Tìm hiểu về các loại file ảnh và định dạng của chúng

Tìm hiểu về các loại file ảnh và định dạng của chúng

Sau khi thực hiện chụp các bức hình, những dữ liệu ảnh sẽ được lưu trên thẻ nhớ của máy ảnh, điều mà nhiều người băn khoăn là nên chọn định dạng nào để có thể lưu trữ nhiều ảnh trên thẻ hay ổ cứng máy tính? Tuy nhiên vấn đề này lại liên quan rất nhiều đến chất lượng hình ảnh. Về cơ bản các định dạng tập tin hình ảnh khác nhau ở điểm có bao nhiêu thông tin hình ảnh (bao gồm các siêu dữ liệu) được lưu trữ trong mỗi tập tin.

Nén file

Với những tập tin Media như hình ảnh, nén file là việc không thể thiếu giúp chia sẻ dữ liệu dễ dàng hơn. Có hai cách cơ bản trong nén file là lossless và lossy.

Một thuật toán nén lossless không loại bỏ bất cứ thông tin nào từ tập tin. Đây là cách hiệu quả để thực hiện với một hình ảnh mà không làm giảm chất lượng ban đầu của nó.

Ngược lại, một thuật toán nén lossy sẽ làm giảm kích thước tập tin bằng cách ảnh hưởng đến một mức độ nhất định về chất lượng hình ảnh. Hiện tại có 3 định dạng tập tin hình ảnh phổ biến là JPEG, TIFF và RAW.

1. JPEG

JPEG (viết tắt của Joint Photographic EXpert Group) là hình thức lưu trữ hình ảnh kỹ thuật số phổ biến nhất. Khi chụp và sử dụng định dạng JPEG bạn có thể lưu trữ được nhiều hình ảnh trên thẻ nhớ của bạn và cũng sẽ nhanh hơn (trong việc lưu ảnh vào máy ảnh và thao tác hình ảnh sau này).

Tuy nhiên, JPEG có lẽ là tồi tệ nhất trong ba định dạng file thông dụng hiện nay bởi các thuật toán nén được sử dụng để lưu hình ảnh không quan tâm đến thông tin hình ảnh quá nhiều khiến cho không thể tái tạo lại trạng thái ban đầu của hình ảnh sau quá trình giải nén.

Hình ảnh JPEG gốc với hệ số nén 5. Kích thước: 48 KB.  

JPEG thường chỉ chiếm khoảng 1/10 dung lượng so với dữ liệu gốc. Bạn có thể điều chỉnh mức độ nén, để kiểm soát chất lượng hình ảnh và kích thước tập tin. Nén JPEG sẽ khiến hình ảnh bị giảm đi rất nhiều về chất lượng, cho dù đặt mức độ nén tốt tốt nhất thì hình ảnh vẫn cứ bị thay đổi, mỗi lần lưu, quá trình nén dữ liệu sẽ lại càng khiến cho chất lượng tiếp tục giảm xuống.

Cùng một hình ảnh với hệ số nén 60. Kích thước: 5 KB.

JPEG là định dạng rất phổ biến trên hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số, vì JPEG có dung lượng nhỏ, nhanh gọn.Tuy nhiên bạn hãy nhớ định dạng này chỉ thích hợp lưu nhiều ảnh trong bộ nhớ có hạn chứ ko tối ưu để chỉnh sửa hình ảnh.

2. TIFF

TIFF (viết tắt của Tagged IMage File Format ) được coi là định dạng file chuẩn dành cho chụp ảnh, bởi vì nó là một định dạng rất linh hoạt sử dụng một thuật toán nén lossless, nên không bị giảm chất lượng trong quá trình nén, rất hữu ích trong việc lưu trữ hình ảnh.

