Cuộc thi nhiếp ảnh trong nước: Thiếu hấp dẫn ngay từ tên gọi
Hàng năm có đến cả trăm cuộc thi ảnh từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư được tổ chức. Và hạt sạn đầu tiên được nhặt ra từ các cuộc thi như thế được bắt đầu từ chính tên gọi…
Những bức ảnh “sinh đôi”
Chậm đổi mới và không chịu bứt phá là thực trạng đáng buồn của rất nhiều cuộc thi ảnh được tổ chức trong thời gian gần đây. Nỗi buồn được bắt đầu từ chính tên gọi các cuộc thi. Việc ban tổ chức lười đầu tư để tìm ra đề tài “độc”, tạo điểm nhấn với người dự thi và người nghe, đã vô tình đẩy nhiếp ảnh Việt Nam vào sự nhàm chán. Dù rằng, mục đích, ý nghĩa cuộc thi, lĩnh vực nghề nghiệp, thể loại ảnh dự thi khác nhau nhưng không hiểu sao, những cái tên quen thuộc như Việt Nam – Đất nước – Con người, Nét đẹp đời thường, Góc nhìn cuộc sống… vẫn được lấy làm đề tài cho biết bao cuộc thi. Và khi có cùng tên gọi đồng nghĩa với việc Ban tổ chức cuộc thi ấy đang mở ra cho người chơi phạm vi đề tài na ná nhau.
Điều này được chứng minh trong thực tế, ở các cuộc thi nhiếp ảnh gần đây, những bức ảnh “sinh đôi”, “sinh ba”, rồi các mô típ trong nhiếp ảnh đã xuất hiện rầm rộ trở lại ở các cuộc thi hoàn toàn khác nhau. Trong bức tranh toàn cảnh của nhiếp ảnh Việt, người theo dõi đã thấy le lói một số cuộc thi tạo được sự khác biệt, khi biết lựa chọn đề tài. Chẳng hạn như cuộc thi ảnh nhanh Cannon Photo Marathon, cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam… Việc khoanh vùng sáng tác cho người tham dự là rất quan trọng và chất lượng cuộc thi có được như mong muốn phụ thuộc phần lớn vào đề tài.
Đề tài nên cụ thể
Đề tài càng rộng mở càng khiến các nhà nhiếp ảnh mông lung và vì thế, để an toàn và dễ “giật giải”, các tay máy sẽ hướng đến các hình ảnh có tính kinh điển như các gương mặt trẻ thơ, ruộng bậc thang, chiều hoàng hôn… Điều này giải thích vì sao tại các cuộc thi ảnh toàn quốc và các cuộc thi có đề tài chung chung, khán giả đã thấy nhan nhản các hình ảnh lặp lại. Chưa kể, đề tài còn ảnh hưởng tới quá trình chấm chọn của Ban giám khảo.
Các thành viên Hội đồng nghệ thuật sẽ không biết lấy tiêu chí nào làm chuẩn, làm đích để chọn ảnh trưng bày và trao giải. Đánh giá của Ban giám khảo sẽ dàn trải, chung nhất và không đặc sắc. Vì vậy, sau mỗi cuộc thi ảnh, chuyện bàn ra tán vào rồi không phục tài năng của các thành viên Ban giám khảo vẫn thường diễn ra. Theo NSNA Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam: “Đề tài các cuộc thi nên đi vào phạm vi hẹp, cụ thể hơn.
Khi đã định hướng cho các tay máy tập trung đi sâu vào một mảng cụ thể, cuộc thi nhiếp ảnh đó hứa hẹn sẽ có được các tác phẩm giàu tính nghệ thuật và ít trùng lặp về mặt thị giác. Đồng thời, Ban giám khảo cũng không phải làm việc vất vả với số lượng ảnh gửi về dự thi. Các lỗi sai sót về kỹ thuật, việc phát hiện ảnh chắp ghép cũng sẽ được phát hiện chính xác hơn. Do vậy, việc đổi mới nhiếp ảnh Việt Nam có lẽ nên bắt đầu từ việc thay đổi cách đặt tên cho các cuộc thi ảnh trong nước.
Ban tổ chức cần biết họ muốn có những bức ảnh như thế nào và xác định một mục tiêu chung nhất cho toàn bộ cuộc thi, để tìm đề tài không trùng lặp. Đã đến lúc, nhiếp ảnh Việt Nam cần có các cuộc thi mang tính chuyên sâu, đi vào phạm vi hẹp nhưng đề cao tính chuyên nghiệp trong tác nghiệp và kỹ thuật xử lý. Độ hấp dẫn từ những cuộc thi như thế không chỉ tạo nên sức hút với khán giả mà còn giúp nâng tầm cho nhiếp ảnh Việt Nam.
Theo Phạm Thu Hương
An Ninh Thủ Đô