Đánh giá ống kính Samyang 35mm f/1.4 AS UMC – Trên hệ máy Canon EOS
Ống kính Samyang 35mm f/1.4 AS UMC thực sự là một ống rất tuyệt vời. Hiệu suất hình ảnh đạt mức tuyệt hảo, đi kèm với thiết kế khá tinh tế và chắc chắn. Đây sẽ là sự lựa chọn rất sáng suốt dành cho bạn
(Ảnh : philmug.ph)
Ống kính Samyang luôn mạng lại cho cả người tiêu dùng và người trực tiếp đánh giá một sự thôi thúc : mong muốn được trải nghiệm sản phẩm này. Với mức giá bán khá vừa phải và cấu tạo thân ống khá độc đáo là những thứ đã làm nên điều đặc biệt này. Sản phẩm tiếp theo sẽ được photozone đánh giá ngày hôm nay đó chính là ống kính Samyang 35mm f/1.4 AS UMC, đây là ống kính full frame có góc mở khẩu độ cự lớn, và một khoảng tiêu cự trung bình. Các ống kính Samyang đều là dòng ống kính lấy nét bằng tay, do đó bạn sẽ sử dụng ống kính này với 2 vòng điều chỉnh, một là vòng lấy nét và vòng còn lại là vòng khẩu độ chuyên dụng (với ngàm EOS).
Mức giá bán của ống kính này rơi vào khoảng 400EUR/500US$, được được coi là mức giá chỉ bằng 1/3 so với mức giá của đối thủ chính, Canon. Tính năng floating system được tích hợp trên ống kính này là một điều khá ngạc nhiên, đây là công nghệ có thể điều chỉnh vị trí các element giúp tối ưu hóa hình ảnh một cách tốt nhất. Thông thường bạn chỉ thấy công nghệ này có mặt trên các dòng ống macro và các dòng ống cao cấp khác mà thôi. Ống kính Samyang này được bán trên thị trường với sự hợp tác của các thương hiệu như Bower, Walimex, Vivitar, Opteka và có lẽ là một vài hãng khác.
Ống kính này được làm từ các vật liệu nhựa cao cấp gắn chặt với nhau và liên kết chắc chắn với ngàm ống bằng kim loại, thêm vào đó là một vòng cao su được bao bọc bên ngoài vòng lấy nét. Theo Samyang thì họ đã sử dụng 2 phần tử có độ khúc xạ cao, giúp làm giảm trọng lượng và kích thước đi, nhưng thực sự thì ống kính này vẫn nặng hơn và dài hơn đôi chút so với ống kính Canon EF 35mm f/1.4 USM L và Nikkor AF-S 35mm f/1.4G. Cấu phần tử phía trước ống kính không quay khi bạn điều chỉnh khoảng lấy nét. Chiều dài vật lí của ống kính không thay đổi khi bạn lấy nét. Vòng khẩu độ được vận hành làm 2 bước (2 nấc) khi điều chỉnh từ f/1.4 đến f/2. Một hood lens hình cánh hoa được đi kèm theo ống.
Như đã đề cập ở trên thì ống kính Samyang này không có chế độ lấy nét tự động AF, nên tùy thuộc vào thói quen chụp ảnh của bạn mà nó sẽ xuất hiện điểm hạn chế. Lấy nét bằng tay với các vật thể đang di chuyển là một điều khá khó đối với những ống kính có mức khẩu độ lớn. Chỉ số xác định độ nét, tiêu cự không được hiển thị trên kính ngắm. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng các chỉ số này sẽ được hiện thị trên màn hình live-veiw, nhưng việc lấy nét sẽ bị chậm lại và khó thực hiện tại một số trường hợp nhất định.
Thông số cơ bản.
Cấu tạo | Gồm 12 thấu kính được chia làm 10 nhóm với. 1x thấu kính phi cầu & 2 HR elements |
Số lá khẩu độ | 8 |
Khoảng cách lấy nét ngắn nhất | 0.3 m (max. magnification 1:?) |
Kích thước | 111 x 83 mm |
Trọng lượng | 660 g |
Kích thước kính lọc | 77 mm (non-rotating) |
Hood Lens | petal-shaped lens hood, bayonet mount, supplied |
Chức năng khác | floating system |
Độ méo.
