Có phải chiếc Full Frame Mirrorless của Sony sử dụng cho công việc chuyên nghiệp là một sai lầm ?
Mọi người đều biết chiếc Full Frame (FF) mirrorless mới của Sony thực sự là một chiếc không gương lật rất lớn. Mặc dù vẫn có rất nhiền fan đang tận hưởng suy nghĩ rằng những chiếc FF Mirrorless sẽ lật đổ được DSLR. Tuy nhiên mọi thứ không đơn giản như vậy. Chúng ta sẽ trả lời cho câu hỏi, điều gì khiến chiếc Sony FF mirrorless trở thành một sản phẩm dành cho dân chuyên nghiệp?
Vấn đề đầu tiên: tính gọn nhẹ
Đặc điểm đầu tiên khi mà người ta nói đế một chiếc mirrorless là nó nhỏ gọn, người ta mong muốn nó nhỏ gọn. Chính đại diện của Sony khi nói về việc tại sao người ta nên chọn máy ảnh của hãng thì cũng tự tin về độ nhỏ gọn của sản phẩm.
Vậy chúng ta sẽ xem qua xem mọi thứ thực sự như thế nào. Chúng ta sẽ sử dụng hình ảnh so sánh từ camerasize.com để có cái nhìn trực tiếp nhất.
Đầu tiên là bộ ba Sony a7RII, Canon 5Ds, và Sony a99 sử dụng lens 24-70mm f/2.8 “chính hãng” và bạn cũng thấy rằng kích thước tổng thể là tương đương nhau. Thậm chí với lens G thì chiếc Sony A7 còn có phần “hầm hố” hơn. Đơn giản là họ lấy một phần kích thước ra khỏi thân máy rồi đưa ngược trở vào ống kính, cuối cùng thì nó cũng vẫn chừng ấy thôi.
Và vậy là bạn sẽ có một lựa chọn với 1 thân máy lớn nhưng các ống kính thì nhỏ hoặc là bạn mua một thân máy nhỏ với nhiều ống kính lớn. Lựa chọn đầu tiên có vẻ “nhẹ nhàng” hơn phải không, và thêm nữa thì các lens ngàm FE cũng mắc tiền hơn. Bạn càng mang theo nhiều ống kính thì kích thước trở thành nhược điểm hơn là lợi thế. Một vấn đề khác là với những ống kính lớn thì sẽ gây mất cân bằng giữa lens và thân máy sẽ lớn hơn, trọng lượng sẽ hướng nhiều về phía trước dẫn đến khó chụp hơn.
Trong một số trường hợp, chiếc Sony FF mirrorless còn trông to hơn cả set up DSLR tương đương.
Đây là hình ảnh chiếc Sony a7RII với ống kính 85mm f/1.4 GM so với Sony a99 gắn lens Sony-Zeiss 85mm f/1.4. Và bạn cũng thấy bộ FF mirrorless thực sự to hơn set up DSLR. Điều tương tự cũng xảy ra khi so sánh với phía Canon DSLR:
Tiếp theo là hình ảnh chiếc Sony a7RII với ống kính 85mm f/1.4 GM to hơn Canon 5DsR gắn lens 85mm f/1.2 mặc dù ống kính Canon nhỉnh hơn nửa khẩu.
Tiếp theo thì khi gắn ống kính lên chiếc Leica SL FF mirrorless thì sự “nhỏ gọn” trở nên khập khiểng.
Đây là (từ trái sang phải) chiếc Leica SL với ống 50mm f/1.4 Summicron, Sigma 50mm f/1.4 ART lens với 5DsR, Canon 50mm f/1.4 với 5DsR, và Sony a99 với ống 50mm f/1.4.
Chỉ có một số ít trường hợp chiếc mirrorless thực sự nhỏ hơn đáng kể là khi gắn cùng ống pancake:
Ngay đây là chiếc a7RII và a99 cùng gắn lens 20mm f/2.0. Mọi thứ có vẻ đi đúng hướng? Chưa chắc bởi vì gần đây Sony bắt đầu tạo ra các ống kính chuyên nghiệp cho dòng máy này, và nó không hề nhỏ.
Một trong những cách để giữ vững “ảo tưởng” về sự gọn gàng, Sony và Zeiss đều cố gắng đưa ra những chiếc lens công nghệ cao và nhỏ gọn. Nhưng điều này cũng có nghĩa là hy sinh khẩu độ và khẩu độ lớn nhất hiện nay người dùng có thể mua trên các ống fix hệ máy FE là f/1.8.
