Tìm hiểu về kính lọc (Filter)
Kính lọc là một trong những phụ-tùng chính-yếu của nhiếp-ảnh, nhưng cũng chính loại phụ-tùng này hay làm người ảnh bối rối hoặc hiểu lầm, do đó có người không bao giờ dùng kính lọc, cũng có người có "cả rổ" kính lọc nhưng đến khi chụp thì lại không dùng hay dùng không đúng chỗ, đúng lúc… Cả hai trường-hợp trên đều khiến tác-phẩm nhiếp-ảnh của chúng ta như có cái gì kém bắt mắt, do đó không nên tiếp-tục.
Ðôi khi chúng ta chụp được những tấm ảnh đẹp, phóng lớn ra, quan-sát thật kỹ-lưỡng… từ chủ-đề đến bối-cảnh, từ màu sắc (hay sắc-độ) đến bố-cục, đến ánh sáng, đến đường nét… đẹp thì có đẹp, nhưng tấm ảnh của chúng ta dường như vẫn như còn thiếu một cái gì. Cái gì đó có thể là chút màu sắc chưa được đậm đà, sắc-độ chưa đủ tương-phản, mảng màu sắc, mảng đậm lợt chưa diễn-tả được ý tình cho tới mức… Có người nghĩ tới kính lọc.
Phải, có thể đó là vấn-đề kính lọc.
A. CẤU-TẠO KÍNH LỌC.
1. VẬT-LIỆU VÀ HÌNH-THỂ.
Kính lọc là những vật-thể trong, phẳng, dẹp, bằng quang-kính hay nhựa tổng-hợp, có màu hoặc không màu, gắn vào phía trước hoặc phía sau ống kính, có nhiệm-vụ làm biến đổi màu sắc hay sắc-độ của hình ảnh trước khi hình ảnh đó được ghi vào mặt phim.
Cũng có một số vật-thể thường hay bị gọi lầm là kính lọc, loại này không làm biến đổi màu sắc hay sắc-độ của hình ảnh, mà lại làm biến đổi hình-thể của hình ảnh; những vật-thể này được liệt-kê dưới tiêu-đề "kính tạo hình đặc-biệt".
Màu sắc, tùy theo độ đậm lợt đã được qui-định sẵn, được trộn vào kính hay hóa-chất khi nấu lỏng, sau đó ép thành từng tấm mỏng, tương-tự như kính cửa sổ, rồi cắt thành cỡ vuông hay tròn; kính tròn được gắn vào niềng, có khắc nhãn-hiệu, chỉ-danh và cỡ lớn nhỏ; kính vuông cũng được khắc nhãn-hiệu, chỉ-danh vào một góc. Kính lọc bằng nhựa tổng-hợp, đôi khi còn được ép giữa hai lớp kính cho mặt đỡ bị trầy sát. Ðây là những loại kính lọc chế-tạo giản-dị, giá thành rẻ (vì vậy tương-đối thông-dụng), nhưng bị một số nhiếp-ảnh-gia khó tính chối bỏ, với lập-luận là vật-liệu không được tinh-khiết, bề mặt của hai lớp kính không được hoàn-hảo, nếu không mấp-mô thì cũng không hoàn-toàn song song, thiếu chính-xác, làm hại đến phẩm-chất của hình ảnh.
Những hãng chế-tạo máy ảnh hay kính lọc danh-tiếng (như Hasselblad, Rolleiflex, Leitz, B+W, Heliopan…) dùng quang-kính (thay vì kính thường), nấu lỏng rồi ép thành một khối lớn. Khối này sau đó được cắt thành những thỏi hình trụ, rồi được cắt nữa thành nhiều miếng mỏng, đoạn đưa vào máy mài, mài cho hai mặt thật song song, đúng độ dầy, đánh bóng cho thật trong suốt, hấp hóa-chất chống phản-quang rồi gắn vào niềng bằng đồng thau hay thép không rỉ. Những kính lọc này bảo-đảm phẩm-chất tốt hơn loại trên, nhưng dĩ-nhiên cũng đắt hơn.