Ống kính Samyang 35mm f/1.4 bị ảnh hưởng bởi hiện tượng méo hình ở mức độ tương đối vừa phải, với ~1,6% thì đây được coi là mức độ an toàn, và không gây quá nhiều ảnh hưởng tại điều kiện thực tế
Model 5D Mark II, ISO 200, Tiêu cự 35mm , Khẩu độ f/1.4 , Màn trập 1/4s
Tối góc (Điểm thiếu sáng ở 4 góc của bức ảnh)
Trên máy ảnh full frame thì ống kính Samyang này bị ảnh hưởng khá lớn bởi hiện tượng tối góc. Lượng tối góc đo được ở mức khẩu độ f/1.4 là 2,2EV, và tại f/2 là 1,65EV. Hiện tượng này đã được kiểm soát khá tốt tại f/2.8 và hoàn toàn biến mất từ f/4 trở đi. Nhìn qua thì đây có vẻ là một điểm yếu của ống kính này, nhưng nếu so sánh với đối thủ chính của nó là ống kính Canon EF 35mm f/1.4 USM L thì điều là hết sức bình thường.
Model 5D Mark II, ISO 200, Tiêu cự 35mm , Khẩu độ f/1.4, Màn trập 1/640s
MTF ( Độ nét – độ phân giải)
Ống kính Samyang này đã làm chúng tôi rất ngạc nhiên khi hiện thị một độ phân giải cực cao trên dòng máy APS-C, và trên full frame thì mức độ này vẫn còn rất tốt. Tại trung tâm hình ảnh, thì chất lượng đạt mức độ khá cao tại f/1.4, tại viền và các góc chất lượng cũng đạt mức khá tốt. Mức độ tương phản tại mức khẩu độ này có phần giảm nhẹ. Chất lượng có phần tăng tại f/2, nhưng nó thực sự ấn tượng tại f/2.8 trở đi. Chất lượng đạt mức cao nhất nằm trong khoảng khẩu độ từ f/4 đến f/8. Hiện tượng nhiễu xạ bắt đầu xuất hiện từ sau f/11 trở đi.
Model 5D Mark II, ISO 200, Tiêu cự 14mm , Khẩu độ f/8.0 , Màn trập 1/200s
Viền tím (CAs)
Hiện tượng viền tím (quang sai màu sắc) được kiểm soát khá tốt trên ống kính này, với mức ảnh hưởng chỉ rơi vào khoảng ~0.6px, điều này thực sự là rất tốt.
Model 5D Mark II, ISO 200, Tiêu cự 35mm , Khẩu độ f/1.4 , Màn trập 1/160
Bokeh.
Chất lượng bokeh là vấn đề được khá nhiều quan tâm trên những ống kính có mức khẩu độ cực lớn. Và ống kính Samyang lại thể hiện mức độ chưa thực sự tốt. Vùng highlights ở ngoài khoảng lấy nét được tái tạo khá tốt, nhưng bên trong thì có phần khá kém. Các điểm highlight này vẫn còn khá tròn cho đến mức khẩu f/2.8 – mặc dù ở rìa và các khu vực góc bị ảnh hưởng bởi hiện tượng “mắt mèo”, thông thường nó bị tác động bởi hiện tượng tối góc. Nền mờ hậu cảnh có phần chưa thực sự tốt, trong khi đó độ mờ ở tiền cảnh lại là khá tốt.
Dải lệch màu Bokeh.
Hiện tượng lệch màu bokeh là một hiện tượng khá phổ biến trên các ống kính có mức khẩu độ lớn. Bạn có thể quan sát thấy màu tím ở phía trước khoảng lấy nét, và màu xanh lá ở khoảng phía sau. Hiện tượng này được giảm bớt đi tại f/2.8 và không thực sự gây ảnh hưởng nữa ở f/4.
Khẩu độ f/1.4 Khẩu độ f/2
Khẩu độ f/2.8 Khẩu độ f/4
Tổng kết – đánh giá chung.
Nhà sản xuất Samyang tiếp tục gây bất ngờ cho mọi người về chất lượng sản phẩm tiếp theo của họ. Ống kính full frame Samyang 35mm f/1.4 AS UMC cung cấp một hiệu suất hình ảnh khá cao tại f/1.4. Mức độ tương phản tại mức khẩu độ có phần chưa được cao cho lắm. Khép khẩu độ lại để cải thiện mức độ tương phản, và chất lượng hình ảnh sẽ rất sắc nét tại các mức khẩu độ trung bình. Đây là một kết quả khá đáng ngạc nhiên, khi nó vượt qua đối thủ của mình là ống kính Canon EF 35mm f/1.4 USM L ở điểm này.
