Bí quyết chụp ảnh bãi biển thật đẹp
Các cuốn album ảnh thường tràn ngập cảnh chụp trong các kỳ nghỉ – nhưng làm thế nào để chụp được những bức ảnh thật đẹp?
Với hàng triệu người trong chúng ta, mùa hè có nghĩa là bãi biển rực nắng, hàng triệu người rảo bước trên bãi cát hay con đường rải sỏi, nằm phơi nắng trên những tấm khăn tắm trải trên bãi biển, hay lội nước ngập tới gối để chờ nhảy sóng cùng đám đông.
Chúng ta lên xuống xe bus, tàu hỏa và xe hơi hay taxi nóng ngột ngạt để đến được khu nghỉ dưỡng ven biển, hay tiết kiệm từng hào để được du lịch xa xôi hơn, nghỉ ít nhất là vài tuần, đi khám phá thế giới qua chiếc ghế nằm bãi biển.
Trên bãi biển, cuộc sống con người được phô bày. Với rất nhiều người, kỷ niệm thơ ấu gắn liền với những địa điểm ven biển.
Thế nhưng album ảnh gia đình phần lớn lại toàn những bức hình mặc đồ bơi với những nụ cười gượng gạo.
Đối với nhiều nhiếp ảnh gia, biển cả luôn vô cùng quyến rũ.
Trên bãi biển người ta thoải mái hơn, dễ tính hơn và không mấy quan tâm đến đám đông xung quanh. Ở đó, con người ta cảm thấy tự do, không phải để ý điều gì.
Nếu muốn dùng ống kính để ghi lại hình ảnh chân thực thì bãi biển là nơi có đề tài và có nhiều cơ hội để bạn thử sức.
Rất nhiều tay máy lão luyện của hãng môi giới ảnh Magnum – một trong những tổ chức ảnh báo chí nổi tiếng nhất thế giới – từng 'bị' các bãi biển hớp hồn.
Liệu chúng ta có thể học lỏm được gì từ họ để 'tung chiêu' vào kỳ nghỉ tới?
Trí hài hước và những chuyện thường ngày
Martin Parr là gương mặt gây tranh cãi trong giới nhiếp ảnh đương đại. Thương hiệu của ông là ảnh màu bão hòa nhờ dùng đèn flash, là cách mà rất nhiều tay máy chuyên về mảng tài liệu khá kỵ.
Nhưng trong kho ảnh giàu có và phong phú của Parr, có rất nhiều khoảnh khắc thú vị đã được ghi lại. Loạt ảnh The Last Resort được chụp ở khu nghỉ mát New Brighton gần Liverpool vào đầu những năm 1980 là một trong những dự án ảnh nổi bật nhất của ông.
Có lẽ thú vị nhất là bức hình chụp một người nằm tắm nắng và bé gái đang chơi ngay bên cạnh máy xúc đất khổng lồ.
Parr từng chuyên chụp ở các nơi thuộc chuỗi địa điểm nghỉ mát Butlins ở Anh và ông có góc nhìn rất hài hước. Ông nhìn vào những mảnh vụn cuộc đời bằng kính hiển vi và khiến chúng hiện lên rõ ràng, rộng lớn hơn đời thực bằng các sắc màu bão hòa.
Bạn không cần phải dạo quanh bãi biển với bộ đèn ringflash (loại đèn flash tròn hay được dùng để chụp macro) gắn quanh ống kính như Parr, nhưng chỉ cần tinh ý một chút là ta có thể nhìn ra được những điều vui nhộn, thú vị.
Bãi biển đầy những tình huống kỳ quặc. Chẳng hạn như có người đi tất xỏ xăng-đan trong một ngày trời nóng, có người nằm ngủ dưới đống báo, hay phía sau bộ áo bơi của ai đó hiện lên những hình thù lạ.
Nếu bạn quan sát thật kỹ, bạn sẽ phát hiện ra các cơ hội!
Tận dụng ánh sáng cuối ngày
Constantine Manos là nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Hy Lạp, lớn lên ở South Carolina. Chủ thể các tấm ảnh của ông là người thân trong gia đình ở cả Hoa Kỳ và Hy Lạp.
Cuốn sách xuất bản năm 1974 mang tên The Greek Portfolio gồm rất nhiều ảnh đen trắng và là chân dung của một đất nước vừa thoát khỏi đói nghèo, thất nghiệp và nội chiến.
Nhưng trong cuốn sách xuất bản năm 1995, American Color, Manos chuyển dần sang kể chuyện bãi biển và tình yêu mà người Mỹ dành cho nó.
Cách chụp của Manos rất khác với Parr.
