Những nỗi ám ảnh của nhiếp ảnh gia
Luôn có những nỗi ám ảnh thường trực trong đầu mỗi nhà nhiếp ảnh và theo thời gian chúng vẫn không hề mất đi. Nhưng chính sự ám ảnh đó lại như động lực kích thích các tay máy liên tục sáng tạo, dù nghệ thuật rất ích kỷ, nó đòi hỏi người ta phải hết mình cho nó mà thành quả thu được nhiều khi không hề tương xứng…
Ám ảnh về phương tiện
Có lẽ ít có nhà nhiếp ảnh nào vỗ ngực tự hào: tôi có đủ phương tiện sáng tạo.
“Đau đầu” nhất vẫn là ống kính máy ảnh. Có một nghịch lý rằng ống kính càng tốt thì càng nặng, càng to nhất là với 2 dòng phổ biến Nikon và Canon. Ống kính tốt, độ mở rộng, sáng thường đến 1.2 , 1.4 và dĩ nhiên tiền nào của nấy. Chất lượng cao nhất vẫn phải là ống kính fix, nhưng như thế chỉ thích hợp với những cú bấm máy tĩnh, có ý đồ và tâm thế của người bấm máy cực kỳ thanh thản. Còn lại ống kính zoom luôn là lựa chọn tối ưu, nhưng zoom cỡ nào lại là vấn đề, dải thang tiêu cự càng rộng thì càng tiện nhưng chất lượng hình ảnh lại không cao. Ai đó thèm thuồng nhìn nhiếp ảnh gia nọ cầm zoom 18-300mm hay 50-500 mm, quá ư tiện lợi chỉ đứng 1 chỗ mà zoom ra zoom vào, trong khi bản thân mình phải vất vả liên tục hết thay ống kính này lại đến ống kính khác. Nhưng cũng anh chàng cầm ống kính zoom “khủng” đó về nhà xem lại ảnh trên máy tính mới ngã ngửa người khi thấy ảnh mình nhìn không sướng, thiếu chi tiết.
Nhãn hiệu ống kính nào cũng là cả vấn đề, chơi ống kính chính hãng Nikon, Canon thì OK rồi, nhưng giá “chát” nên dùng sang ống kính hãng thứ ba. Ngày xưa, tôi đã từng đau đầu về việc nên dùng ống kính Sigma hay Tamron, và băn khoăn mãi về chất lượng của nó so với ống kính Nikon. Và thời gian đã cho câu trả lời thỏa đáng: mới 100 % thì hai ống kính trên tương đương 9/10 so với ống Canon, Nikon nhưng chỉ 1 thời gian ngắn sau thì nó xuống cấp khủng khiếp luôn. Và đau ở chỗ bạn không biết chính xác khi nào thì nó xuống cấp.
Gần đây, bà con ta nhiều người chuyển sang xài Sony và “kết” nó ưu điểm đầu tiên là nhẹ. Nhưng nếu nhẹ sao bằng các máy ảnh nhỏ, bằng điện thoại di động đời mới. Và xét đến cùng nếu mục tiêu có hình ảnh được đặt lên hàng đầu thì máy điện thoại thông minh là lựa chọn số 1. Nếu bạn giơ máy ảnh pro ra chụp một bà hàng rong thì thường bà ấy che nón lại, còn nếu bạn giơ máy di động lên, bà ấy lại toét miệng cười.
Các loại ống kính đời mới thi nhau ra đời. Và nhà sản xuất cực kỳ nhạy bén với thị trường khi không tạo ra 1 thứ ống kính hoàn hảo. Mà ống kính nào dù đắt tiền mấy cũng luôn có nhược điểm của nó, để bạn luôn phải lao vào cuộc chạy đua cùng ống kính. Và ngay cả khi bạn đã “hòm hòm” về ống kính rồi, mỗi lần đi chụp là thêm 1 lần đau đầu về mang ống kính. Mang những gì đi để khỏi quá hành xác mà không tiếc.
Chỉ riêng ống kính đã là câu chuyện dài, nói chi đến các “đồ chơi” khác như đèn chớp (flash), kính lọc (filter) rồi chân máy (tripod)… Chưa kể những món đồ cực “độc” khác như David Lesson, phóng viên Mỹ hồi sang giảng dạy một workshop cho các phóng viên trẻ Việt Nam đã dùng một công cụ gần giống như vô lăng ô tô để gài máy ảnh và cứ thế anh ngồi sau xe ôm, cầm “vô lăng” chụp ảnh từ các góc máy thấp đa dạng khác nhau…
Ám ảnh về tác phẩm
Vâng, luôn luôn có ám ảnh: bức ảnh mình chụp có phải là tác phẩm nghệ thuật không hay chỉ là một bức ảnh phù phiếm?!
Bao công sức đổ ra, săn rình con nghệ thuật, nhìn live view sướng mắt nhưng khi căng to ảnh lên màn hình mới giật mình vì “bé cái nhầm”.
Nhất là khi chụp 3, 4 nhân vật thì thường được cái nọ mất cái kia, nhân vật này cảm xúc tốt thì nhân vật kia dáng điệu quá cứng hay dở tệ. Thế nên dù đã có lời cảnh báo trong sách giáo khoa nhiếp ảnh “Máy ảnh không phải là súng máy” thì các nhiếp ảnh gia vẫn bấm liên thanh để sau này dùng phần mềm photoshop cắt dán ảnh này vào ảnh kia cốt tạo ra một bức ảnh hoàn hảo.
Thế nhưng điều gì cũng có hai mặt của nó, khi chụp bạn luôn nghĩ đến chuyện “phù phép” hình ảnh sau đó thì khó mà tạo được một bức ảnh đơn tốt tức thời, mà đó chỉ là những sản phẩm “thô”, đúng hơn là “bột”.
Trong những chuyến đi sáng tác đông người luôn có một cuộc cạnh tranh ngầm với nhau: bạn đồng nghiệp chụp được cái gì hay thì bắt buộc mình cũng phải có bức ảnh chụp cái đó. Và thế là tâm lý người chụp cứ sôi sục lên, nhất là khi dù có ba đầu sáu tay bạn không thể chụp đủ những gì người khác đã chụp, nhìn thấy đúng những gì người khác đã thấy.
Hãy cứ đi theo con đường riêng và đừng quá bận tâm tới người khác chụp gì, biết vậy nhưng có phải ai cũng thiền được đâu.
Đã có một số nhà nhiếp ảnh Việt Nam hoàn toàn bắt chước những hình ảnh đoạt giải trong một số catalogue nước ngoài và dựng lại cảnh đó y hệt, có chăng là bối cảnh và con người là của Việt Nam. Đã có sự “không xấu hổ” khi ai đó sao chép nguyên xi ảnh đoạt giải của một số tác giả trong nước để đem đi thi cuộc này cuộc khác.
Xét đến cùng, dù bạn có đoạt bao nhiêu giải, dù bạn có thành tích đầy mình cũng là vô nghĩa nếu nói đến bạn, người ta không nhớ nổi 1 tác phẩm cụ thể gây dấu ấn mạnh mẽ.
Mà cả đời người cũng không phải ai cũng có những tác phẩm lớn.
Nguồn: Hội Nhiếp Ảnh Thành Phố Hồ Chí Minh