David Pace: chơi ảnh màu của mỏ gạch
“Ảnh trắng đen mang tính vô tận, nhưng tôi lại không muốn truyền đạt một cảm giác hoài cổ. Các tác phẩm của tôi là về một Tây Phi đương đại”, Pace nói. “Đặc biệt trong trường hợp khu mỏ Karaba, màu sắc của đất đá là một phần thiết yếu tại nơi này. Từ người tới vật đều nhuốm màu cam đỏ”
Trước khi đặt chân đến Burkina Faso ở Tây Phi, nhiếp ảnh gia David Pace từng có lắm định kiến về nơi này.
“Ở đấy chẳng có cái quái gì cả”, ông nói rằng mình từng nghĩ như vậy. “Nó chẳng khác nào một địa điểm du lịch tồi tệ nhất”.
Nhưng rồi ông thú nhận: “Tất cả những khái niệm ban đầu của tôi về nơi ấy hoàn toàn sai bét.”
Có lẽ Burkia Faso chẳng phải một điểm đến du lịch gì thật, nhưng đó chính là lý do Pace trở nên yêu thích nơi này – vì “đối với một nhiếp ảnh gia”, ông giải thích, “nó thật tuyệt diệu”.
David Pace (giữa) tại châu Phi
Chuyến đi đến Burkina Faso tác động nhiều lên cuộc đời và sự nghiệp của ông, mặc dù phải nói rằng nó diễn ra khá bất chợt. Pace chưa bao giờ có ý định tới Châu Phi. Chính hai đồng nghiệp của ông ở Đại học Santa Clara, bang California – nơi Pace từng giảng dạy chính quy – đã khiến ông tò mò, và thuyết phục ông đến Burkina Faso cùng họ. Hai đồng nghiệp này là Michael Kevane và Leslie Gray, họ muốn thành lập một thư viện phi lợi nhuận tại ngôi làng Kabara của Burkina. Pace chẳng trông đợi rằng mình sẽ thu nhặt được gì từ Tây Phi, nhưng ông cũng không muốn bỏ qua cơ hội để đi cùng bạn, nên ông nhận lời và cả nhóm bay đến Burkina Faso vào năm 2007.
Pace tới châu Phi trong bộ dạng thiếu chuẩn bị về mọi mặt. Ngôi làng Kabara không có điện, đường nhựa hay hệ thống dẫn nước, nên những việc đơn giản như sạc pin máy ảnh cũng thành chuyện phiêu lưu. Khí hậu thì có thể nóng tới 120 độ F (48 độ C) vào ban ngày. Thật dễ hiểu tại sao Pace nói rằng ông trở về trong tình trạng “kiệt sức” và “nghĩ là mình sẽ không bao giờ quay lại”.
Trở về California, Pace dần hồi phục về tinh thần lẫn thể lực, ông bắt đầu rửa ảnh và xem lại hình mình chụp. Ông nhanh chóng nhận ra một điều: những bức ảnh màu ông chụp cho vui bằng máy kỹ thuật số cuối cùng lại đẹp hơn mấy bức đen trắng mà ông chụp theo kiểu nghiêm túc. Nhận sự khuyến khích từ vợ, ông quay lại châu Phi vào năm sau. Càng ở đấy lâu, ông càng thấy rằng người dân Burkina Faso thật cuốn hút – họ cởi mở và nồng hậu, nhiệt tình chào đón ông đến với cộng đồng của họ. Và rồi Pace bắt đầu lui tới châu Phi thường xuyên hơn.
Vào mỗi chuyến đi, Pace bắt đầu thử chụp theo nhiều đề tài và mô týp khác nhau. Đầu tiên là chụp chân dung tại khu chợ – chủ yếu vì ông khoái các họa tiết sống động ở đây.
Bà cụ trong chợ vải, David Pace
Hai bé trai Burkina Faso, David Pace
Sau đó ông dựng máy ảnh bên đường đất để chụp người lao động lúc họ về nhà sau một ngày làm việc.
Một cô gánh củi về nhà, cô mặc áo in hình… ca sĩ Shakira. David Pace nói rằng khi ông đưa những tác phẩm này cho các tòa soạn xem, họ không thích chuyện người châu Phi mặc áo in kiểu Tây, và muốn Pace chụp những bức có dân tình ăn mặc “truyền thống” hơn. Pace đã rất giận và không đưa ảnh của mình cho họ nữa.
Lâu lâu ông lại vác máy đi chụp những chủ đề nhỏ – như loạt ảnh về các sạp quán trong làng.
Tuy nhiên, cuộc đời và phong cách của Pace chỉ thay đổi hoàn toàn sau khi ông đến thăm mỏ gạch của làng Karaba. Pace nói khu mỏ đã thay đổi cuộc đời ông, và lớn nhất là sự chuyển biến trong phong cách chụp. Xuất thân là một nhiếp ảnh gia đường phố, khi đến Tây Phi, Pace đã chọn dùng ảnh đen trắng. Nhưng Pace sớm nhận ra rằng loại hình trắng đen nghiêm túc này không khắc hoạ được nét trọng yếu trong văn hoá lẫn xã hội của nước Burkina.
Mỏ đá Karaba, David Pace
“Ảnh trắng đen mang tính vô tận, nhưng tôi lại không muốn truyền đạt một cảm giác hoài cổ. Các tác phẩm của tôi là về một Tây Phi đương đại”, Pace nói. “Đặc biệt trong trường hợp khu mỏ Karaba, màu sắc của đất đá là một phần thiết yếu tại nơi này. Từ người tới vật đều nhuốm màu cam đỏ”. Chỉ đến khi đặt chân đến khu mỏ Karaba, Pace mới hoàn toàn chuyển sang chụp ảnh màu thay vì ảnh đen trắng.
Pace thừa nhận rằng mình muốn thể hiện nước Burkina nói chung và làng Karaba nói riêng dưới tông màu tích cực. Theo những gì ông suy nghĩ, châu Phi đã có quá nhiều các câu chuyện buồn và những hình ảnh khiến người xem tức tối. Ông muốn cho mọi người thấy một châu Phi đáng mến hơn.
Các hình ảnh khác chụp khu mỏ gạch của David Pace:
“Tung gạch cho nhau”
“Cái thang”
“Đo tỷ lệ”
“Tự làm cán cuốc”
“Mài bén”
“Tấm lưng”
Tình hình hiện nay của nhiếp ảnh gia:
Năm 2009, Pace quyết định rời bỏ việc dạy học ở Santa Clara để trở thành giám đốc của một chương trình du học mới, đem học sinh Mỹ đến Burkina Faso theo kiểu trao đổi sinh viên. Giờ đây ông dành mỗi mùa thu ở châu Phi, và tận tâm tham gia dự án xây thư viện của hai bạn đồng nghiệp – những người đã rủ ông đến Burkina Faso hồi năm 2007. Dự án của họ hiện đang nhận tài trợ từ NGO, có tên Friends of African Village Libraries (Bằng hữu của các thư viện làng tại châu Phi). Bộ ảnh khu mỏ đá Karaba của David đã đi triển lãm lại các gallery ở New York và San Francisco.