ cười mới dần phổ biến hơn trong nhiếp ảnh chân dung”.
Bà Christina Kotchemidova, một chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa truyền thông đã từng nghiên cứu về lịch sử nụ cười trong nhiếp ảnh chân dung, bà cho rằng nụ cười vốn là một hoạt động bản năng của loài người, nhưng việc cười trước ống kính máy ảnh lại là một hành vi có điều kiện, không thuộc về bản năng.
Việc con người thời kỳ đầu không cười trước ống kính máy ảnh có những lý do sâu xa liên quan tới tư duy về tranh chân dung trong hội họa.
Thuở ban đầu, phong cách thực hiện ảnh chân dung chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phong cách tranh chân dung – phương thức phổ biến trước đây của giới nhà giàu để lưu giữ chân dung, diện mạo.
Đối với việc thực hiện tranh chân dung, người ta có những quy ước nhất định, trong đó, nụ cười tươi tắn, rạng rỡ không phải là nét đẹp văn minh, chuẩn mực trong tranh.
Thường các quý tộc chỉ được khắc họa với nụ cười mỉm rất nhẹ. Nụ cười hồn nhiên, sảng khoái, rạng rỡ bị cho là hành vi không tề chỉnh và chỉ có những nhân vật điên rồ, đồng bóng, hoặc say xỉn… mới khắc họa với nụ cười sảng khoái.
Khi nhiếp ảnh chân dung bắt đầu xuất hiện, các nhiếp ảnh gia chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phong cách tranh chân dung. Sự thay đổi trong tư duy chụp ảnh chân dung bắt đầu xuất hiện khi máy ảnh trở nên phổ biến hơn trong đời sống.
Sự đa dạng về phong cách và biểu cảm trong nhiếp ảnh chân dung lúc này mới bắt đầu xuất hiện. Người ta dần trở nên thoải mái hơn khi đứng trước ống kính, mỗi lần chụp ảnh không còn là cả một sự kiện trang trọng như trước nữa, biểu cảm cũng dần trở nên mềm mại hơn.
Càng về sau, con người càng tự tin với nụ cười của mình, trong thế kỷ 20, càng lúc nụ cười càng trở nên tươi tắn, rạng rỡ và sảng khoái. Những giới hạn kiềm tỏa nụ cười trước đây dần dần bị quên lãng.
Một lý do quan trọng nữa là bởi khi các hãng máy ảnh bắt đầu xuất hiện, họ thực hiện những chiến dịch quảng cáo xoay quanh nụ cười tươi tắn.
Các quảng cáo máy ảnh thời này thường nhấn mạnh vào niềm vui của người chụp và người được chụp, trong đó, các nhân vật luôn vui tươi, hạnh phúc bên chiếc máy ảnh với hàm ý rằng máy ảnh luôn gắn liền với những khoảnh khắc hạnh phúc, viên mãn nhất của đời sống. Phong cách quảng cáo này đã khiến nụ cười bỗng trở thành hình ảnh gắn liền với hoạt động chụp ảnh.
Khi hoạt động chụp ảnh ngày càng trở nên phổ biến, sự đa dạng trong biểu cảm và hành xử của con người trước ống kính máy ảnh cũng trở nên phong phú, không còn bất cứ chuẩn mực nào khiến họ phải tuân theo nữa. Hoạt động chụp ảnh giờ “tự nhiên như hơi thở”, hoàn toàn ngẫu hứng, phụ thuộc vào bản thân người chụp tại thời điểm bấm máy.
Ảnh chân dung giờ đây thuộc về phong cách cá nhân, thể hiện cá tính, hình ảnh rất riêng của mỗi người, không còn mang nặng ý nghĩa chụp để… lưu vào album hay lồng khung, treo lên tường như trước nữa. Giờ đây, ngay cả nụ cười cũng không còn là chuẩn mực của nhiếp ảnh chân dung.
Theo: Bích Ngọc / dantri.com.vn
Theo Time/Guardian