Bí quyết chụp đẹp những áng mây
Chụp bầu trời mây là việc khá dễ dàng nhưng để sở hữu những bức hình có khả năng “đánh cắp” trái tim của người xem, các tay máy phải đầu tư nhiều công sức hơn.
Mây lạ và đẹp như thế này sẽ là trọng tâm của ảnh. Nguồn: Environmental Graffiti |
Bầu trời sáng bệch, không định hình là điểm yếu của nhiều ảnh phong cảnh. Nhưng nếu các đám mây hình thành được những khối hình dạng thú vị, chúng sẽ giúp bạn biến bức hình bình thường thành một điều đặc biệt. Mây nên là chủ thể của ảnh khi chúng tạo được hình ấn tượng như vòi voi, mặt người…
Các loại mây
Hoàng hôn là lúc dễ tìm thấy những mảng mây kỳ diệu nhờ ánh sáng phản chiếu. Nguồn: Inclouds |
Các nhà khí tượng xác định nhiều loại mây, từ kiểu mây tích khổng lồ cuồn cuộn đến loại mây ti mỏng mảnh ở tít trên cao. Chúng có thể che khuất bầu trời hoặc phản chiếu ánh sáng. Chúng có thể đen tối, xám xịt, đầy đe dọa nhưng có thể trở thành vật tô điểm trong ánh sáng mặt trời lúc lên và lặn. Do đó, các “phó nháy” nên tận dụng những buổi hoàng hôn, bình minh, những lúc thời tiết biến chuyển để tìm kiếm sự kỳ diệu của bầu trời.
Chuẩn bị dụng cụ
Kính lọc phân cực đặt trước ống kính máy ảnh giúp chụp mây đẹp hơn. Nguồn: Camerafilters |
Ngoài máy ảnh, ống kính, giá đỡ, người chụp cần chuẩn bị thêm thiết bị bổ trợ để có những tấm ảnh tốt nhất. Kính lọc phân cực, kính mát có khả năng tránh hiện tượng phơi sáng quá mức, giúp ảnh không bị sáng lốp ra, mang lại cảm giác ấm áp hơn cho ảnh. Kính này áp dụng khi bầu trời quá sáng nhưng lại có những đám mây thú vị đang trôi. Nó sẽ tăng độ tương phản giữa ánh sáng và bóng râm ngay trong đám mây, tăng cường mức độ chi tiết.
Lắp máy đo sáng để đo sáng chính xác hơn. |
Ngoài ra, nên đo sáng cho bầu trời và tiền cảnh một cách riêng rẽ để dễ chỉnh độ sáng. Lúc này có thể dùng tính năng đo sáng ngay trong camera hoặc dùng thiết bị đo sáng rời để chính xác hơn.
Cân bằng bố cục
Đặt các đám mây lạ ở 2/3 phía trên khung hình. Nguồn: Media |
Khi đã bắt gặp những áng mây đẹp, cần xử lý bố cục tốt để tăng sự ấn tượng của mây. Có thể theo quy tắc 1/3 để đặt bầu trời vào 1/3 hay 2/3 phần trên của ảnh. Nếu trời mây thực sự quyến rũ, nó nên là phần nhấn vào khoảng 2/3. Nếu nó đẹp nhưng chưa đủ sức làm trọng tâm thì nên đặt ở khoảng 1/3.
Trong lúc chụp, phần lớn các tay máy đều chọn cách đặt kính ngắm theo chiều ngang, nhưng nếu phá cách đi bằng nhiều thủ pháp bố cục khác nhau, bạn sẽ thấy mình nắm bắt được sự rộng lớn của bầu trời.
Xử lý lại bằng kỹ thuật số
Sau khi chụp, có thể bạn sẽ thấy ánh sáng trong hình chưa vừa ý. Lúc này có thể dùng histogram để kiểm tra ảnh bị khiếm khuyết gì và dùng chức năng “recovery” trong Adobe Camera Raw hay Lightroom để sửa chữa.
Một chút chỉnh về độ nét, bão hòa màu và nhất là độ rực (vibrance) sẽ giúp hình ảnh về mây chi tiết hơn. Clarity sẽ tăng độ tương phản cục bộ, khiến các đám mây lớn rất chi tiết, không bị liền khối. Vibrance sẽ thêm màu vào các màu ít bị bão hòa nhất, làm bức ảnh truyền cảm hơn, nhất là ảnh chụp vào lúc bình minh hay hoàng hôn. Tuy nhiên, nên cố gắng chụp đẹp khi ở ngoài trời chứ không phải bên máy tính.