Thảm họa chụp hình tự sướng
Hãy đối mặt với thực tế: Chụp hình tự sướng đang là thảm họa mới nhất tại bảo tàng nghệ thuật, và xu hướng này sẽ không sớm biến mất.
Số hình đăng lên Instagram từ viện bảo tàng trong ngày hôm đó vào khoảng 300 – chỉ tính riêng những hình có đính kèm tag MoMA. Con số thực có thể lớn hơn nhiều.
Những hình này chụp lại gì? Tất nhiên là những bức họa, nhất là bức Starry Night của Vincent van Gogh và Oof của Ed Ruscha.
Không chỉ những tác phẩm hội họa, nhiều người còn chụp lại những dòng chữ khắc trên tường hay thậm chí vé vào cửa.
Thế nhưng ngày càng có nhiều hình từ MoMA là hình tự chụp bản thân.
Như bức Starry Night và Water Lillies của Claude Monet là hai nạn nhân yêu thích của dân thích chụp hình selfie.
Hai người trong số các khách tham quan chọn cảnh nền rất chuyên nghiệp, bên cạnh các bức cut-outs của Matisse và giấy dán tường hình con bò của Andy Warhol.
Một phụ nữ khác, quấn khăn trùm đen từ đầu xuống chân của đạo Hồi, chụp hình selfie với một tác phẩm của Joseph Kosuth có gam màu trùng với trang phục của bà.
Người thì chụp selfie ở tiền sảnh, người thì chụp bên cạnh cửa sổ hoặc ở ngoài vườn, duy có tác phẩm bồn tiểu của Marcel Duchamp là không có ai chụp selfie cùng.
Có lẽ ai đó sẽ muốn viết một bài để lập luận rằng đằng sau những hành động thể hiện sự yêu bản thân đó là sự sáng tạo vĩ đại.
Thế nhưng đây không phải là một trong những bài viết như vậy.
Hãy đối mặt với thực tế: Chụp hình tự sướng đang là thảm họa mới nhất tại bảo tàng nghệ thuật, và xu hướng này sẽ không sớm biến mất.
Cận cảnh
Tình trạng chụp hình trong các viện bảo tàng đã trở nên thịnh hành đến nỗi tại những viện bảo tàng cấm chụp hình như Frick Collection ở New York, tôi chứng kiến các nhân viên bảo vệ thường xuyên nhắc nhở khách tham quan không được chụp hình đến nỗi quên cả trông coi các tác phẩm nghệ thuật.
Có hai sự trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra vào cuối thập kỷ trước đã khiến mốt chụp hình selfie tại bảo tàng lan rộng.
Một – tất nhiên là sự trỗi dậy của mạng xã hội mà đặc biệt là Instagram – vốn không chỉ giúp việc đăng tải hình ảnh được thực hiện nhanh chóng mà còn giúp người đăng nhanh chóng nhận được những sự tưởng thưởng dưới hình thức 'like'.
Thứ hai – đó là sự ra đời của các máy điện thoại có camera ở mặt trước, cho phép người sử dụng nhìn thấy mặt mình trong lúc tạo dáng.
Hãy thử đứng trước bức Mona Lisa ở Louvre hay Starry Night ở MoMA, bạn sẽ thấy rất nhiều người xoay lưng về phía các tác phẩm nghệ thuật và chỉ quan tâm tới khuôn mặt của mình trên màn hình.
Trong một lần thăm Bảo táng Solomon R Guggenheim ở New York, tôi đã đứng trong một căn phòng đặt các tác phẩm điều khắc từ những năm 1960 cùng với 12 người khác, và tất cả bọn họ đều đang mải nhìn vào màn hình điện thoại.
Điện thoại chụp hình không phải là điều có thể làm ngơ, chúng đang thay đổi cách con người trải nghiệm nghệ thuật và những yêu cầu của các viện bảo tàng đối với chúng.
Ngắm và được ngắm
Ngay cả tại những viện bảo tàng ở Thế kỷ 19, nhất là ở châu Âu, con người ta đã chú trọng đến vẻ bề ngoài của bản thân.
Người dân Paris sẽ ăn mặc đẹp để đến Louvre, và những nhà báo sẽ viết về trang phục của các khách tham quan.
Bảo tàng, cũng giống như những địa điểm giải trí công cộng khác, là nhưng nơi người ta đến để ngắm và được ngắm.
Điều đó vẫn đúng cho đến ngày nay.
Đối với các viện bảo tàng và những nhà bán tranh, chụp ảnh selfie đang trở thành thực tế mà họ phải đối mặt và đang trở thành điều mà họ phải công nhận, thay vì bác bỏ.
Hồi mua hè năm ngoái, nghệ sỹ Kara Walker đã thực hiện một tác phẩm điều khắc làm bằng đường, tả một người phụ nữ da mầu khỏa thân, với môi dày, ngực và mông to.
Đối với những khách tham quan khác, tác phẩm này là biểu hiện nỗi đau của kiếp nô lệ, trong khi những người khác tạo dáng bậy bạ với bức tượng này và đăng lên mạng.
Walker đã quan sát cách khách tham quan trải nghiệm tác phẩm của bà và tìm hiểu vì sao họ chụp hình với nó và sau đó đưa vào trong một đoạn phim được công bố hồi tháng 12.
Nếu các viện bảo tàng và các nghệ sỹ có thể có cách nhìn như Walker, có lẽ họ sẽ biết cách tận dụng hoàn cảnh hiện tại để đưa những sức mạnh mới vào nghệ thuật.
Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng những khuôn mặt selfie tràn ngập trên Instagram, và các kiệt tác nghệ thuật bị chìm ở phía sau lưng họ