Không giống như định dạng JPEG, một tập tin TIFF có thể được chỉnh sửa và lưu lại mà không bị giảm chất lượng hình ảnh. Ngoài ra, khi sử dụng một bộ công cụ xử lý hình ảnh của bên thứ ba như Adobe Photoshop, bạn có quyền tác động vào các lớp riêng biệt của một hình ảnh chỉnh sửa và lưu lại, vì vậy bạn có thể xem lại chúng khi cần thiết.

Có hai loại cấu hình TIFF là 16-bit và 8-bit; 16-bit cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn để thao tác hình ảnh cuối cùng trong phòng tối kỹ thuật số (tức là thay đổi độ bão hòa, sự cân bằng màu sắc, thay đổi độ sáng và độ tương phản, v.v), 8-bit (tốt cho việc lưu trữ và in ấn), mà vẫn giữ tất cả các “công việc” mà bạn đã thực hiện trên các bức ảnh (các layer), nhưng tiết kiệm hơn nhờ kích thước tương đối nhỏ.

Một điểm cần chú ý về TIFF là do định dạng này lưu trữ toàn bộ thông tin các điểm ảnh trong dữ liệu nén chung của bức ảnh nên có kích thước quá lớn, những người dùng máy ảnh số tầm trung và phổ thông sẽ không lựa chọn bởi dung lượng thẻ nhớ không hỗ trợ nổi TIFF. File TIFF sẽ là lựa chọn dành cho những ai quan tâm đến chất lượng hình ảnh.

3. RAW

RAW về cơ bản chỉ là những hình ảnh thô, chưa qua chế biến. Cũng giống như với phim âm bản, file RAW cần phải được “xử lý” sang một định dạng có thể xem được (thường là TIFF hoặc JPEG). Những dữ liệu “thô” mà File RAW chứa là  toàn bộ thông tin về ảnh mà ống kính và máy có thể thu nhận được. Những xử lý tín hiệu như cân bằng trắng, thay đổi độ tương phản, tăng độ nét hay cân bằng màu…đều sẽ được thực hiện trên máy tính sau.

Ảnh RAW khi mới được chụp

ẢNh RAW sau khi được xử lý

Nếu so với TIFF, định dạng RAW cho chất lượng ảnh cao hơn vì như đã nói ở phần trên nó có thể chuyển tải được toàn bộ thông tin về hình ảnh đồng thời chiếm ít dung lượng hơn do vấn đề nội suy màu. Vì vậy RAW là định dạng tốt nhất cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trong việc xử lý ảnh sau chụp.

Nhược điểm của RAW chính là không được chuẩn hóa, mỗi nhà sản xuất máy ảnh lại cho ra một loại RAW khác nhau, gây phiền phức cho người sử dụng. Ngoài ra, mặc dù nhẹ hơn TIFF nhưng một file ảnh RAW vẫn có dung lượng rất lớn.

Kết luận

Thông qua những vấn đề đã được giới thiệu trên đây bạn đã chọn cho mình được định dạng ảnh để sử dụng phù hợp? Quyết định lựa chọn dựa trên những mong muốn và nhu cầu chụp ảnh của bạn. Trong khi JPEG là một trong những định dạng tập tin được sử dụng rộng rãi nhất cho phép bạn lưu một hình ảnh với dung dượng nhỏ và chất lượng ổn, TIFF và RAW mặc dù có kích thước lớn hơn nhưng lại giúp duy trì chất lượng hình ảnh cực tốt, được ưa thích bởi hầu hết các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Một lời khuyên dành cho bạn khi chụp đó là tùy từng loại máy mà bạn nên chụp ảnh với định dạng JPEG ở độ nén với chất lượng cao nhất (fine hoặc superfine) sẽ giúp máy chụp nhanh và ít tốn bộ nhớ hơn. Trước khi chỉnh sửa hình ảnh, bạn nên chuyển file sang TIFF bằng Photoshop để có thể thoải mái thay đổi, sửa chữa mà không lo bị hao hụt điểm ảnh, chỉ khi không can thiệp vào ảnh nữa mới chuyển về JPEG.

Van.vn (Nguồn: Tổng hợp, exposureguide)

Visited 928 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...