Những lợi ích khi bạn chụp ảnh file RAW
Theo định nghĩa, ảnh RAW là những tập tin hình ảnh kỹ thuật số chứa đựng dữ liệu không được xử lý, nén hay mã hóa do cảm biến hình ảnh ghi nhận sau mỗi lần bấm máy. Hình ảnh được chụp ở định dạng RAW đôi khi còn được xem như phim âm bản (vì chỉ được phơi sáng và hoàn toàn không qua bất kỳ quá trình xử lý nào trước). Định dạng ảnh RAW hay ảnh RAW đến nay có lẽ đã không còn là một cái tên quá xa lạ với người chơi ảnh số. Chính vì các dữ liệu được cảm biến ghi nhận không hề được nén hay xử lý trước như JPEG – nên RAW còn được xem là một định dạng hình ảnh phổ biến được các nhiếp ảnh gia tin dùng. Hãy cùng PC World VN khám phá những ưu điểm mà định dạng RAW mang lại.
Toàn quyền kiểm soát
Máy ảnh số thực chất cũng chỉ là một cỗ máy do con người phát minh ra. Chính vì thế, cơ bản, máy ảnh số vẫn không thể thông minh hơn não bộ của con người. Chính vì thế mà định dạng ảnh RAW được khai sinh để người cầm máy thỏa sức sáng tạo cùng ảnh chụp.
Với định dạng ảnh RAW bạn có thể hoàn toàn kiểm soát độ bão hòa màu sắc, độ chi tiết vùng tối ảnh chụp, cân bằng trắn (White Balance), tăng/giảm độ phơi sáng ảnh chụp cùng nhiều tùy chỉnh khác một cách dễ dàng. Thực tế, với định dạng ảnh JPEG, bạn vẫn có thể thực hiện các tác vụ kể trên. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng khi so sánh trực tiếp với ảnh chụp ở định dạng RAW là hoàn toàn khác biệt. Vì đơn giản là trong quá trình xử lý ảnh trên máy (camera) để tạo ảnh JPEG, những thông tin cần thiết để người dùng xử lý bằng phần mềm chuyên dụng trên PC đã được máy loại bỏ hoàn toàn. Nếu đã từng xử lý độ bén của một tấm ảnh JPEG, bạn chắc hẳn sẽ nhận thấy rất dễ dàng phá hỏng thành quả của mình. Trong khi đó, với ảnh RAW, bạn có thể xử lý độ chi tiết ảnh chụp đến từng vùng theo mong muốn.
Dải nhạy sáng rộng hơn
Dải nhạy sáng (Dynamic Range hay DR) là tỷ lệ giá trị phơi sáng khác biệt cao nhất giữa vùng sáng và vùng tối mà các thiết bị có thể ghi nhận hoặc thể hiện lại. Các máy ảnh DSRL thường có giá trị DR từ 5 – 6 f/stops. Máy ảnh dùng phim 35mm có giá trị DR cao hơn với màu đen và trắng tương đương với 9 stops. Vì vậy, từ tất cả các cấp độ ánh sáng trong khung cảnh thực tế, máy ảnh chỉ có thể nắm bắt được một phạm vi giới hạn ánh sáng nào đó mà thôi.
Ảnh RAW có dải nhạy sáng rộng hơn. |
Bằng việc chụp ảnh ở định dạng RAW, người dùng có thể thu được hầu hết những dữ liệu ánh sáng mà cảm biến có thể nhận được. Trong khi đó, định dạng JEPG không lưu giữ lại toàn bộ các dữ liệu ánh sáng mà cảm biến nhận được, nên đôi khi ảnh chụp ở định dạng này sẽ bị hiện tượng cháy sáng ở những vùng sáng và mất chi tiết ở vùng tối. Như đã đề cập ở trên, JPEG là định dạng ảnh nénnhằm tạo ra hình ảnh kỹ thuật số có dung lượng thấp. Chính vì thế mà trong quá trình xử lý ảnh JPEG, máy ảnh sẽ tự động bỏ qua những dữ liệu được cho là không cần thiết nên có thể gia giảm độ bão hòa màu, độ tương phản hay độ nét của ảnh chụp đi đôi chút.