2. CÁCH GẮN KÍNH LỌC VÀO ỐNG KÍNH MÁY ẢNH.
Ða số được gắn vào riềm trước của ống kính, tuy nhiên cũng có một số kính lọc được gắn vào phía sau ống kính (gắn kính lọc trước, rồi mới bắt ống kính vào thân máy); trường-hợp này chỉ áp-dụng khi đường-kính của mặt trước ống kính quá lớn, hay lồi ra quá nhiều (như ống kính "mắt cá"), khiến cho kính lọc trở thành quá lớn, quá nặng, hay việc chế-tạo kính lọc (hay cách gắn) trở thành khó khăn.
Kính lọc tròn thường được gắn vào niềng có răng ốc, khi dùng, ta vặn niềng vào ống kính. Khi mua kính lọc, cần biết đường-kính của niềng là bao nhiêu (đường-kính này có liệt-kê trong cuốn sách chỉ-dẫn của máy ảnh hay ống kính), đôi khi có hãng còn khắc đường-kính này vào riềm ống kính. Ðường-kính của kính lọc luôn luôn được khắc vào niềng kính lọc. Nên phân-biệt hai loại số sau đây, vì chúng dễ gây ngộ-nhận :
* f/35 mm, f/50 mm, f/105 mm… là tiêu-cự của ống kính.
* Þ 49 mm, Þ 52 mm, Þ 55 mm… là đường kính của kính lọc (Þ, đọc là phi, là ký-hiệu của đường-kính).
Cũng có loại kính lọc tròn có ngàm, thường là ngàm dương; khi dùng, gắn vào ngàm âm ở riềm ống kính. Kính lọc có ngàm này chỉ còn một số hãng máy ảnh cỡ trung của Âu-Châu dùng, như Rolleiflex SLR, Rolleiflex TLR, Hasselblad… Kích thước kính lọc được gọi, thí-dụ B50, B63… là bayonet (ngàm) 50 mm, 63 mm… của Hasselblad, thí-dụ cỡ II của Rolleiflex TLR f/3.5, cỡ III của Rolleiflex TLR f/2.8…
Cũng có loại kính lọc tròn được gắn vào niềng trơn, chỉ là một cái đai bằng kim-loại hay nhựa tổng-hợp. Khi dùng, ta bỏ kính lọc này vào mặt trước ống kính, sau đó xoáy một niềng chận phía ngoài. Loại này tương-đối rắc rối, mỗi lần thay kính lọc tốn thì giờ… chỉ còn một số ống kính Leica dùng, gọi là kính lọc "Serie…"
Kính lọc vuông, dù làm bằng kính hay nhựa tổng-hợp, thường được bắt vào ống kính bằng một hệ-thống khâu-chuyền cồng-kềnh, rắc rối… tuy nhiên loại này có lợi điểm là một kính lọc có thể dùng vào nhiều loại ống kính (có đường kính khác nhau), nhiều loại máy… mỗi khi gặp ống kính có đường-kính riềm khác nhau, ta chỉ cần mua thêm một khâu-chuyền (giá khá rẻ) có đường-kính thích-hợp. Những hãng chế-tạo chính gồm có Cokin, Tiffen, Lindahl, A-Plus (A+)…
3. HỆ-SỐ KÍNH LỌC.
Những kính lọc trong suốt như UV, skylight… không cản ánh sáng, nhưng những kính lọc xám hay kính lọc có màu sắc, không ít thì nhiều, cũng cản bớt ánh sáng đi qua ống kính.
Ðo sáng một vật nào đưới ánh sáng đều, trước khi gắn và sau khi gắn kính lọc. Thường thường, sau khi gắn kính lọc, ta thấy quang-kế chỉ một hay hai nấc khẩu-độ (hoặc tốc-độ) thấp hơn.
