Nhưng việc đánh giá kỹ thuật nhiếp ảnh lại được xác định bởi trình độ xử lý 4 yếu tố chính: bố cục, màu sắc, trạng thái và hiệu ứng quang học. Đó cũng chính là nguyên liệu để nhiếp ảnh giá hình thành trong đầu mình hình ảnh phác thảo của nội dung cần thể hiện. Tuy có thể phân biệt từng yếu tố với các định nghĩa tương đối, nhưng trên thực tế chúng liên hệ chặt chẽ với nhau để truyền tải thông điệp nội dung đến người xem ảnh.
Nội dung của bức ảnh chính là hiện tượng, sự vật được thể hiện trong khuôn hình, là lý do người ta chụp ảnh. Bình hoa, khuôn mặt, đỉnh núi Phú Sĩ, pha tranh chấp bóng… là những nội dung cụ thể tương ứng với cách phân loại: tĩnh vật, chân dung, phong cảnh, thể thao… Nhiếp ảnh có thể truyền tải hiện thực hoặc phản ánh những ý nghĩa trừu tượng như niềm vui, hạnh phúc, giận dữ…
Người ta có thể dễ dàng chụp một thực thể không bao hàm ý nghĩa trừu tượng, nhưng không thể sáng tác một khuôn hình trừu tượng mà không dựa trên nền tảng thực thể. Nội dung hiện thực thường là thế mạnh của ảnh phóng sự, tư liệu. Phản ánh hiện thực trong một tư duy trừu tượng là đích của ảnh nghệ thuật. Còn việc sáng tạo những bức ảnh thu hút, định hướng cảm xúc lại là chuyên môn của giới nhiếp ảnh quảng cáo.
Các tay máy amateur thường bị cuốn hút bởi thực thể hoặc sự kiện trước ống kính mà quên mất những kỹ thuật thể hiện. Dễ nhận thấy điều này qua ảnh một cô gái rất xinh hay một phong cảnh đẹp, nhưng có nhiều lỗi lộ tay máy vụng về. Giới có nghề cầm máy luôn tỉnh táo, nhạy cảm, họ cân nhắc vấn đề một cách tổng quan và kỹ thuật hơn, để nhiều khi, chụp được bức ảnh đẹp với đối tượng hay khung cảnh rất bình dị.
Tuy nhiên, có những thể loại ảnh mà sự thu hút của chúng dựa rất nhiều vào nội dung như ảnh sự kiện, ảnh tư liệu kỹ thuật, chiến tranh, thiên tai hay… ảnh nude. Với thể loại này, đôi khi người ta cố tình lược bỏ một số thủ pháp thể hiện (màu sắc, bố cục, hiệu ứng quang học cao cấp) để tập trung hoàn toàn vào nội dung và trạng thái.
Bố cục là cách xếp đặt những yếu tố chính của nội dung trên khuôn mặt hoặc chính là cách người ta sử dụng khuôn hình (ngang, đứng, nghiêng, panorama…).
Với máy ảnh trong tay người chụp không khó khăn gì khi di chuyển, xoay máy hoặc zoom in/out để tìm ra góc độ mình muốn. Nhưng nếu không có kỹ năng bố cục làm sao có thể nhấn mạnh yếu tố chính trong bối cảnh? Nếu không có kiến thức về bố cục cổ điển thì làm sao biết “phá cách”?
Phối hợp với trạng thái, cách xếp đặt đối tượng cũng tạo nên ấn tượng tĩnh hay động, cân bằng hay thiên lệch, hợp nhất hay phân tán. Sử dụng tiêu cự đứng và chọn khoảng cách tối ưu giữa máy và đối tượng sẽ tạo ra bức ảnh bố cục chặt chẽ, không lội nhiều khoảng trống vô nghĩa. Nhiều khi, người ta chỉ dùng ngón tay cái và trỏ của hai bàn tay, tạo thành một khuôn hình để “ướm” lên bối cảnh hoặc chủ đề – đó là cách phác thảo bố cục.
Theo các nguyên tắc truyền thông thị giác, cách sắp xếp các đối tượng sẽ định hướng ánh mắt người xem ảnh, tạo ảo giá tốt hoặc xấu đối với nội dung. Ví dụ hướng nhìn, động tác chỉ tay hoặc một nét dẫn trong bối cảnh sẽ đưa ánh mắt người xem ảnh vào điểm cần chú ý. Một nhánh hoa lờ mờ trên đầu (phía sau) người mẫu sẽ làm người xem tưởng tượng ra “sừng” trên đầu nhân vật đó. Nền ảnh có đường cắt ngang mặt chân dung hay đối tượng sẽ làm thị giá phân tán hoặc khó chịu. Sự nghiêng đổ vô ý của đường chân trời, đường ngang và đứng chuẩn trong bức ảnh sẽ tạo cảm giác mất thăng bằng…
Khuôn hình panorama (toàn cảnh) rất hữu hiệu với ảnh phong cảnh, còn khi xoay đứng tỷ lệ khung này để chụp một người mẫu áo dài hay cảnh tàu Con thoi rời bệ phóng thì tuyệt!
