Đánh giá Fuji X100: nguồn cảm hứng từ sự không hoàn hảo
Thời điểm này là tháng 3 năm 2017, tức là đã hơn 6 năm kể từ thời điểm Fujifilm cho ra mắt chiếc Finepix X100. Có lẽ hiện tại số người sử dụng X100 đã ít đi rất nhiều so với sự nổi tiếng và phổ biến của nó trong giới nhiếp ảnh hiện tại. X100 giờ đã trở thành X100S, X100T và mới đây nhất là X100F. Các thế hệ sau của dòng X100 series có lẽ sẽ vẫn còn tiếp diễn, ngày càng được trang bị với những chức năng, cấu hình và thông số “khủng” hơn thế hệ trước, nhưng cái hồn của X100, hình dáng, thao tác sử dụng hay ống kính… may mắn thay vẫn giữ nguyên và không thay đổi quá nhiều.
Khoảng 1 tháng trước đây, người viết đã có một bài nói về sự đẹp đẽ của thế giới ảnh film so với ảnh số trong thời đại ngày nay. Đó là một cộng đồng, một xã hội không có sự so sánh về thông số cấu hình hay về kỹ thuật hậu kỳ. Những người chụp film cũng có xu hướng muốn chụp được ảnh đẹp nhiều hơn, tập trung nhiều hơn vào khoảnh khắc và sự sáng tạo trong từng khung hình. Bản thân người viết cũng không sử dụng nhiều máy ảnh số trong thời gian khoảng 2 tháng gần đây, đơn giản chỉ vì cầm máy số, chụp ảnh số….không có cảm xúc.
Cho đến khi cầm lại vào chiếc X100 thế hệ đầu tiên này…
Hiện nay trên các trang mạng, cả trong nước và quốc tế, là một cơn bão các sự kiện tổ chức để hands-on, các bài đánh giá về “siêu phẩm kinh điển mới nhất” – Fuji X100F, một mini X-Pro2, một sự cải tiến vượt bậc so với thế hệ…thứ 3 (X100T). Vậy việc sử dụng “ông già” X100 có đáng để thử hay không…?
Có 2 lý do khiến cho người viết quyết định mượn chiếc X100 này để trải nghiệm:
1. X100…quá đẹp
Kể cả cho đến thế hệ mới nhất, thiết kế của X100 đa phần không có nhiều sự thay đổi. Nó là kiểu thiết kế mà mọi người vẫn hay gọi là “hoài cổ”, bắt chước những chiếc máy rangefinder nổi tiếng trước kia, như Leica hay Canon QL17 GIII. Gọi thiết kế này là “hoài cổ” có lẽ không thực sự chính xác. Nếu như vậy, những chiếc Leica đời mới ngày nay có được gọi là thiết kế “hoài cổ” hay không? Trên quan điểm của người viết, thiết kế của máy ảnh thực sự đã được Leica tiệm cận đến độ hoàn hảo về mặt thao tác và sử dụng trên những sản phẩm của mình từ thời điểm mà những chiếc M3 hay M2 ra đời (1950s), và Fuji đã khôn khéo áp dụng nó vào trong sản phẩm của mình.
Sau khi đã chụp film trong một khoảng thời gian, giờ đây cầm chiếc X100 trên tay, người viết mới hiểu tại sao chiếc máy này lại thu hút được một số lượng người yêu thích lớn đến như vậy. Có một thứ mà Fuji đã tác động được đến người sử dụng, và có lẽ vượt trội hơn so với Sony trong phân khúc mirrorless, Fuji tạo ra cảm hứng. Và cảm hứng đầu tiên chắc chắn đến từ thiết kế!
Giống như Leica, Fuji đặt hết tất cả những thứ quan trọng nhất để tạo nên một bức ảnh ngay trên bề mặt chiếc máy: khẩu độ, tốc độ, bù trừ đo sáng, ISO (với những model khác của Fuji như X-T hay X-Pro), y hệt như những chiếc máy film. Kiểu dáng và chức năng phải đi liền với nhau, điều này rất quan trọng. Chả ai muốn cầm một chiếc máy ảnh xấu hoắc để chụp cả. Tuy nhiên cũng không ai muốn cầm một chiếc máy mà thao tác lại không thuận tiện. Nếu như coi DSLR có xu hướng coi trọng Chức năng nhiều hơn Kiểu dáng (khoảng 70/30), Leica coi trọng Kiểu dáng nhiều hơn Chức năng (30/70), thì có lẽ X100 là sự cân bằng hoàn hảo của 2 yếu tố này (50/50)!
X100 không quá to, không hào nhoáng, đơn giản, bụi bặm, đẹp và không đắt tiền!
