Asher Svidensky: chụp những bé thợ săn bằng đại bàng Mông Cổ
Trong cuộc hành trình đến Mông Cổ, tôi đã đến Ulgii (hay ölgii) – thủ phủ của vùng cực Tây – với mục đích ghi lại hình ảnh về cuộc sống của những người thợ săn thuộc tộc Kazakh – hiện sống tại phía Tây Mông Cổ. Những người thợ săn này đang cố duy trì một truyền thống từ xưa tới nay: thuần hóa đại bàng và dùng chúng để săn những con vật nhỏ hơn như cáo, sóc marmot…
Săn bằng đại bàng cũng từng phổ biến tại Kazakhstan, nhưng hiện nay hình thức săn bằng đại bàng ở đất nước này chỉ còn dùng để hút khách du lịch. Trong khi đó, các thợ săn ở Mông Cổ vẫn thực sự giữ gìn phong tục này như một cách sống lẫn cách tìm kiếm thực phẩm. Họ là những người cuối cùng trên trái đất vẫn còn xứng với danh hiệu “Thợ săn bằng đại bàng”.
Ban đầu, tôi đã thực hiện mọi thứ theo kế hoạch. Tôi thuê một thông dịch viên địa phương. Anh đưa tôi đến thăm gia đình của những người thợ săn đang sống trên núi. Tôi sắp xếp để dành ít nhất một ngày cùng mỗi gia đình nhằm hiểu họ hơn. Sau đó, tôi theo các ông bố lên núi, và chụp ảnh từng ông trong quá trình đi săn. Tôi chụp cảnh một ông bố trên lưng ngựa vào lúc hoàng hôn, đang tự hào ôm chú đại bàng óng ả của mình.
Tuy nhiên, trên đường xuống núi, tôi cảm thấy chùm ảnh của mình đang thiếu thứ gì đó. Tôi cảm thấy tất cả ảnh mình chụp trong vài ngày qua chỉ phản chiếu những bức ảnh cùng những câu chuyện na ná nhau, họa chăng chỉ có thay đổi nho nhỏ về ánh sáng và bố cục, vị trí. Với tôi như vậy chưa đủ. Tôi biết rằng mình phải tìm một hướng đi khác, phải kể một câu chuyện mới – một câu chuyện chưa ai kể về những ngọn núi tuyết Mông Cổ. Liệu tôi có nên tìm phương thức mới để chụp ảnh các thợ săn? Dùng loại ống kính khác chăng? Hay chụp hình họ làm những việc khác ngoài việc săn bắt? Làm thế nào để tôi có thể kể một câu chuyện thú vị hơn cái tiêu đề: “Các thợ săn bằng đại bàng vẫn còn tồn tại ở Mông Cổ trong thời buổi hiện nay”?
Hơn nữa, tất cả chúng ta đều có một ý nghĩ mơ hồ rằng Mông Cổ vẫn là một nước của thời thế kỷ 13, thời Thành Cát Tư Hãn, thời triều đại Mãn Thanh. Nhưng ngày nay Mông Cổ đang phần nào trải qua nhiều bước chuyển biến mới.
Tôi quyết định tập trung tinh thần, ngưng tìm kiếm bức chân dung cũ hàng thế kỉ chụp một ông thợ săn bằng đại bàng của tộc Kazakh để theo đuổi hình tượng mới – ít ra đây sẽ là hình tượng đại diện cho tương lai của cái truyền thống xa xưa này. Tôi muốn khắc họa “thế hệ sau” – những cậu bé đang chập chững học hỏi kĩ năng săn bắt, những cậu bé đang nắm giữ tương lai trong bàn tay chúng.
Và đó là câu chuyện tôi sẽ kể.
Tôi đến vùng Chaulting, phía Bắc Ulgii. Đây là một dải đất nằm gần biên giới Nga. Đó là một trong những nơi đẹp nhất tôi từng thấy ở Mông Cổ. Sau khi tìm kiếm khá lâu và đến thăm nhiều gia đình khác nhau, tôi gặp Irka Bolen 13 tuổi – cậu bé đầu tiên tôi chụp ảnh cho dự án này.
Theo truyền thống, khi một cậu bé đến tuổi 13, hoặc khi cậu đủ khỏe để nâng nổi một chú đại bàng trưởng thành trên tay, bố cậu sẽ bắt đầu huấn luyện cho cậu kĩ thuật săn bắt cổ truyền này. Irka Bolen là khởi đầu hoàn hảo cho dự án của tôi, vì tôi không muốn chụp một thợ săn bằng đại bàng, mà chụp cậu trai nhỏ tuổi đang dấn thân vào cuộc hành trình học hỏi lối sống truyền thống của cha ông.
Sau khi ở vài ngày cùng gia đình Irka Bolen và chụp hình cậu bé, tôi quyết định tiếp tục chuyến hành trình. Tôi muốn bổ sung thêm một góc nhìn khác cho câu chuyện. Tôi biết rằng theo truyền thống, các cậu bé Mông Cổ cần khoảng 5 năm để hoàn tất quá trình huấn luyện. Sau đó, các cậu phải tự đi săn một mình. Cậu bé nào săn thành công sẽ nhận danh hiệu “thợ săn bằng đại bàng”. Tôi muốn đi tìm người thợ săn trẻ nhất của Mông Cổ. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi phải tiến về phía Nam, đến một nơi hẻo lánh có tên Hen Gohadok. Tại đó tôi gặp Bahak Birgen. Bahak là một cậu bé khác thường. Khi cậu lên 8, cha cậu quyết định rằng Bahak đã đủ khỏe mạnh để nối dõi mình, và bắt đầu rèn luyện cho cậu trước tuổi. Kết quả, cậu bé 14 tuổi Bahak Birgen đã trở thành “Thợ săn bằng đại bàng trẻ nhất Mông Cổ”.