Kính lọc nào cản trở ánh sáng tương-đương với một nấc khẩu-độ (hoặc tốc-độ) được gọi là kính lọc có hệ-số 2; cản 2 nấc khẩu-độ (hoặc tốc-độ) là kính lọc có hệ-số 4… Hệ-số kính lọc luôn luôn được khắc trên niềng kính lọc.
Ðối với những máy ảnh có quang-kế đo qua ống kính (gần như hầu hết máy ảnh 35 mm ngày nay đều thuộc loại này), quang-kế tự-động điều-chỉnh và cân bằng ánh sáng, ta cứ chụp theo quang-kế mà không phải bận tâm gì về hệ-số kính lọc. Ðối với những máy ảnh không có quang-kế như Hasselblad 500C, 500CM, 500CX, Leica M3, M4, M4-P, M4-2, Nikon F… ta phải chỉnh khẩu-độ hay tốc-độ máy ảnh tùy theo hệ-số kính lọc như sau :
Dùng quang-kế cầm tay, đo sáng. Ðịnh khẩu-độ, tốc-độ. Nếu kính lọc có hệ-số là "2", ta mở khẩu-độ lớn ra một nấc (thí-dụ đo được là 8, mở thành 5.6), HOẶC chỉnh tốc-độ chậm lại một nấc (thí-dụ đo được 1/125, chỉnh thành 1/60), rồi chụp.
Một cách khác, ta cắt giảm độ nhạy của phim ở quang-kế. Cũng với thí-dụ kính lọc có hệ-số "2", ta chỉnh 50% độ nhạy vào quang-kế (nếu dùng phim 200 ISO, chỉnh vào quang-kế 100 ISO; nếu dùng phim 400, chỉnh vào còn 200). Sau đó đo sáng qui ra khẩu-độ, tốc-độ, DÙNG TRỰC-TIẾP các yếu-tố này để chụp, không cần chỉnh gì thêm cả.
B. CÁC LOẠI KÍNH LỌC VÀ CÔNG-DỤNG.
Có ba loại kính lọc, là loại dùng chung cho cả phim đen trắng lẫn phim màu, loại dùng cho phim đen trắng và loại dùng cho phim màu.
1. CHỈ-DANH KÍNH LỌC.
Hãng chế-tạo kính lọc lâu đời nhất là hãng Wratten ở Anh. Hãng này chỉ-danh kính lọc bằng số, thí-dụ kính lọc đỏ số 25, lục số 58, vàng số 8… Kodak chỉ-danh kính lọc đỏ là A, lục là B, vàng là K2… Hãng Vivitar gộp cả hai thứ lại, gọi kính lọc đỏ là 25A, lục số 58B, vàng số 8K2… Hãng B+W chỉ-danh theo mã-số riêng của họ, thí-dụ đỏ số 090, đỏ đậm số 091, lục nhẹ số 060, lục đậm số 061, vàng số 022, vàng đậm số 023, vàng lợt số 021…
Ta thấy ngay rằng không có một chỉ-danh tiêu-chuẩn nào để gọi kính lọc cả, do đó để giản-dị hóa vấn-đề, trong khuôn khổ bài này, chúng ta gọi kính lọc bằng màu sắc của nó. Khi cần mua kính lọc của hãng nào, ta phối-kiểm với tờ quảng-cáo của hãng đó để mua cho đúng nhu-cầu.
2. KÍNH LỌC DÙNG CHO PHIM ÐEN TRẮNG VÀ PHIM MÀU.
Ðây là loại kính lọc, không làm thay đổi màu sắc hay độ đậm lợt của âm (hay dương) bản, ngoại trừ kính lọc phân-cực.
