Mất cảm hứng chụp ảnh, bạn làm gì để lấy lại nó ?

Bài viết chia sẻ kiến thức kinh nghiệm của tác giả Tuanlionsg , nói về việc tìm lại cảm hứng chụp ảnh khi bị đánh mất. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy tham khảo những lời khuyên sau 🙂 nhiếp ảnh không chỉ là môn nghệ thuật, mà nó còn mang tính giải trí rất cao.

Mấy hôm rồi, mình có gặp một số bạn nhân dịp đọc bài của Phong Đặng, họ chia sẻ dạo này chán chụp, mất cảm xúc…v.v… Mình cũng từng có thời gian dài trải qua cảm giác tương tự. Vớ được bài này, xin chia sẻ anh em.

Chính việc có ước ao thực hiện ĐIỀU GÌ ĐÓ – BẤT CỨ ĐIỀU GÌ sẽ làm cho người ta quyết tâm thực hiện được tốt nhất cái họ ao ước. Điểm khác biệt giữa suy nghĩ, lên kế hoạch thực hiện, hy vọng hoàn tất, cầu mong và thực sự LÀM ĐƯỢC – chính là động lực nơi mỗi người khác nhau.

Scott Bourne, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chia sẻ về động lực trong nhiếp ảnh này. Nếu thấy thích thú với nội dung này, bạn cứ thoải mái chuyển cho các bạn bè cùng xem. Luôn có chỗ cho một động lực dù nhỏ đến mấy…

Screen Shot 2016-07-01 at 4.48.33 PM.png

LỜI MỞ ĐẦU
Động lực là sức mạnh dẫn dắt mà nhờ nó người ta đạt đến những mục tiêu của mình. Trong thế giới ngày nay, xem ra điều đó không còn dễ. Dường như quanh chúng ta đang đầy dẫy những con người bất hạnh, đáng thương và chẳng làm nên trò trống gì, lúc nào cũng sẵn sàng cáu giận. Hiện tượng ấy có thể dẫn đến tâm lý chán chường. Đôi lúc người ta rất dễ bị ngập sâu trong tình trạng tiêu cực như vậy và cứ nằm ườn ra giường rồi mong cho mọi sự tốt lên. Nhưng, theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy kiểu phản ứng như vậy thật hiếm khi mang lại hiệu quả.

Do đó, tôi đã viết một số tiểu luận ngắn và mong tạo ra hiệu ứng ngược lại. Tôi muốn đem đến cho bạn một điều gì đó tích cực để suy nghĩ. Tôi muốn thúc đẩy bạn bước ra khỏi nhà và trở thành người chụp ảnh thành công, có vậy thôi.

Những tiểu luận này được góp nhặt từ những bài viết tôi đã công bố trong ba năm vừa qua. Tôi đã cập nhật một số và tìm cách làm cho chúng thích nghi với trào lưu hiện hành. Hy vọng bạn thấy chúng hữu ích và, nếu được vậy, mong bạn cứ thoải mái chuyền tập sách điện tử này cho những người khác cùng đọc.

CÁC MẸO ĐỂ TÌM RA ĐỘNG LỰC

Thỉnh thoảng có người chụp ảnh gặp tôi và thổ lộ cho tôi biết là họ đã mất hết động lực. Đúng vậy. Điều này rất thường xảy đến với những người chuyên nghiệp hơn nghiệp dư, nhưng ở một mức độ nào đó, luôn có một kiểu tâm thế cho rằng “biết rồi, nói mãi” khiến người ta trở nên chán chường. Mục đích của tôi ở đây là nhằm giúp bạn giải quyết vấn đề trong trường hợp bạn mất đi động lực làm việc.

  1. Thư giãn. Hãy hít một hơi thật sâu. Việc này chẳng chết chóc gì. Vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn nếu bạn tự gây ra cho mình nhiều áp lực hòng vượt qua tình trạng bị mất động lực. Ai cũng có lúc gặp phải hiện tượng ấy. Cho dù mẹo nhỏ này có hữu ích hay không, song bạn đừng quên là không chỉ một mình bạn gặp vấn đề.
  2. Suy nghĩ lại những gì bạn đang chụp. Hãy thôi chụp BẤT CỨ THỨ GÌ không mang lại niềm hứng thú cho bạn. Chỉ chụp những thứ hấp dẫn bạn. Việc chụp ảnh những con người, nơi chốn và sự vật mà bạn yêu thích có thể là tất cả những gì bạn cần để giúp bạn vượt qua thời điểm gay go này.
  3. Tiếp tục cầm máy lên và chụp. Điều tệ hại nhất mà bạn có thể làm khi bị mất niềm cảm hứng chính là ngưng chụp ảnh. Quả là, nếu như vậy – thì thật nghiêm trọng. Đừng bỏ rơi máy ảnh của bạn. Hãy dành ra hai hoặc ba ngày trong tuần để ra khỏi nhà và chụp ảnh. Hãy nghe theo lời khuyên tôi đã đưa ra cho bạn ở chương trước.
  4. Tìm một người chia sẻ … thật đấy, kiểu như một người bảo trợ “cai rượu” (nguyên văn=AA=Alcoholics Anonymous)vậy. Người ấy là một ai đó mà bạn thực sự tin tưởng. Hãy nói cho họ biết là bạn đang gặp rắc rối. Hãy có một người nào đó mà bạn tin tưởng vào những giải thích của họ. Hãy luôn chia sẻ với họ mục đích và những thử nghiệm của bạn.
  5. Đừng ngại thay đổi. Cứ việc chụp những gì mà trước đó bạn chưa bao giờ chụp. Hãy thử một kỹ thuật mới, một máy ảnh, một ống kính mới. Nếu chưa từng chụp cận cảnh, hãy chụp cận cảnh. Bạn chưa bao giờ chụp phong cảnh ư ? Hãy đi chụp phong cảnh. Điều quan trọng là hãy luôn chụp MỘT THỨ GÌ ĐÓ. Đây là cách để xác định xem có phải là do có quá nhiều thể loại chụp ảnh hay quá nhiều kiểu chụp ảnh không đúng đã khiến bạn cạn nguồn động lực hay không.