Thông thường, thợ săn của tộc Kazakh sẽ bắt đại bàng lúc chú còn nhỏ và tự nuôi chú lớn. Họ cho chú đại bàng ăn, cho chú một nơi ấm áp để sống qua những đêm đông giá rét, và họ dạy chú cách săn mồi. Tám năm sau, vào mùa xuân, người thợ săn đem chú đại bàng lên núi. Anh ta sẽ giết một con cừu và đặt xác cừu trên vách núi để làm món quà chia tay, rồi anh ta thả chú đại bàng về với núi rừng. Theo cách này, người thợ săn yên tâm rằng các chú đại bàng sẽ quay về thiên nhiên và tiếp tục duy trì nòi giống, sinh ra các nhóc đại bàng con khỏe mạnh cho thế hệ thợ săn tương lai. Đây là lối sống truyền thống, hài hòa với thiên nhiên của tộc Kazakh ở Mông Cổ.
Sau khi chụp ảnh Irka Bolen và Bahak Birgen, tôi còn đủ thời gian cũng như ngân sách để chụp một thợ săn trẻ cuối cùng cho dự án. Tôi không muốn thêm vào “ảnh bổ sung” cho mấy pô ảnh trước, tôi muốn tìm kiếm thứ gì đó ngoài “một cậu bé thợ săn khác”. Tôi biết mình đang đối mặt với câu hỏi về tương lai của nghề thợ săn bằng đại bàng tại Mông Cổ, nên tôi tự ngẫm: điều gì đang ngăn tôi tìm kiếm câu trả lời cho riêng mình? Chính bản thân tôi sẽ muốn thấy điều gì trong những năm tương lai?
Tôi hiểu rằng địa hình hiểm trở cộng với khí hậu khắc nghiệt là lý do tại sao nghề săn bằng đại bàng chỉ dành cho phái nam. Tôi tự nghĩ, tại một đất nước nơi 70% số người được đến trường, được giáo dục chính quy là phụ nữ, nơi hầu hết các cơ sở giáo dục đều do phụ nữ vận hành – liệu có khả thi không khi nghĩ rằng tương lai của thuật săn bằng đại bàng có thể sẽ đặt trên vai nữ giới?
Thế nên tôi đã tự đi tìm nữ thợ săn của mình.
Cô bé là Ashol Pan, con gái của một thợ săn bằng đại bàng dày dặn kinh nghiệm sống quanh vùng Han Gohadok, phía Nam Ulgii. Cô bé thật hoàn hảo. Sự thoải mái khi cô tương tác với chú đại bàng to lớn thực sự khiến tôi ngạc nhiên. Cô chẳng hề e dè khi nâng chú trên cánh tay và còn vui vẻ vuốt ve chú nữa.
Vào cuối buổi chụp hình, tôi ngồi lại với bố cô bé cùng anh thông dịch viên để nói lời tạm biệt, tôi hỏi ông bố:
“Ông thấy thế nào khi nhìn con gái mình mặc trang phục Kazakh, đứng trên đỉnh núi, thả đại bàng bay đi săn rồi gọi nó quay về?”
“Rất tuyệt”
“Và nói thật… liệu ông có cân nhắc việc huấn luyện cô bé? Liệu cô bé có trở thành nữ thợ săn bằng đại bàng đầu tiên của Mông Cổ không?”
Tôi nghĩ sẽ nhận được câu trả lời “Không” thẳng thừng hoặc một câu đùa kiểu “Có lẽ”, nhưng sau một lúc ông trả lời:
“Cho đến tận hai năm trước thì con trai cả của tôi là người kế nghiệp truyền thống săn bằng đại bàng. Nhưng thần thánh ơi, hai năm trước nó bị gọi đi nhập ngũ, và giờ đây nó đã là một sĩ quan rồi, nên có lẽ nó sẽ chẳng quay về để tiếp nối truyền thống. Tôi đã bắt đầu nghĩ đến việc huấn luyện con bé thay cho ông anh cũng lâu rồi, nhưng tôi không dám làm thế trừ khi con bé yêu cầu. Và nếu nó muốn, năm tới anh có thể đến dự lễ hội đại bàng và anh sẽ thấy con bé thế chỗ tôi để cưỡi ngựa cùng chú đại bàng trên tay”.
Từ câu trả lời của ông bố, tôi nhận ra rằng ý tưởng phụ nữ tham gia để gìn giữ truyền thống là một tương lai khả dĩ, nhưng cũng như nhiều phương diện khác trong đời sống Mông Cổ, đó là một lựa chọn mà bản thân người phụ nữ cần tự đứng ra quyết định.
Theo soi.today
Asher Svidensky: chụp những bé thợ săn bằng đại bàng Mông Cổ