Chỉnh sửa hậu kỳ dễ dàng hơn
Xử lý ảnh kỹ thuật số bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh ngày nay có thể xem là một “tác vụ” không thể bỏ qua. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý ảnh chụp, người dùng ắt hẳn cũng hơn một lần gặp một vài rủi ro từ nhẹ cho đến nghiêm trọng với định dạng JEPG. Đơn cử một số trường hợp như resize, áp dụng các bộ lọc màu trực tiếp lên ảnh gốc mà không thể phục hồi sau đó. Dĩ nhiên, bạn có thể tạo bản sao từ ảnh gốc và xử lý trên bản sao đó. Song, hành động này sẽ phức tạp hơn khi bạn phải tái xử lý số lượng ảnh lớn. Một sự thật khác là việc chỉnh sửa ảnh JPEG đôi khi có thể làm giảm chất lượng ảnh.
Ảnh định dạng RAW dễ chỉnh sửa hậu kỳ hơn ảnh JPEG. |
Nhưng với ảnh RAW, người dùng luôn có thể “undo” để hủy thao tác vừa làm hay các chỉnh sửa trước đó hay thậm chí khôi phục lại hoàn toàn ảnh gốc một cách dễ dàng. Vì định dạng RAW ghi nhận toàn bộ các thao tác chỉnh sửa của người dùng trên file ảnh.
Hô biến cân bằng trắng
Người cầm máy dù cho ít kinh nghiệm cũng có thể nhận thấy các thiết lập cân bằng trắng cài đặt sẵn trên máy không bao giờ là một lựa chọn tối ưu. Việc “cân chỉnh” cân bằng trắng một cách thủ công từ các loại phụ kiện mua thêm đôi lúc cũng khiến người cầm máy bỏ lỡ một cơ hội sáng tạo. Với ảnh RAW, bạn có thể hiệu chỉnh lại mức độ cân bằng trắng từ các tùy chọn sẵn có trong máy đã được thiết lập trước đó.
Không ngại nguồn sáng phức tạp
Định dạng RAW còn là một lựa chọn lý tưởng cho những môi trường chụp có nguồn sáng phức tạp. Với khả nặng lưu giữ các mức độ sáng từ 4.000+ đến 16.000+, người dùng có thể lấy lại chi tiết vùng sáng đã bị mất phần nào qua khâu xử lý hậu kỳ. Ngay cả những tấm ảnh thiếu sáng cũng có thể được khôi phục một cách đơn giản. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù định dạng RAW có thể lưu trữ rất nhiều dữ liệu về ánh sáng, song không có nghĩa là tất cả.
Với ảnh RAW bạn có thể in ảnh kích thước lớn tùy theo số lượng điểm ảnh mà máy ảnh hỗ trợ. Trong khi đó, ảnh JPEG tuy cũng hỗ trợ in ảnh kích thước lớn, nhưng vẫn có những giới hạn nhất định. Nếu không muốn ảnh bị bể (pixelated).
Bên cạnh các ưu điểm, ảnh RAW cũng tồn tại một vài hạn chế như: dung lượng file ảnh lớn, gây ảnh hưởng đến thời gian ghi hình lên thẻ nhớ. Một số máy ảnh tốn nhiều thời gian hơn để xử lý ảnh RAW so với ảnh JPEG. Nhìn chung, nếu chỉ cần in ảnh khổ nhỏ để lưu giữ những kỷ niệm trong gia đình, không đòi hỏi cao về chi tiết vùng tối, hãy tiếp tục sử dụng định dạng ảnh JPEG. Tuy nhiên, nếu yêu thích sáng tạo, một cỗ máy tốc độ đủ nhanh để chụp ảnh RAW, một thẻ nhớ dung lượng lớn và hướng đến chất lượng ảnh chụp nhiều hơn, hãy chọn định dạng RAW.
Nguồn: Digital-photo-secrets, Digitalcameraworld