Hãy kiên trì. Tôi đã từng phải đôi ba lần trải qua như thế trong sự nghiệp của mình. Những mẹo này đã giúp tôi tiếp tục và hy vọng chúng cũng sẽ hữu ích với bạn.

CÓ GÌ CÒN THIẾU TRONG CÁC BỨC ẢNH BẠN CHỤP ?

Đây là lúc tôi đóng vai Tony Robbins. Thi thoảng chúng ta ai cũng cần một cuộc trò chuyện động viên. Đây là một trò chuyện như thế tôi dành cho bạn. Mong sao hôm nay có AI ĐÓ đọc được những dòng này và từ đó có thể rút ra được lợi ích.

Khi nói về cái còn thiếu trong các bức ảnh của bạn, tôi cá là nhiều người trong các bạn bắt đầu tìm cách nhắc đến chuyện trang thiết bị. Vậy thì quá dễ. Người ta ai mà chẳng muốn có thêm trang thiết bị – mới – mới hơn nữa – v.v… Nhưng thực ra, một khi ngồi lại để phân tích, thì cái thiếu ấy còn sâu xa hơn nhiều, so với chuyện thiếu ống kính hay thiếu máy ảnh mới.

Thử trả lời các câu hỏi: Thiếu tâm hồn ? Hay phải cần thêm kiến thức ? Thiếu sự tận tâm và hướng đi đúng ? Đối với nhiều người thì lại là thiếu thời gian để thực hành. Phải chăng còn thiếu niềm cảm hứng hay sự nhẫn nại ? Hay cần phải có những chủ thể tốt hơn ? Bạn có đang chán nản không ? Có đang phải đối diện với bệnh tật chăng ?

Bất kể bạn đang thiếu thứ gì, nhưng biết suy nghĩ về nó, tập trung chú ý vào nó và tìm cách làm MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ, thì trong 90% trường hợp, hầu như sẽ giúp bạn nhanh chóng nhận ra mình đang ‘xuống cấp’ đến mức nào. Đừng tránh né tình trạng ấy. Hãy nắm lấy nó. Đối diện với nó. Thay đổi nó.

Một khi đã biết được mình đang thiếu thứ gì, hãy đặt ra một hướng đi mới. Hãy lấy những rèn luyện làm mục đích. (Bạn có thể tìm thấy những rèn luyện như thế trên Google.) Hãy xin sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình. Tìm kiếm những người dạn dày kinh nghiệm có thể mang lại cho bạn lời khuyên về lĩnh vực mà bạn yếu kém nhất. Hãy nghiên cứu. Đọc sách. Đưa ra những bước cụ thể để thực hiện một việc (hoặc nhiều việc) cho tốt hơn. Điều này còn khó hơn cả việc mua một ống kính mới. Nó có vẻ như không làm thỏa mãn ngay. Nhưng về lâu về dài thì sẽ.

Quả thật – bạn cần chú ý đến điều này. Hãy trung thực với chính mình. Bạn đang thiếu mất điều gì ? Hãy tìm cho ra nó và khắc phục. Đừng biện bạch nữa. Hãy ra ngoài và chụp những bức ảnh tuyệt vời đi.

BƯỚC RA KHỎI NỖI NHÀM CHÁN

Sự nhàm chán thường xảy đến với bất cứ người chụp ảnh nghiêm túc nào lúc mới vào nghề. Cuối cùng thì bạn cũng cạn hết ý tưởng mới. Rốt cuộc bạn nhận ra là mình đang phải tìm kiếm nguồn cảm hứng. Thậm chí một số người còn rơi vào tình trạng chán nản. Trước đây tôi đã từng viết về điều này, nhưng lần này là tiếp cận theo một cách khác.

Tin hay không thì tùy, vì có vẻ trái với trực giác, song bạn có thể tìm được niềm cảm hứng từ công việc CŨ của bạn. Sau đây là cách để tìm.

