Chụp ảnh phong cảnh sáng tạo

Chụp ảnh phong cảnh sáng tạo

Chụp ảnh phong cảnh sáng tạo

Nguồn đề tài cho ảnh phong cảnh thường rất phong phú. Cánh đồng mùa gặt, bãi biển ngày nắng, dòng sông trong xanh… là những đối tượng quen thuộc đối với người cầm máy. Thậm chí, nếu biết cách bố trí góc nhìn và thời điểm chụp hợp lý, bạn có thể biến những cảnh tưởng chừng như thô cứng trong thành phố hay trên một cây cầu trở nên đặc biệt hấp dẫn. Nhiếp ảnh phong cảnh không quá khó và cũng không yêu cầu quá cao về thiết bị nhưng đòi hỏi người chụp tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc bố cục và luôn sáng tạo nhằm đem đến sự mới lạ.

1. Thời điểm chụp hợp lý


Hoàng hôn trên phố Vĩnh Hằng của tác giả Handycam000. Ảnh được chụp bằng máy Canon EOS 40D, ISO 200, tốc độ 1/160 giây, tiêu cự 28 mm, khẩu độ f/9.
Hoàng hôn trên phố Vĩnh Hằng của tác giả Handycam000, đăng trong cuộc thi Khoảnh Khắc hè 2010 do Số Hóa tổ chức. Ảnh được chụp bằng máy Canon EOS 40D, ISO 200, tốc độ 1/160 giây, tiêu cự 28 mm, khẩu độ f/9.


Nhiếp ảnh ngoài trời phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện ánh sáng tự nhiên. Ánh nắng gắt vào tầm trưa giúp đẩy cao màu sắc và độ sáng nhưng có thể khiến ảnh bị xỉn hay nhợt do cân bằng trắng hoạt động kém chính xác. Độ tương phản quá lớn gây bởi ánh sáng mạnh đôi khi cũng khiến việc thể hiện các chi tiết tối trở nên khó khăn. Đối với những tay máy già dặn kinh nghiệm, thời điểm bấm máy lý tưởng trong ngày thường vào khoảng một vài giờ trước hoàng hôn và sau bình minh. Lúc này, ánh nắng chiếu xiên có cường độ không quá lớn và có sắc ấm, giúp tách bạch các vùng sáng và nhấn mạnh chủ thể của ảnh.

2. Làm việc cùng thời tiết


Những áng mây thiên thần của tác giả Sapaimage, đăng trong cuộc thi Khoảnh Khắc Hè 2010 do Số Hóa tổ chức. Ảnh được chụp bằng máy Nikon D90, tốc độ 1/160 giây, ống kính 17-50 mm, khẩu độ f/10.
Những áng mây thiên thần của tác giả Sapaimage, đăng trong cuộc thi Khoảnh Khắc Hè 2010 do Số Hóa tổ chức. Ảnh được chụp bằng máy Nikon D90, tốc độ 1/160 giây, ống kính 17-50 mm, khẩu độ f/10.


Một ngày nắng nhẹ với bầu trời trong xanh là kiểu thời tiết lý tưởng để ra ngoài "bắt hình". Tuy nhiên, những ngày u ám với bầu trời trĩu nặng mây hay thậm chí xảy ra mưa bão cũng là nguồn đề tài rất hấp dẫn nếu bạn biết cách khai thác. Những bức ảnh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt thường lột tả được sự hùng vĩ, mạnh mẽ của tự nhiên hay đôi khi là sự lạnh lẽo, cô quạnh của phong cảnh. Nếu buổi sáng có sương mù, hãy cố gắng dậy từ sớm và tìm những đối tượng có chiều sâu để tác nghiệp như hàng cây, dãy nhà, con đường, khu rừng… Trước khi trời đổ mưa hay có gió bão, bạn nên tìm đến những khu vực cảnh rộng lớn như cánh đồng hoa, dãy núi, một cây cầu dài hay một góc bầu trời ở thành thị… Khi nhiếp ảnh trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, bạn nên lưu ý các biện pháp để bảo vệ bản thân cũng như những thiết bị mang theo.