Ngoài ra ống kính bị ảnh hưởng khá cao do hiện tượng tối góc gây ra. Và chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng những mức khẩu độ sau f/2.8 trở đi để thu được kết quả hình ảnh cao nhất. Độ méo hình cũng ở mức khá vừa phải, nó không gây ảnh hưởng nhiều trong điều kiện thực tế. Một điểm yếu nữa của ống kính này đó chính là chất lượng bokeh. Nhưng đây cũng là điểm yếu của các dòng ống kính có cùng mức khẩu độ khác, ví dụ như các dòng ống Canon lớp L.
Chất lượng thiết kế phần thân ống là rất cao, và hoàn hảo. Ống kính này không được thiết kế hoàn toàn từ kim loại, nhưng các vật liệu được sử dụng cũng là các vật liệu cao cấp, do đó chất lượng là hoàn toàn bảo đảm, đặc biệt là vòng lấy nét hoạt động khá mượt mà. Một yếu tố nữa, đó chính là việc thiếu đi chế độ AF, và việc khẩu độ ống kính có phần tách rời khiến chung ta liên tưởng đến một thiết kế khá cổ điển. Màn hình live-view (hoặc hình cắt ở trên kính ngắm) sẽ giúp bạn căn nét một cách chính xác nhất. Bạn nên nhớ rằng, các ống kính của Canon thường có mức giá bán khá cao, vì thế ống kính này được coi là một sự lựa chọn sáng giá cho những ai chưa thực sự có tiềm lực kinh tế.
Theo kenhcongnghe.vn
——————————–
Bài đánh giá khác của dangchuong
“Như chúng ta đã biết, tiêu cự 35mm f2 trong lịch sử nhiếp ảnh là 1 trong những tiêu cự cơ bản cũng với 50mm, 85mm hay 200mm.
Có lẽ trong chúng ta, ít nhiều đều biết đến Henry Cartier Bresson, nhiếp ảnh gia vĩ đại. Cả đời ông chỉ sử dụng duy nhất ống kính 35mm. Cùng với sự ra đời của Decisive Moment (khoảnh khắc quyết định), ống kính tiêu cự 35mm vô tình được coi là ống kính tiêu cự chuẩn cho nhiếp ảnh đường phố và phóng sự”
Quá quen thuộc? Tôi xin trích dẫn nội dung trên từ “Nikkor 35mm f2 – Tuyệt vời và thầm lặng” của bác James Dương.
Nói đến tiêu cự 35mm – hẳn rất nhiều anh chị trong diễn đàn đều đã từng sở hữu/ sử dụng một ống kính tiêu cự 35mm – có thể kể ra: Nikkor 35 f2, Nikkor 35 f1.8, Canon 35 f2, Canon 35 f1.8, Pentax 35mm f2.4, Pentax 35mm f2.8 …
Vẫn thiếu? Đúng! Còn …nhưng thường thì anh em “bình dân” như tôi thường “né” nói ra đó là loạt ống kính tiêu cự 35mm khẩu độ 1.4.
Tại sao? GIÁ … đó là câu trả lời trong 1 nốt nhạc – thông thường khi nói đến khẩu độ 1.4 – đa số các anh chị mê nhiếp ảnh và từng chụp low-light đều dung qua các ống kính tiêu cự 50mm khẩu độ 1.4 như: MF/ AF/ AFs của Nikon, EF của Canon.
Ống kính tiêu cự 50mm khẩu độ 1.4 thường có cấu tạo đơn giản và không sử dụng các thấu kính đắt tiền như LD hay aspherical; trong khi đó, các ống kính 35mm tiêu cự 1.4 thông thường có hơn 10 thấu kính khác nhau
Canon 35mm f1.4 L (11 thấu kính/ 9 nhóm) vs. Canon 50mm f1.4 (7 thấu kính/ 6 nhóm)
Nikon 35mm f.14 G (10 thấu kính/ 7 nhóm) vs. Nikon 50mm f1.4 AFs (8 thấu kính/ 7 nhóm)
Từng sử dụng qua ống kính Nikon AFD 50 f1.8 trên body crop – tôi cảm thấy khá “bức bối” vì góc nhìn hẹp (tương đương 75mm trên body FF) + hình chỉ nét khi khép xuống chừng khẩu 2 đến 2.2 – vì vậy chụp ban đêm với các body ISO yếu khá bất tiện.
