Mơ mộng còn hơn mông muội: xem NAG Lê Thanh Hải chia sẻ về bí ẩn nhiếp ảnh
Lê Thanh Hải vốn nổi danh như là một nhiếp ảnh gia “sát” người đẹp. Các bộ ảnh danh tiếng của anh chụp hoa hậu, người mẫu trong chiếc áo dài Việt Nam đã trở thành “kinh điển”. Không dừng ở đó, anh vừa thực hiện xong bộ ảnh chân dung về một con người duy nhất trong mọi trạng thái – gần như là một “nhật ký” về một thân phận người.
Tranh: Hoàng Tường |
Đã sắp vào tuổi ngũ tuần, bỗng dưng anh muốn chia sẻ những bí ẩn của nhiếp ảnh.
* Kinh nghiệm của anh trong nhiếp ảnh bắt đầu từ việc tìm kiếm các nguồn sáng?
– Ở mình các lớp nhiếp ảnh rất ít dạy về ánh sáng, chủ yếu là dạy kỹ thuật sử dụng máy chứ không dạy cách tư duy ảnh. Muốn diễn tả một góc sống qua ảnh, bạn cần một sự vững chắc về tư duy ánh sáng.
Trong nhiếp ảnh, phần cuối cùng, gọi là phần… trắng sáng, nghĩa là khi học trắng sáng rồi thì không cần bất cứ nguồn sáng nào, vì bất cứ nguồn sáng nào cũng tạo ra bức ảnh đẹp theo ý mình muốn.
Chính sự kết hợp giữa nhiếp ảnh và hội hoạ với cả điện ảnh mới thành ra lối tư duy ánh sáng này. Bên cạnh đó, chính sự khám phá về ánh sáng sẽ khiến cho mọi người tự khám phá khả năng của chính mình.
*Hiện nay một tác phẩm nhiếp ảnh không chỉ vẽ bằng nguồn sáng mà còn có vai trò của photoshop. Anh cũng từng sử dụng phương tiện này để cho ra những bức ảnh không chỉ pha trộn bằng ánh sáng mà còn bằng nhiều loại hình kỹ thuật xử lý ảnh khác. Theo anh, khác biệt giữa bức ảnh có và không xử lý photoshop là gì?
– Khác nhau về cơ bản. Quan điểm của tôi có thể rất thiển cận, nhưng nghệ thuật về cốt lõi gần giống tình yêu: cần sự tận hiến và đam mê. Nhưng về hình thức mà nói, nó là sự kết hợp giữa lý trí và ngẫu nhiên. Tại sao?
Bạn không thể chỉ trong lý trí, định hình khi bạn chiếu sáng ở góc này, bạn sẽ có bức ảnh giống như bạn nghĩ. Mà chỉ trong một khoảnh khắc tình cờ, bạn bất ngờ nhận ra vẻ đẹp của vật mà bạn muốn thể hiện bằng ánh sáng, khi bạn điều chỉnh nó mạnh yếu.
Cái lý trí ban đầu chỉ là sự áp đặt bởi khung công thức mà người ta chỉ cho bạn. Khi chụp một bức ảnh, cái khoảnh khắc tình cờ mới làm nên phần hồn, còn điều chỉnh photoshop chỉ gia tăng vẻ đẹp hình thức.
* Theo anh, quan niệm về nghệ thuật nhiếp ảnh phương Đông có khác phương Tây?
– Đối với tôi, nhiếp ảnh là một sáng tác gián tiếp qua phương tiện khoa học kỹ thuật. Châu Âu về nghệ thuật, bao giờ cũng đi trước thế giới. Nhiếp ảnh khởi thuỷ ở châu Âu nhưng tôi đánh giá cao nhất lại là nhiếp ảnh Mỹ. Nhiếp ảnh rất phù hợp với Mỹ, như điện ảnh Mỹ đã giết điện ảnh châu Âu.
Tôi cũng thấy anh là người có xu hướng chụp ảnh rất Âu, nhất là trong việc sử dụng ánh sáng…
Có lẽ vì tư duy của tôi giản dị. Bạn thấy tôi giống lối châu Âu vì cái cốt lõi của nghệ thuật châu Âu là vậy, nó đúc kết thành cái cuối cùng của một tác phẩm: cái chính phụ rõ ràng và cách đặt vấn đề giản dị. Bạn giản dị nhất thì bạn sẽ sâu nhất. Người châu Á, trừ Nhật Bản, tham chi tiết đến rườm rà, vì thế có rất ít tác phẩm nhiếp ảnh thật sự.
* Sự giản dị của anh bộc lộ như thế nào trong nhiếp ảnh?