3. Lưu ý bầu trời


Nắng vàng trên cầu Phú Mỹ của tác giả Taanhtuan. Ảnh được đăng trong cuộc thi Khoảnh Khắc Hè 2010 do Số Hóa tổ chức. Ảnh chụp bằng kỹ thuật HDR, máy Canon EOS 50D, ISO 100, khẩu độ f/8.
Nắng vàng trên cầu Phú Mỹ của tác giả Taanhtuan. Ảnh được đăng trong cuộc thiKhoảnh Khắc Hè 2010 do Số Hóa tổ chức. Ảnh chụp bằng kỹ thuật HDR, máy Canon EOS 50D, ISO 100, khẩu độ f/8.


Những bức ảnh phong cảnh thường chứa một thành phần quan trọng là bầu trời. Nếu chụp trong ngày có mây mù ảm đạm, hãy đặt bầu trời tại khu vực một phần ba phía trên cùng của khung hình và tập trung nhấn mạnh vào tiền cảnh. Nếu bầu trời trong xanh hay vần vũ mây, có thể đặt đường chân trời ở vị trí thấp hơn và tìm cách phối hợp với phong cảnh trên mặt đất để nhấn mạnh ý tưởng.

Có thể tăng cường sắc xanh hay hạn chế độ sáng của các đám mây trên bầu trời bằng cách sử dụng các loại kính lọc như kính lọc phân cực CPL hay kính lọc từng phần GND.

4. Căn chỉnh đường chân trời


Nắng hạ của tác giả kuLuan. Ảnh đăng trong chương trình Khoảnh Khắc Hè 2010 của Số Hóa. Ảnh được chụp bằng máy Canon EOS 5D, ISO 100, tốc độ 1/250 giây, khẩu độ f/8.
Nắng hạ của tác giả kuLuan. Ảnh đăng trong chương trình Khoảnh Khắc Hè 2010 củaSố Hóa. Ảnh được chụp bằng máy Canon EOS 5D, ISO 100, tốc độ 1/250 giây, khẩu độ f/8.


Trong nhiếp ảnh phong cảnh, người chụp luôn phải lưu ý đến bố cục đường chân trời mặc dù vị trí của nó thường ở hậu cảnh. Người chụp nên đặt ra hai câu hỏi trong đầu: Đường chân trời đã thẳng và song song với mép khung hình hay chưa? Đường chân trời nằm ở vị trí nào là hợp lý?
Một kiểu bố cục "cổ điển" trong ảnh phong cảnh là đặt chân trời trùng với đường thẳng một phần ba khung hình (trên hoặc dưới). Hầu hết máy ảnh hiện nay đều cho phép hiển thị các đường kẻ gridlines trên màn hình LCD hoặc viewfinder, do đó, việc căn chỉnh vị trí của đường chân trời được thực hiện khá dễ dàng và nhanh chóng.

5. Bố trí các đường thẳng

Những đường thẳng song song nằm tại tiền cảnh có thể tập trung sự chú ý của người xem vào một điểm ảo nằm xa vô cực. Những đường chéo cắt ngang khung hình lại giúp nhấn mạnh đối tượng nằm ở góc ảnh. Một loạt đường thẳng chạy theo nhiều hướng khác nhau có thể tạo nên các điểm giao cắt phân bố đều, làm mắt rời sự chú ý khỏi vùng trung tâm. Tuy nhiên, nếu số lượng các điểm này quá lớn hay nằm hỗn loạn trong khung hình có thể khiến tác phẩm của bạn trở nên rối và khó hiểu.

6. Tập trung vào tiền cảnh


Điểm đến mùa hè của tác giả Vianiko. Ảnh được đăng trong chương trình Khoảnh Khắc Hè 2010 của Số Hóa. Ảnh được chụp bằng máy Nikon D700, ISO 1.100, phơi sáng 1/500 giây, ống kính Nikkor 24-70mm, f2.8, khẩu độ f/9.
Điểm đến mùa hè của tác giả Vianiko. Ảnh được đăng trong chương trình Khoảnh Khắc Hè 2010 của Số Hóa. Ảnh được chụp bằng máy Nikon D700, ISO 1.100, phơi sáng 1/500 giây, ống kính Nikkor 24-70mm, f2.8, khẩu độ f/9.


