Sống và Chết
by admin ·
Nhiếp ảnh gia Walter Schels đã từng là một người rất sợ cái chết, đến mức cái ngày mẹ ông nhắm mắt ra đi Walter không dám ở bên bà vào những giây phút cuối cùng. Tôi nghĩ đây không phải là một lựa chọn sáng suốt của ông và chính ông cũng biết điều đó nhưng nỗi sợ hãi quá lớn nhiều lúc làm con người ta tê cứng và không thể suy nghĩ một cách rõ ràng. Nói cho cùng những gì con người trốn tránh để khỏi phải đối mặt trong cuộc đời, sớm muộn gì nó cũng quay lại ám ảnh chúng ta.
Năm tháng qua đi, Walter bước vào độ tuổi thất thập – cái tuổi mà những hình bóng chớp nhoáng về cái chết ngày càng thường xuyên và gần kề, ông quyết định mình sẽ phải vượt qua nỗi sợ hãi đó bằng một dự án ảnh táo bạo và lạ kỳ: chụp ảnh những con người sắp qua đời lúc trước và ngay sau khi họ nhắm mắt. Những bức ảnh chân dung đen trắng cận mặt với phong cách tối giản đối mặt trực diện với cái chết, với nỗi sợ hãi vô định và đâu đó hiện hữu một chút gì đó rùng rợn. Walter không nghĩ rằng lại có ít người từ chối cho họ chụp đến vậy – ở thế giới hiện đại luôn kết nối này hóa ra vẫn nhiều bản thể con người vẫn cô đơn hơn chúng ta tưởng. Và sự cô đơn đó còn tiếp tục kéo dài và hiện hữu vào những giây phút cuối cùng khi nhiều người thân yêu của họ không thể chấp nhận và đối mặt với sự thật và trách nhiệm.
Walter nhận ra dự án này với nhiều người đang hấp hối bên giường bệnh chẳng khác gì một tấm bia mộ, hay còn quan trọng hơn những tấm bia đá vô tri khi có người chịu lắng nghe, ngắm nhìn và thấu hiểu cho những gì họ đang phải trải qua. Suýt chết chẳng thay đổi được gì nhưng chết thì thay đổi tất cả, ít nhất là mọi chiếc mặt nạ hay vỏ bọc lúc này đều rơi rụng, chỉ còn lại những gì nguyên sơ và chân thật nhất bị chiếu rọi dưới ánh sáng đèn leo lắt.
Jan Andersen 19 tuổi vào cái ngày anh phát hiện ra mình bị HIV dương tính. Tám năm sau, vào ngày sinh nhật 27 tuổi các bác sĩ báo cho Jan rằng anh không còn nhiều thời gian nữa do một bệnh ung thư biến chứng hiếm gặp của HIV đang đi vào giai đoạn cuối. Anh không kêu ca, phàn nàn thay vào đó anh chiến đấu, ngắn ngủi nhưng mạnh mẽ, để rồi cuối cùng chấp nhận số phận của mình. Lục lại ký ức về người phụ nữ phòng bên đã sợ hãi như nào trước khi chết Jan nói bình thản với cô y tá Iris rằng mình sẽ không sợ hãi như vậy. Cái đêm Jan ra đi, anh khẽ mở mắt ra và thấy người mẹ thân yêu của mình vẫn ngồi đó. “Mẹ chưa về à?”, anh thì thào. “Con không khỏe lắm, nên mẹ định ở lại.”
Những giây phút cuối với nhiều đau đớn khiến Jan phải nắm chặt tay mẹ mình cho đến lúc anh trút hơi thở cuối cùng. “Con mừng là mẹ đã ở lại.”
Chẳng cần kiến thức bác sĩ hay nhờ ai nói Klara Behrens cũng biết bà chẳng còn nhiều thời gian nữa. Cũng có đôi khi bà muốn mình khỏe lại, nhưng ý nghĩ đấy vụt tắt mỗi lần cảm giác buồn nôn nhộn nhạo trong người kéo đến. Dù sao thì khiếu hài hước của bà vẫn còn khỏe lắm, “Tôi vừa mua cái tủ lạnh mới. Biết thế này thì đã…”
Đó là một ngày cuối tháng Hai se lạnh ở Hamburg, mặt trời chiếu sáng ấm áp, những bông hoa chuông xanh đầu tiên đang bừng tỉnh sau cơn ngủ đông dài. “Điều tôi thực sự muốn làm bây giờ là ra ngoài đi dạo quanh bờ sông Elbe, ngồi bệt xuống một tảng đá và nhúng chân mình xuống mặt nước lạnh cóng. Tôi nhớ rằng mình vẫn hay làm thế hồi bé khi cả nhà đi nhặt gỗ dọc dòng sông. Nếu được sống lại lần nữa thì tôi sẽ sống khác đi, chẳng đi nhặt gỗ làm gì nữa cả. Nhưng liệu có ai trong chúng ta được một cơ hội thứ hai? Tôi nghĩ là không có. Chúng ta chỉ tin những gì mình thấy và chỉ thấy những gì vốn đã ở sẵn đó. Tôi không sợ chết vì dù sao tôi cũng chỉ là một trong hàng triệu, hàng tỉ hạt cát giữa sa mạc – nhưng cái tôi sợ là sự vô định lúc hấp hối. Ta chẳng biết lúc đấy có chuyện gì xảy ra cả.”