  1. Xem lại một số những bức ảnh cũ bạn đã chụp – càng cũ càng hay. Hãy bắt đầu tự hỏi hôm nay bạn có thể cải tiến chúng bằng cách nào. Những công cụ và kỹ thuật mới nào mà bạn đang sử dụng, có thể dẫn đến kết quả tốt hơn ?
  2. Một thủ thuật khác nhanh chóng giúp bạn xóa đi nỗi nhàm chán của mình là dùng lại những ý tưởng cũ và đưa chúng ra thực hiện theo cách khác. Hãy thử chụp những chủ thể mà bạn đã từng chụp, nhưng theo một góc ngắm khác. Nếu đã chụp từ trên xuống thì hãy chụp lại từ dưới lên và xem thử bạn có thể “nhìn” theo cách mới được không. Nói cách khác, hãy thử khám phá cách nhìn khác với cách cũ, ngay cả khi đó là cách độc đáo của bạn.
  3. Thử vạch ra một kế hoạch. Bắt đầu lập bản đồ về những nơi bạn sẽ tới, thay đổi trang thiết bị, những góc nhìn mới, phương pháp mới và cảm hứng mới. Xây dựng một kế hoạch và theo đó mà thực hiện. Đôi lúc sự nhàm chán chụp ảnh xảy đến khi người ta dựa dẫm thái quá vào xúc cảm hòng tìm kiếm nguồn cảm hứng. Đặc biệt những người chụp ảnh chuyên nghiệp thường có xu hướng này. Khi nó xảy đến, hãy bắt đầu làm việc bằng phương pháp chứ không bằng cảm giác. Khi bắt đầu thông suốt với những vận hành của kỹ thuật mà bạn đã học được, hãy kết hợp nó với một kế hoạch, bấy giờ bạn bắt đầu rời khỏi nỗi nhàm chán và có lại được nguồn cảm hứng.

CHỤP ẢNH SÁNG TẠO

Bạn có bao giờ nghe đến Lời Thề Hướng Đạo chưa ? Vâng, đây là lời thề dành cho người chụp ảnh sáng tạo mà tôi đặt ra. Nếu không có tác dụng với bạn, bạn hãy tao ra một lời riêng cho mình. Trong bất cứ sự kiện nào cũng luôn có một điều gì đó để suy nghĩ khi mà bạn nhận ra khả năng của bạn như một sự sáng tạo làm cho bạn khác với những người chụp ảnh khác.

  1. Người chụp ảnh sáng tạo luôn có cam kết. Chúng ta cam kết với nghề nghiệp, với những mối quan hệ, các khách hàng, những người dẫn dắt và với sự phát triển của chúng ta.
  2. Người chụp ảnh sáng tạo thì sáng tạo mỗi ngày. Chúng ta thực hiện ĐIỀU GÌ ĐÓ hằng ngày để tiến đến mục đích trở thành người chụp ảnh sáng tạo.
  3. Người chụp ảnh sáng tạo không ngừng học hỏi. Chúng ta đọc sách, nghe đài, đọc các blogs, tham gia những buổi thảo luận, hỏi và trả lời và nói chung, chúng ta làm bất cứ những gì có thể làm để học hỏi về nhiếp ảnh hơn nữa.
  4. Người chụp ảnh sáng tạo luôn hào phóng. Chúng ta luôn sẵn lòng chia sẻ bất cứ thủ thuật, ý tưởng hoặc cảm hứng nào hữu ích đối với chúng ta. Chúng ta không chờ người khác phải hỏi. Chúng ta luôn sẵn lòng chia sẻ các thông tin.
  5. Người chụp ảnh sáng tạo lúc nào cũng tự trọng. Chúng ta không hạ giá công việc của mình bởi vì nó làm mất phẩm giá chúng ta và nghề nghiệp của chúng ta. Chúng ta không làm những việc mà chúng ta không tin hoặc chỉ để hưởng thụ tiền bạc. Chúng ta không chấp nhận lường gạt khách hàng. Chúng ta đề cao những cam kết và công việc cần mẫn của chúng ta.

NIỀM VUI NHIẾP ẢNH

Mới đây, một số người và một số sự kiện trong cuộc đời tôi đã khiến tôi phải ngẫm nghĩ về sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Đây là một bài viết khó khăn đối với tôi vì nó buộc tôi phải “vạch áo cho người xem lưng”, điều mà hiếm khi tôi lộ ra cho bất cứ ai. Hãy bắt đầu từ đầu.

Tôi là một con chiến mã đã mỏi gối chồn chân. Tôi đã nhìn thấy tất cả những gì cần thấy và đã làm tất cả những gì cần làm và đôi khi rất dễ trở nên hoài nghi. Nhưng rồi có lúc, một điều kỳ diệu xảy đến và tôi tiếp tục …….. phía trước.

Thường thì sự kỳ diệu xảy đến dưới hình thức một trải nghiệm lớn như bức chụp con Gấu Xám Bắc Mỹ vào tháng 8 năm ngoái, tại bờ biển Katmai ở Alaska. Thi thoảng lại đến dưới hình thức một bức chụp tuyệt vời như bức ảnh tôi chụp Bầy Sếu trong sương mù. Hoặc khi khác nữa, chỉ là một, hai hay ba cuộc mua bán lớn.

Nhưng vào thời gian gần đây, niềm cảm hứng và sự kích thích mà tôi cần thì lại xuất phát từ những nguồn khác.

Đầu tiên, tôi đọc đi đọc lại cuốn sách tuyệt vời của Dane Sanders, cuốn Fast Track Photographer. Tuy cuốn sách chỉ dành cho người chụp ảnh đám cưới, nhưng quả thật nó cũng dành cho bất cứ ai muốn trở thành hoặc có thể trở thành một người chụp ảnh chuyên nghiệp.

Phải thú nhận là tôi đã có lúc nhìn thấy mình giống như anh chàng mà bạn không muốn trở thành trong cuốn sách ấy. Có vậy đi nữa thì cũng không quá tệ. Tôi đã và đang làm những điều tích cực mà Dane có đề cập đến từ hàng chục năm nay. Ấy thế mà vẫn có đôi chỗ tôi phải thốt lên “ái chà” Việc này khiến tôi phải kiểm điểm lại chính mình.

