6 điều bạn chưa biết về khẩu độ trong nhiếp ảnh

Hôm nay tôi sẽ nói về một trong những điều cơ bản nhất khi chúng ta đến với Nhiếp ảnh, đó chính là Khẩu độ. Nói đơn giản thì nó chỉ là kích cỡ của một cái lỗ trong ống kính, để ánh sáng đi qua, kiểm soát độ sâu trường ảnh. Đơn giản là thế nhưng càng chụp lâu, bạn sẽ càng nhận ra rằng mọi thể loại nhiếp ảnh, mọi trường hợp đều chỉ xoay quanh 3 yếu tố giản đơn nhất: khẩu độ, tốc độ chụp và ISO. Và việc làm chủ được khẩu độ trong mọi tình huống chắc chắn sẽ là một trong những điều khó nhất và cần phải được trui rèn qua năm tháng.

 

Khẩu độ lớn thì tạo ra một độ sâu trường ảnh nông, làm phông xóa mờ nhiều. Trong khi với khẩu độ nhỏ thì trường ảnh lại sâu và nét nhiều chi tiết hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có một vài điều cơ bản khác mà bạn nên biết về cái lỗ tròn nhỏ được tạo bởi những lá thép này. Sau đây là một vài trong số đó:

 

1. Gấp đôi và giảm nửa

Khi nói đến khẩu độ thì người ta hay liên hệ nó với thuật ngữ gọi là Stops*.  Mở khẩu ra một stop hay 1EV( đơn vị phơi sáng) thì cũng có nghĩa là gấp đôi lượng sáng đi qua những lá khẩu, trong khi giảm đi một stop thì giảm một nửa lượng ánh sáng đi vào.

 

Tuy nhiên, ở các máy ảnh hiện đại ngày nay, bạn thường sẽ thấy mặc định cho phép điều chỉnh theo từng 1/3 stop, điều này có thể làm cho các người mới chơi có chút băn khoăn. Nhưng cũng không cần phải lo lắng nhiều đâu, nếu bạn muốn thì hoàn toàn có thể điều chỉnh lại giá trị này thành 1/2 hoặc 1 stop trong phần custom function.

 

Sau đây là các bước khẩu độ được tính là một stop: f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11, f/16, f/22 và f/32.

 

Vậy những khẩu độ kiểu như f/3.5, f/5.6 thì đóng vai trò thế nào trong chuỗi khẩu độ này?

Câu trả lời là các khẩu độ này thực chất chính là các phân số trong một stop.

 

Ví dụ:  f/3.5 có thể hiểu là f/2.8 + 2/3 stop. Còn f/5.6 là f/4 + 1/3 stop.

 

Việc hiểu được đến những 1/3 stop hoặc 2/3 stop thế kia thì đòi hỏi bạn nghiên cứu đào sâu và có nhiều trải nghiệm hơn nữa. Nhưng nếu bạn dần dà hiểu được cái gọi là “Nhân đôi và giảm nửa” kia thôi thì cũng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc ứng biến các tình huống khác nhau.

 

 

Lấy ví dụ nhé: Nếu giữ nguyên tốc độ chụp, thì nếu bạn mở khẩu từ f/8 lên f/5.6 thì sẽ có tác dụng như là bạn đẩy ISO từ 100 lên 200, độ sáng 2 bức ảnh sẽ giống hệt nhau. Đơn giản vì cả 2 cách làm này đều tăng sáng lên 1 stop.

 

Một ví dụ khác, nếu giữ nguyên ISO, thì việc mở khẩu từ f/8 lên f/5.6 cũng sẽ cho hiệu quả ánh sáng như ta giảm tốc độ chụp chậm đi từ 1/125s xuống 1/60s. Một lần nữa, 1 stop là điều đang được nói đến.

 

 

2. Số F

Đây là một trong những điều làm các người mới chơi hay bị nhầm lẫn. Chúng ta cứ lẩm nhẩm: Số F to thì thật ra là khẩu khép nhỏ và số F nhỏ thì là khẩu mở to. Cách này tuy hơi máy móc nhưng nếu nhớ được một thời gian thì sẽ quen. Tuy nhiên có một cách khác sẽ giúp bạn hiểu sâu vấn đề hơn và nhớ lâu hơn.