a. Kính lọc UV (ultra violet hay haze). Trong trẻo, không màu sắc, kính lọc này cản tia cực tím vào mặt phim. Mắt người tuy không nhìn thấy, nhưng tia cực tím làm cho hình ảnh bị mù mờ, nhất là khi chụp ở nơi núi cao, đồng trống, bãi biển… Kính lọc UV không cản sáng, nên có hệ-số kính lọc là 1X. Nhiều người gắn kính lọc này thường-trực ở ống kính để hơi nước, bụi bặm, dấu tay… không bám vào mặt ống kính và cũng để cho ảnh chụp ngoài trời được trong trẻo. Tuy nhiên nếu muốn chụp sương mù thì đừng dùng kính lọc UV vì kính lọc này làm giảm tính-chất "mù" trong sương mù.
b. Kính lọc skylight. Kính lọc này hơi ửng nhẹ màu hồng, tiện-dụng với phim màu hơn là phim đen trắng, có mục-đích làm cho màu sắc "ấm" hay "nồng" lên một chút, nhất là khi ta chụp hình trong bóng mát hay vào những ngày trời âm u. Kính lọc này không cản sáng và cũng có thể gắn thường-trực ở ống kính như UV. Một vài hãng, như hãng Vivitar chế-tạo chung kính skylight với kính lọc UV do đó nó có đặc-tính của cả hai loại.
c. Kính lọc phân-cực (polarizing filter). Làm giảm-thiểu tia sáng phản chiếu hay hình ảnh phản chiếu trên các mặt bóng loáng như mặt bàn, mặt kính, mặt sơn, mặt nước, mặt plastic…, ngoại trừ mặt bóng của kim-loại. Ðặc-tính này giúp ta chụp được hình ảnh phía sau cửa kính xe cộ, cửa tiệm… bị loang sáng, hay cho ta chụp được cá vàng dưới nước… (Ta nhìn thấy cá vàng dưới mặt nước, nhưng khi chụp, ta không thấy cá, vì mặt nước phản chiếu bầu trời, không cho ta chụp thấu vào nước).
Ðối với ảnh màu cũng như ảnh đen trắng, kính lọc này làm đậm bầu trời xanh do đó làm nổi mây trắng, làm màu sắc hay sắc-độ của cảnh-vật đậm đà hơn, trung-thực hơn… vì đặc-tính làm giảm-thiểu những tia sáng phản chiếu lung tung.
Có hai loại kính lọc phân-cực mà chúng ta tạm gọi là "phân-cực thẳng" (linear hoặc top polarization filter) dùng cho máy ảnh không có quang-kế hoặc có quang-kế mà tế-bào đo sáng đặt ở trên tấm kính mờ của loại máy SLR; loại khác là "phân-cực vòng" (circular polarization filter) dùng cho máy ảnh có quang-kế mà tế-bào đo sáng bố-trí phía sau gương phản-chiếu hay ở dưới đáy máy ảnh, đo ánh sáng khúc-xạ. Xem sách chỉ-dẫn máy ảnh để biết máy ảnh của ta dùng loại nào.
d. Kính lọc xám (ND, neutral density filter). Kính lọc trung-tính, không làm thay đổi màu sắc, độ gắt hay sắc-độ của hình ảnh, mà chỉ cản bớt ánh sáng không cho vào nhiều trong ống kính. Ta dùng kính lọc xám ND khi nào ánh sáng chói chang, hay khi ta không muốn đóng nhỏ khẩu-độ hay không muốn để tốc-độ thật nhanh; khi ta muốn chụp chao mờ bằng tốc-độ chậm; hay khi ta muốn mở lớn khẩu-độ để xóa mờ bối-cảnh.
Kính lọc xám ND có nhiều độ đậm lợt, hệ-số 2, 3, 4, có một vài hãng còn chế kính có hệ-số 2 1/2, 3 1/2… và có thể dùng kèm với nhau hai, ba kính lọc một lần cho thêm tối.