2. Tiêu cự 35mm
Người viết chưa bao giờ là một 35mm user. Mặc dù trong quá khứ đã rất nhiều lần người viết sở hữu những ống kính 35mm tốt, nhưng chưa một ống kính nào tồn tại lâu quá 2 tháng. Có lẽ vì tiêu cự 35mm không phù hợp lắm với những nội dung hay chụp, hoặc một phần vì đã….quá lười để tập trung và tìm hiểu nó. Tiêu cự yêu thích từ trước đến giờ của người viết là combo 28mm-50mm, kể cả sử dụng cho máy số hay máy film. 35mm hay được gọi là tiêu cự “đa dụng”, tiêu cự “một cho tất cả” và có lẽ đó là vấn đề thực sự đối với rất nhiều người khi muốn bắt đầu trải nghiệm nó. Nếu suy nghĩ và sử dụng 35mm như sử dụng 50mm khi chụp chân dung, hoặc 28mm khi chụp phong cảnh, có lẽ bạn sẽ không bao giờ tối ưu được 35mm, các bức ảnh chụp sẽ luôn “thiếu” và không có hồn. Với X100, cơ hội thử nghiệm với 35mm lại mở ra một lần nữa!
Đây không phải là một bài đánh giá đúng nghĩa về mặt kỹ thuật, hoàn toàn chỉ là những cảm nhận người viết muốn chia sẻ sau khoảng 1 tuần sử dụng.
Và có lẽ yếu tố đầu tiên mà mọi người nghĩ đến khi sử dụng X100, chính là tốc độ lấy nét của máy. Xin chia sẻ ngay rằng, NÓ KHÔNG ĐẾN NỖI QUÁ TỆ.
Firmware trên máy là 2.0, firmware cải thiện “rất đáng kể” khả năng lấy nét của máy so với lúc mới xuất hiện. Cải thiện rồi nhưng vẫn chậm, phải nói là tương đối chậm so với thời điểm hiện tại trong năm 2017, nếu như so với 90% những chiếc máy ảnh compact hay cùng giá tiền khác. Tuy nhiên, nếu so sánh khả năng lấy nét của X100 và Ricoh GR, có lẽ chiếc Ricoh GR cũng chẳng hơn kém X100 là bao. Nó buộc bạn phải chậm lại, lấy nét cẩn thận hơn và chụp cũng phải cẩn thận hơn nữa. Chính vì như vậy nên nó mang lại cảm giác như khi chụp máy film, phải chậm rãi để có một bức hình ưng ý. Yếu điểm đôi khi lại trở thành ưu điểm với một số người, nghịch lý nó là vậy. Và cũng may mắn thay, X100 tuy có lấy nét chậm, nhưng lại khá chính xác và người viết vẫn có thể chụp được những chủ thể chuyển động nếu như lấy nét và cài đặt thông số hợp lý. Một kinh nghiệm ở đây, là ngay trong khi máy đang lấy nét, bạn có thể bấm nút shutter ngay trước khoảng thời gian điểm lấy nét màu xanh dừng lại, như vậy sẽ không bị mất khoảnh khắc trong một số trường hợp cụ thể. Hoặc cách khác, với nhiếp ảnh đường phố, cài đặt khẩu độ f/8, tốc độ từ 1/250 trở lên, đặt chế độ lấy nét bằng tay (MF), ước lượng sẵn khoảng cách và cứ thế mà chụp thôi!
Ống kính 23mm f/2 trên X100 thực sự rất tốt. Nhỏ gọn, độ nét tốt, độ méo thấp và màu sắc rất tuyệt vời.
Với khẩu độ f/2, bạn vẫn hoàn toàn có thể tạo ra những hiệu ứng bokeh (xoá phông) đẹp mắt nếu sử dụng hợp lý.
Tuy nhiên, ở khẩu độ lớn nhất (f/2), nếu như bạn chụp gần (close-up) hay sử dụng chế độ (macro shot) trên máy, bức ảnh sẽ không có độ nét tốt, mà phải nói là tương đối soft. Để đạt độ nét tốt khi chụp gần, bạn phải khép khẩu xuống ít nhất là f/4.
Điều này làm người viết liên tưởng đến chiếc máy Leica X Typ 113, cũng có cảm biến APS-C, ống kính gắn liền là 23mm f/1.7. Với chiếc Leica X này, nếu như bạn chụp gần, bạn sẽ không thể chụp tại khẩu độ f/1.7, máy sẽ tự động khép khẩu xuống f/2.8 trừ phi khoảng cách từ bạn đến chủ thể từ… 1m trở lên. Ngay cả Leica Q, chiếc máy compact fullframe nổi tiếng cũng vậy, ở chế độ macro, bạn cũng sẽ không thể chụp được tại khẩu lớn nhất (ống kính của máy là 28mm f/1.7). Có lẽ đối với thiết kế ống kính liền thân máy có sự hạn chế nhất định với việc chụp chủ thể ở gần tại khẩu lớn. Nhưng bạn không mua X100 để chụp macro hay close-up phải không nào? Đó không phải là một sự đầu tư thông minh, hay sử dụng một cách chính xác với siêu phẩm “35mm” như thế này.