Ảnh của ông đầy màu sắc nhưng là màu ấm của buổi chiều muộn và buổi tối, với bóng đổ dài vào lúc mặt trời lặn.
Đây là kỹ thuật tốt để học theo. Màu sắc nổi bật như những căn lều bãi biển, bức tường của quán bán cà phê hay dải cát vàng đều có thể dùng làm phông nền rất đẹp lúc hoàng hôn.
Bạn hãy quay lưng lại phía mặt trời và tranh thủ ánh sác sắc đỏ cuối ngày để ảnh có sắc ấm và tăng chiều sâu – nhưng nhớ đừng để bóng của chính bạn đổ vào khuôn hình, nhất là nếu dùng ống kính góc rộng.
Ảnh đen trắng
Cuốn sách The English của Ian Berry xuất bản năm 1978 là bộ ảnh tài liệu kinh điển.
Nó đưa ra sự so sánh đối nghịch về giai cấp và văn hóa trong thập niên 1970 đầy hỗn loạn của nước Anh.
Berry nổi danh từ khi còn chụp ảnh ở Nam Phi. Ông là nhiếp ảnh gia duy nhất có mặt trong vụ thảm sát Sharpeville năm 1960, nhưng ông thường chụp ảnh ở Anh trong những năm 1970.
Phần lớn các bức ảnh trong cuốn The English được ông chụp trong chuyến thăm lại Anh năm 1975 và trở thành đối thủ cạnh tranh với The Americans của Robert Frank.
Bức ảnh này được chụp ở Whitby, North Yorkshire, có vẻ là vào một ngày mùa hè.
Quang cảnh trong hình là bầu trời đầy mây và gió mạnh, một phụ nữ lớn tuổi đang chơi cricket trên bãi biển.
Cặp mắt chuyên nghiệp của Berru đã sắp xếp bối cảnh một cách hoàn hảo, với người đi dạo và người chèo thuyền phía sau tạo thêm tầng lớp cho bức ảnh.
Nhưng cảnh này cũng có lẽ hợp với ảnh đen trắng nhất; màu sắc của một ngày đầy mây như thế đằng nào cũng bị nhợt nhạt đi nhiều.
Hai màu đen trắng cũng khiến bức ảnh không bị ràng buộc về thời gian tính và cho phép người chụp tập trung vào tạo hình và bố cục mà không cần chú ý tới cân bằng tương phản màu.
Tìm chỗ vắng người
Bãi biển không phải lúc nào cũng đông cứng người.
Biển mùa đông đem lại cảm giác hoài niệm nhất định, nhất là các khu nghỉ dưỡng giá rẻ được xây từ thời Victoria – quầy hàng lưu niệm trống không, mây nối mây, gió lạnh thổi từ Siberia gần như có thể cảm nhận được từ khuôn hình.
Chúng ta nhìn thấy cảnh bãi biển chật người đi tắm nhiều đến nỗi sự cô độc trên bãi biển có tác động mạnh mẽ tới cảm xúc.
Bức ảnh của Bruce Davidson từ những năm đầu thập niên 1960 đem đến cho chúng ta những hình người quấn chặt trong quần áo để chống chọi lại với cái rét, buồn bã lê bước trên bãi cát.
Hay bối cảnh đen trắng đẹp tuyệt vời của Elliot Erwitt chụp khu nghỉ dưỡng Deauville ở Pháp, với chú chó lúc nào cũng xuất hiện trong ảnh, khụt khịt đánh hơi bãi cát trống trải.
Ảnh Beach and Woman của Denis Stock cho thấy khoảnh khắc tách biệt trong một ngày nắng: người phụ nữ dựa lưng trên chiếc ghế phơi nắng, cầm quyển sách trên tay, một dải màu sắc của dãy lều bãi biển nối nhau trông như những con robot lòe loẹt.
Bố cục của Stock thật hoàn hảo. Có chỉ dấu cho thấy ở phía xa là đám đông nhưng màu sắc này được làm mờ đi; mang lại cảm giác về một người phụ nữ mạnh mẽ và cô đơn.
Bãi biển không chỉ có ghế phơi nắng
Với mỗi người bãi biển là một biểu tượng riêng – là sân chơi, nơi tập thể thao, nơi đọc sách, nơi hội hè. Bãi cát có thể trở thành sân bóng đá, bóng chuyền bãi biển hay là nơi gặp gỡ của những người mê xe cổ. Nhưng câu lạc bộ cờ vua ư?
Tấm ảnh này của Peter Marlow chụp ở Latvia khi nước này còn thuộc Liên Xô năm 1981.
Môn cờ vua ở Đông Âu không chỉ là trò chơi dành cho trẻ thông minh, đây là môn thể thao thu hút khán giả.