Làm thế nào sử dụng chế độ khoá lấy nét ?
Có khi nào bạn chụp ảnh xong và yên tâm là đã ghi lại được những khoảnh khắc đẹp, nhưng khi đổ ảnh ra máy tính thì mới thấy ảnh bị lấy nét sai, ví dụ cả gia đình đang tươi cười pose ảnh thì mờ nhạt out nét, trong khi đám đông ồn ào phía xa lại “nét như Sony”? Lời giải cho việc này là bạn cần biết cách khoá lấy nét.
Bạn gặp trường hợp này thường xuyên với các máy ảnh ngắm là chụp (Point and Shoot), bạn giơ máy ảnh lên chụp, ngắm sao cho đối tượng chụp vào giữa khuôn hình và tin rằng máy ảnh sẽ tự biết cần lấy nét ở đâu, cứ bấm nút chụp là xong.
Nhưng không phải vậy. Rất nhiều khi máy ảnh không hiểu phải lấy nét ở đâu nên đã chọn lấy nét vào khu vườn phía sau nhóm đối tượng chụp, thế là các đối tượng chụp bị xem là “tiền cảnh” và đứng ngoài vùng lấy nét.
Các nhà sản xuất máy ảnh hiện đã khắc phục điều này bằng cách trang bị tính năng nhận diện khuôn mặt, cho phép máy ảnh tìm kiếm các khuôn mặt để đảm bảo đó là các điểm lấy nét. Một số máy ảnh còn có nút khoá phơi sáng và khoá lấy nét (AE-AF lock). Nhưng có một phương pháp thủ công khá hữu hiệu cho dù bạn dùng bất kỳ máy ảnh nào.
Dưới đây là lần lượt các bước thực hiện:
– Tạo dáng cho chủ đề chụp của bạn.
– Khi đưa chủ đề chụp vào khung hình, hãy đặt điểm trung tâm của khung hình trùng với điểm mà bạn muốn đặt tiêu cự lấy nét, thường là khuôn mặt của người bạn định chụp.
– Khi khuôn mặt của đối tượng đã ở vị trí trung tâm của ảnh, bạn nhấn nút chụp xuống một nửa (half press down), nghĩa là chỉ ấn nhẹ không ấn hết, giữ tay chứ không bỏ tay ra. Điều này sẽ khiến cho máy ảnh hiểu rằng bạn muốn lấy nét vào điểm trung tâm đó.
– Tay vẫn giữ nút chụp, lúc này bạn có thể di chuyển máy ảnh để điều chỉnh lại khung hình theo độ rộng hẹp mong muốn, lúc này khuôn mặt người mẫu không nhất thiết phải nằm chính giữa khung hình nữa.
– Khi đã chọn được khung hình ưng ý thì bạn nhấn nốt nửa nút chụp còn lại, bức ảnh sẽ được chụp với điểm lấy nét bạn mong muốn, cho dù phần trung tâm của ảnh không phải là khuôn mặt của người mẫu nhưng mặt người mẫu vẫn được lấy nét.
Kỹ thuật này không chỉ hữu ích khi chụp ảnh chân dung hay ảnh chụp người nói chung, mà còn áp dụng được cho các chủ đề chụp khác nhau. Chẳng hạn khi chụp ảnh macro, bạn sẽ muốn đưa hình một con côn trùng hoặc một đoá hoa vào vùng lấy nét mà không phải đặt nó vào giữa bức ảnh. Hoặc khi chụp phong cảnh, bạn có thể lấy nét vào một ngôi nhà ở tiền cảnh chứ không phải đường chân trời phía xa, nhưng ngôi nhà đó hoàn toàn không cần phải nằm chính giữa bức ảnh mà chỉ nép về một phía nhưng vẫn được lấy nét tốt.
Nguồn: Đông Phong / vnreview.vn