Kế đến, tôi bắt đầu chú ý đến anh bạn Skip Cohen của tôi. Thái độ của anh ấy LUÔN lạc quan tươi tắn. Anh ấy LUÔN tích cực. Anh là gã trai có duyên nhất trên đời. Anh luôn tìm cách để mang lại sự vui vẻ cho mọi người. Thậm chí dường như anh không quan tâm đến chuyện bị người khác ném đá nữa kia. Anh không ngừng việc viết sách, giảng dạy và giúp đỡ. Nơi anh không có sự hoài nghi. Phần tôi, nếu quen biết tôi, bạn sẽ biết nơi tôi đang có đôi ba sự hoài nghi đấy. Đã đến lúc tự kiểm điểm lại mình rồi.

Sau hết, tôi từng được vinh dự cầm đầu một cuộc thi ảnh tại công viên Portland’s Washington như một phần trong cuộc thi Worldwide Photo Walk do Scott Kelby tổ chức. Nói rất đơn giản thì đó là một kinh nghiệm đầy cảm xúc. Những người có mặt tại cuộc thi ảnh ấy đã đến đấy với niềm vui ngập tràn trong lòng. Họ phấn khích, sung sướng và lạc quan. Họ nôn nóng chờ cho đến cái ngày hoàn toàn khác với mọi ngày ấy. Ở đấy, tôi đã phải luôn bận rộn để làm một số việc. Tôi đã đến một vài nơi rất đẹp và chụp ảnh hoặc giảng dạy hoặc nữa là thuyết trình và thậm chí tôi còn được trả thù lao nữa. Mọi người đều dành ra cả buổi sáng Chúa Nhật để trải qua cuộc thi nhiếp ảnh và đã có được một thời gian rất thoải mái. Lẽ ra tôi đến đó để giúp họ, thì chính họ lại quay sang giúp tôi.

Tôi nhận ra niềm vui mà họ có được đã phần nào giảm sút do phương pháp chụp ảnh của riêng tôi. Phần nào ấy không khó để giải thích. Với tôi đấy là công việc. Tôi kiếm sống bằng một chiếc máy ảnh đã từ lâu lắm rồi. Do đó mà không có gì là mới mẻ. Thế nhưng, hiện nay tôi làm việc rất nhiều trên trang Web, nơi mà tôi phải đối đầu với những trò chơi khăm, những kẻ ném đá, những tay học đòi, v.v…, một nơi đầy dẫy sự tiêu cực. Nhiếp ảnh được cho là để làm cho người ta trở nên vui vẻ. Những con người được nói đến ở trên đã giúp tôi nhớ ra điều đó.

Vì thế, tôi cho rằng điểm chính của bài viết này là để nói lên lời cảm ơn. Cảm ơn Dane vì đã viết về tôi trong cuốn sách của anh và chỉ ra những thiếu sót của tôi ngay cả khi anh không biết điều đó. Cảm ơn Skip vì đã luôn có nụ cười trong tim anh và nhắc tôi nhớ rằng cứ vô tư như trẻ thơ trên phương diện nhiếp ảnh là thái độ đúng đắn. Và cảm ơn Scott Kelby, Kelby Media và tất cả những người đã cùng tôi đến Portland để tham dự cuộc thi ảnh. Các bạn là tất cả và tất cả các bạn là nguồn cảm hứng đối với tôi.

NHỮNG CÁCH TÌM RA CẢM HỨNG CHỤP ẢNH

Khi trên đường từ Gig Harbor đến Las Vegas để dự hội nghị WPPI (viết tắt của Wedding & Portrait Photographers International=Hiệp Hội Quốc Tế Những Người Chuyên Chụp Ảnh Đám Cưới & Chân Dung), tôi đã được nhắc cho nhớ lại việc chụp ảnh quan trọng như thế nào trong thế giới chúng ta. Chạy dọc hai bên đường cao tốc là những bức quảng cáo đầy hình ảnh. Người ta lái xe với nhiều bức ảnh trong xe hoặc dán trên cửa xe. Khi dừng lại để mua thức ăn và đổ xăng, tôi nhận ra các cửa hàng ăn uống và trạm xăng cũng có đầy những bức ảnh.

Tất cả những bức ảnh ấy, đẹp có xấu có, có thể dùng để tạo niềm cảm hứng cho những người chụp ảnh. Những nơi chốn và những trải nghiệm thông thường trong cuộc sống chúng ta cũng có thể trở thành động lực cho chúng ta chụp ảnh. Vậy thì cần gì phải đi tìm nguồn cảm hứng ở đâu xa ?