Với “mong ước + khát khao” có 1 ống kính góc nhìn rộng hơn, khẩu lớn, nét ở khẩu 1.4 hoặc ít nhất là 1.8, bokeh đẹp … – tôi đã bao đêm “trăn trở” vào Box Mua Bán của VNPhoto – xem tới xem lui, xem lùi lại xem tới – rồi nhìn mà thèm thuồng em Nikkor 35f1.4G – nhưng hỡi ôi, cái giá gần $1,800 làm tôi “tự hiểu” rằng em ấy là 1 giấc mơ xa vời với 1 người chụp hình cho vui như tôi.
Cách đây chừng 1 tháng – sau 1 thời gian lang thang tìm hiểu trên mạng tôi đã “mạnh dạn liều mạng” se duyên cùng Samyang 35mm f1.4 AS UMS với giá chừng $500.
Trên khía cạnh của một người sử dụng – tôi sẽ không đi vào phân tích các đặc tính kỹ thuật mà mạn phép chia sẻ với anh chị trên diễn đàn về ống kính Samyang 35mm f1.4 AS UMS về các khía cạnh sau:
– Ngoại hình & tổng quan về cấu trúc
– Lấy nét
– Độ nét
– Màu sắc & Bokeh
– Viền tím
1.Ngoại hình & tổng quan về cấu trúc:
Với tôi – ngoại hình là một trong những yếu tố quyết định trong việc “lấy hay không lấy”, “yêu hay không yêu” – cảm giác cầm 1 body/ ống kính có build đẹp (tôi không nói là hầm hố mà là đẹp) mang lại cảm giác hứng thú hơn khi chụp ảnh. Nó giống như cảm giác đi xe đẹp, mặc đồ đẹp, đi với người đẹp vậy … ống kính đẹp mình còn được mân mê ôm ấp nữa…
Vì vậy tôi sẽ đi ngược với lẽ thường – chia sẻ cảm giác cầm và vặn em nó trước khi đi vào chi tiết cấu tạo.
Ống kính Samyang 35mm f1.4 có thân ống kính làm bằng nhựa cao cấp, mount bằng kim loại tạo cảm giá chắc chắn. Loại nhựa Samyang sử dụng được sơn nhám tạo cảm giác rất “pro” và chắc chắn.
Ống kính này khá “to con” so với các ống fixed 35mm:
Như vậy xét về “chiều cao” và “cân nặng” thì Samyang 35mm 1.4 AS UMC chỉ thua “đai gia” Carl Zeiss; và Samyang 35mm 1.4 AS UMC có đường kính gắn filter lớn nhất, phù hợp với filter 77mm
Khi khui hộp ống kính Samyang 35mm f1.4, tôi khá bất ngờ vì độ “hoành” của nó.
Xin mượn hình của KenRockwell để minh họa độ “hoành” của Samyang 35mm f1.4 khi so với Nikon 35mm f1.4 AI-s
Trên thân ống vòng zoom làm bằng cao su, cảm giác khi zoom khá mượt – đi dần về phía đuôi ống chúng ta có 1 vòng đỏ thể hiện khẩu độ – ống có khẩu độ từ 1.4 đến 22.
Nói chung cảm giác ban đầu là rất thích.
Ống kính được bán kèm với cap trước + cap sau Samyang + bao nhung (cái này tôi cực thích vì tính tôi xài đồ khá kỹ, có cái túi nhung tôi không sợ em nó trầy xước)
Dung nhan em nó (hood hình hoa sen)
Thấu kính đuôi khá lớn (31mm)
Thấu kính trước lồi ra khá nhiều – tuy nhiên miệng gắn filter cũng lồi ra ngoài tương ứng nên khá yên tâm khi thao tác gắn/ gỡ filter (tuy nhiên lời khuyên là các bác nên gắn filter vì do đường kính trước khá lớn – 77mm và thấu kính lồi nên xác suất trầy xước do va quẹt là cao)
Như vậy: về ngoại hình – ngoại trừ cái vòng đỏ, theo tôi Samyang 35mm f1.4 AS UMC thuộc hàng “chân dài”, mang lại cảm giác “pro”, cầm rất đầm tay…nói chung tạo cảm hứng cho tôi rất nhiều khi chụp ảnh.