 

 

Có bao giờ bạn có suy nghĩ thoáng qua thắc mắc là chữ F (trong F/11 chả hạn) nó có ý nghĩa gì không?  Nếu có (hoặc kể cả là không) thì đây là câu trả lời cho câu hỏi bạn đôi lần đang băn khoăn:

 

F là viết tắt của Focal Length hay được dịch ra là Tiêu cự. Vậy tiêu cự quyết định điều gì trong việc khẩu mở to hay mở nhỏ? Thực ra đơn giản thôi, ví dụ chúng ta có khẩu 11 được viết là f/11 và khẩu 2.8 được viết là f/2.8, vậy bây giờ ta sẽ thay chữ f bằng tiêu cự của một ống kính, lấy ống macro 100mm làm ví dụ nhé thì nó sẽ thành:

 

F/11 ? F/2.8  sau khi thay F thì thành: 100/11 ?  100/2.8

 

Và phép chia này quá đơn giản, với khẩu 11 ta lấy 100/11 = 9,09mm tức là ta có một khẩu độ có đường kính là 9,09mm trong khi 100/2.8 = 35,7mm. Chắc chắn là với một cái lỗ nhỏ với đường kính chỉ có 9,09mm thì không thể cho nhiều ánh sáng vào hơn một cái lỗ có đường kính lên tới 35mm được. Khoa học đã chứng minh!

 

Đấy là với cùng một tiêu cự thì quá đơn giản, tuy nhiên điều thú vị lại đến từ việc nếu tiêu cự thay đổi mà cùng khẩu độ thì hiệu quả bức ảnh thế nào?

 

Ta vẫn lấy ví dụ là ống kính 100mm với f/11 và một ống kính 50mm cũng f/11. Nếu hiểu theo cách chúng ta vừa tính xong thì chắc chắn ống 100mm sẽ cho ánh sáng vào nhiều hơn vì: 100/11 > 50/11. Tuy nhiên kết quả thực sự lại không chỉ đơn giản như vậy, 2 bức ảnh với thông số như trên cuối cùng lại cho ra ánh sáng gần như là giống nhau. Vậy lí do là ở đâu?

 

Với một ống kính 100mm thì khi khép khẩu thật sâu là f/11 thì lượng ánh sáng đi qua khẩu độ này với độ dài tiêu cự 100mm cũng bị tiêu hao đi là gấp đôi so với 50mm. Vì thế độ sáng 2 bức ảnh mới gần như là súyt soát giống nhau.

 

 

3. Sự nhiễu xạ ánh sáng

Khi ta khép những lá khẩu lại để tạo ra những bức ảnh có độ sâu trường ảnh lớn hơn, nó đồng thời cũng tạo ra những tác động của sự nhiễu xa ánh sáng và sẽ làm bức ảnh của chúng ta bị mềm (soften) đi.

 

Sự nhiễu xạ ánh sáng này thực chất là sự bẻ cong các luồng sáng khi chúng đi qua những cạnh của lá khẩu. Những luồng sáng bị bẻ cong này sẽ không tiếp xúc được với bề mặt của cảm biến, do đó tạo nên những bức ảnh bị mềm đi.

 

 

Có thể hiểu là khi khẩu độ càng nhỏ thì càng ít ánh sáng vào được và càng nhiều luồng sáng bị bẻ cong hơn.

 

Chốt lại, Khuyến khích không nên khép vào khẩu độ nhỏ nhất của ống kính vì nó sẽ cho ta những bức ảnh bị mềm đi và làm hỏng mất phần nào ý đồ định làm ảnh có vùng nét nhiều chi tiêt hơn khi khép khẩu sâu.

 

Ví dụ: Thông thường ống kính Canon có khẩu bé nhất là f/22 thì nên chụp ở f/16 hoặc f/11 thôi.

 

 

4. Khẩu độ tối ưu

Đa phần các lens đều không thể đạt được độ sắc nét (sharpness) nhất ở khẩu lớn nhất, và điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải khép khẩu lại một chút. Ví dụ: Ống kính 50mm f/1.8 thì không nên chụp ở f/1.8 mà nên khép xuống f/2.2 hoặc f/2.5.

 

Độ nét sẽ tăng dần khi chúng ta khép khẩu độ, cho đến khi xuất hiện sự nhiễu xạ được nhắc đến ởphần 3 phía trên. Và ở đâu đó giữa cái khoảng chưa-nét-nhất-vì-mở-khẩu-to-nhất với sự xuất hiện của nhiễu xạ kia, chính là khẩu nét nhất của ống kính.

 

 

Cách để phát hiện được khẩu sắc nét nhất trên ống kính thì chỉ có một cách là thử nghiệm với từng khẩu để trải nghiệm và soi xét. Hãy thử đặt máy lên một tripod rồi thay đổi đừng khẩu độ theo từng cú bấm để xem xem đâu là khẩu tốt nhất, đâu là khẩu đã xuất hiện sự nhiễu xạ ánh sáng.