  1. Phim ảnh
    Thời gian này tôi không có nhiều thời gian để đi xem chiếu bóng, nhưng một khi đã đi, thì tôi đi vì hai lý do. Lý do thứ nhất là để mong tìm được thú tiêu khiển. Lý do thứ hai là xem các hình ảnh. Nếu nghiên cứu về những nhà điện ảnh như John Alton hoặc Charles Bryant Lang, Jr., bạn có thể rút ra được niềm cảm hứng. Những người làm điện ảnh cũng phải đối đầu với những khó khăn như những người chụp ảnh. Hãy nhìn cách họ thuật lại những câu chuyện bằng chiếc máy quay và học hỏi sự lão luyện của họ.
  2. Những bức ảnh cũ của gia đình
    Tôi thích nhìn những bức ảnh cũ của gia đình. Không chỉ riêng gia đình tôi. Những bức ảnh cũ của BẤT CỨ gia đình nào cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng. Những hậu cảnh nào đập vào mắt tôi ? Tôi có thể nhận ra cách tạo dáng nào ngày xưa giống với hôm nay ? Những kiểu mẫu nào đã đánh động đến tôi ? Những bức ảnh gia đình cũ có thể là một mỏ vàng thông tin và là nguồn cảm hứng cho những người chụp ảnh hiện đại.
  3. Các viện bảo tàng
    Cho dẫu nhà bảo tàng tại nơi bạn đang ở có chưng bày về nhiếp ảnh hay không, thì vẫn luôn hiện hữu ở đấy nhiều kích thích trực quan giống như một cuộc triển lãm tầm trung. Các chuyển động, hình thù, màu sắc, thể loại, ánh sáng, v.v… đều quan trọng đối với nhiều loại hình nghệ thuật. Hãy nhìn cách mà các họa sĩ ấy sử dụng những công cụ của họ để sáng tạo nghệ thuật và hãy áp dụng nó vào việc chụp ảnh của bạn.
  4. Âm nhạc
    Điều này nghe ra có vẻ khó hiểu, nhưng tôi thường nhận thấy mình được gợi lên niềm cảm hứng trực quan nhờ bởi âm thanh. Khi lắng nghe một loại nhạc nào đó, tôi bắt đầu hình dung ra các hình ảnh trong đầu dựa theo tiếng nhạc. Tất cả có vẻ như được liệt kê sẵn đâu đó trong bộ não nhỏ bé của tôi và, để rồi vào lúc bất ngờ nhất, khi nghe thấy giai điệu cất lên tôi liền nhìn thấy một hình ảnh tương ứng khiến tôi muốn chụp ngay một bức ảnh.
  5. Làm một cuộc cuốc bộ
    Tháng trước, lúc còn ở Florida, tôi hay cuốc bộ dọc bãi biển. Tôi thường bất chợt nảy ra trong đầu những kiểu mẫu, những suy nghĩ và những điều khác có thể khiến tôi nghĩ đến việc chụp ảnh. Có thể những thông tin tôi rút tỉa được từ cuộc dạo bộ trên bãi biển không trực tiếp chuyển dịch tức khắc thành một cơ hội chụp ảnh, nhưng thường kích thích tôi thực hiện một ý tưởng chụp ảnh sau này.
  6. Đọc báo Chúa Nhật
    Nếu có đặt loại báo phát hành ngày Chúa Nhật – bạn hãy bỏ ra 15 phút để xem các bức ảnh. Đừng đọc bất cứ câu chuyện nào, chỉ việc nhìn các bức ảnh. Đa phần những tờ báo Chúa Nhật đều có một mục riêng chứa đầy những bức ảnh do các phóng viên ảnh tài năng rất lão luyện trong việc thuật chuyện. Tôi nhận thấy loại hình ảnh như thế rất dễ truyền đạt kiến thức và gây cảm hứng. Nó giúp tôi có nhiều cách nhìn mới.
  7. Thử một ống kính mới
    Được rồi, tôi phải chen thêm ở đây một điều gì đó dành cho những ai nghiện trang thiết bị. (giờ thì tôi có thể thấy có hàng trăm người chụp ảnh đang nôn nóng in ra bài viết này để đưa ra cho vợ hoặc chồng hay một người thân nào đó xem, như một lời biện bạch cho việc đi đến cửa hàng bán máy ảnh !) Nói trắng ra thì đôi khi việc nhìn qua một ống kính mới có thể mang lại cho bạn niềm cảm hứng bằng trực quan. Tôi không bao giờ quên lần đàu tiên nhìn qua chiếc ống kính mắt cá hay ống kính trượt. Việc đó gây ra tác động mạnh và khiến tôi muốn dành thêm nhiều thời gian để thử qua những thứ mới mẻ với máy ảnh của mình.
  8. Mua cho con chiếc máy ảnh dùng một lần
    Đây là một trong những kiểu tôi ưa thích nhất. Trẻ con không sợ thử những cái mới. Quỉ tha ma bắt, đối với các cháu, cái gì CŨNG LÀ mới cả. Các cháu chưa học cách tự giác hoặc nghi ngờ nên chỉ việc thực hiện. Trẻ con không quan tâm liệu bức ảnh có “lộ sáng” hay không, cho bằng quan tâm đến trải nghiệm. Nếu đưa cho đứa trẻ một máy ảnh dùng một lần và bảo,, “Mình cùng đi chụp ảnh nào”, thì bạn hãy chuẩn bị đặt cảm hứng riêng của mình sang một bên đi. Trẻ con nhìn mọi thứ khác hẳn (và đôi khi rõ ràng hơn) người lớn chúng ta. Cứ theo các em và bạn sẽ có được nguồn cảm hứng.
  9. Chụp ảnh từ thiện
    Nếu cảm thấy nhàm chán với việc chụp ảnh của mình, thì một trong những cách nhanh nhất để “tăng lực” cho mình bạn là đừng suy nghĩ về chính bạn nữa, mà hãy bắt đầu nghĩ đến chuyện giúp đỡ một ai đó. Mấy năm trước, tôi đã bắt đầu một chường trình đưa các trẻ trong thành phố ra ngoài để thực hiện một cuộc thi ảnh hằng tháng. Thậm chí tôi còn không nghĩ là cụm từ “cuộc thi ảnh” được đặt ra nữa kia. Chúng tôi sẽ đi chụp ảnh ở ngoại vi thành phố và một ‘lab’ tại địa phương sẽ đảm trách việc in ra những bức ảnh của từng em. Chúng tôi có một cuộc thi nhỏ và tặng MỖI em một món quà 50 đô la để các em bảo đảm mua đủ thực phẩm cho ngày cuối tuần. Nói về cảm hứng, thì việc quan sát và làm việc cùng với những đứa trẻ ấy đã mang lại cho tôi nhiều ý tưởng trong năm vừa qua, tôi vẫn đang tiến hành với các em.
  10. Không cần để ý đến những phê bình chỉ trích
    Một thứ mà sẽ giết chết sự sáng tạo của bạn nhanh nhất, chính là phê bình chỉ trích. Cứ mặc kệ những kẻ tiêu cực. Họ tồn tại chỉ vì một lý do duy nhất – đánh cắp nguồn cảm hứng. Hãy nhìn và đối xử với họ như những kẻ cắp. Hãy tránh xa họ. Hãy loại họ ra khỏi cuộc sống của bạn. Những trò chơi khăm của họ chẳng làm gì được bạn nên họ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tìm mọi cách để cảm thấy khá hơn bằng cách “giết chết” bạn. Bạn đừng vì thế mà để cho mình phải thất bại. Điều truyền cảm hứng nhất mà bạn có thể làm là hãy bao quanh mình những người nâng đỡ nỗ lực chụp ảnh của bạn. Hãy tìm những ai tích cực ủng hộ bạn chiến thắng – chứ không phải những kẻ chỉ mong (tìm cách làm cho) bạn nếm mùi thất bại.