Ảnh “chân dài” Samyang 35mm f1.4 AS UMC và “đại gia” D3X mượn trên mạng (tôi chỉ có 1 máy nên không chụp em nó với “đại gia miệt vườn” D2Xs được)
Sau khi ngắm nghía đánh giá ngoại quan thì chúng ta cũng nên tìm hiểu về lý lịch & “bộ đầu lòng” của em nó một chút nhỉ:
• Tên đầy đủ: Samyang 35 f1.4 AS UMC trong đó AS = ASpherical; UMC = Ultra Multi Coated
• Tiêu cự: chắc chắn = 35mm
• Khẩu độ: f1.4 đến f22 (so với f16 của Nikkor 35mm f1.4G và f22 của Canon EF 35mm f1.4L)
• Phù hợp với các máy full-frame & crop: Nikon, Canon, Pentax, Sony
• Khoảng cách lấy nét gần nhất: 0.3m (bằng với Nikkor 35mm f1.4G, Canon EF 35mm f1.4L, Sony 35mm f1.4G)
• Số lượng lá khẩu: 8
• Thấu kính/ nhóm: 12 thấu kính/ 10 nhóm
Xét về thấu kính thì Samyang có cấu trúc phức tạp nhất khi so với Nikkor 35mm f1.4G (10 thấu kính/ 7 nhóm) và Canon EF 35mm f1.4 (11 thấu kính/ 9 nhóm)
Theo Samyang thì với ống kính 35mm f1.4 AS UMC – nhằm nâng cao chất lượng hình ảnh Samyang sử dụng 1 thấu kính Aspherical và 2 thấu kính high-refractive (nếu cần thêm thông tin về: thấu kính Aspherical giúp gì? Thấu kính high refrective giúp gì? … đã có rất nhiều bài viết giải thích, các bác google dùm nhé!)
2.Lấy nét:
WARNING! ĐÂY LÀ ỐNG MF (manual focus) … các bạn phải lấy nét bằng tay và bằng mắt …
Như đề cập ở trên, vòng lấy nét bằng cao su của ống Samyang 35mm f1.4 AS UMC hoạt động khá tốt và cảm giác khi xoay vặn là khá mượt, so với vòng lấy nét của các ống MF của Nikon thì nó khá tương đồng, khoảng cách vặn lấy nét không quá gần cũng không quá xa … nhìn chung là “vừa với dáng em”.
So với ống Nikkor 180mm ED* thì vòng lấy nét xoay nhẹ hơn tuy cảm giác khi quay ngược chiều kim đồng hồ thì có vẻ đi hơi nhanh.
Với các anh chị đã quen xài ống MF thì sẽ không gặp trở ngại nào khi “rê” nét với ống Samyang này cả.
Khi lấy nét em nó có thò thụt không nhỉ?
KHÔNG! Yeah! Đây là ống IF (internal focus) nên khi lấy nét ống sẽ không thò thụt … nói thật là tôi chúa ghét mấy cái ống lấy nét thò thụt …nhìn mất thẩm mỹ và quan trọng hơn là: mất hứng!
3.Độ nét:
Thường thì tôi không thích ngôn ngữ marketing vì nhà sản xuất nào chẳng “ca” sản phẩm của mình – vì vậy, chất lượng hình ảnh từ ống kính này tôi xin chia sẻ bằng hình chụp thực tế ở phía dưới
Test được thực hiện như sau:
– Body: D2Xs
– Lens: Samyang 35mm f1.4 AS UMC
– Body được gắn cố định trên tripod
– WB = Auto WB
– Ảnh cho ra định dạng JPG + RAW
– Không sử dụng Photoshop
– ISO 100
Đầu tiên là độ nét nhé!