 

P/S: Thật ra với một số lens cao cấp, Canon cho ta một phương pháp nhận biết đâu là khẩu đẹp nhất. Hãy nhìn trên lens 85mm f/1.2 II này, ở số 8 ở phần khẩu độ có một dấu chấm đỏ, đó chính là khẩu đẹp nhất của ống kính này: F/8. Đây là một chia sẻ của đạo diễn trẻ đầy tài năng, anh Triệu Quang Huy của Film Ninja Production, cảm ơn anh rất nhiều vì chia sẻ quý giá này.

 

 

 

 

 

P/S 2: Nói về lens 85mm f/1.2 II kia có vẻ xa vời và ảo mộng vì giá của chiếc ống kính này quá cao, tuy nhiên với lens 50mm f/1.8, tôi cũng có một lời khuyên nho nhỏ: Trừ trường hợp bị qua thiếu sáng, còn lại thì nên chụp với khẩu 2.8 hoặc f/3.2, ảnh cũng có độ sắc nét rất tốt và vẫn có thể xóa phông đẹp.

 

 

5. Số lá khẩu và hiệu ứng Bokeh

Bokeh là một từ gốc Nhật, được dùng để gọi các phần ngoài vùng lấy nét của chúng ta (out of focus area), đặc biệt là các tình huống có các đốm sáng trong ảnh.

 

Ngày nay rất nhiều người nói về bokeh và muốn chụp bokeh đẹp, vậy thế nào là một bokeh đẹp?

 

Thông thường thì một bokeh đẹp sẽ cho ta những đốm sáng (highlight) tạo thành những hình gần giống hình tròn thay vì tạo ra các hình có các cạnh thẳng. Ví dụ nhứng đốm sáng hình gần tròn thì sẽ đẹp hơn một hình bát giác. Những cạnh của những đốm sáng này thì nên trông mềm và không bị lóa sáng, hoặc quá cứng. Các photographer/cinematographer thường tả một hậu cảnh với bokeh đẹp như trên là một khung cảnh trông có vẻ “creamy”**

 

 

Đó là nói về hình dạng của bokeh, vậy điều gì quyết định hình dạng đó?

 

Chính là số lá khẩu và các thấu kính trên ống kính của bạn. Thông thường thì một ống kính có 9 lá khẩu sẽ cho ra bokeh đẹp hơn vì nó có nhiều cạnh nên gần giống hình tròn nhất. (Hình tròn thật ra là một hình đa giác, càng nhiều cạnh thì sẽ càng tròn)

 

 

6. Khẩu độ và việc lấy nét tự động

Ngoài những dòng máy siêu khủng ( 5D Mark II hoặc 1D-X) thì các mẫu máy ảnh bây giờ đều yêu cầu có khẩu độ lớn hơn f/5.6 để lấy nét tự động một cách hoàn hảo.

 

Thật ra không phải là không thể lấy nét ở các khẩu nhỏ hơn f/5.6, vì các máy ảnh bây giờ khá thông minh, máy hoàn toàn có thể lấy tự động mở khẩu rộng ra để đo sáng, lấy nét, sau đó khép lại và chụp. Lấy ví dụ bạn cắm ống kính 70-200 f/4 và để khẩu f/11 thì việc tự động lấy nét vẫn hoạt động rất “ngon”.

 

Tuy nhiên nếu bạn cắm thêm một cái 2X converter nhân đôi tiêu cự của ống kính đó lên 140-400mm thì khẩu độ hiệu quả của ống kính đó sẽ bị giảm xuống thành f/8 và đa phần các mẫu máy ảnh sẽ không thể lấy nét ở khẩu nhỏ hơn. Ngay cả những mẫu máy cao cấp tình huống khẩu nhỏ hơn cũng chỉ có thể lấy nét ở điểm trung tâm và bó tay ở những điểm ở các góc.

 

Việc mở khẩu độ ra lớn hơn đồng nghĩa với việc có nhiều ánh sáng vào hơn và cũng dễ lấy nét hơn rất nhiều. Vì thế nếu thấy việc tự động lấy nét gặp khó khăn, hãy mở khẩu độ ra rộng hơn từng stop một.

 

 

Bùi Quang Huy

Lược dịch từ Petapixel và thêm các mắm muối cho phù hợp.

 

Chú giải:

 

*Stop: Để tiện việc cho các bạn trao đổi sau này, tôi quyết định giữ nguyên từ tiếng Anh này.

 

**Creamy: Tôi cũng quyết định giữ từ lại nguyên gốc từ này vì nó thể hiện đúng tính chất và thống nhất cách gọi với cộng đồng phim, ảnh. Nếu bạn muốn hiểu theo nghĩa tiếng Việt thì nó có thể được hiểu là trông rất “mộng mị”. Cách tạo bokeh này thường được sử dụng trong việc chụp teen xóa phông hoặc quay Music Video kiểu nhạc tình cảm.

6 điều bạn chưa biết về khẩu độ trong nhiếp ảnh

Visited 2,756 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...