So sánh chi tiết máy ảnh Fujifilm X-T2 và Sony A6300
Phong cách thiết kế
X-T2 và α6300 đều có kiểu dáng nhỏ nhắn, gọn gàng nhưng cá tính của chúng hoàn toàn khác nhau. X-T2 có một chút gì đó hoài cổ, với hệ thống điều khiển dày đặc và ống ngắm nằm ở khoảng giữa thân máy gợi lên vẻ cục mịch của dòng máy ảnh SLR. Trong khi đó, α6300 trông đơn giản hơn, ống ngắm được đặt lệch trái và không có gù nhô lên.
X-T2 có kích cỡ 132,5 x 91,8 x 49,2mm và nặng 507g, α6300 có kích cỡ 120 x 66,9 x 48,8mm và nặng 404g. Những thông số này cho thấy đại diện của Sony nhỏ và nhẹ hơn khá nhiều. Cả hai thân máy đều chống được sự xâm nhập của bụi và nước mưa, hoạt động tốt trong thời tiết giá lạnh, kể cả khi nhiệt độ xuống đến -10°C.
Hệ thống điều khiển
Máy ảnh Fujifilm được biết đến với hệ thống điều khiển chuyên nghiệp, gồm nhiều vòng xoay và các nút bấm chuyên biệt đặt xung quanh thân máy. Trong trường hợp của X-T2, trên đỉnh máy có 3 vòng xoay để điều chỉnh tốc độ chụp, ISO và bù trừ sáng. Khẩu độ được điều chỉnh ngay trên ống kính, ngoài ra còn 2 vòng xoay khác nằm đối xứng nhau ở phía bên phải thân máy. Chưa hết, X-T2 còn được trang bị cần/núm điều khiển (joystick), giúp thao tác chọn điểm lấy nét nhanh chóng hơn. Thực tế sử dụng cho thấy một số vòng xoay của X-T2 còn cho phép kết hợp điều chỉnh nhanh tốc độ màn trập và chế độ đo sáng.
Hệ thống điều khiển của α6300 ít chuyên biệt hơn, bao gồm 3 vòng xoay, trong đó có 2 vòng trên đỉnh máy nhưng một bên đã được dùng để chuyển đổi chế độ chụp (P/A/S/M…).
Cả hai máy đều có thêm những cần gạt, nút bấm… một vài trong số đó có thể gán chức năng tùy ý. Tuy nhiên, hệ thống điều khiển trên X-T2 hay hơn do cách bố trí rất hợp lý, dễ thao tác, chúng nằm ở cả mặt trước và mặt sau xung quanh thân máy.
Màn hình và ống ngắm
Cả X-T2 và α6300 đều sở hữu cấu trúc màn hình nghiêng, có thể lật lên 90° hoặc úp xuống khoảng 45°. Riêng màn hình của X-T2 có thể lật ngang, phục vụ các tình huống chụp dọc máy. Màn hình LCD của X-T2 có cỡ 3 inch với 1,04 triệu màu, α6300 có cùng cỡ nhưng chỉ đạt 922 nghìn màu. Cả hai đều không hỗ trợ cảm ứng.
Ống ngắm điện tử của X-T2 có cỡ 0,5 inch, gồm 2,36 triệu màu, độ phủ 100% và tốc độ làm tươi đạt 100fps. Ống ngắm của α6300 cỡ 0,39 inch, độ phân giải 2,36 triệu màu, độ phủ 100% và tốc độ làm tươi 120fps. Như vậy, kính ngắm của X-T2 lớn hơn α6300 nhưng lại có mật độ điểm ảnh thấp hơn và độ trễ cao hơn.
Khả năng lưu trữ
X-T2 là một trong số ít mẫu máy ảnh mirrorless được trang bị 2 khe cắm thẻ nhớ. Cả hai khe đều dùng kiểu thẻ SD, hỗ trợ chuẩn UHD-II với tốc độ đọc/ghi nhanh nhất. Trong khi đó, α6300 chỉ có một khe cắm thẻ nhớ, cũng dùng kiểu thẻ SD nhưng chỉ hỗ trợ đến chuẩn UHS-I, cho tốc độ đọc/ghi thấp hơn.
Việc có thêm một khe thẻ nhớ back-up là rất quan trọng đối với người chụp ảnh chuyên nghiệp, đặc biệt là khi chụp những sự kiện, khoảng khắc chỉ diễn ra một lần duy nhất như đua xe, bàn thắng hay trao giải… Ghi file cùng lúc lên 2 thẻ nhớ cũng giúp việc quản lý hình ảnh dễ dàng hơn, ví dụ như tùy chọn lưu ảnh RAW và JPG vào riêng từng thẻ. Như vậy, trong hạng mục “khả năng lưu trữ” X-T2 thắng α6300 tuyệt đối.
Khả năng chụp nhanh
Để có thể chụp nhanh, Sony và Fujifilm đã sử dụng công nghệ lấy nét lai, kết hợp nhận diện theo pha và tương phản trên hai mẫu máy ảnh X-T2 và α6300.
Hệ thống lấy nét của X-T2 gồm 325 điểm, trong đó có 91 điểm nhận diện theo pha, chiếm khoảng 40% diện tích cảm biến ở khu vực trung tâm (với một số thiết lập, số điểm nhận diện theo pha có thể được chia thành 169 điểm). Hệ thống lấy nét của α6300 gồm 594 điểm, trong đó có tới 425 điểm nhận diện theo pha, mật độ phủ rất cao trên cảm biến.