– Giản dị của tôi là thế này: như con ngựa đường xa che hai bên mắt, khi tôi muốn làm việc gì thì trong mắt, trong đầu tôi, tất cả chỉ tập trung vào việc đó thôi chứ không bị phân tán bởi bất kỳ thứ gì khác.
Nhưng để có được một tác phẩm nghệ thuật giản dị có chiều sâu, tôi lại thực hiện nó rất… cầu kỳ. Tại sao? Tôi rất ghét tự nhiên chủ nghĩa, hiện nay người ta lạm dụng kiểu chụp này rất nhiều: cứ cầm máy ảnh ra đường thấy cái gì lạ là chụp và tưởng đó là một bức ảnh nghệ thuật.
Tôi nói với bạn, dù bạn chụp thế nào thì điều quan trọng nhất là bức ảnh phải lay động lòng người, và người ta có thể đọc được cảm xúc của người cầm máy. Một sáng tác gián tiếp như nhiếp ảnh thì nếu bạn gửi vào trong bức ảnh ấy mười phần cảm xúc, người ta sẽ đọc được sáu phần, nhàn nhạt giống nhau. Nó như sự thật vậy, đôi khi phải đến ngưỡng chín, mười, mới lay động được tâm can người xem.
* Bộ ảnh Tắc kè và tôi của anh mới thực hiện xong và chuẩn bị triển lãm vào tháng 12 tới đã khiến tôi hơi bị… choáng vì thấy anh có những ý tưởng rất dữ dội. Điều này khiến tôi ngạc nhiên vì anh vốn là người “hiền” trong giới nghệ sĩ. Anh đã rất nổi tiếng khi chụp ảnh hầu hết các hoa hậu, người mẫu, ca sĩ danh tiếng từ thập niên 1990 đến gần đây. Tina Tình là người mẫu gần nhất và là chân dung duy nhất mà anh chụp để thực hiện tác phẩm này. Nhưng hình như anh sẽ còn dấn tới nữa vì ngay cả khi xem bộ ảnh xong, tôi vẫn chưa thấy thoả mãn?
– Cảm giác của tôi sau khi làm xong bộ ảnh này là lẽ ra mình có thể làm tốt hơn nữa. Nó sẽ sang một tầng khác. Cái trải nghiệm đã qua có lắng đọng lại nhưng ngay lập tức tôi sẽ quên nó ngay khi đã hoàn tất và khi nhìn lại, tôi luôn luôn nghĩ đến cái kế tiếp mình làm sẽ hay hơn nhiều. Sự đòi hỏi của bản thân không làm cho tôi thấy mệt mỏi mà đó là nhu cầu hàng ngày tôi chung sống.
Nghệ thuật, cho đến giờ, với tôi là sáng tạo cái mới chứ không phải là cái đã có. Nhiếp ảnh cũng vậy, luôn luôn có những góc nhìn mới lạ, chứ còn đẹp thì người ta đã làm đẹp từ rất lâu rồi. Một người ở đẳng cấp cao, chụp ảnh đẹp quá dễ, nhưng tấm ảnh đó có thoả mãn chính anh không mới là khó. Khi biết có người đã chụp thế này rồi thì tôi không bao giờ chụp nữa mà tôi chụp kiểu khác.
Tác phẩm Dục vọng của Lê Thanh Hải. |
* Anh chuẩn bị mở lớp dạy nhiếp ảnh, vậy trước khi trở thành thầy, anh đã từng là học trò của ai?
– Tôi vốn xuất thân là dân hội hoạ. Nhiếp ảnh thì tôi học bố tôi từ bé vì ông đã cho tôi cầm máy từ năm lên mười. Bố tôi là Lê Thanh Đức, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khoá 3. Ông không chỉ vẽ mà còn mê ảnh và đã viết hàng chục cuốn sách về nhiếp ảnh, ông cũng là người triển lãm ảnh nuy đầu tiên sau 1975, lúc đó, dĩ nhiên ông phải “giơ đầu chịu báng” rất nhiều nhưng ông rất “lì”. Vậy mà ông nói với tôi một câu xanh rờn:
“Bố không dạy được con đâu, con điên lắm!” rồi ông gửi cho người khác dạy. Trong số những đồng nghiệp, có một nhiếp ảnh gia là bạn, anh ấy tên là Peter, đã sang Việt Nam nhiều lần và sau này trở thành bạn thân chỉ vì cả hai đã cùng biết dạy nhau, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của nhau.
Peter có bố từng là bác sĩ quân y ở Đà Nẵng trong chiến tranh. Anh ấy rất thích Việt Nam. Anh ấy đã thức tỉnh tôi bằng một quan niệm cực kỳ giản đơn: sau bất kỳ một bộ ảnh nào thực hiện xong, tôi cũng giật mình nhận ra nhiếp ảnh như một đại dương và tôi chỉ là một hạt cát.