Thông thường độ nét của các ống kính bắt đầu đi dần vào “ổn định” ở khẩu chừng 5.6 (tức là có khép khẩu nữa thì độ nét cũng không thay đổi là bao nhiêu) – vì vậy, phía dưới tôi sẽ dùng ảnh ở khẩu 5.6 để làm “chuẩn” so sánh
Lưu ý: ống kính Samyang 35mm f1.4 AS UMC có thể khép khẩu từ thân máy – bạn phải xoay vòng khẩu theo chiều kim đồng hồ đến khẩu 22 – khi đó trên body Nikon bạn có thể khép khẩu theo các nấc – 1.4/ 1.6/ 1.8/ 2/ 2.2/ 2.5/ 2.8/ 3.2/ 3.5/ 4 …
Crop 100% tại điểm lấy nét
Tổng thể từ f1.4 đến f5.6
Tự test với ISO chart “dởm”
Như hình minh họa ở phía trên thì tại 1.4 hình hơi soft, tuy nhiên chỉ cần khép khẩu 1 tí – tại f1.6, Samyang 35mm f1.4 cho hình ảnh sắc nét- tại f1.8 và f.2 thì hình ra quá ổn…
Cái hay ở đây là ống cho phép khép các nấc khẩu 1.6, 2.2 – giúp ích rất nhiều khi bạn chụp low-light
Như chia sẻ ban đầu – tôi rất quan tâm đến độ nét – với những gì có được từ Samyang 35mm f1.4 AS UMC, tôi hoàn toàn hài lòng
4.Màu sắc & Bokeh
Theo cảm nhận của tôi – so với ống kính for như Sigma, Tamron thì Samyang 35mm f.14 có tone màu ngả về màu xanh lá nhiều hơn – tuy nhiên vẫn có thiên hướng ấm hơn ống Tokina
Bokeh – đây là một điểm rất quan trọng khi đánh giá ống kính.
Vài hình chụp để đánh giá bokeh
F1.8
Zoom bokeh
Chụp bokeh ở cây thông Noel ở nhà và zoom
Samyang 35mm f1.4 cho bokeh khá tròn trịa – nếu soi kỹ thì bokeh của ống kính này có các “xoáy” trong bokeh.
Tôi từng sử dụng ống macro để chụp xóa phông – tuy nhiên các ống macro tôi đã sử dụng qua chuyển phông khá gắt mặc dù độ nét rất tốt. Samyang 35mm xóa phông có mượt không? (các bác đánh giá việc xóa phông thôi nhé!)
Như hình phía trên, Samyang 35mm f1.4 xóa phông khá mượt.
Vài hình chụp buổi tối – ko flash
F1.4
F3.2
5.Viền tím:
Nội dung cuối tôi chia sẻ cùng mọi người là viền tím – tôi chụp các khẩu độ khác nhau từ 1.4 đến 3.5 với ISO 100 và AWB
Chụp lúc khoảng 10h30 sáng – nắng gắt – ánh sáng chiếu xiên vào vách kính và hắt thẳng vào ống kính – lấy nét vào phần khung nhôm của vách kính (hình chụp tại các khẩu lớn bị dư sáng do đã để tốc max và ISO tối thiểu nhưng không cân bằng sáng nổi …)
@ f1.4
@ f1.6
@f2.0
Tổng thể:
Tại f1.4 – ống bị viền tím khá rõ – nhưng nếu khép khẩu xuống còn 1.6 hoặc 1.8 thì hiện tượng viền tím rất ít (hình ở trên tôi zoom 100%) – khoảng ở khẩu 2.8 đến 3.2 thì hiện tượng viền tím gần như bị triệt tiêu
Kết luận: với giá chừng $500 – theo tôi đây là một ống kính tốt khi anh chị có nhu cầu một ống wide có độ mở lớn nhưng chưa đủ “xiền” để mua ống Nano hay L
Như trình bày ban đầu – bài viết nhằm mục đích chia sẻ những trải nghiệm của tôi trong khoảng thời gian hơn 1 tháng sử dụng Samyang 35mm f.14 AS UMC – những nội dung trình bày tất nhiên là không bao hàm hết tất cả những nội dung cần tìm hiểu về dòng ống kính này.
Anh chị có thể tìm hiểu thêm về ống kính từ một số đường link như:
http://www.dxomark.com/index.php/Len…4-AS-UMC-Nikon
(Trang này cho Samyang 30 điểm, Nikon 35mm f1.4 G 28 điểm)
http://www.kenrockwell.com/tech/samyang/35mm-f14.htm
“Samyang 35 mm f/1.4 AS UMC – nhiều điều cần khám phá” – những gì tôi chia sẻ chỉ là bắt đầu – mong nhận được chia sẻ của các anh chị trong diễn đàn đã và đang sử dụng ống kính này (đặc biệt với body full frame)
Mức giá SAMYANG 35mm T1.5 VDSLR II
Ngàm | Giá |
Canon EOS | 12.100.000đ |
Nikon F | 12.100.000đ |
Sony E | 12.200.000đ |