THỬ TÌM RA THỨ GÌ ĐÓ ĐỂ CHỤP ẢNH

Bạn đang bế tắc. Bạn không còn cảm thấy có thể sáng tạo. Bạn đang tìm kiếm những chủ thể tốt để chụp ảnh nhưng không tìm được chúng.

Dưới đây là một bài viết ngắn được đưa ra nhằm giúp bạn rời chỗ và bước ra giữa cánh đồng cùng với máy ảnh trên tay.

  1. Bạn tin vào điều gì ? Ý tôi là tin thực sự ấy. Bạn có tin Chúa không ? Có tin vào tình yêu không ? Tin vào gia đình không ? Bất kể những gì bạn tin đều có thể thúc đẩy bạn chụp một thứ gì đó đáng chụp. Hãy suy nghĩ về điều đó.
  2. Có chăng một khoảnh khắc quyết định (như Henri Cartier-Bresson đã gọi) trong cuộc đời bạn ? Có chăng một khúc quanh mà trong đó mọi thứ thay đổi đối với bạn ? Những chủ thể nhiếp ảnh nào mà bạn có thể gắn bó vào lúc ấy ? Có đáng để suy nghĩ đến việc tìm kiếm một thứ gì đó để chụp không ?
  3. Điều gì khiến bạn khó chịu ? Tuy không giống với trực giác, nhưng những thứ khiến chúng ta khó chịu cũng có thể tạo thành chủ thể cho những bức ảnh xuất sắc. Khi có điều gì đó gây phiền toái, nó cũng mang lai một loạt những cảm xúc khác với những cảm xúc mà bạn thường khám phá. Việc này (tuy không phải lúc nào cũng vui vẻ) có thể dẫn đến những bức ảnh đáng ngạc nhiên.
  4. Bạn thông thạo việc gì nhất ? Bạn có phải là một người chuyên nuôi chim cảnh, người chơi đàn ghi-ta lão luyện, nhà vô địch bóng chày hay chỉ là tay chơi bài giỏi ? Bất kể môn gì bạn giỏi nhất thì đấy cũng thường là nơi mà bạn có thể khám phá càng lúc càng sâu xa hơn người khác ít thuần thục với môn đó. Đừng coi thường sự thuần thục của bạn để rồi không coi đó như là một nguồn cảm hứng.
  5. Điều gì bạn nhận thấy hữu ích đối với người khác ? Thường đặt nỗi lo lắng riêng của mình qua một bên để giúp đỡ ai đó, thì có thể giải thoát chúng ta khỏi sự ràng buộc đối việc ở không, chẳng làm gì cả. Hãy nghĩ là bạn có thể chụp ảnh bằng cách nào để giúp đỡ được một ai đó và nếu có được niềm cảm thông với người khác, bạn sẽ nhanh chóng tìm ra các chủ thể hơn bạn tưởng nhiều.

Thật không khó để tìm ra điều gì đó để chụp ảnh, miễn là bạn có tìm.

