Tìm hiểu về văn hóa “đội” của phụ nữ Chăm qua tác phẩm của ©Inrajaya ( Phú Tuệ Tri )

“Người nữ Chăm gì cũng đội. Đội từ bó củi đời thường cơ cực cho đến đội Cỗ bồng trầu Thông hala trong lễ Rija Nưgar linh thánh, đội từ thúng thóc lúa giống ra đồng cho đến đội Ciêt lễ vật lên tháp. Trong lúc người nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên anh em như Kơho, Êđê, Churu… lấy gùi làm chính, hay người Raglai sống cạnh Chăm, sinh hoạt của người anh em này luôn dính chặt với gùi. Bó củi về nhà hay túm gạo lên núi, hũ muối từ xuôi lên hay trái rừng đi xuống chợ đổi chác, vẫn là gùi.

Khác với cánh đàn ông Chăm luôn sử dụng hai vai lực lưỡng để mà vác. Bao tải nặng tới đâu, cũng vác. Vác rựa lên rừng, các chú nói đi được hai “cái vác”. Đó là nói đàn ông thường dân, chứ giới chức sắc tôn giáo Halau janưng thì tuyệt đối – không. Họ quan niệm Pô dang di dwa guk bira: Thần ngự trên hai vai. Nên, vai không được phép để cho bất kì vật dụng gì đụng đến. Ngay cái cuốc, cái gậy cũng không được đặt lên vai, mà phải xách. Còn người nữ Chăm thì cái gì cũng có thể đội được. Và đội là chính. Cho vật nặng lên đầu có thể gây hại đến xương cổ và thần kinh vùng cổ, như khoa học hiện đại bảo thế, nhưng cái được của nó là tạo dáng thẳng cho người nữ. Thao tác đội của người nữ Chăm nhuyễn đến mức chị em có thể đội lu nước hai mươi lít nhảy qua mương mà không cần nhờ đến bàn tay đỡ lấy cái lu mỏng manh kia.

Ai đang đi kia?
Băng cánh đồng khô chân trần hối hả
Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ
Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao?

