Vượt qua nỗi sợ hãi trong nhiếp ảnh
Nỗi sợ hãi trong nhiếp ảnh là một cảm xúc mà tất cả chúng ta đều có thể mắc phải. May mắn thay, những cảm xúc lo lắng hay sợ hãi đó có thể vượt qua được nếu bạn kiên nhẫn và luyện tập thường xuyên.
Sau khi nói chuyện với một vài nhiếp ảnh gia đồng nghiệp kết hợp với những kinh nghiệm thực tế của riêng mình, tôi đã liệt kê được một số lo ngại chung của các nhiếp ảnh gia và cách để khắc phục chúng
Nỗi sợ rằng không biết mình phải làm gì?
Mỗi một nhiếp ảnh gia đều có những lúc cảm thấy bối rối khi gặp những tình huống mới hay các vấn đề trục trặc. Đó có thể là việc bắt đầu làm quen với một số thiết bị mới, một vấn đề hóc búa với ánh sáng hay đơn giản chỉ là một sai lầm bất cẩn trong việc chụp ảnh.
Những vấn đề này rất dễ xảy ra và luôn khiến cho những nhiếp ảnh gia cảm thấy nản chí hết lần này đến lần khác. Điều này đặc biệt đúng với những người mới bắt đầu tìm hiểu bộ môn nghệ thuật này. Có quá nhiều thông tin, kỹ thuật mới mà bạn cần phải học. Khi lần đầu tiên được mời chụp cho một đám cưới khá lớn, tôi đã rất lo lắng và còn hồi hộp, đổ mồ hôi nhiều hơn cả nhân vật chính là chú rể. Nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn, tôi chỉ gặp một chút trục trặc và khách hàng khá hài lòng với những bức ảnh mà tôi chụp.
Lời khuyên dành cho nỗi sợ hãi này là bạn hãy học cách chấp nhận. Đó là cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi khi bạn thiếu kinh nghiệm. Điều hiệu quả nhất mà bạn có thể làm như một nhiếp ảnh gia đầy tham vọng là không ngừng nhắc nhở bản thân rằng tất cả đều xuất phát từ cùng một điểm. Kể cả những người nổi tiếng nhất trong giới nhiếp ảnh cũng đã từng có lúc không biết làm thế nào để sử dụng một chiếc máy ảnh. Bạn cần không ngừng học hỏi và cũng đừng sợ mắc sai lầm. Chìa khóa để đánh bại nỗi sợ hãi là sự quyết tâm luôn tiến về phía trước.
Nổi sợ hãi mọi người không thích tác phẩm của mình
Nỗi sợ hãi không được công nhận là rất lớn và thường gặp trong bất cứ hình thức nghệ thuật nào. Có một sự thật là một số người chỉ đơn giản là không thích những tác phẩm mà chúng ta đã tạo nên. Nghệ thuật với bản chất của nó là một phạm trù rất chủ quan. Khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, người ta sẽ cảm nhận theo một cách khác nhau dưới con mắt riêng và đánh giá những tác phẩm đó dựa theo kinh nghiệm của họ.
Đây là một trong những bức ảnh ưa thích nhất của tôi nhưng lại không nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía công chúng.
Cách vượt qua nỗi sợ này:
Khi lần đầu tiên bắt đầu sự nghiệp với nhiếp ảnh, tôi đã rất dễ nản lòng. Mỗi cuộn phim tôi chụp chỉ được 1, 2 tấm ra hồn và tôi đã thất vọng đến mức muốn từ bỏ. Nhưng rồi tôi đọc được câu nói của Ansel Adams và có thêm nghị lực để tiếp tục theo đuổi đam mê : “Có được mười hai bức ảnh đẹp trong một năm đã là một vụ mùa bội thu rồi“.
Tôi đã nhận ra rằng nếu một trong những nhiếp ảnh gia người Mỹ có ảnh hưởng nhất mọi thời đại đang hài lòng với mười hai bức ảnh một năm thì những gì tôi đang làm vẫn chưa phải là thảm họa. Tôi chỉ việc tiếp tục cố gắng và sẽ tiến bộ lên từng ngày.
Nỗi sợ khi phải chụp mọi người xung quanh
Việc chụp ảnh mọi người có thể so sánh với việc đứng thuyết trình trước đám đông. Rất ít người (như tôi thì chưa gặp một ai) có thể thực hiện một cách trơn tru việc chụp ảnh ở nơi đông người hay tại các sự kiện nhiếp ảnh. Lo âu luôn luôn được thể hiện rõ trên mặt họ (hay ít nhất là với tôi). Tôi thường lo lắng về việc những đối tượng được chụp sẽ phản ứng thế nào với việc chụp ảnh của tôi hay trông tôi thật kỳ cục khi chụp ảnh những người lạ trên phố xá.
Cách tốt nhất để vượt qua sự sợ hãi này là hãy cứ thực hiện việc chụp ảnh của bạn. Hãy đi ra ngoài và đối mặt với nỗi sợ hãi của bạn. Bạn có thể bắt đầu với việc mang máy ảnh và chụp tại một số địa điểm như công viên hay các trung tâm mua sắm. Tại đó bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi nhận ra rằng bạn không phải người duy nhất đang chụp ảnh tại đó. Khi cảm thấy thoải mái với việc chụp ảnh, hãy mang chiếc máy ảnh theo bên người và sẵn sàng thực hiện chụp ở bất cứ đâu bạn muốn.
Nỗi sợ khi cảm thấy máy ảnh hay ống kính của mình là chưa đủ tốt
Đây có lẽ cũng là sự lo lắng chung của phần lớn nhiếp ảnh gia. Họ cảm thấy những chiếc ống kính, bộ lọc, máy ảnh, đèn flash của mình chưa đủ tốt hoặc đơn giản chỉ là không bằng những người khác. Đó là một tình trạng thường thấy ở con người khi luôn nghĩ về những gì mình không có. Phần lớn nhiếp ảnh gia luôn cảm thấy không bao giờ là đủ. Họ cảm thấy những trang thiết bị của mình là không đủ cho công việc và luôn tin tưởng rằng mình cần phải trang bị những ống kính đắt tiền và hiện đại hơn.
Cách hiệu quả nhất để vượt qua sự sợ hãi này là phải hiểu rằng bạn sẽ không bao giờ có các thiết bị tốt nhất bởi các thiết bị này luôn được nâng cấp và đổi mới qua từng năm. Hãy ngừng tập trung vào những gì bạn không có. Hãy học cách khai thác và sử dụng hết các chức năng của những thiết bị mà bạn đang sở hữu. Nghiên cứu thật kỹ thiết bị của bạn và nắm được hết những gì mà chiếc máy của bạn có thể làm.
Quan trọng hơn là hiểu những mặt hạn chế của chúng. Tôi thường thấy một số nhiếp ảnh gia tỏ ra thất vọng và chán nản vì những kỳ vọng của họ vượt quá xa so với những gì thiết bị của họ có thể làm được.
Anh Minh – vnreview.vn
Theo Digital Photography School