CUỘC SỐNG, NHIẾP ẢNH & NHỮNG KHOẢNH KHẮC TUYỆT DIỆU

Trước đây bạn đã từng nghe – “Cuộc đời thật ngắn ngủi”. Quá ngắn đối với một số người. Ngày mai chắc gì đã có thật. Chúng ta ai cũng phải chết. Nhưng chúng ta không sống để mà chết, còn có một quá trình để sống. Khi ở vào lứa tuổi 20, bạn cho rằng mình “bất khả xâm phạm” – bạn sẽ sống mãi. Đến tuổi 30, bạn sống như thể mình vẫn còn phần lớn cuộc đời ở phía trước. Rồi tuổi 40, bạn bắt đầu nhận ra mình còn ít thời gian hơn bạn nghĩ để thực hiện các giác mơ. Tiếp đến là tuổi 50, bạn bè của bạn lần lượt qua đời với một tần suất đáng báo động. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa – bạn biết thời gian của mình là hữu hạn. Tôi không thể nói với bạn về những gì xảy ra đối với người ở tuổi 60, và tuổi cao hơn nữa. Bạn thấy là tôi chưa đi xa đến đấy được – và không nghĩ là mình sẽ được như thế hay không.

Hôm nay – ngay lúc này – vào khoảnh khác này – tôi đang làm gì. Và tôi đã ngộ ra rằng sống KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI hoặc KHOẢNH KHĂC TUYỆT DIỆU này mới là rất đáng sống. Nhưng để được như vậy là cả một quá trình. Nó không chỉ diễn ra qua một đêm. Và CÁCH mà tôi đang có mặt ở đây chính là lý do tôi viết ra bài viết này. Bạn thấy đấy, nhờ phần lớn công việc chụp ảnh của mình mà tôi đã được dạy sống những khoảnh khắc tuyệt diệu.

Henri-Cartier Bresson được gắn liền với cụm từ “Khoảnh Khắc Quyết Định.” Và điều này đang ghi dấu lên triết lý sống của tôi về các khoảnh khắc TUYỆT DIỆU. Một trích dẫn khác từ Bresson cũng thực sự ghi dấu sâu sắc trong tôi. Ông nói, “Có một phần nghìn giây sáng tạo trong lúc bạn chụp một bức ảnh. Mắt bạn phải nhìn thấy được một bố cục hay một biểu hiện mà cuộc sống hiến tặng cho bạn, và bạn phải bằng trực giác mà nhận ra nó khi nhấn phím chụp. Đó chính là khoảnh khắc người chụp ảnh trở nên sáng tạo”. Ông nói tiếp, “Rõ tiếc ! Chỉ là một khoảnh khắc ! Một khi bạn bỏ lỡ, thì nó trôi đi vĩnh viễn”. Đấy chẳng phải cuộc sống thì là gì ?

Chúng ta được trao cho hàng ngàn khoảnh khắc mỗi ngày. Chúng ta làm gì với chúng…Chúng ta phản ứng với chúng như thế nào…Nghĩ sao về chúng. Tất cả những thứ đó đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, bất luận chúng ta có nhận biết hay không.

Khi nhìn vào những bức ảnh tôi ưa thích nhất (của tôi lẫn của các bạn) tôi thấy có rất nhiều những khoảnh khắc đặc biệt và tuyệt diệu. Trong công việc của mình, tôi được tưởng thưởng không chỉ bằng sự gợi nhắc trực quan ấy, mà còn có cả gợi nhắc đầy xúc cảm kể từ lúc từng bức ảnh tôi chụp cũng trở nên một phần trong kinh nghiệm sống của tôi. Tôi đã rất, rất may mắn được đến những nơi chốn và nhìn thấy những thứ mà đa số người khác không bao giờ nhìn thấy. Một trong những khoảnh khắc ấy thật tuyệt diệu. Chẳng hạn như lần đầu tiên được rảo bước trong Khe Núi Lower Antelope Corkscrew, hay trèo lên một đỉnh cao gần Paradise trên Rặng Núi Rainier để lần đầu tiên nhìn thấy dãy núi trong toàn cảnh hùng vĩ của nó. Hoặc lúc tôi đứng cách vài bước chân trước Coastal Brown Bear ở Vịnh Kennack hay chụp bức ảnh khỏa thân ngoài trời đầu tiên trên sa mạc với một phụ nữ đẹp đang thoải mái tạo dáng.

Đó đúng là những khoảnh khắc tuyệt diệu và tôi đã tận hưởng.

Vậy thì cái gì làm nên một khoảnh khắc tuyệt diệu ? Tùy.
Có khi những khoảnh khắc phát sinh ra từ bi kịch hoặc những sai lầm đơn giản cũng trở thành tuyệt diệu do những gì bạn học hỏi được từ nơi chúng. Khi khác thì chỉ cần có dịp SÁNG TẠO là đã tuyệt diệu. Ấy thế mà nhiều người trong chúng ta cứ đi qua cuộc đời bằng cách làm hết bổn phận này đến hết bổn phận khác như thể đó là chọn lựa duy nhất, cho đến khi không còn thời gian. Việc có khả năng nhận ra được những thầm kín bên trong con người chúng ta đòi hỏi phải làm nên sự khác biệt, tạo nên được tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm nên một điều gì đó tồn tại lâu dài, và phải có đóng góp – thế mới là tuyệt diệu.