Khi đã căn chỉnh xong đường chân trời, người chụp phải tập trung vào thành phần được mô tả chính trên ảnh, đó là tiền cảnh. Hãy cố gắng tìm một điểm nhấn (Focal Point) để tránh sự nhàm chán, đồng đều của cảnh và giúp bức ảnh có nội dung cụ thể.

7. Tối đa độ sâu trường ảnh

Muốn bức hình nét đều từ điểm gần nhất đến xa nhất, phải tối đa độ sâu trường ảnhbằng cách khép sâu khẩu độ và lấy nét vào khoảng vượt tiêu cự. Tất nhiên, trong các trường hợp đặc biệt, một vùng DOF nông cũng có thể làm cho bức ảnh phong cảnh trở nên hấp dẫn. Lưu ý, khép sâu khẩu độ đồng nghĩa với việc ánh sáng đi vào cảm quang ít hơn. Bạn nên điều tiết thời gian phơi sáng và giá trị nhạy sáng ISO hợp lý để tránh chụp phải những bức hình bị rung hay nhiễu. Khẩu độ quá hẹp (từ f/16 trở lên) cũng có thể làm giảm độ nét trên ảnh do hiện tượng nhiễu xạ. Với những bức ảnh phong cảnh thông thường, giá trị khẩu độ lý tưởng nằm trong khoảng f/8 – f/16.

8. Thay đổi góc nhìn

Với những cảnh vốn đã quá quen thuộc như đồng lúa, bờ biển hay dòng sông, những thước chụp không có sự đổi mới trong góc nhìn thường rất nhàm chán và chẳng để lại ấn tượng gì cho người xem. Hãy sáng tạo bằng cách đặt máy ở những vị trí "hiểm" như thấp sát mặt đất hay cao quá đỉnh đầu. Bạn cũng có thể sử dụng ống kính mắt cá hay ghép ảnh panorama để nhấn mạnh sự rộng lớn của khung cảnh và tạo ra cái nhìn mới mẻ cho bức hình.

9. Ghi lại các chuyển động


Đường về của tác giả Dangkhoa. Ảnh được chụp bằng Canon EOS 50D, ISO 100, tốc độ 1/125 giây, khẩu độ f/10. Ảnh trong chương trình Khoảnh Khắc Hè 2010 của Số Hóa.
Đường về của tác giả Dangkhoa. Ảnh được chụp bằng Canon EOS 50D, ISO 100, tốc độ 1/125 giây, khẩu độ f/10. Ảnh trong chương trình Khoảnh Khắc Hè 2010 của Số Hóa.


Khi nhắc tới ảnh phong cảnh, nhiều người thường nghĩ tới những bức hình tĩnh. Bạn có thể tạo ra sự mới mẻ, sinh động cho tác phẩm của mình bằng cách ghi thêm chuyển động vào đó, như dòng xe di chuyển trên đường, các đám mây trôi trên bầu trời hay hàng cây rung rinh trước gió…

10. Đánh giá cao khâu hậu kỳ


Ra đồng của tác giả Biengioi. Ảnh được chụp bằng Nikon D70s, ISO 200, tốc độ 1/60s, ống kính 18-70 mm, khẩu độ f/11. Ảnh đăng trong Khoảnh Khắc Hè 2010 do Số Hóa tổ chức.
Ra đồng của tác giả Biengioi. Ảnh được chụp bằng Nikon D70s, ISO 200, tốc độ 1/60s, ống kính 18-70 mm, khẩu độ f/11. Ảnh đăng trong Khoảnh Khắc Hè 2010 do Số Hóa tổ chức.


Đa số ảnh phong cảnh phải được xử lý sau khi chụp để cắt cúp các phần thừa, tăng độ tương phản, giảm thiểu các vùng quá sáng hay quá tối và đạt được màu sắc ưng ý. Một số dạng khá nặng khâu hậu kỳ như ảnh HDR, ảnh panorama, ảnh ngược sáng Silhouette… đòi hỏi người chụp phải có kiến thức nhất định về kỹ thuật sử dụng máy cũng như các thao tác trên file ảnh RAW. Nhiều nhiếp ảnh gia đánh giá công đoạn này có tầm quan trọng ngang ngửa với việc bấm máy vì quá trình xử lý cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn và óc sáng tạo rất cao.

 
Visited 639 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...