3. KÍNH LỌC DÙNG CHO PHIM ÐEN TRẮNG.
Ta đều biết rằng phim đen trắng ghi nhận các màu sắc, bất cứ màu sắc gì, thành xám : xám đậm hay xám lợt. Thí-dụ như chùm hoa phượng đỏ chen trong đám lá xanh. Dưới con mắt ta, hai màu xanh, đỏ rất cách biệt, phân-minh…, nhưng phim ảnh đen trắng ghi nhận cả hai thành xám đậm : hoa lá lẫn vào nhau, rất khó phân-biệt. Vì vậy ta cần dùng kính lọc để tách hai độ xám của xanh và đỏ ra cho cách biệt.
Nguyên-tắc chung của kính lọc dùng cho phim đen trắng là, kính lọc màu gì thì cho ánh sáng màu đó vào ống kính dễ dàng hơn, đồng-thời cản bớt màu đối lại; kết-quả là màu sắc nào cùng màu với kính lọc thì xuất-hiện lên ảnh thành xám nhạt, màu sắc nào đối lại với màu sắc của kính lọc thì xuất-hiện trên ảnh thành xám đậm.
Trở về thí-dụ trên, muốn cho hoa phượng đỏ trở thành xám lợt, lá trở thành xám đậm, dùng kính lọc màu đỏ (tương-phản mạnh); muốn cho hoa phượng đỏ trở thành xám trung, lá xám nhưng lợt hơn trên, dùng kính lọc đỏ lợt hay màu cam, (tương-phản giảm đi nhiều). Muốn cho hoa phượng đỏ trở thành xám thật đậm, lá xám lợt, dùng kính lọc màu lục đậm hay xanh đậm (tương-phản mạnh); muốn cho hoa xám, nhưng đậm hơn lá, dùng kính lọc xanh nhạt hay lục nhạt.
Sau đây là tác-dụng của mấy loại kính lọc chính dùng trong ảnh đen trắng (xin ghi-chú : đây là kết-quả ta thấy trên ảnh).
* Kính lọc màu lục (green) và xanh (blue) : làm xám nhẹ các màu xanh, lục, chàm…, làm xám đậm các màu cam, đỏ…
* Kính lọc màu cam (orange), đỏ (red) : làm xám nhẹ các màu cam, đỏ, vàng…, làm xám đậm các màu xanh, lục…
* Kính lọc vàng-lục (yellow-green) : làm xám nhẹ các màu vàng, lục…,làm xám đậm các màu cam đỏ…
Ứng-dụng trong việc chụp ảnh (đen trắng) :
* Muốn cho nổi mây trắng trên nền trời xanh : dùng kính lọc màu vàng-lục (tương-phản nhẹ), dùng kính lọc màu vàng (tương-phản hơn), dùng kính lọc màu cam (tăng tương-phản hơn nữa), dùng kính lọc màu đỏ (tương-phản mạnh).
* Trong ảnh chân-dung, muốn cho da mặt "đậm đà" hơn, dùng kính lọc màu lục.
* Trong ảnh phong-cảnh, muốn cho lá cây trở thành xám nhẹ, dùng kính lọc màu lục hay xanh…, muốn cho lá cây xám đậm, dùng kính lọc màu vàng, cam hay đỏ…
* Muốn đồi cát vàng trở thành xám nhẹ, dùng kính lọc màu vàng hay màu cam nhẹ; muốn cho cát vàng trở thành xám đậm, dùng kính lọc màu lục hay xanh…
Trong khoảng 15 năm gần đây, có một số hãng chế-tạo kính lọc "nửa màu" : một nửa trong (không màu sắc) nửa kia có màu, ở biên-giới màu sắc mờ nhạt dần đi…, màu sắc, ngoài những màu mà ta thường thấy như vàng, lục, cam, xanh, đỏ… còn gồm nhiều màu khác nữa như nâu, chàm, tím, màu khói thuốc… khiến ta có thể thay đổi sắc-độ của nửa phần cảnh-vật mà không ảnh-hưởng gì tới phần kia, hay dùng để chụp ảnh màu, nhuộm màu nửa cảnh vật, nửa kia màu sắc không thay đổi.