Khối u đã có sẵn trong người em ngay từ khi Elmira mới sinh ra. Nhưng giờ thì nó đã di căn ra khắp não như những ngọn đèn trên cây thông giáng sinh, các bác sĩ nói với mẹ Elmira rằng họ không thể làm gì được nữa. Elmira còn có một em gái sinh đôi khác nữa nhưng cô bé hoàn toàn khỏe mạnh. Fatemeh Hakami chỉ biết trách chúa trời đã ban cho cô hạnh phúc gấp đôi người khác để rồi lại lấy đi của cô một nửa. “Có phải chúa trời là người quyết định chúng ta ai đáng được sống và ai phải chết” – cô tự hỏi.
Thế rồi một ngày nắng đẹp tim Elmira ngừng đập. Nhanh vậy thôi – có vẻ như cô bé không phải chịu đau đớn gì. Fatemeh lấy một chiếc váy trắng mặc cho cho Elmira và đọc chương thứ 36 của kinh Koran để cầu nguyện cho linh hồn em siêu thoát. “Ít nhất thì con bé cũng đã được sống trong yêu thương.”
Những bông hoa tu-líp làm sáng rực cả một góc bàn ngủ trong phòng bệnh. Cô y ta nhẹ nhàng chuẩn bị sâm-panh và bánh – hôm nay là sinh nhật lần thứ 57 của ông lão Wolfgang. “Tôi không bao giờ nghĩ về việc già đi, nhưng cũng không nghĩ rằng mình sẽ chết sớm đến thế. Quả thật cái chết có thể ập đến với chúng ta bất cứ lúc nào.”
Wolfgang bị chẩn đoán ung thư phế quản cách đây sáu tháng trước – khối u không phẫu thuật được. Đây là một cú sốc lớn với bất kỳ ai, nhất là người chưa bao giờ nghĩ hay dự tính đến cái chết như ông. Nhưng điều ngạc nhiên hơn là Wolfgang đón nhận nó khá bình thản và dễ dàng, có lẽ là nhờ việc ông luôn sống và tận hưởng cuộc đời này từng ngày một một cách trọn vẹn nhất nên giờ chẳng có gì phải hối tiếc. “Giờ đây tôi nằm đây chờ chết. Nhưng đột nhiên mọi thứ đều trở nên mới lạ: những đám mây trên trời bình thường ta không bỏ thời gian bao giờ ngắm, mỗi bông hoa tu-líp ở góc phòng đột nhiên đều có một sắc thái mới. Từng tiểu tiết của hiện tại đều trở nên có ý nghĩa khác thường.”
Cái chết của Maria có lẽ đã hoàn toàn khác nếu như bà không nhờ ơn giác ngộ của người thầy tâm linh Ching Hai. Có những người như tôi và bạn chúng ta không cần đức tin để bấu víu lấy, nhưng cũng có cá nhân cần những người Thầy tâm linh để đi qua biển khổ mênh mông của cuộc đời. “Họ không nhận lãnh trách nhiệm thay cho chính ta, cho lối sống của ta và cho những hạnh nghiệp mà ta đã làm, thay vào đó họ giúp ta tìm thấy con đường đúng đắn. Có một thế giới còn tốt đẹp hơn cả thế giới này, tốt đẹp hơn những gì tôi có thể tưởng tượng. Chết chẳng là gì, vì chết chẳng phải vĩnh hẵng.”
Trên cổ Maria là chiếc vòng cổ của người thấy – thứ đang dẫn đường bà đến với con đường đúng đắn. Phế nang ở phổi bà đang ngừng hoạt động nhưng trông Maria bình thản và sẵn sàng như thể bà chờ giây phút này đã lâu, một khoảnh khắc bà muốn tận hưởng một cách trọn vẹn nhất.