Chính từ màu sắc đã là định nghĩa về nó. Tuy nhiên, trong nhiếp ảnh, khái niệm này còn bao hàm đánh giá về sắc độ, hài hoà hay tương phản, tính hiện thực hay trừu tượng. Việc chọn cách thể hiện màu phù hợp với nội dung, sắc thái của chủ đề đòi hỏi tư duy sâu sắc và kỹ thuật cao cấp. Màu sắc trong bức ảnh không chỉ hiển thị trên những vật thể, mà còn hiện hữu trong khoảng trống của nó. Ví dụ, lúc hoàng hôn, mọi vật đều ánh sắc da cam bởi không gian bị nhuộm bởi màu này. Đứng cạnh một mảng tường màu xanh đang phản chiếu ánh nắng thì gương mặt người mẫu cũng sẽ có sắc xanh.
Khi nhìn thấy hiện tượng “nhuộm màu” nói trên, dân amatuer có thể không hiểu, vì họ không chú ý đến sắc thái không gian lúc bấm máy. Nhưng một tay máy nhiều kinh nghiệm sẽ luôn chú ý đến yếu tố này để tận dụng nó phục vụ nội dung, hoặc tránh nếu nó không phù hợp.
Trong những bức ảnh nghệ thuật, bản thân màu sắc cũng có thể là điều mà nghệ sĩ muốn thể hiện, không nhất thiết phải trong nội dung cụ thể nào. Màu sắc và ánh sáng liên quan mật thiết với nhau, nếu một tay máy không chỉ quan tâm đến cường độ ánh sáng chiếu trên đối tượng, mà còn biết đánh giá đúng chất lượng, hướng chiếu và sắc màu của nó, anh ta sẽ chụp được những bức ảnh thú vị. Trong khi đó, dân chơi ảnh nghệ thuật thích dùng chất liệu đen trắng (lược bỏ màu sắc) để tăng tính trừu tượng cho tác phẩm của họ, đó cũng là một cách “chơi màu”.
Trạng thái của bức ảnh thể hiện qua gương mặt buồn vui, cử chỉ hay ánh mắt, gió đưa cành liễu, một cú vụt bóng, ô tô chuyển động… Bức ảnh được chụp bắt trong khoảnh khắc, mà trạng thái của sự vật biến đổi liên tục, nghĩa là vô vàn tình huống có thể xảy ra trong bức ảnh. Trạng thái cũng có thể tạo ra bằng cáh dàn dựng nụ cười, động tác, di chuyển hay tạo ra gió để hỗ trợ nội dung. Cũng do trạng thái luôn thay đổi, việc bắt được một khuôn hình giá trị rất phụ thuộc vào sự nhạy bén và… may mắn của tay máy.
Trong tình huống khác, ví dụ ảnh thể thao hay đua xe, trạng thái của bức ảnh là yếu tố chính quyết định thành công của nó. Điều này cũng lý giải phần nào độ “xịn” trong trang bị của dân chụp ảnh thể thao, họ phải chụp được những bức ảnh tốt, ở khoảng cách lớn và quan trọng hơn là bắt được trạng thái hành động, đua tranh trong tốc độ cao. Bố cục và trạng thái hỗ trợ nhau khi tay máy muốn thể hiện chủ để động hay tĩnh, cân bằng hay nghiêng lệch, hướng chuyển động vào trong hay đi ra ngoài bức ảnh.
Hiệu ứng quang học được tạo ra bởi các kỹ thuật sử dụng máy ảnh, ống kính, tốc độ chập, khẩu độ, diều chỉnh cường độ và hướng chiếu sáng, kỹ năng chi phối chiều sâu ảnh trường… Một nội dung bình thường được xử lý quang học tốt có thể trở thành bức ảnh đẹp. Ngược lại, chủ đề hấp dẫn nhưng thể hiện kém thì chỉ có thể xem bức ảnh chứ khó mà khen nó được.
Ví dụ, bức chân dung chụp cận một người nếu không rơi vào những công thức căn bản như nền tối (low-key), nền sáng (high-key), viền sáng đối tượng hay khoả nền bằng khoảng cách gần + khẩu độ mở lớn + ống kính tele… sẽ chẳng thể nào đẹp được. Mặt khác, trong một đúp phong cảnh, nếu khuôn hình không sâu hun hút, nét từ đầu đến cuối và góc rộng mênh mông… thì e rằng không đạt. Muốn vậy, khẩu độ nên đóng hẹp, tốc độ chụp và ISO thấp, ống kinh wide…
Như đã đề cập ở phần màu sắc, kỹ thuật quang học còn bao hàm việc đánh giá hướng chiếu, sắc độ, dung lượng ánh sáng cần thiết cho bức ảnh. Một tay máy chuyên nghiệp còn phải có thiết bị chiếu sáng mạnh và sử dụng chúng một cách hiệu quả để xử lý các bối cảnh thiếu sáng.
Tóm lại, để có thể chụp được những bức ảnh đẹp, trước tiên người cầm máy cần nắm được những yếu tố tạo nên vẻ đẹp của nó. Giống như như phải biết thưởng thức mới có thể nấu ăn ngon. Vậy, hãy tiếp cận với nghệ thuật nhiếp ảnh từ những nhận thức sâu sắc hơn về nội dung và kỹ thuật thể hiện, để từ đó cảm hứng sáng tạo được truyền tải đến chiếc máy ảnh và những khuôn hình. Sau cùng, khả năng phát hiện nội dung và tìm tòi kỹ thuật thể hiện phải xuất phát từ động lực sáng tạo, từ sự nhạy cảm và nhận thức sâu sắc về cuộc sống của người cầm máy.