4. KÍNH LỌC DÙNG CHO PHIM MÀU.
Có những loại kính lọc chế-tạo để dùng riêng cho phim màu, được chia làm hai loại : kính lọc đổi màu và kính lọc chỉnh màu.
a. Kính lọc đổi màu (conversion filter). Ðể ta dùng loại "phim chế-tạo với ánh sáng này dưới loại ánh sáng khác". Ta đã biết rằng nếu ta dùng phim chế-tạo cho ánh sáng ngày để chụp với ánh sáng đèn bóng thì ảnh sẽ bị áp-sắc vàng; trái lại, nếu ta dùng phim chế-tạo cho ánh sáng đèn bóng để chụp với ánh sáng ngày thì ảnh sẽ bị áp-sắc lục.
* Phim chế-tạo cho ánh sáng ngày (5500 K), dùng dưới ánh sáng đèn quartz 3200 K, dùng kính lọc màu xanh nhẹ 80A; dùng dưới ánh sáng đèn bóng 3400 K, dùng kính lọc màu xanh nhạt 80B.
* Phim chế-tạo cho ánh sáng 3400 K, chụp ở ánh sáng 5500 K, dùng kính lọc màu vàng nhẹ 85; chụp ở ánh sáng 3400 K, dùng kính lọc màu xanh nhạt 82A.
* Phim chế-tạo cho ánh sáng 3200 K, chụp ở ánh sáng 5500 K, dùng kính lọc màu vàng ; chụp ở ánh sáng 3400 K, dùng kính lọc màu vàng nhạt 81A.
Ðể giản-dị-hóa vấn-đề, chụp dưới ánh sáng nào thì mua loại phim chế-tạo cho ánh sáng ấy.
b. Kính lọc chỉnh màu (color correction filter). Ánh sáng không bao giờ có nhiệt-sắc đúng như liệt-kê ở trên (3200 K, 3400 K, 5500 K), thí-dụ như ánh sáng ngày thay đổi từ 5500 K tới 12000 K, tùy theo giờ giấc trong ngày,trời trong xanh hay có mây, tình-trạng khí-hậu, vị-trí địa-dư… đó là chưa kể đến những trường-hợp ánh sáng hỗn-hợp (ánh sáng ngày hợp cùng ánh sáng đèn bóng hay đèn ống, đèn dầu hay nến…) hay ánh sáng phản chiếu (ánh sáng phản chiếu từ vật-thể màu gì, ít nhiều cũng mang theo màu sắc của vật-thể đó)… làm cho việc chỉnh màu bằng kính lọc thật là khó khăn. Ngoài ra áp-sắc của phim ngay từ khi chế-tạo, cũng ảnh-hưởng đến màu sắc, đôi khi hãng phim có in sẵn ở vỏ cuộn phim chỉ-danh của kính lọc chỉnh màu (CC filters), tùy theo từng mẻ phim sản-xuất, để nếu ta muốn chụp cho đúng màu thì dùng những kính lọc có chỉ-số đó.
Muốn chỉnh màu cho thật chính-xác ta cần một quang-kế màu, đo ba màu chính, cân bằng với ánh sáng trắng, sau đó ta sẽ tìm ra "những" kính lọc nào cần dùng và độ đậm lợt cần-thiết để chụp cho "đúng" màu. Chữ "những" kính lọc này biểu-thị ba loại kính lọc màu vàng (yellow), cánh sen (magenta) và xanh-lục (cyan), mỗi loại có nhiều mật-độ khác nhau và có thể dùng tổng-hợp. Thí-dụ (xin ghi chú : đây chỉ là một thí-dụ), dưới một điều-kiện ánh sáng nào đó, quang-kế màu khuyến-cáo ta phải dùng kính lọc tổng-hợp sau đây để có màu sắc "đúng" : CC12Y + CC5M + CC13C (chữ CC là Color Correction, 12 hay 5 là mật-độ, Y = Yellow, M = Magenta và C = Cyan). Thực tế, với người ảnh tài-tử chúng ta, việc chỉnh màu quá chính-xác này có lẽ không cần thiết…
Kính lọc chỉnh màu này xưa cũng còn dùng để phóng ảnh màu trong phòng tối, nay được thay bằng đầu màu dichroic, nhanh và tiện lợi hơn nhiều.
