Bài học về chụp ảnh của Raghubir Singh – ta phải là một phần của bức ảnh
Raghubir Singh sinh năm 1942 tại Jaipur trong gia đình thuộc dòng dõi quý tộc Rajput. Thời còn đi học, ông phát hiện ra quyển Beautiful Jaipur – một quyển sách ảnh của Cartier Bressonxuất bản năm 1948. Ít ai biết đến cuốn sách ảnh này của Bresson, nhưng chính nó đã khơi dậy niềm đam mê nhiếp ảnh trong Raghubir.
Ban đầu Raghubir chuyển đến sống ở Calcutta để kinh doanh trà, theo gót ông anh cả. Nhưng bản tính hơi khác so với đại gia đình quý tộc nên Raghubir kinh doanh không thành. Khi thất bại rồi, ông quyết định theo nghề nhiếp ảnh mình yêu thích. Sau một thập kỷ chu du dọc sông Hằng, Raghubir xuất bản tập sách ảnh đầu tiên có tên Ganges vào năm 1974. Mặc dù những tác phẩm ban đầu của Raghubir lấy cảm hứng từ ảnh chụp Ấn Độ đen trắng của Henri Cartier-Bresson, nhưng Raghubir lại chọn chụp ảnh màu – vốn phù hợp hơn để ghi lại màu sắc rực rỡ tại Ấn.
Một tác phẩm của Raghubir trong bộ “Ganges” (sông Hằng)
Raghubir Singh tin rằng để khắc họa nên câu chuyện đầy mê hoặc về cuộc sống con người hay thế giới xung quanh, điều cần có chẳng phải là kĩ thuật lẫn sự thử nghiệm, mà là ảnh “thực”, chụp ngay tầm mắt, càng giống với những gì ông thấy càng tốt. Raghubir thích ống kính cỡ 35 mm 50mm và 85mm hơn là loại 150mm. Ông cũng thích ảnh màu. Chủ yếu vì ông yêu đất nước mình và Ấn Độ luôn tràn đầy sắc màu.
“Chợ Crawford”, Mumbai, Raghubir
Tôi gặp Raghubir Singh lần đầu vào năm 1987 tại Calcutta. Thời đó tôi là một tay nhiếp ảnh non nớt nhưng ấp ủ lắm ý tưởng táo bạo – tôi muốn xuất bản một cuốn sách ảnh về Sikkim (tỉnh nhỏ phía Tây Bắc Ấn Độ)! Tôi đã chụp ảnh ở Sikkim trong khoảng một năm. Vốn là fan hâm mộ Raghubir Singh từ lâu, tôi đặc biệt thích sách ảnh của ông về sông Hằng, và sau đó là bộ ảnh về Calcutta.
“Tượng Subhas Chandra Bose”, Calcutta, Raghubir
Sau nhiều khó khăn tôi đã sắp xếp được một buổi hẹn gặp Raghubir tại tư gia ở Calcutta của nhà sử học RP Gupta – người đã viết lời mở đầu cho quyển sách ảnh đầu tiên của Raghubir về thành phố này. Tôi quyết định mang theo máy chiếu slide cùng 30 đến 40 bức ảnh đẹp nhất mà tôi chụp.
Purnima Dutta – em dâu của RP – đã giới thiệu tôi cho Raghubir. Lúc bắt tay, ông nhìn tôi qua cặp kính viền đen dày với vẻ mặt khá nghiêm nghị. Tôi hoay hoay lắp đặt máy chiếu. Thời gian ngắm slide ảnh kéo dài khoảng 10 phút. Xong xuôi, tôi nhìn Raghubir và cười ngố. Ông ấy đáp lại bằng ánh nhìn sắt lạnh rồi nói: “Ảnh của cậu còn thô quá”. Một vài phút sau ông tiếp lời: “Hãy đến gặp tôi tại khách sạn vào tuần sau”.
Tôi đến khách sạn Kenilworth trước giờ hẹn. Một vài giây sau khi đồng hồ điểm 7 giờ, tôi gọi lên phòng ông ấy và một giọng nói cộc cằn bảo tôi đi lên.
Raghubir rải ảnh của tôi đầy trên giường và ngồi nhìn. Ông gật đầu với tôi, chẳng nói chẳng rằng, liên tục xem ảnh. Tôi nhận ra ông đang loại bỏ tất cả những bức chụp với tốc độ rất nhanh. Trong gần trăm tấm ông chỉ chọn khoảng hai hay ba tấm. Raghubir vẫy tay bảo tôi ngồi xuống ghế.
Ông đột ngột bắt đầu cuộc trò chuyện: “Hình dáng, họa tiết và chất liệu”, ông nói. “Đừng bao giờ quên những thứ này, không thì cậu sẽ chẳng bao giờ trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi cả”. Ông nhìn xuống chồng ảnh bị loại. “ Nếu cậu nhìn vào những ảnh này câu sẽ thấy rằng chúng thiếu ít nhất một trong số những tiêu chí trên”.
Tôi hỏi ông dùng máy ảnh gì. Ông chỉ một chiếc máy Nikon nhỏ, loại FA và một ống kính 35mm có tiêu cự cố định. “Tôi đã tối giản lại bộ đồ nghề xuống còn một máy và một ống kính. Nếu ống kính ấy không thể chụp cảnh nào đó ra hồn thì tôi không chụp. Hầu hết những lúc đi trên các con phố Calcutta, tôi chụp ảnh mà chẳng ai nhận ra tôi đang chụp cả. Ta cần phải trở thành một phần của bức ảnh hơn là chụp với tư cách của một người ngoài cuộc nhìn vào”.
Câu nói của Robert Capa – nhiếp ảnh gia chiến tranh vĩ đại – vang lên trong tâm trí tôi: “Nếu ảnh của bạn chưa tốt, thì có nghĩa bạn đứng chưa đủ gần”.
“Tài xế taxi và người đi đường cãi nhau”, đường Chitpur, Calcutta, Raghubir
Tôi không bao giờ gặp lại Raghubir lần nữa. Quyển sách ảnh thứ hai về Calcutta của ông được đón nhận nồng nhiệt, theo sau là những tác phẩm về Bombay, tuyến đường Grand Trunk và bất ngờ nhất là bức ảnh chụp chiếc xe Ambassador – một tác phẩm đã đi vào lịch sử. Vào tháng 4. 1999, tôi đã rất sốc khi hay tin Raghubir vừa qua đời đột ngột sau cơn đau tim nghiêm trọng tại New York. Khi mất, ông chỉ mới 56 tuổi.
“Người hành hương và chiếc xe Ambassador”, 1997
Một số những tác phẩm đầy màu sắc khác của Raghubir:
“Đấu giá cổ phiếu bên ngoài sở giao dịch chứng khoán ở Calcutta”
“Đường Grand Trunk”, Durgarpur, Tây Bengal
“Tiệm bán gương”
“Sau một tai nạn”, đường Grand Trunk, 1991
“Người đi đường”, Mumbai
“Người bán rong và khách hàng”, thị trấn Bundi, Rajasthan
Nguồn Soi.today