Bạn hiểu đúng như thế nào về thể loại ảnh HDR ?
HDR không phải là điều quá mới mẻ trong nhiếp ảnh. Thế nhưng rất nhiều người lại hiểu sai kỹ thuật này khiến bức ảnh nhìn rất “đau mắt”.Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có những bức ảnh HDR đẹp nhất.
HDR là gì?
Một ví dụ về bức ảnh HDR chuẩn và đẹp
HDR là viết tắt của “high dynamic range”. Trong đó “dynamic range” là khoảng sáng chênh lệch tối đa từ vùng tối nhất đến sáng nhất mà máy ảnh của bạn có thể ghi lại được. Tùy vào mỗi máy ảnh mà lại có dải “dynamic range” khác nhau.
Khi chụp phong cảnh, nhất là vào tầm trưa khi mà mặt trời lên trên đỉnh, độ tương phản quá cao khiến máy ảnh của bạn không thể nào chụp lại được cả vùng đất và vùng trời sáng đều nhau. Lúc này, kỹ thuật HDR sẽ giúp bạn có được bức ảnh mà cả 2 vùng đều đủ sáng, không bị cháy và không bị tối quá.
Không có máy ảnh nào có thể chụp được bức ảnh đủ sáng cả 2 vùng trời và đất trong trường hợp này
Ngoài kỹ thuật HDR, ngày nay chúng ta có rất nhiều giải pháp để nhanh chóng giải quyết những tình huống như vừa rồi. Bạn có thể sử dụng bộ lọc GND, bộ lọc này giúp bạn có thể cân bằng độ sáng giữa vùng trời và đất. Tuy nhiên các bộ lọc GND thường có giá khá đắt và có những giới hạn nhất định.
Một bức ảnh HDR “đúng nghĩa” sẽ chứa 32 bit dữ liệu, cho phép chứa 4.3 tỉ shade (đổ bóng) trong mỗi kênh màu. Thông thường file JPEG cho phép bạn cho phép bạn chứa 256 shade trong mỗi kênh màu còn file RAW là từ 4000 tới 16000 shade. Việc sử dụng HDR giúp tất cả các chi tiết trên bức ảnh đều trở nên sắc nét và rõ ràng. Tuy nhiên điều này khiến bức ảnh mất đi tính chân thực và cũng như trường phái “siêu thực” trong hội họa, một số người thích HDR nhưng một số khác thì không. Rất nhiều người hiểu sai kỹ thuật HDR khiến bức ảnh bị nhòe và rất “đau mắt”.
Một bức ảnh HDR chụp sai kỹ thuật. (Ảnh: internet)
Hướng dẫn bạn từng bước chụp và chỉnh sửa ảnh HDR
Để chụp một bức ảnh HDR rất đơn giản và không hề phức tạp. Tất cả những gì bạn cần là chụp một loạt các bức ảnh với độ bù sáng khác nhau để từ vùng tối nhất đủ sáng và chi tiết. Số bức ảnh tùy thuộc vào tình huống mà bạn chụp, thông thường bạn chỉ cần chụp từ 3 đến 5 tấm.
Bước 1: Hãy giữ máy ảnh của mình thật chắc chắn
Khi chụp HDR, bạn nên sử dụng kèm với chân máy để cố định khung hình của mình. Vì bạn một loạt các hình ở độ bù sáng khác nhau nên khung hình trên các bức hình cần giống hệt nhau. Tất nhiên bạn hoàn toàn có thể crop lại và chỉnh sửa thêm trong Photoshop nhưng cách này có thể vô tình làm hỏng bố cục mà bạn đã cố gắng sắp đặt. Ngoài ra bạn cũng nên sử dụng thêm dây bấm mềm hoặc remote để tay không chạm vào máy ảnh khiến khung hình bị lệch đi.
Bước 2: Cài đặt cho máy ảnh
Khi chụp HDR, khẩu độ của bạn sẽ cần giữ nguyên trên tất cả các bức hình. Nếu độ sâu trường ảnh khác nhau, bạn sẽ gặp khó khăn khi lồng các bức hình lại với nhau. Để không vô tình làm thay đổi khẩu độ, bạn có thể đưa máy về chế độ A. Bạn nên để khép khẩu xuống f/11. Và cũng không nên khép khẩu sâu hơn để tránh hiện tượng nhiễu xạ.
Bước 3: cần chụp bao nhiêu bức hình?
Trong phần trường hợp, bạn chỉ cần chụp từ 3 đến 5 bức ảnh và tăng giảm 1 hay 2 stop với mỗi bức hình là đủ để tạo một bức ảnh HDR. Một số trường hợp khi mà vùng sáng chênh lệch quá lớn, bạn sẽ cần chụp tới 7 bức hình. Phần lớn phần mềm dùng để tạo ảnh HDR hiện nay đều hỗ trợ định dạng RAW, vì vậy bạn hãy chụp ảnh ở dạng RAW để bức ảnh có chất lượng tốt nhất.
Bước 4: Sử dụng chế độ Auto Bracket
Chế độ Auto Bracket trên máy ảnh sẽ giúp máy tự tính toán và điều chỉnh mức độ bù sáng trong mỗi chuỗi ảnh bạn chụp. Bạn có thể tùy chọn số bức ảnh mà muốn máy tự động chụp và lựa chọn mức độ bù sáng khác nhau giữa mỗi bức hình. Có thể là 1EV, 2EV và thậm chí là 3EV.
Bước 5: Sử dụng chế độ Continous
Bây giờ hãy chuyển máy ảnh của mình sang chế độ Continuous. Nếu máy ảnh của bạn cho phép bạn chọn tốc độ trong chế độ này, hãy chọn để chụp nhanh nhất có thể. Điều này sẽ giúp bức ảnh của bạn chỉnh sửa dễ dàng hơn do sự di chuyển của mây và cây ở trong khung hình.
Bước 6: Kiểm tra các bức hình vừa chụp
Bây giờ hãy dùng một lúc để kiểm tra các bức hình mà bạn vừa chụp. Bạn phải đảm bảo cho tất cả các bức ảnh đã đủ sáng từ vùng tối nhất như mặt đất đến vùng sáng nhất là bầu trời. Sử dụng Histogram sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm tra.
Bước 7: Hoàn thiện bức ảnh
Có rất nhiều phần mềm cả trả phí và miễn phí giúp bạn hoàn thiện bức ảnh HDR của mình. Trong hình bên dưới là phần mềm HDR Efex Pro 2 được cài đặt dưới dạng Plug in trong Photoshop. Các bạn chỉ cần chọn các hình mà mình muốn lồng vào nhau trong Adobe Bridge rồi vào Tool > Nik Software > Merge to HDR Efex Pro là ứng dụng sẽ tự động mở ra dưới một cửa sổ mới. Tại đây bạn có thể tùy chình độ sáng, màu sắc hiệu ứng cho bức ảnh của mình. Các bạn không nên chỉnh quá mức độ mạnh các đường viền của chủ thể khiến bức ảnh của mình mất đi vẻ đẹp tự nhiên và khiến người xem rất “đau mắt”.
Nếu không muốn sử dụng phần mềm bạn hoàn toàn có thể sử dụng công cụ Mask trong Photoshop để tự lồng các bức hình của mình cũng rất hiệu quả.
Nguồn: Digital Camera World / theo nscreen.vn