Nhớ thuở bé, các bà mẹ Chăm làng gốm Bàu Trúc đội cả “giành” gốm to đùng đi băng qua cánh đồng trưa nắng, mà thương. Hình ảnh quê hương “đẹp” đáng để cho mất đi ấy, nay không còn nữa, nhưng dáng đội ấy cứ mãi ám ảnh tôi không dứt. Ám với tiếng rao vang vào tuổi thơ tôi: Ai… nồi, trách, trã, lu… không… Trên giành gốm chất đầy vun nào lu, trách, trã, nồi… tất tần tật, các mẹ đi vào palei Chăm hay làng Kinh lân cận. Một đổi một. Nghĩa là lu, nồi chứa được bao nhiêu, cứ đổ thóc vào đầy là xong. Không phải mất công trả giá. Có mất thì giờ chăng chỉ là ở tâm sự nỗi niềm với đám con đang chờ “mẹ về”.
Dáng đội đẹp không nên mất đi, và thực tế nó đã không biến mất, ngay trong thời hiện đại, đó là khi người nữ Chăm Bà-ni đội xalao lithei mâm cơm vào Thang mưgik Thánh đường trong đêm thánh lễ Ramưvan. Dưới ánh nến lung linh xưa hay bóng điện sáng trưng nay, từng đoàn cô gái đội mâm lên lễ vật chùa, tiếng í ới gọi nhau với tiếng nói cười nghe rộn suốt các hẻm làng. Mọi lo âu thường nhật biến mất, chỉ còn ánh mắt sắc ngọt với nụ cười vô ưu có mặt.
Nụ cười kia vẫn còn nguyên vẹn – dù ít nhiều đã nhuốm màu ưu tư cho ngày mai bất trắc, khi cô gái trong ngày cuối cùng của Đam likhah Lễ cưới, đội Ciêt bánh trái qua nhà chồng mới cưới. Ciêt bánh trái cũng được đội vào hôm Tak kayau Phạt mộc trong đám tang Chăm Bà-la-môn. Vật dụng đội trên đầu có thể là vật để đựng, như: lu (chứa nước), giành (chất đồ gốm), bao hay thúng, mủng (đựng gạo, thóc,…), Ciêt (bánh trái, thuốc dân tộc), Đôn hala (đựng lễ vật) hay mâm (cơm, bánh trái, đồ cúng tế…). Chị em Chăm cũng có thể đặt chất liệu trực tiếp lên đầu, như tấm ván hay bó củi chẳng hạn. Nếu đáy vật dụng không được phẳng và quá cứng như lu nước, chị em có thể lót khăn để tránh bị nghiêng hay đỡ bị cấn gây đau đầu, còn không căng như thúng gạo, thì miễn. Được tôi luyện và qua nhiều thử thách từ bé, nên chị em rất dẻo dai và có thể nói, rất chuyên nghiệp. Có cần cổ khả năng chịu đựng đến hơn 30 cân thóc. Thúng lớn, thúng nhỡ rồi đến mủng được đặt chồng lên. Khi đã đứng thẳng dậy, thì chuyện đi coi như không vấn đề. Đến lúc mỏi thì nhờ người khác đỡ xuống. Nghỉ xíu, lại tiếp tục lên đường. Ở thế buộc không để vật dụng nghiêng, chị em luôn giữ dáng đi thẳng đứng. Nếu có nghiêng, thì thân mình nghiêng, chứ cần cổ với vật đội thì tuyệt đối không. Dáng đi thẳng đứng tạo thế cân bằng, cho nên rất nhiều người đội nhuyễn đến không cần sử dụng hai bàn tay để nắm vật dụng, cả khi họ bước thật nhanh hay nhảy qua con mương nhỏ.
Thao tác đội trong đời thường và cả trong cuộc lễ cũng đã được các nghệ sĩ Chăm mang vào nghệ thuật, đưa lên sân khấu trình diễn. Các tiết mục Tamia đwa buk Múa đội lu, hay Tamia đwa Thông hala Múa đội cỗ bồng trầu được biết đến nhiều, đều xuất phát từ thực tiễn đời sống kia.
*
* *
Khi chiều xuống, thấy chị Hám xách gàu không về, mẹ la: “Mày hư hại quá”, thì tôi biết ngay chị vừa đánh vỡ lu nước rồi. Chị đã làm vỡ bao nhiêu cái lu, khó mà nhớ nổi. Nhưng qua cách mẹ khoe, cả đời tao còn chưa tiêu hết ba cái, thì tôi biết chị… hư thiệt.
– Dân palei Bàu Trúc thương mày phải biết – Mẹ nhảnh thêm.
Không thương sao được, bởi chị góp phần không nhỏ tạo công ăn việc làm cho các mẹ, các chị. Dẫu sao, không thể trách chị Hám. Thời Ngô tổng thống mà tháng chỉ làm vỡ có mỗi cái lu là ngon quá rồi, chớ sang thời Mỹ về đóng đồn lập huyện Ninh Phước vào cuối những năm 60, khi lu gốm Bàu Trúc được thay thế bởi loạt thùng thiếc tiện nghi, thì đố ai tìm ra trong cánh nữ trẻ Chăm cô nào còn biết đến chuyện đwa buk đội lu đi lấy nước là gì.
Đwa buk đã là cổ tích. Và chỉ còn thoáng hiện trên sân khấu đèn màu lấp lánh đầy tính trình diễn. Cổ tích ở tỉnh lẻ, các thành phố lớn, và cả tận nhà quê, nơi khai sinh ra truyền thống đwa cùng bao nhiêu loại lu với những hoa văn thú vị.”

Bài viết của nhà văn: Inrasara


Đặc biệt cảm ơn sự hợp tác trợ giúp của ekip: Đàng Năng Hạ, Lưu Cẩm Kim Hào, Kieu Minh Hieu.

Visited 180 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...