Tự học chụp ảnh – Tìm hiểu về máy ảnh
Yêu cầu chuẩn bị – Thiết bị: Máy ảnh ngắm – chụp. – Mục tiêu: Học về các bộ phận chủ yếu của máy ảnh và làm quen về cách bố trí các nút chức năng trên một máy ảnh thông thường, giúp người học nắm vững nút nào dùng để làm gì. – Thời gian nắm bắt: Khoảng 15 phút. |
Trước khi học về nhiếp ảnh, điều đầu tiên cần biết là hiểu máy ảnh của mình, hiểu chức năng của từng nút bấm, biết khi nào sử dụng chúng để có được bức hình mong muốn. Bài này sẽ chỉ trình bày những chức năng cơ bản nhất của một chiếc máy ảnh. Mỗi máy ảnh gồm 13 bộ phận chính. Nếu máy ảnh bạn đang sở hữu không có đủ hoặc có nhiều hơn 13 bộ phận này, bạn cần đọc thêm về chức năng của chúng trong sách hướng dẫn sử dụng máy ảnh của mình.
1. Đèn flash tích hợp trên thân máy giúp chiếu sáng đối tượng trong điều kiện chụp tối. Đèn có thể được cài đặt để chớp tự động (chỉ chớp khi cần thiết), chớp cưỡng bức (luôn chớp) hay tắt.
2. Đèn hỗ trợ lấy nét chỉ bật khi điều kiện ánh sáng môi trường chụp không đủ cho máy ảnh lấy nét. Một số máy ảnh cho phép bạn tắt tính năng này để tránh làm đối tượng mất tập trung.
3. Ống kính thu cảnh vật (ánh sáng) để hiển thị trên cảm biến. Một số ống kính máy ảnh được thiết kế dạng thò thụt khi bật/tắt máy, trong khi một số khác lại thiết kế ống kính trong lòng máy ảnh (không thò thụt ra ngoài).
4. Vòng chế độ cho phép chuyển đổi giữa các chế độ chụp khác nhau. Ngoài các chức năng mặc cảnh, hầu hết máy ảnh đều có chế độ P và chế độ A. Ở chế độ P (Program), máy sẽ tính toán các thông số phơi sáng, còn lại cho phép người chụp chỉnh một số thông số như đèn flash, ISO, cân bằng trắng. Còn chế độ A (Auto) là tự động hoàn toàn, máy sẽ lo tất cả các thông số liên quan, việc của người dùng chỉ là ngắm và bấm máy.
5. Màn hình LCD phía sau là nơi người chụp dùng để căn khung hình khi chụp cũng như xem lại ảnh vừa chụp. Có nhiều kích cỡ màn hình LCD khác nhau, từ 2,5 inch tới 3,5 inch tùy máy. Hầu hết thường có độ phân giải từ 230.000 điểm ảnh, nhưng ở một số máy ảnh cao cấp hơn, độ phân giải có thể lên đến 920.000 pixel. Màn LCD có thể cố định ở thân máy, có thể ở dạng lật xoay, hoặc có thể chỉ lật dùng trong các trường hợp chụp hất lên hoặc chúc xuống.
6. Phím điều hướng thường ở phía sau máy dùng để duyệt qua menu và các lựa chọn. Xung quanh sẽ có một nút hiển thị thông tin trên màn LCD (thường có tên DISPLAY) và nút xem lại hình vừa chụp (ký hiệu là hình tam giác). Các chức năng truy cập nhanh cũng được hiển thị bằng biểu tượng in trên nút điều hướng. Lưu ý, mỗi máy ảnh khác nhau sẽ có cách sắp xếp khác nhau.
7. Nút chụp ảnh có hai chức năng là lấy nét và chụp. Nếu bạn nháy nhẹ nút chụp, máy ảnh sẽ điều chỉnh ống kính để lấy nét, nếu bạn nhấn mạnh, máy sẽ chụp.
8. Nút điều chỉnh zoom dùng để thay đổi tiêu cự giữa góc rộng và tele thường được bố trí thành một vòng bao quanh nút chụp ảnh. Có những máy lại chọn kiểu thanh bấm hai nút hai đầu ở phía sau.
9. Nút công tắc nguồn dùng để bật/tắt máy ảnh.
10. Nắp che pin thường ở dưới đáy và thường được mở kiểu kéo trượt hoặc gạt lẫy để lắp pin và thẻ nhớ.
11. Lỗ lắp chân máy được đặt phía dưới đáy máy, cạnh nắp che pin.
12. Bên sườn máy ảnh thường là các cổng kết nối để nối máy ảnh với máy tính hoặc màn hình ngoài. Cáp cho các cổng này thường được đi kèm máy (cáp USB, cáp AV) hoặc có thể phải mua rời (cáp HDMI).
13. Lỗ xỏ quai đeo máy ảnh.
Trên đây là một số bộ phận cơ bản của một máy ảnh số du lịch thông dụng.
Bài tới sẽ về các kỹ thuật căn khung và tìm hiểu các chế độ mặc cảnh trên máy ảnh.