Trải nghiệm ống kính Voigtlander Heliar 10mm dành cho Sony E-mount
Với người chơi các dòng máy film rangefinder ngàm Leica M39 trước kia, Voigtlander là hiệu ống kính rất quen thuộc vì chất lượng tốt và giá thành hợp lý. Hơn thế nữa, Voigtlander còn là người dẫn đầu trong viêc cung cấp các giải pháp lens góc siêu rộng cho hệ máy rangefinder với các ống kính độc nhất kiểu rectilinear (không phải fish-eye). Nổi bật trong số đấy là 2 ống kính Voigtlander Heliar – Super Wide 15mm f4.5 và ống Voigtlander Heliar – Ultra Wide Heliar 12mm f5.6. Tại thời điểm ra đời, đây là các ống kính rectilinear góc rộng nhất trên thị trường.
Sau khi Leica đưa ra những chiếc máy film rangefinder ngàm Bayonet M, Voigtlander cũng nâng cấp các ống kính 12/5.6 và 15/4.5 này sang thành đời 2 với ngàm M thay vì M39 đồng thời tích hợp thêm hood kim loại (không tháo rời được) và vòng lắp filter cho các ống kính này để tăng tính tiện dụng.
Vào thời điểm Leica cho ra đời chiếc máy ảnh rangefinder kỹ thuật số full frame đầu tiên là chiếc máy M9, lớp kính lọc phía trước cảm biến (sensor của máy) dày hơn hẳn so với lớp vật liệu hữu cơ trên bề mặt film nên các thiết kế của các ống kính Voigtlander 12/5.6 và 15/4.5 bắt đầu không còn phù hợp. Trên các máy số full frame, các ống kính Voigtlander 12/5.6 hay 15/4.5 đời 1 hay đời 2 đều bị hiện tượng tối góc (vignetting) rất nặng, hiện tượng lem màu ở các cạnh và góc (color cast) cũng rất nặng và đặc biệt hơn là độ nét ở rìa ảnh bị giảm đi vô cùng nhiều so với độ nét của các ống kính này khi dùng trên máy film.
Khi Sony cho ra đời hệ máy ảnh không gương lật full frame đầu tiên (dòng máy A7, A7x), một lượng lớn người chơi máy rangfinder bắt đầu chuyển sang dùng các dòng máy A7x này và dùng các ngàm chuyển để tận dụng các ống kính rangefinder ngàm leica M39 hay Leica M. Và cũng như khi sử dụng trên Leica M9, các ống kính rangefinder góc rộng và siêu rộng đều bị giảm chất lượng ở rìa ảnh.
Độ phổ biến của các dòng máy A7x có lẽ là lý do khiến Voigtlander tiếp tục cải tiến dòng lens rangefinder góc rộng và siêu rộng của mình với việc cho ra đời phiên bản 3 của chiếc lens 15/4.5. Việc cải tiến này giúp giảm hẳn hiện tượng vignetting cũng như các hiện tượng color cast cũng như cải thiện độ nét ở rìa. Ống kính Voigtlander Heliar – Super Wide 15mm f4.5 V3 này được làm đầu tiên cho ngàm Leica M và sau đấy là phiên bản ngàm Sony E-mount. Phiên bản ngàm Sony E-mount cho phép lắp trực tiếp trên các dòng máy không gương lật của Sony đồng thời thể hiện tiêu cự cũng như khẩu độ trên máy.
Cho đến khoảng 2 năm trước đây, Voigtlander Heliar – Ultra Wide 12/5.6 vẫn là chiếc lens rectilinear full frame rộng nhất trên tất cả các hệ máy (không chỉ rangefinder). Sau khi Canon cho ra đời ống kính EF 11-24mm f4 L thì Canon trở thành hãng có ống kính rộng nhất. Đến tháng 10 năm 2015, Voigtlander công bố ống kính Voigtlander Heliar-Hyper Wide 10mm f5.6 cho ngàm Sony E-mount (cùng với việc cải tiến ống Voigtlander Heliar-Ultra Wide 12/5.6 lên thành đời 3 cho cả ngàm Leica M và ngàm Sony E-mount) và quay trở lại thành người dẫn đầu trong việc chế tạo ống kính rectilinear góc siêu rộng.
Ống kính Voigtlander Heliar-Hyper Wide 10mm f5.6 này được thiết kế hoàn toàn mới và áp dụng các cải tiến của ống kính 15/4.5 đời 3 và chỉ làm ngàm Sony E-mount nên hoạt động rất tốt trên các dòng máy Sony A7x.
#01:
#02:
Là một người chơi ảnh nghiệp dư rất thích các ống kính góc rộng, mình đã sở hữu ống kính Voigtlander Ultron 21/1.8 và Heliar-Ultra Wider 12/5.6 V2 từ khá lâu. Sau khi biết tin nhà phân phối của Voigtlander tại Việt Nam đã có hàng (sớm hơn rất nhiều nước trong khu vực), mình đã không thể ngăn nổi bản thân nên đã tậu ngay một ống về để thử thách mình trong việc tìm cách chế ngự tiêu cự 10mm quá rộng này.