C. KÍNH TẠO HÌNH ÐẶC-BIỆT.
Như phần đầu đã đề-cập, có một số vật-thể trông như kính lọc nhưng không có tác-dụng làm thay đổi màu sắc hay sắc-độ, mà lại làm thay đổi hình-thể của cảnh vật; những vật-thể này được liệt-kê chung ở mục này.
a. Kính xốp (soft focus). Làm mờ dịu hình ảnh đi, thực ra kính xốp có mục-đích phá-hoại tính sắc nét của ống kính máy ảnh, thường được dùng để chụp chân-dung nữ giới. Ðể thể-hiện tính-cách xốp, mặt kính được chế-tạo dưới nhiều hình-thức : dợn sóng, quầng vòng tròn, hằn lốm đốm, trũng… và có nhiều chỉ-số : số 1 xốp nhẹ, số 2 xốp nhiều hơn, số 3 xốp nhiều hơn nữa…
b. Kính tạo sương mù (fog). Giúp ta chụp cảnh-vật trong trẻo, khi ra ảnh trông như có sương mù bao phủ.
c. Kính loé (cross-screen hay star filter). Khi chụp vào một hay nhiều điểm sáng, kính này làm những điểm sáng đó loé thành 4, 6 hay 8 lóe, do những rãnh nhỏ khắc trũng vào mặt kính. Khẩu-độ ống kính càng lớn thì đường lóe đó càng dài. Kính này cũng có tính-cách làm xốp, rất nhẹ, như kính xốp ở mục "a".
d. Tâm nét, cạnh mờ . Chính giữa hình ảnh nét, càng ra phía rìa hình ảnh càng mờ, tạo sự chú-ý vào trung-tâm nơi hình ảnh sắc nét, xóa mờ những gì không đáng chú-ý hay rác rưởi ở xung quanh.
e. Hình song song (multiple image, parallel). Là kính trong, một nửa phẳng, một nửa có nhiều đường vát song song, chụp một người, một cây… ta có nhiều người, nhiều cây song song tiếp bên nhau.
f. Hình đồng-tâm (multiple image, concentric). Kính là một khối có nhiều mặt, 3, 4, 5 hay 6 mặt đồng-tâm, chụp một đóa hoa ta có 3, 4, 5, hay 6 đóa hoa khác tỏa như hình nan quạt xung quanh.
g. Kính phụ-cận (close-up). Là một loại kính cận, có nhiều độ phóng đại, 1, 2, 3… số càng lớn thì độ phóng đại càng lớn; dùng để chụp hoa lá, ảnh cũ… nói chung là chụp cận.
h. Kính ghép hình. Gồm hai nửa, một nửa trong và một nửa đen, để chụp ghép hai người hay hai cảnh vật vào cùng một tấm phim.
Và còn những kiểu, loại khác nữa, xin xem quảng-cáo của các hãng làm kính lọc.
D. KINH-NGHIỆM RIÊNG VỀ VIỆC DÙNG KÍNH LỌC.
Sau đây là kinh-nghiệm riêng của một số bạn ảnh về việc dùng kính lọc, xin nêu lên để chúng ta cùng tìm hiểu thêm :
* Mỗi khi gắn một kính lọc là ta thêm hai bề mặt tiếp-giáp giữa kính và không-khí (mặt trước và mặt sau kính lọc), do đó tạo thêm khúc-xạ mà tạo thêm khúc-xạ có nghĩa là giảm-thiểu độ sắc nét của ống kính, do đó, nếu nhu-cầu không đòi hỏi dùng kính lọc thì không nên dùng.
* Nếu phải dùng kính lọc, để phẩm-chất của hình ảnh đỡ bị mất mát, dùng kính lọc tốt, của những hãng danh tiếng.
