Coi chừng lỗi nhỏ phá hỏng công to của tác phẩm nhiếp ảnh

Coi chừng lỗi nhỏ phá hỏng công to của tác phẩm nhiếp ảnh

LỄ HỘI LÀNG NGHỀ, PHỐ NGHỀ THĂNG LONG – HÀ NỘI

Từ 16 – 21. 09. 2010
Công viên Bách Thảo
Miễn phí sau khi trả 4.000 VNĐ vé vào công viên

Hôm nay, để kiểm tra Hotpot của SOI, bèn lò dò đến Lễ hội Làng nghề, Phố nghề Việt Nam ở Bách Thảo.

Trời nắng nhức óc, may mà Bách Thảo toàn bóng râm, thỉnh thoảng lại có gió mát nên cũng đỡ khiếp hãi phần nào.

(Nói ngay từ đầu luôn: với người chỉn chu và cầu toàn, lễ hội này dễ bị coi là nhem nhuốc. Các anh chị họa sĩ đi xem có thể sẽ cáu đấy. Nhưng nhìn từ góc độ của người bình thường, lễ hội này là… vui, và có nhiều cái mà xem. Ít nhất là có được khái niệm về các làng nghề một cách khá toàn diện. )

 

Thí dụ những món đồ gốm này rất được các cụ ưa chuộng, nhưng kém đẹp

Vừa vào khuôn viên, đã thấy ngay một cảnh đông vui nhộn nhịp. Trẻ con vẫn đông nhất, có lẽ do các bé vẫn rất được ưu tiên, sắp đến Trung thu mà, nên các ông bố bà mẹ cho đi chơi đông lắm.

Ngay từ cửa vào bên Ngọc Hà đã có ngay một phố Hàng Mã… trá hình. “Trá hình” nhưng chất lượng có khi hơn phố Hàng Mã thật, vì toàn đồ chơi trẻ em Việt Nam. Xúc động biết bao khi nhìn thấy những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao, và chiếc đèn hình hoa có bánh xe đẩy (tuyệt không bóng dáng những chiếc lồng đèn nhựa nhức mắt phát ra những bài nhạc dance nhức tai, cảm ơn Trời!). Rồi những nghệ nhân tò he từ “làng tò hè” Xuân La cũng đến làm rộn rã cả một góc “phố”. Lồng đèn, diều giấy, và hàng chục mét vải lụa lả lướt làm rực rỡ khu trưng bày của Làng nghề Bắc Việt.

Thợ làm tò he

Hội chợ này thực sự có đa dạng vùng miền, những người đi nhiều không thấy quý, nhưng những người cả đời hầu như không ra khỏi Hà Nội thì sẽ được nhiều. Từ thổ cẩm, lâm sản, dược liệu của núi rừng Tây Bắc, đến bánh pía sầu riêng, kẹo dừa Bến Tre, bưởi Biên Hòa, mật ong Đăk Lăk, dừa xiêm, bưởi hồng da xanh, cây cảnh Nam Bộ… có thể thấy ban tổ chức đã thật sự bỏ công để mời đến những đại diện tiêu biểu của khắp các làng nghề trên cả nước.

Mỗi gian hàng đều được chuẩn bị công phu, từ khâu chọn lựa đến trưng bày sản phẩm, dù đường xá xa xôi dù chỉ để mang sản phẩm đến bày bán trong chưa đầy một tuần. Ai cũng biết muốn phục dựng được không khí làng nghề thì cần nhiều thứ lắm, thí dụ không có máy móc làm sản phẩm mà chỉ có sản phẩm thôi thì cũng khó mà có không khí “nghề”. Rồi làng nghề tức “chủ nhà là thợ”, nhưng trong khuôn khổ một hội chợ, triển lãm này thì không thể nào dựng những ngôi nhà đặc trưng của các địa phương, thế nên cũng khó mà có không khí “làng”. Nhưng cầu toàn quá thì sẽ chẳng bao giờ có được gì để xem. Đây có thể coi là một cuộc “duyệt binh” be bé xem Thăng Long từng có gì, Hà Nội nay còn gì vậy…

Thôi, trong rất nhiều thứ lôm côm chuẩn bị đón đại lễ mà tổ chức được thế này thì quả là rất hay, rất đáng hoan hô. Chỉ có một điều… buồn phiền nho nhỏ (mà hình như thâm căn cố đế) là … đi một vòng Bách Thảo mà chẳng thấy cái chỗ giải quyết nỗi buồn đâu cả, thật khổ sở vô cùng. Lòng lại nảy sinh câu hỏi: đám thợ làng nghề “qiải quyết” ở đâu?

Rồi rác, nhiều rác. Mà giải quyết việc này có khó gì đâu: hợp đồng với hai chị chè chai, mỗi chị 200.000đ/ngày, mỗi chị phụ trách một nửa bách thảo, chỉ cầm cái gắp than và một cái bao cho đẹp (trên đừng có in con rồng), thấy rác là gắp.

Mong rằng về lâu dài những nhà tổ chức đừng coi việc này là bé. Nhiều khi báo chí chỉ nhìn thấy rác mà sẽ không nhìn thấy công sức đã bỏ ra. Mà thế thì cũng không trách họ được…

 

Một số hình ảnh trong lễ hội (còn đến ngày 21. 9. 2010):

Những con rồng (đề tài… nghìn năm muôn thưở) khổng lồ. Du khách có thể ghé thăm “lều kỉ lục làng nghề”, với những sản phẩm hoặc là siêu khủng về kích thước, hoặc là hoành tráng về… giá tiền – đều là các tác phẩm đoạt giải nọ giải kia trong các cuộc thi làng nghề

 

Rất nhiều màu sắc…

 

Những món hàng thế này các cụ cũng rất thích

 

Bọn trẻ con quây quần bên nong tằm (các bậc phụ huynh tha hồ mà phô diễn kiến thức)

 

Lụa Hà Nội 2 trong nắng Hà Nội 1

 

Nhu cầu của người bình thường là rất thích những hội thế này. Sẽ tốt hơn nếu dưới chân không có rác.

 

Và sau khi dạo quanh, được ngồi bên hồ thảnh thơi mà không phải canh cánh tìm một nơi cho những nhu cầu rất “đời thường”

Nguồn soi.today

Visited 805 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...