[Ứng dụng – Bài học 3] Sử Dụng Bù Phơi Sáng để Chụp ở Độ Sáng Mong Muốn

Bài học thứ 3 trong loạt bài học này là về bù phơi sáng. Nếu bạn có thể điều chỉnh mức phơi sáng một cách hiệu quả, bạn sẽ có thể chụp được đối tượng ở độ sáng mong muốn ngay cả khi, ví dụ như, đối tượng ngược sáng. Ở đây, tôi sẽ giải thích các cách sử dụng bù phơi sáng cơ bản. (Người trình bày: Yutaka Tanekiyo)

Trước tiên ‘bù phơi sáng’ là gì?

“Phơi sáng” là độ sáng của ảnh cuối cùng. Mặc dù máy ảnh tự động điều chỉnh mức phơi sáng khi máy ảnh không ở chế độ M (Manual) hay B (Bulb), bạn có thể sử dụng chức năng bù phơi sáng để cố tình làm cho tấm ảnh sáng hơn hoặc tối hơn. Bằng cách sử dụng bù phơi sáng, bạn có thể cài đặt độ sáng của ảnh gần với mức bạn muốn hơn. Ngay cả khi đó, vẫn không có một giá trị bù phơi sáng “chính xác”. Mặc dù có thể có những cảnh trong đó một mức phơi sáng tối hơn hoặc sáng hơn là thích hợp, điều quan trọng là phải xác định độ sáng dựa trên ảnh mong muốn của nhiếp ảnh gia về đối tượng.

Cách thực hiện bù phơi sáng là khác nhau tùy máy ảnh. Một số mẫu máy ảnh yêu cầu bạn phải xoay một bánh xe điện tử trong khi nhấn nút bù phơi sáng, trong khi số khác được trang bị một bánh xe bù phơi sáng. Bằng cách điều chỉnh theo thang bù phơi sáng, ảnh có thể được làm sáng hơn bằng bù phơi sáng dương và tối hơn bằng bù phơi sáng âm. Hãy nhớ rằng tốc độ cửa trập hoặc giá trị khẩu độ cũng có thể tự động thay đổi cho thích hợp với mức bù.

Hãy tìm hiểu xem bù phơi sáng có thể làm thay đổi hình ảnh như thế nào. Để minh họa, tôi sẽ sử dụng ví dụ về một bức tượng đồng mà tôi thấy trên phố.

1. Chụp bức tượng đồng có vẻ tối do ngược sáng

Mũi tên màu vàng: Hướng ánh sáng

Ánh sáng ngược chiếu vào bức tượng đồng ở một góc xiên từ bên trên. Nó làm cho bức tượng có vẻ tối khi nhìn trực tiếp từ phía trước, nhưng tôi sẽ lấy ảnh này làm ảnh đầu tiên.

2. Ảnh có vẻ tối khi chụp mà không thực hiện bù phơi sáng

EV+-0

Khi chụp không có bù phơi sáng, bức tượng xuất hiện như chúng ta thấy, với khu vực trong bóng râm có vẻ tối. Để làm cho khuôn mặt có vẻ sáng hơn một chút, với ảnh tiếp theo, tôi cố chụp ở mức bù phơi sáng dương.

3. Ảnh quá sáng khi chụp ở EV+2

EV+2

Khi chụp ở EV+2, cả bức tượng đồng lẫn môi trường xung quanh nó trở nên quá sáng. Mặc dù có thể đã đạt được mục đích làm sáng ảnh, hoa văn của bức tượng có vẻ bị mất chi tiết.

4. Ảnh được hoàn thiện ở EV+1!

EV+1

Ảnh được chụp ở độ sáng thích hợp khi chụp ở EV+1. Bằng cách điều chỉnh độ sáng gần hơn với hình ảnh tôi có trong đầu, ảnh có thể chuyển tải ý định nhiếp ảnh của tôi hiệu quả hơn.

[Thủ thuật] Cách tìm mức phơi sáng lý tưởng

  • Xác định các vùng tối nên được làm sáng ở mức nào
  • Đảm bảo các chi tiết và hoa văn không bị mất

Xác định độ sáng dựa trên việc bạn muốn đối tượng xuất hiện thế nào khi điều chỉnh bù phơi sáng. Bạn có thể cố tìm mức phơi sáng phù hợp với ưu tiên cá nhân của bạn. Lần này, vì tôi muốn chuyển tải hoa văn của bức tượng trong khi làm cho nó có vẻ sáng hơn, do đó tôi cố sử dụng một mức bù phơi sáng sẽ làm cho đôi mắt trông sáng hơn đồng thời giữ lại chi tiết của mái tóc. Xác định điểm quy chiếu trước khi tiến hành bù phơi sáng.

Giữ lại chi tiết của tóc

EV+2

EV+1

Khi bạn quan sát vầng trán, mái tóc sẽ quá sáng khi chụp ở EV+2, không có cảm giác chi tiết được giữ lại.

Làm cho đôi mắt sáng hơn

EV+-0

EV+1

Các khu vực xung quanh đôi mắt sâu xuất hiện tối nhất. Tôi sử dụng bù phơi sáng dương để làm cho khu vực này xuất hiện sáng hơn.

Lưu ý các cảnh trong đó chức năng bù phơi sáng là có hiệu quả

Sẽ dễ xác định mức phơi sáng thích hợp hơn khi bạn biết trước các dạng tình huống trong đó bù phơi sáng sẽ có hiệu quả. Có thể có được những kết quả tốt bằng cách sử dụng bù phơi sáng dương cho những cảnh có nhiều đối tượng màu trắng và sáng, và bù phơi sáng âm cho những cảnh có nhiều màu đen và đậm, vì các màu này có độ phản quang thấp.

Làm cho các vật thể màu trắng xuất hiện màu trắng

Không có bù phơi sáng

Khi chụp các đối tượng có độ phản quang cao (màu sáng và trắng) chẳng hạn như mây hay tuyết, ảnh sẽ phần nào có xu hướng xuất hiện màu tối và xám nếu bạn để máy ảnh tự động quyết định các thiết lập.

Bù phơi sáng dương

Khi bạn muốn làm cho ảnh sáng hơn để phản ánh những gì mình thấy, bạn nên bắt đầu từ một mức bù phơi sáng khoảng EV+1. Thay đổi giá trị bù theo diện tích mà các đối tượng có độ phản quang cao chiếm trên màn hình.

Làm cho các vật thể màu đen xuất hiện màu đen

Không có bù phơi sáng

Sử dụng bù phơi sáng âm khi chụp các vật thể màu đen có độ phản quang thấp chẳng hạn như đầu máy xe lửa hơi nước. Cẩn thận không bù phơi sáng quá theo hướng âm vì có thể làm mất chi tiết.

Bù phơi sáng âm

Ảnh trở nên đậm và tối khi thực hiện bù phơi sáng âm. Nếu có đèn hoặc phản quang khác, hãy bắt đầu bằng một mức bù khoảng EV-0,7. Bù phơi sáng âm cũng có hiệu quả để chụp thân cây và các tòa nhà bằng gỗ.

Nguồn canon-asia.com

Visited 1,927 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...