Là một người phần lớn thời gian quen chụp với JPEG, và lâu nay chỉ sử dụng Snapseed cho retouch, người viết thấy file JPEG từ X100 thừa đủ cho nhu cầu sử dụng thường ngày, và… post Facebook. Mặc dù chỉ có 12mp (ngang Nikon D700, cao hơn Leica M8), file của X100 vẫn đủ chi tiết cần thiết để cho bạn zoom, soi hay crop nếu muốn. (Toàn bộ ảnh trong bài viết này được retouch với Snapseed)
Ảnh crop 70%
Ảnh crop 70%
Dynamic range của các file rất tốt, có thể cứu shadow và highlight vừa đủ trong những điều kiện ánh sáng phức tạp, đủ cho nhu cầu sử dụng thông thường. Với file RAW chắc chắn khả năng cứu sáng và hậu kỳ của bạn sẽ được chi tiết và hiệu quả hơn. ISO của X100 cũng rất tốt, với mức ISO1600 ảnh vẫn rất đẹp và không dễ để nhìn thấy những hạt grain làm mất đi chi tiết hay ảnh hưởng đến bức ảnh.
Có thể nói, càng chụp, càng dành thời gian nhiều hơn dành cho chiếc máy, người viết càng cảm thấy yêu X100 nhiều hơn, cả về bản thân chiếc máy và tiêu cự 35mm. X100 rất gọn, nhẹ, thực sự nhẹ, dễ dàng mang theo người. Màn trập thì tiếng rất nhẹ nhàng, và chẳng cần đến chống rung, bạn cũng có thể chụp được tốc độ 1/15s mà ảnh vẫn nét.
Tuy nhiên, chắc chắn X100 và tiêu cự 35mm không dễ chụp chút nào, nhất là với người mới bắt đầu nhiếp ảnh. Để chụp với góc 35mm, bạn phải để ý nhiều hơn đến nội dung bức ảnh, học cách tiếp cận với chủ thể khi chụp nhiếp ảnh đường phố để hoà mình vào câu chuyện, học cách tiếp cận với chủ thể khi chụp chân dung để tạo nên cảm xúc trong bức ảnh đồng thời không để background quá lộn xộn gây loãng. Nếu kiểm soát được tốt những yếu tố này, 35mm sẽ đem lại những góc nhìn rất đặc biệt và những bức ảnh thật sự có hồn. Người viết vốn không quen chụp 35mm nên kết quả chưa được tốt, nhưng thực sự là càng cầm máy càng chụp thì lại càng muốn bấm nhiều hơn nữa.
Và để chụp được X100, chắc chắn bạn phải nắm rõ nguyên tắc cơ bản về Tam giác phơi sáng (Khẩu độ, tốc độ, ISO) và cách vận dụng nó. Nếu không, chỉ để ở chế độ A và chụp thì sẽ thật là phí phạm cho chiếc máy.
Một điểm nữa cần phải nhắc đến, đó là chụp B&W với Fuji X100 nói riêng, và với Fuji nói chung. File JPEG B&W của Fuji thật sự rất “nhẹ nhàng” và “tình cảm”. Nó có nhiều grey tone, không quá gắt, và với những ai cần sự mạnh mẽ và kịch tính hơn đối với BW vẫn có thể dễ dàng điều chỉnh và hậu kỳ theo ý mình muốn.
Là một người đã từng sở hữu những chiếc compact như Leica Q hay Ricoh GR, một tuần trải nghiệm với X100 thật sự rất khác lạ… và thú vị với bản thân người viết. Càng cầm X100 trên tay, cảm giác muốn khám phá chiếc máy và thử nghiệm bản thân với tiêu cự 35mm ngày càng nhiều. Cho đến hiện tại, người viết vẫn chưa thể phân định rõ, là bản thân vẻ đẹp của chiếc máy và những hạn chế khi sử dụng của nó thôi thúc người cầm máy đi chụp, hay đây chính là sự mê hoặc của tiêu cự 35mm mà vẫn được cho là tiêu cự “huyền thoại”, phổ biến và sáng tạo bậc nhất của nhiếp ảnh?
Dù đó là lý do gì đi nữa thì cũng không quá quan trọng. Được trải nghiệm và tìm lại niềm vui với nhiếp ảnh số thực sự khiến cho người viết rất trân trọng khoảng thời gian này và đặc biệt với chiếc máy X100 đã 6 năm tuổi. Nhiếp ảnh không phải là trò chơi với các con số, nhiếp ảnh không cần sự cầu kỳ, nhiếp ảnh là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì cảm xúc luôn phải được đặt lên hàng đầu, để sự sáng tạo được thăng hoa.
Máy càng nhiều tiền thì chụp ảnh có càng đẹp hay không? Chắc chắn là có, máy càng đắt tiền, chất lượng file ảnh càng tốt, công sức bỏ ra có ảnh đẹp nó cũng nhẹ nhàng hơn? Nhưng bạn có thực sự cần bỏ ra nhiều tiền như thế để tận hưởng và vui thú đam mê với nhiếp ảnh? Chắc chắn là không! Nếu bạn là người yêu X100, hẳn bạn sẽ đồng cảm với những gì mà tôi đã nói, phải không nào? .
Theo vsion.vn