Những thông số này cho thấy hệ thống lấy nét của α6300 mạnh hơn X-T2. Cả hai máy đều có thể lấy nét liên tục, bắt nét chủ thể chuyển động rất tốt, chúng thuộc top những máy ảnh lấy nét nhanh nhất hiện nay. Riêng X-T2 có một tính năng rất hay, cho phép các tay máy tùy chỉnh phương pháp theo dõi chủ thể để lấy nét nhanh và chính xác khi chụp các đối tượng di chuyển tuyến tính và các môn thể thao dễ phán đoán hướng chuyển động.
X-T2 có thể chụp liên tục 14fps còn α6300 là 11fps. Nhưng khác biệt còn nằm ở chỗ X-T2 đạt tốc độ chụp tối đa khi sử dụng màn trập cơ khí là 1/8.000s, với màn trập điện tử là 1/32.000s. Trong khi đó, α6300 bị giới hạn tốc độ chụp ở mức 1/4.000s.
Khả năng quay video
X-T2 là mẫu máy ảnh đầu tiên của Fujifilm hỗ trợ quay video ở độ phân giải Ultra-HD, với tốc độ ghi hình tối đa 30fps. Khi chỉnh xuống độ phân giải Full-HD, tốc độ ghi hình có thể tăng lên 60fps. Thời gian quay liên tục tối đa ở độ phân giải Ultra-HD là 10 phút, quay Full-HD thì được 15 phút. Trong chế độ quay Ultra-HD, X-T2 sẽ thu hẹp diện tích làm việc của cảm biến, giảm khoảng 1,17x so với ban đầu.
Trong hạng mục này, lợi thế thuộc về α6300, dù ở chế độ quay nào máy cũng không thu hẹp diện tích làm việc của cảm biến, có nghĩa là phạm vi hình ảnh khi quay video giống hệt khi chụp ảnh (cỡ cảm biến APS-C). Ở độ phân giải Ultra-HD, α6300 cho phép quay video với tốc độ ghi hình tối đa 30fps, quay Full-HD là 120fps. Thời gian quay tối đa của α6300 ở cả hai chế độ đều có thể lên tới 30 phút.
Cả hai máy đều được trang bị các tính năng “log gamma”, giúp ghi lại dải tương phản rộng nhất có thể, với nhiều chi tiết trong vùng tối và vùng sáng. Chỉ có điều, mỗi hãng lại có tiêu chuẩn “thẩm mỹ” riêng, bên Fujifilm là F-Log, còn Sony có S-Log2 và S-Log3… là những cấu hình được lấy từ máy quay phim CineAlta rất nổi tiếng của họ.
Có thể nói, α6300 tỏ ra đáng tin cậy hơn trong lĩnh vực quay phim. Hệ ống kính E-mount của Sony cũng đang hỗ trợ tốt hơn cho nhu cầu làm phim. Nhược điểm của α6300 là nhiệt độ máy có xu hướng tăng nhanh sau khoảng 15-20 phút sử dụng liên tục (trường hợp quá nóng máy sẽ tự động ngắt – một vấn đề rất hay gặp ở Việt Nam).
Cấu hình màu
Xưa nay, Fujifilm luôn được ca ngợi bởi bộ cấu hình màu giả lập phim. Chúng được lấy cảm hứng từ những loại phim nổi tiếng mà Fujifilm từng sản xuất trong quá khứ. Mặc dù được chụp bằng công nghệ kỹ thuật số nhưng chất ảnh của Fujifilm rất hoài cổ, cho ta cảm giác như ảnh chụp bằng máy phim.
Sony cũng có một bộ sưu tập cấu hình màu riêng, được gọi là Creative Styles. Chúng mang hơi hướng “kỹ thuật số” nhiều hơn, tuy nhiên vẫn còn chung chung, giống một số hãng khác.
Giá bán
Ở thị trường Việt Nam, chỉ tính riêng thân máy, X-T2 có giá bán gần 37 triệu đồng và α6300 có giá bán chỉ dưới 24 triệu đồng. Như vậy, α6300 có lợi thế khá lớn về giá bán, rẻ hơn X-T2 tới hơn chục triệu đồng, số tiền này đủ để mua một ống kính E-mount loại tốt, rất đáng để cân nhắc.
Hạng mục so sánh | Fujifilm X-T2 | Sony α6300 |
Kiểu | Mirrorless | Mirrorless |
Ống kính | Fujifilm X-mount | Sony E-mount |
Cảm biến | APS-C / 24,3MP | APS-C / 24,2MP |
Bộ xử lý hình ảnh | X-Processor Pro | Bionz X |
Độ sâu màu | 14-bit | 14-bit |
Dải nhạy sáng ISO | 200-12.800 | 100-25.600 |
Hệ thống lấy nét | Hybrid / 325 điểm | Hybrid / 594 điểm |
Tốc độ chụp liên tục | 14 hình/giây | 11 hình/giây |
Màn hình | LCD / 3” / 1.040.000 dots | LCD / 3” / 921.600 dots |
Ống ngắm | EVF / 0,5” / 2.360.000 dots | EVF / 0,39” / 2.359.296 dots |
Kích thước | 132,5 x 91,8 x 49,2mm | 120 x 66,9 x 48,8mm |
Khối lượng | 507g | 404g |
Giá bán | 1.600USD | 1.000USD |
Theo: Việt Đức / nghenhinvietnam.vn