Như vậy, có một nhận định đơn giản rằng không phải mọi khoảnh khắc tuyệt diệu đều xảy đến khi có trong tay chiếc máy ảnh, hay ít nữa là máy ảnh không phải là quan trọng. Có thể là lạ lùng khi đọc chương sách này trên một trang mạng nói về nhiếp ảnh, nhưng tôi cho rằng bạn không thể tách riêng đời sống nhiếp ảnh của bạn ra khỏi đời sống thực của bạn. Cả hai cung cấp chất liệu cho nhau. Bạn không thể là người chụp ảnh giỏi nhất mà không rót CÁI TÔI THỰC của bạn vào trong từng bức ảnh. Từ đó CÁI TÔI THỰC của bạn là thứ mà bạn phải phát triển một cách nhiệt thành giống như việc học hỏi và sự nghiệp nhiếp ảnh của bạn. Thi thoảng, tôi có mặt ở một nơi nào đó, hay nhìn thấy một điều gì đó, mà đơn giản là quá đẹp và vâng, quá tuyệt diệu, đến độ tôi không chụp lấy một bức ảnh. Tôi đã đắm chìm vào khoảnh khắc đó và hoàn toàn quên không bấm máy hoặc không còn quan tâm đến việc chụp một bức ảnh. Tôi quyết định SỐNG khoảnh khăc ấy thay vì chụp lại nó.

Chuyến đi đầu tiên của tôi đến Bosque del Apache (=Vùng Lau Sậy của người Apache) là một khoảnh khắc như thế. Tôi đến đó để chụp cái mà người ta gọi là “bùng nổ”. Đó là lúc mà mỗi buổi sáng, hàng chục con ngỗng trời vút lên và bay về phương bắc để tìm thức ăn. Chúng đồng loạt bay lên. Đôi khi, nếu bạn may mắn, và gió thổi thuận chiều cũng như các điều kiện khác phù hợp, bạn sẽ thấy chúng bay giữa một bình minh rực rỡ. Khi lần đầu đặt chân đến đó, tôi đã được chỉ dẫn tường tận nên trông đợi những gì. Nhưng không một điều nào tôi đã đọc hoặc nghe từ kinh nghiệm của người khác có thể chuẩn bị giúp tôi đối diện với sự kỳ diệu ấy ! Những con chim bay lên và trông giống như một pho tượng, tôi đứng lặng người với nỗi tôn sùng. Cảnh tượng hoàn toàn tuyệt mỹ. Tôi quên hẳn việc bấm máy. Và tôi đoán – nếu là bạn thì cũng thế thôi. Không làm sao biết được trừ phi bạn cũng là một kẻ điên rồ như tôi, và đang rót tâm hồn của mình cho hàng ngàn người mỗi ngày trên trang web nhiếp ảnh !

Tôi vẫn thường nói trở nên sáng tạo không dính dáng gì đến chuyện tìm ra cái mới, mà phải luôn là chính bạn, mới đúng. Cái linh hồn trần trụi trong bạn là nguồn mạch số một mang lại niềm cảm hứng chụp ảnh. Đó là nơi phát sinh ra niềm ước ao thuật lại những câu chuyện tuyệt vời về những khoảnh khắc tuyệt diệu.

Nếu chúng ta sống và chụp ảnh có mục đích…Nếu chúng ta tạo ra những bức ảnh vì chúng quan trọng – chí ít là đối với chúng ta…Nêu chúng ta tham gia vào những khoảnh khắc tuyệt diệu thay vì để mặc chúng trôi qua, thì như vậy chúng ta không chỉ là người chụp ảnh giỏi hơn, mà còn là con người tốt hơn. Và có vẻ như chúng ta còn tìm ra thêm những khoảnh khắc tuyệt diệu khác nữa, như là một phần thưởng vậy.

Tôi đang dành ra biết bao thời gian còn lại của mình trên hành tinh này để háo hức đuổi bắt những khoảnh khắc tuyệt diệu. Cho dẫu số lượng những người tôi có thể chụp ảnh và những người mà tôi chỉ là một thành phần trong số họ có ít ỏi đi chăng nữa, cũng chẳng sao. Tôi muốn đưa những thành phố lớn ra ngoài cuộc sống. Có lẽ thời gian không còn nhiều đối với tôi so với hầu hết các bạn. Tôi không phí phạm chút thời gian nào của mình và tôi mong các bạn cũng vậy.

Máy ảnh và khả năng tạo ra những bức ảnh của tôi đã lấy đi của tôi nhiều khoảnh khắc tuyệt diệu. Tôi không định để cho mình thua thiệt thêm nữa. Nếu không tìm thấy được, tôi sẽ đến nơi nào mà khoảnh khắc tuyệt diệu đang treo mình chờ tôi ở đấy. Chúng ta ai cũng xứng đáng có cơ hội để sống những khoảnh khắc tuyệt diệu, bất kể chúng ta còn sống bao lâu. Tôi hy vọng bài viết này (có thể hơi dài) cách nào đó đã gợi hứng cho bạn đi tìm nguồn cảm hứng riêng của bạn.


KẾT LUẬN

Hy vọng bạn thích những chia sẻ này. Nếu tôi đã làm xong phần việc của mình, thì đến lượt bạn hãy cầm lấy máy ảnh, rời khỏi nhà và chụp lấy một vài bức ảnh thật tuyệt.

Động lực có thể khó mà tìm được nếu bạn nhìn sai chỗ. Bạn sẽ tìm ra một điều gì đó thắp sáng ngọn lửa của bạn nếu đầu óc và tâm hồn bạn rộng mở.

Tôi hy vọng lần tới, mỗi khi ra khỏi nhà để chụp ảnh, bạn không chỉ chụp ảnh.

Screen Shot 2016-07-01 at 4.48.33 PM.png

Scott Bourne
August, 2011 Las Vegas, Nevada

Theo tuanlionsg / tinhte.vn

Visited 725 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...