Peter là người cho tôi cảm giác: nhiếp ảnh mênh mông và hay ho như thế mà mình cứ nhìn theo lối hẹp, với cái tư duy gò bó thế này thì làm sao mở mang nghề được. Làm việc với người giỏi, mình mới thấy cái ngu của mình. Từ đó mới vỡ ra. Với tôi, người thầy chính là người làm cho mình biết mình là ai.
* Với lớp học Magic box của anh: làm thế nào để chỉ cần học mười ngày (sáu ngày lý thuyết cơ bản, bốn ngày thực hành) là có thể chụp được bức ảnh thành công?
– Một người chưa biết gì và một người biết nhiều thứ với tôi cũng như nhau, vì tôi chọn phương pháp đối thoại. Sau khi học mười ngày về các vấn đề cơ bản của nghệ thuật và nhiếp ảnh, sau đó là những ngày luyện tập và tập trung cao độ, trong vòng một tháng, họ có thể chụp được tác phẩm thực sự.
Tôi chỉ hoàn tất cho người học vài điều như: nhiếp ảnh thực sự là một thế giới rộng lớn mà bạn có thể tha hồ sáng tác; bạn cần rèn luyện để trở lại thành một người tự do trong tư duy; một bức ảnh không cần long lanh hoành tráng mà chỉ cần một cái nhìn giản dị tạo cảm xúc mạnh; hoàn toàn không còn mò mẫm về ánh sáng – phương tiện quan trọng nhất của nhiếp ảnh – nữa mà tự tin “hoạ hình” cho bức ảnh của mình.
Sau mười ngày đó, tôi hoàn toàn chỉ gợi ý và cảnh báo khi họ “lạc đường” để họ tiếp tục ở lại với đam mê đối với nhiếp ảnh. Tôi sẽ góp phần nhỏ nhoi của mình vào niềm đam mê ấy cho đến hết thì thôi.
*Làm thế nào để truyền niềm đam mê dữ dội của anh cho những người chỉ đến với nhiếp ảnh để xả stress chứ không xem đó là con đường tận hiến?
– Tôi nghĩ đã đến với nhau bằng thái độ cầu thị thật sự, người ta sẽ nhận ra niềm đam mê của mình. Còn lại họ có nuôi dưỡng nó hay không còn là do “nghiệp”. Tôi không có ý định to tát nào. Chỉ nghĩ tiếp rằng, sau khi dự khoá học Magic box, tôi sẽ rủ họ cùng triển lãm những tác phẩm mà họ đã tự tạo ra.
Rồi sau đó là những dự án, những bộ sách ảnh được hình thành từ những người cùng sở thích và chí hướng bắt tay làm, lúc này thì tôi mơ tới sách ảnh về hạt gạo Việt Nam, trò chơi dân gian Việt Nam, làng nghề truyền thống Việt Nam, chùa chiền Việt Nam…
Gìn giữ những di sản quý báu bằng ảnh là cách của tôi. Thế hệ sau nhìn những bức ảnh này có thể hình dung cha ông họ đã sống như thế nào. Làm những việc ý nghĩa thế này cùng nhau, đó mới là mục tiêu mà tôi mong muốn để mở Magic box. Thế có quá mơ mộng không? Nhưng mơ mộng còn hơn là mông muội, nhỉ?
* Theo anh, xem một bức ảnh, một bộ phim, nghe một bản nhạc hay, làm thế nào để đi đến tận cùng với nó?
– Tôi xem một bộ phim hay lúc nào cũng phải hai lần trở lên. Lần đầu tôi buông lỏng hoàn toàn để thưởng thức. Lần hai, lần ba là tìm hiểu thủ pháp và các kỹ thuật, đó không chỉ là cảm hứng nữa mà là tìm cách nhận chân vẻ đẹp vốn có.
Tôi cho rằng đó thực sự mới là cách đến với nghệ thuật. Nếu cả đời bạn chỉ ngẫu hứng thì thật là uổng, hãy thử một tuần ngắm nhìn bức ảnh dưới nhiều cảm trạng khác nhau, bạn sẽ thấy giá trị của bức ảnh đã đem lại cho bạn sự thăng hoa về tinh thần, bạn sẽ cảm thông được sự tận hiến của người làm nghệ thuật để trân trọng họ.
Tôi chẳng dạy ai cả, tôi chỉ mong mọi người đến với tôi để cùng khám phá cuộc sống, trân trọng cuộc sống, tôn trọng lẫn nhau. Có như vậy con người sẽ bớt vô cảm. Và tất nhiên, tôi nghĩ chỉ bằng con đường của nghệ thuật, bằng vốn sống tinh thần phong phú, bạn mới nhận ra ý nghĩa mọi thứ của cuộc đời để sống hướng thiện
Tác giả : Ngân Hà / SGTT