Ống kính 85mm f/1.8 Zeiss Batis sẽ cho người dùng trường nét mỏng tương tự với ống Fuji APS-C XF 56mm f/1.2. Nhưng nghĩ thử xem, làm thế quái nào mà một chiếc FF lại chỉ có trường nét mỏng tương đương 1 chiếc APS-C. Và lý do chính là để giữ cho những ống kính thật nhỏ gọn. Nhưng sự thực thì…
Chúng ta có bộ ba Sony a7RII với ống Zeiss 85mm f/1.8 Batis, Nikon D810 với ống 85mm f/1.8, và Fuji X-Pro với ống 56mm f/1.2. Trường nét (DOF) là tương tự nhưng về tính nhỏ gọn, chắc chắn Fuji là người giành chiến thắng (giải thích một chút cho các bạn chưa hiểu thì khi chuyển từ crop sang FF thì ngoại từ tiêu cự nhân với hệ số thì khẩu độ cũng nhân hệ số, do đó 1.2×1.5=1.8).
Nếu thực sự nhỏ gọn là lựa chọn hàng đầu thì bạn nên chọn Fuji với khả năng cho phép chụp nhanh trong điều kiện thiếu sáng. Sony cũng trang bị thêm công nghệ chống rung trong thân máy (IBIS), nhưng điều buồn cười là khi mà thân máy càng nhỏ, đặc biệt tỷ lệ mất cân bằng cao giữa thân máy và ống kính thì thì rung lắc sẽ càng nhiều. Do đó việc trang bị thêm công nghệ chống rung việc chống rung thân máy hay kết hợp với ống kính chỉ giải quyết đơn thuần vấn đề của chính nó hơn là đưa chất lượng lên cao hơn. Muốn giải quyết được vấn đề này thì có lẽ phải giảm kích thước của cảm biến. Và thực sự là những chiếc mirrorless APS-C nhỏ gọn hơn so với những chiếc DSLR APS-C.
Khi so sánh giữa chiếc Fuji X-Pro2 gắn ống 56mm f/1.2 và chiếc Pentax K3 với ống kính 55mm f/1.4. Mặc dù lens của Fuji có tốc độ nhanh hơn nửa khẩu nhưng mà nó vẫn nhỏ gọn hơn. Và đây chính là vấn đề, những chiếc mirrorless thất bại khi chuyển từ APS-C sang FF và đó là do ống kính. Ngay cả chiếc ống kính thông dụng như 50 f/1.8 vẫn không có được nhỏ gọn như thường thấy
Trên đây là chiếc a7RII gắn ống 50mm f/1.8 so với 5DsR với ống 50mm f/1.8 và nếu bạn đi chụp ảnh với nhiều ống kính thì chắc chắn chiếc FF mirrorless sẽ chiếm nhiều không gian hơn về tổng thể. Bởi vậy nếu muốn “nhỏ gọn”. Hãy mua DSLR
Bây giờ thị bạn đã có thể hiểu tại sao những chiếc FF mirrorless thất bại trong vấn đề kích thước đối với những chiếc máy lớn. Lợi thế của FF mirrorless có vẻ đang lung lay.
Vấn đề thứ 2: Cân nặng
Lý do thứ 2 mà bạn thường nghe đến là body của những chiếc FF mirrorless thì nhẹ hơn và kích thước cũng nhỏ hơn. Tuy nhiên, một phần vì Sony đã thu nhỏ pin của máy lại và điều đó khiến chúng ta phải mang nhiều hơn 1 cục pin điều đó vô hình làm trọng lượng của máy nặng hơn. Thậm chí với những cục pin nhỏ hơn thì thời lượng pin của những chiếc DSLR cũng dài hơn so với chiếc mirrorless. Hơn nữa những chiếc DSLR đầy đủ sẽ cầm vừa tay hơn, thuận tiện cho thao tác. Nếu muốn nhỏ hơn thì có thể chuyển về thiết kế như những chiếc SLR như những năm 1970s, Chiếc Df của Nikon là điển hình.
Và quay lại với câu hỏi ban đầu, chúng ta sẽ thấy người dùng ở đây thường không phải là những người nghiệp dư có thể cầm một chiếc máy gọn nhẹ kèm theo một lens nhỏ đa dụng. Đây là sản phẩm cho người chuyên nghiệp, và tất nhiên vấn đề gọt bớt một chút cân nặng không “ăn nhằm” gì khi họ đèo bồng theo rất nhiều ống kính chuyên nghiệp trên người.
Vấn đề thứ 3: Hệ thống chống rung trong thân máy
Vấn đề tiếp theo mà người ta quảng cáo cho bạn là những chiếc FF mirrorless tốt hơn bởi có hệ thống chống rung trong thân máy (IBIS). Thực ra thì nó chẳng có gì mới lạ cũng giống như việc Sony thêm Wi-Fi vào thôi. Sony đã thừa hưởng hệ thống chống rung 2 trục “Steady Shot” khi mua lại Minolta với hệ thống ngàm A từ năm 2003 từ đó có thể phát triển lên chống rung 5 trục. Công nghệ này cũng được Pentax sử dụng lên những chiếc K1 của hãng nói đúng hơn nó không phải là tính năng mà chỉ có FF mirrorless có.