Heiner Schmitz nhìn những vùng não bị ảnh hưởng trên phim cộng hưởng từ và ông nhận ra ngay mình còn lại bao nhiêu thời gian. Bẩm sinh bình thường Heiner vẫn là một người nhanh nhạy, nói năng lưu loát, thông minh nên với ông có những điều chúng ta không cần phải nói nhiều. Heiner làm trong ngành quảng cáo nên có rất nhiều bạn bè. Họ cố gắng giúp ông trở về cuộc sống đời thường bằng cách cùng làm những việc hay làm như xem bóng đá, hút thuốc và nhậu nhẹt một chút trong bệnh viện. Các cô gái ở agency thì hay mang hoa đến tặng, nhưng đa phần họ đến thăm ông với ít nhất một người khác. Chẳng ai dám đến một mình, vì người ta nghĩ rằng biết nói gì với một người bị bệnh sắp chết đây. Có người thậm chí còn chúc Heiner mau khỏe trước khi đi về.
“Không ai hỏi tôi mình cảm thấy thế nào cả. Đơn giản vì bản thân họ cũng đang sợ chết khiếp ra. Thật sự tôi rất bực mình cái cách người ta né tránh chuyện tôi sắp chết và lảng sang chuyện khác như thể chúng ta có thể né tránh được nó. Tôi sắp chết và đó là những gì hiện hữu mạnh mất trong tâm trí tôi mỗi lúc ở một mình.”
Michael là một nhà quản lý, một người tham công tiếc việc tiêu biểu. Cho đến một ngày ông ngất xỉu trên sàn nhà và nhận được chẩn đoán ung thư não, không thể phẫu thuật. Đó là chuyện của cách đây sáu tuần. Ông không thích nói về cái chết của mình mà thích nói về cuộc đời này hơn. Một kẻ yêu đời và dám sống với những gì mình lựa chọn. Rời bỏ quê nhà để sang Pháp học Sorbonne. Cái thời nồng nhiệt của tuổi trẻ với Baudelaire, bạo loạn đường phố, cách mạng, phụ nữ. Giờ nó đã chấm dứt nhưng Michael không sợ, ngay cả khi ông chỉ có một mình trên giường bệnh. Đó là lựa chọn của một người đàn ông và ông chấp nhận sống cũng như chết cùng nó, không hối hận.
Ba ngày sau có một cây nến đặt trước của phòng Michael. Đó là dấu hiệu cho thấy ông đã ra đi mãi mãi, từng phần cơ thể một như tan biến thành bụi vào không trung, không đau đớn không phức tạp.
Cả đời Elly bà luôn là một người phụ nữ mạnh mẽ và sôi nổi – người thậm chí nghĩ rằng thà chết chứ không sống mà không tự chăm lo được cho mình. Cái thời khắc bà từng nghĩ ấy giờ đã đến nhưng xem chừng Elly vẫn không đầu hàng. Bà tin rằng với sự hiện đại và chăm sóc của bệnh viện cái chết của bà sẽ nhanh chóng xảy ra. Nhưng đôi khi ngay cả những người mạnh mẽ nhất cũng phải ngã gục.
Vài ngày trước khi bà chết, Elly cảm nhận thấy sức khỏe mình đang tụt dốc rõ rệt, đôi khi bà nắm lấy tay cháu gái thật mạnh, “Đừng đi, bà không thở được.” và cầu xin y tá hay cho thêm Morphine. Có hôm bà ngủ li bì cả ngày và có những hôm bà ảo giác thấy những người tí hon chui ra từ bình hoa. Chúng đến để giết Elly. Mỗi lần có người nắm lấy tay Elly, bà lại thì thầm “Hãy đưa tôi ra khỏi đây. Tim tôi sẽ ngừng đập nếu còn ở trong này. Tôi không muốn chết.”
Walter chuyển vào viện vào một ngày tháng 11 năm 2003 vì không muốn mình trở thành gánh nặng của bạn gái. Ông mang cả đàn Organ của mình từ nhà đến – “Nhưng giờ học chơi nhạc giáng sinh cũng chẳng đề làm gì vì đêm giáng sinh chắc là tôi chết rồi.” Nhưng rồi năm mới qua đi, ông vẫn ở đó. “Sao tôi vẫn chưa chết, tôi đến đây là để chết cơ mà.”
Mùa đông lạnh giá qua đi, xuân sang. Mùa xuân qua, hạ tới. Walter vẫn ở đó và bạn gái ông ngày càng đến thăm ít hơn. Một năm trôi qua, mùa đông lại về và lần này Wagner đã có thể chơi “Silent Night” cho những người bạn cùng bệnh viện nghe trong đêm Giáng sinh. Thậm chí tháng Ba 2005 các bác sĩ bảo ông đã khỏe lên nhiều và có thể xuất viện, dĩ nhiên không ai vui mừng hơn Walter vì ông sợ phải ở đây lắm rồi. Ông gọi điện hỏi người bạn gái liệu ông có thể về đấy ở được không nhưng bà từ chối. Năm ngày sau ông qua đời.
Nguồn: mannup.vn