* Không nên dùng quá hai kính lọc một lần. Nên lưu-ý đến yếu-tố triệt-tiêu của một số kính lọc, nghĩa là kính lọc này loại bỏ đặc-tính của kính lọc khác.
* Ảnh chụp thừa sáng làm giảm-thiểu phần nào hiệu-quả của kính lọc, ảnh chụp thiếu sáng
tăng-cường đôi chút hiệu-quả ấy.
* Không kính lọc nào có thể làm đậm bầu trời xám xám mù mù.
* Trong ảnh đen trắng, nếu muốn tạo tương-phản ở cảnh-vật vốn không có tương-phản hay ở trường-hợp ánh sáng dịu, phẳng… dùng kính lọc tương-phản mạnh như cam, đỏ…; trái lại, cảnh-vật nếu đã có nhiều tương-phản hay gặp ánh sáng mạnh, dùng kính lọc xanh hay lục để làm dịu bớt đi.
* Bầu trời ở gần phía mặt trời, vì sáng hơn và ít có sắc xanh nên ít bị ảnh-hưởng của kính lọc; ta càng hướng máy ra khỏi vùng đó, bầu trời càng đậm hơn cho đến khi ta quay lưng về phía mặt trời thì khi đó bầu trời đối-diện ta có sắc-độ đậm nhất.
* Trong ảnh đen trắng, nếu cảnh-vật có sắc-độ nhạt mà hậu-cảnh là bầu trời trong xanh, ta không cần kính lọc để làm đậm bầu trời, vì nếu ta quay lưng lại phía mặt trời, thì tự-nhiên bầu
trời đã có sắc-độ đậm rồi.
* Bầu trời ở phía đường chân trời vì ít có sắc xanh nên không dùng kính lọc để làm đậm hơn được.
* Cảnh-vật nằm trong bóng đổ có màu xám ngả xanh. Chụp ảnh đen trắng, muốn giảm tương-phản dùng kính lọc xanh hay lục; muốn tăng tương-phản dùng kính lọc vàng đậm, cam hay đỏ.
* Sắc mù mù trong không-gian (atmospheric haze) có sắc hơi xanh (không giống như sương mù có sắc trắng); chụp ảnh đen trắng, ta có thể khử mù đó bằng kính lọc, hữu-hiệu nhất là kính lọc đỏ, kém hữu-hiệu hơn một chút là kính lọc cam, vàng hay lục.
* Nếu muốn chụp cảnh có sương mù hay sắc mù, đừng dùng kính lọc, vì kính lọc không ít thì nhiều cũng khử bớt mù.
* Trong ảnh đen trắng, vật thể nào có màu sắc, lại được chiếu sáng bởi ánh sáng cùng màu, sẽ làm màu đó trở thành xám nhẹ. Dùng kính lọc có màu đối lại để tăng tương-phản, tăng sắc-độ.
* Ánh sáng vàng buổi chiều hay ánh sáng đèn bóng vốn đã vàng, khi chụp ảnh đen trắng không cần dùng kính lọc vàng nữa.
* Trong ảnh đen trắng, kính lọc xanh làm giảm tương-phản phần nào, kính lọc đỏ làm tăng tương-phản và loại sắc mù trong không-khí. Nếu dùng chung, xanh và đỏ hợp thành kính lọc màu tím, có đặc tính tạo thành sương mù, hơi mù mờ, cho dù ta chụp cảnh-vật vào một ngày trong trẻo.
* Chụp phong-cảnh bằng phim màu, vào những "buổi chiều vàng", nhiều khi màu sắc bệnh-hoạn khó coi… Nên nhuộm màu cả bầu trời lẫn cảnh-vật bằng kính lọc cam hay đỏ…
* Nên tận-dụng trí tưởng-tượng, thử dùng nhiều kính lọc màu khác nhau để chụp một cảnh, có thể là ta có kết-quả đẹp hơn lối sử-dụng kính lọc theo "quy-luật".