Ngoài ra còn một vấn đề nữa. CEO Sigma đã chỉ ra rằng đường kính của ngàm FE nhỏ hơn nhiều so với các máy FF khác từ đó dẫn đến khó có thể tạo ra những ống kính chất lượng cao và ngàm E (thực ra ngàm FE và E là như nhau chỉ dùng khác hệ máy thôi) được thiết kế cho những máy APS-C hơn là cho máy FF. Và có lẽ vì vậy mà Sigma lẫn Tamron không muốn tốn thời gian và tiền bạc phát triển ống kính cho hệ máy này nên cũng chỉ có Sony và Zeiss làm thôi.
Và trong một cuộc phỏng vấn với trưởng bộ phận sản phẩm của Fuji ông Takeshi Ueno đã nói rằng lý do tại sao Fujifilm không chọn giải pháp IBIS bởi vì nó có điểm lợi và bất lợi riêng. Hệ thống IBIS di chuyển cảm biến để có thể đồng bộ với sự rung lắc từ phía thân máy và ống kính, do đó để đạt được độ chống rung tối đa thì cảm biến ở bên trong ngàm phải có khu vực đủ lớn để di chuyển. Nhưng với ngàm kích thước nhỏ thì khó có thể khiến cho cảm biến di chuyển đủ nhiều để chống rung, điều này không phù hợp với ngàm chỉ dành cho APS-C. Để đạt được hiệu quả cao nhất thì nhà sản xuất phải đánh đổi lấy kích thước của sản phẩm. Đó là lý do tại sao mà nhiều người bất ngờ tại sao Sony không trang bị công nghệ này ngay từ đầu trên các sản phẩm FF mirrorless của họ.
Hơn nữa chính Zeiss cũng phải thừa nhận rằng việc kích thước ngàm nhỏ làm cho việc thiết kế các ống kính siêu rộng trở nên khó khăn bởi với loại lens này ánh sáng sẽ đi rất xa về các góc điều này gây khó khăn cho hệ thống IBIS. Họ thậm chí cũng không có ống kính 16-35mm f/2.8, ống kính được xếp vào loại “phải có” đối với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Và có lẽ chúng ta cũng không thấy được những ống kính như Canon 11-24mm f/4, mà nếu có thì nó cũng không hoạt động tốt.
Việc sử dụng kích thước ngàm nhỏ trở thành “thách thức về kỹ thuật”, và nếu họ có thể thuyết phục được người mua thì họ lại phải đầu tư thêm vào R&D để có thể giải quyết vấn đề này.
Dưới đây là kích thước ngàm của các hãng:
Minolta/Sony A: 49.7mm
Sony E: 46.1mm
Fuji X: 44mm
Canon EF: 54mm
Pentax K: 44mm
Nikon F: 44mm
Từ đây có thể thấy ngàm A mới phù hợp với công nghệ IBIS chứ không phải ngàm EF, đặc biệt khi mà kích cỡ ảnh là FF chứ không phải APS-C. Canon là hãng có khả năng nhất khi áp dụng công nghệ này và thậm chí khi mà độ phân giải cảm biến có thể lên đến 120MP thì có thể hãng sẽ cần đến công nghệ này. Và qua đó thì ta cũng thấy được là Sony và Pentax sẽ gặp vấn đề khi đưa IBIS lên hệ thống full frame của họ (bạn nào muốn sở hữu chiếc FF mới của Pentax thì coi chừng). Điều này cho thấy chúng ta bị thuyết phục bởi marketing nhiều hơn các đặc tính quang học.
Dường như các lợi thế của FF mirrorless đang mất dần…
Vấn đề thứ 4: Thích ứng với các lens “không chính hãng”
Một trong những lợi thế khi người ta nói đến khi sử dụng các máy mirrorless của Sony là chúng ta có thể sử dụng các ống kính “từ thời ông nội” với các adapter. Tuy nhiên, các bạn “quay tay” lâu năm đều hiểu rằng nó giống thú vui giải trí từ tốn và mang giải pháp tạm thời nhiều hơn sử dụng chuyên nghiệp. Nếu bạn có sẵn những chiếc ống kính thì không có lý do gì không thử, nhưng nếu sử dụng chuyên nghiệp thì những ống kính chắp vá sẽ không tốt như “hàng hãng”. Và một bộ body-adapter-lens cũng không chuyên nghiệp gì cả. Thậm chí nếu sử dụng ngàm chuyển cho Sony A sang E thì nó cũng làm giảm bớt 1/2 khẩu và nó cũng không tốt như chính lens cho hệ máy này. Đó là lý do tại sao Sony phải làm thêm một hệ lens mới.