Trong bài viết này, mình sẽ không đề cập đến các thông số kỹ thuật (vốn dĩ có rất nhiều trên mạng internet) hay chụp test trên các bảng test lens kiểu kẻ ô hay tường gạch. Mình chỉ chia sẽ một số cảm nhận và post ảnh chụp thực tế (như cách phần lớn chúng ta vẫn chơi và chia sẻ ảnh) từ chiếc lens này trên máy Sony A7RII để mọi người cùng tham khảo. Tất cả ảnh trong bài này được mình chụp trên máy Sony A7RII dùng file RAW và convert sang JPEG bằng phần mềm Capture One Pro 9 cho Sony. (Ngoại trừ ảnh chụp thiết bị bằng máy Ricoh GRII)
Đầu tiên là về kích thước, tuy là một lens góc siêu rộng nhưng độ lớn của chiếc lens Voigtlander 10/5.6 ngàm E này không hề lớn hơn kích thước của chiếc lens Voigtlander 12/5.6 V2 sau khi lắp thêm adapter chuyển từ ngàm Leica M sang ngàm E. Đây là ảnh so sánh kích thước thực tế của lens với các lens Voigtlander 21/1.8 và 12/5.6 V2:
#03:
#04:
Còn đây là so sánh kích thước với lens Zeiss 16-35/4 ngàm E:
#05:
Về chất lượng ảnh, đây là một ống kính có độ tương phản rất tốt và màu sắc rất đặc trưng của dòng ống kính Heliar do Voigtlander sản xuất.
#06:
#07:
#08:
Khả năng chống lóa rất tốt ngay cả khi chụp trực tiếp vào mặt trời:
#09:
#10:
Độ nét ở rìa và viền tím tương đương hoặc tốt hơn so với ông kính Voigtlander 12/5.6 V.2:
#11:
#12:
Trên Sony A7RII, hiện tượng vignetting (tối góc) là khá ít và ít hơn so với ống kính Voigtlander 12/5.6
#13:
#14:
Trên Sony A7RII, ảnh chụp hoàn toàn không bị hiện tượng color cast:
#15:
#16:
Một trong những điểm rất mạnh của các ống kính góc rộng và siêu rộng của Voigtlander là độ méo rất ít nên ống kính Heliar-Hyper Wide 10/5.6 này cũng không phải là ngoại lệ. Độ méo gần như không có và tất cả ảnh chụp trong bài này đều không được chỉnh méo.
#17:
#18:
Tât nhiên không một ống kính nào cho đến hiện giờ là hoàn hảo hoàn toàn nên chiếc lens Hyper Wide này cũng vậy:
Một điểm hạn chế cũng cần lưu ý là ống kính này không có vòng lắp filter và tại thời điểm hiện giờ cũng chưa có giải pháp nào cho phép lắp các filter holder để chơi với các filter vuông hệ 100mm hay 150mm. Tuy vậy, theo nhà phân phối tại Việt Nam thì họ đang liên hệ với Benro để đặt thiết kế riêng một adapter cho ống kính này nhằm lắp các holder 100mm của Benro (tương tự cách họ đã làm cho ống Voigtlander 15/4.5 V3). Có lẽ Voigtlander đã chấp nhận việc bỏ vòng lắp filter để giữ được độ nhỏ gọn đáng kinh ngạc cho chiếc ống kính này.
Ngoài ra, với góc ảnh quá rộng, việc khống chế độ méo do góc nhìn (perspective distortion) là khá khó khăn khi cần phải cầm máy thật cân bằng theo phương nằm ngang. Ngoài ra, việc giữ cho bóng của người chụp hay thậm chí ngón chân của họ nằm ngoài khung hình cũng đôi khi là một thử thách không nhỏ.
Tóm lại, với những ai đang dùng máy ảnh không gương lật của Sony cần một ống kính siêu rộng nhỏ gọn, chất lượng tốt và không ngại việc chế ngự độ méo do góc nhìn quá rộng (perspective distortion) thì Voigtlander Heliar-Hyper Wide 10mm f5.6 là một lựa chọn duy nhất và rất tốt tại thời điểm hiện nay. Nó đặc biệt phù hợp với những ai yêu thích chụp ảnh các kiến trúc, những người thích chơi với mảng khối, đường nét và bố cục. Với không gian đông đúc và chật hẹp trong các đô thị hiện đại ngày nay, chiếc lens Voigtlander Heliar – Hyper Wide 10mm f5.6 này có lẽ hiện giờ không có đối thủ.
#19:
Do thời gian có hạn và cũng vừa tranh thủ chụp với em nó được 2 buổi, mình xin kết thúc loạt bài cảm nhận này ở đây. Lúc nào có thêm ảnh, mình sẽ tiếp tục post vào topic này. Vì ảnh trên diễn đàn bị giảm chất lượng khá nhiều khi chia sẻ nên mình chia sẻ link Flickr album với chất lượng tốt hơn của các ảnh trong bài viết này ở đây để các bác tiện tham khảo:
Link ảnh chất lượng hơn từ Flickr
Cảm ơn tất cả các bác đã ghé xem và góp ý kiến. Các bác nào có ảnh chụp từ em nó thì cũng cứ tự nhiên góp ảnh đồng thời cũng nên ghi chú máy ảnh sử dụng cùng em nó để mọi người tiện tham khảo.