Cảm nhận ống kính Tokina 100 macro AT-X Pro
Tokina 100 macro AT-X Pro
Do công việc của tui phải chụp sản phẩm và thức ăn nhiều nên trên máy lúc nào cũng cắm mấy cái lens macro. Trong 5 lens macro ở tiêu cự 100mm tui đã từng xài qua là Canon L100, Canon100, Tokina ATX Pro 100, Sigma 105 và Tamron 90 thì có lẽ con Canon L đứng đầu bảng vì nhiều thứ chẳng hạn như có khả năng lấy nét trong, chất lượng vỏ ngoài lens rất tốt tuy nhiên giá em nó cũng cao nhất trong hội luôn.
Vì thế nếu bưởi nào muốn tập trung vào hiệu năng/giá thành thì con Tokina 100 sẽ là sự lựa chọn tốt đáng xem xét, mặc dù không phải nó không có nhược điểm.
Đầu tiên là điểm cộng về chất lượng vỏ ngoài, Tokina từ xưa đến nay đã có tiếng kiểu “build like a tank” và em này cũng không làm mất tiếng tăm đó. Tuy nhẹ hơn con Canon L một chút nhưng khi cắm lên 1Ds3 vẫn giữ được sự cân bằng, không có bị kiểu đầu nhẹ đít nặng như 2 con Tamron và Sigma. Vỏ ngoài cầm vào cho cảm giác chắc chắn và gọn, không bị kiểu ọp ẹp thường thấy của dòng lens Canon trung cấp. Đầu đít em này đều bằng kim loại nên các bưởi sẽ yên tâm hơn nếu lỡ tay đánh rơi em nó xuống đất he he.
Điểm tui khoái thứ hai là cơ chế chuyển đổi AF-MF của em nó. Bưởi nào hay xem phim bắn nhau thấy mấy ông nội xài shotgun bắn xong giật súng cái rốp để lên đạn thì em Tokina này cũng giống vậy đó, chỉ có điều tiếng kêu không hoành tráng bằng thôi à. Đại khái là chuyển đổi khá tiện lợi nếu quen lens không phải thò đầu ra dòm như dòm mấy cái nút bé tẹo của mấy em khác
Mấy cái thông số kỹ thuật đầy rẫy trên net nên thôi tui cũng lười lôi ra. Nói chung với tiêu cự 100mm thì việc biến dạng sẽ rất ít hầu như không có nên cũng không cần băn khoăn. Em Tokina này có 9 lá khẩu giống em Canon L nên nếu chụp khẩu độ lớn (max 2.8) thì background sẽ mượt hơn một chút so với mấy em 8 lá. Tất nhiên một chút thôi chứ mấy bưởi đừng lôi ra so sánh với mấy em chuyên chân dung dreamy bokeh thì nó đập thấu kính chết luôn cho khỏe.
Về tốc độ lấy nét thì em macro nào cũng cùi bắp nên ta chỉ để ý tới độ chính xác. Ở điểm trung tâm khi cắm trên 1Ds3 em Tokina và em Canon L lấy chính xác như nhau, em Canon nonL và em Sigma kém hơn 1 tý thỉnh thoảng lấy hụt ra phía sau còn em Tamron 90mm thiếu ánh sáng 1 cái là chạy rẹt rẹt cả buổi nghe phát tội luôn.
Ở các điểm AF ngoài rìa thì em Tokina bắt đầu xuất hiện hiện tượng hunt khi ánh sáng tối hoặc tương phản kém. Do nó có nút Limit và Full thành ra bưởi nào lỡ để Full mà bị hunt thì nó sẽ chạy khoảng nét hơi dài, tốt nhất là chuyển sang MF xong vặn ngược lại để nó lấy nét tiếp. Không thì các bưởi chuyển sang MF lấy nét live view luôn cho khỏe. Như đã nói ở trên cái cơ chế AF-MF này dùng rất đã tay nên các bưởi cứ tẹt ga đi.
Để nói thêm về nhược điểm của em nó thì có 1 bệnh mà hầu như các lens Tokina đều mắc phải: viền tím. Kể cả khi đã gắn hood thì ở f2.8 em nó vẫn bị khá khá. Đến khi lên tới f5.6 thì bệnh này mới xong. Do tui chụp trong nhà với studio là chủ yếu nên bệnh này không ảnh hưởng tới tui lắm chứ bạn nào mà hay đi chụp côn trùng ngoài trời thì cần cẩn thận chọn hướng ánh sáng. Flare ở tiêu cự 100mm cộng với hood thì hầu như không có.
Một nhược điểm nữa mà cái này là do tui hơi tham chứ nó cũng không phải là nhược gì, em này lấy nét thò thụt chứ không có được kín đáo e lệ như em Canon L. Mà nói chung đánh đổi 2 lần giá để lấy cái kín đáo này bưởi nào chịu chơi thì cứ làm thôi chứ chất lượng ảnh hay màu mè hoa lá hẹ thì tui thấy 2 đứa nó cũng same same nhau à.
Nhiều bưởi bị băn khoăn kiểu con này thì độ nét có hơn con kia không. Trong thế giới lens macro thì hầu như độ net của các lens đều ngang tầm nhau, có khác biệt tí xịu xìu xiu thì có lẽ mắt người cũng chả thể nhận ra nổi. Đấy là chưa kể với PS các bưởi muốn nét bao nhiêu thì nét mà chẳng được hoặc toàn chơi stack focus thì nó nét từ đầu tới đít luôn. Nhớ đừng lôi lens macro ra chụp mẫu chỉ vì mê cái tiêu cự nha nếu không muốn mẫu nó điên lên chửi thằng make up té tát vì làm da mặt chị sần như cái mặt đường Việt Nam.
Thôi nói nhiều rồi tới giờ spam hình nha mấy bưởi.
Theo banhmitrung – vnphoto.net