Nếu các fanboy vẫn khăn khăn là chiếc FF mirrorless của Sony sẽ dùng được với các lens MF mang đậm chất hoài cổ thì xin thừa là ngàm A của Sony có tính năng này từ lâu rồi. Vậy lợi thế của một chiếc FF mirrorless ở đâu?
Còn nữa với “thách thức kỹ thuật” đã nói ở trên thì dù cho sử dụng hệ thống IBIS mới nhất với các lens cũ thì khả năng thích ứng của những ống kính cũ cho vấn đề này gần như là không có. Thôi thì cứ coi như là thú vui thôi, không phải là đối tượng chính của sản phẩm này.
Một lần nữa, tính chuyên nghiệp của dòng máy này trở thành một dấu hỏi lớn?
Vấn đề thứ 5: Xem trước độ phơi sáng theo thời gian thực
Lý do tiếp theo mà người ta thường nói tới đó chính là chiếc mirrorless có thể xem trực tiếp mức độ phơi sáng của hình ảnh. Điều này được thực hiện khi người dùng sử dụng ống ngắm điện tử EVF (thực ra cũng có thể xem trên màn hình chính của một số mẫu máy DSLR). Một tính năng mà EVF có lợi thế hơn so với ống ngắm quang học thông thường. Tuy nhiên với bằng sáng chế về ống ngắm lai gần đây của Canon thì tính năng này sẽ có trên các ống ngắm quang trên DSLR.
Tuy nhiên hệ thống của Sony ngàm A được biết đến như là hệ thống gương lật mờ (DSLT) mới chính là hệ thống tốt nhất cho các ống ngắm điện tử để xem trước phơi sáng. Hệ thống này có thiết kế tương tự như hệ thống gương bình thường với khả năng tăng tốc độ chụp hình nhờ việc gương lật không di chuyển nhưng vẫn giữ được khả năng lấy nét cực nhanh (nhờ lấy nét bằng cảm biến riêng chứ không phải trên sensor).
Do đó cần phải nói lại là việc xem trước mức phơi sáng qua EVF cũng không phải là một tính năng tuyệt vời có thể khiến FF mirrorless nổi bật lên so với các máy DSLR truyền thống.
Cuối cùng chúng ta nên xem xét lại câu hỏi đầu tiên: đâu là yếu tố chuyên nghiệp của chiếc máy này? Nó không hề nhỏ gọn (trừ khi bạn muốn xài lens pancake cả đời), cũng không có tốc độ lấy nét nhanh, không có tốc độ chụp ảnh cao, không dễ mua vì lens giá cao, EVF không phải là lý do, focus peaking cũng không, cầm nắm cũng không thuật tiện, và cả việc chống rung cũng không phải là tốt nhất.
Để người ta mua mua một chiếc FF mirrorless cho công việc chuyên nghiệp thì lý do gần như rất nhỏ hoặc không có. Người ta có lẽ chỉ mua có lẽ bởi sở thích thì đúng hơn. Và cuối cùng thì người ta sẽ có rất nhiều những ống kính vừa to vừa mắc tiền,…
Sony đã tạo ra một thị trường ngách cho chính mình thông qua thủ thuật marketing về “sản phẩm khác biệt”. Những người đánh giá có vẻ đã chán với những tính năng “rượu cũ, bình mới” (mặc dù hữu dụng) và chuyển sang ưa thích những tính năng có vẻ “hợp thời” như IBIS, focus peaking, và xem trước mức phơi sáng, những thứ đã có sẵn từ rất lâu trên những chiếc máy DSLT ngàm A (sản phẩm không mấy nổi bật trước Canon và Nikon trước đây). Và đó là lý do các hãng sản xuất khác không muốn nhảy vào thị trường này, bởi các tính năng quan trọng của hệ thống này không tăng lên như độ lớn của cảm biến.
Vấn đề của dòng sản phẩm a7 FF mirrorless được dẫn dắt bởi một “sự hào hứng kỳ lạ” và bởi vì Sony hiểu được sự điên cuồng của thị trường với sức mạnh cung cầu. Do đó mặc dù họ biết họ đã làm rất tốt khi phát triển hệ thống ngàm A DSLT nhưng với thị trường hay thay đổi, Sony đang có vẻ bị lỗ với những chiếc a99 DSLT của họ trong khi lại rất thành công với chiếc FF mirrorless. Cuối cùng thì cũng giống như rangefinders, nó cũng chỉ là sản phẩm ngách với những ưu và nhược điểm riêng. Quyết định cuối cùng vẫn nằm ở bạn thôi.