Fujifilm X-M1 – thiết kế đẹp đồng hành cùng chất lượng hình ảnh xuất sắc
Ưu điểm
Thiết kế nhỏ gọn, thanh lịch, chất lượng hình ảnh đẹp, hiệu suất khá ổn, màn hình lật linh hoạt.
Nhược điểm
Báng cầm tay nhỏ, khó cầm nắm, không được tích hợp kính ngắm
Đánh giá chung
Fujifilm X-M1 là một chiếc máy ảnh có thiết kế đẹp đồng hành cùng chất lượng hình ảnh xuất sắc.
Fujifilm X-M1 là chiếc máy ảnh được Fujifilm tung ra nhằm hướng vào phân khúc máy ảnh mirrorless tầm trung. X-M1 được trang bị cảm biến APS-C CMOS 16.3 megapixel dựa trên công nghệ X-Trans độc quyền của Fujifilm hỗ trợ dải ISO từ 200-6.400, mở rộng từ 100 đến 25.600 cùng khả năng quay video ở độ phân giải Full HD tốc độ 30 khung hình mỗi giây. X-M1 được kỳ vọng sẽ nối tiếp thành công của X-Pro1 và X-E1. Vậy, liệu trên thực tế, X-M1 có mang đến chất lượng như người dùng mong đợi? Bài đánh giá tổng hợp dưới đây của Hangtot.com sẽ giúp người dùng trả lời vấn đề này.
Fujifilm X-M1
Fujifilm X-M1: Thiết kế
Tương tự như nhiều model thuộc dòng X series khác, X-M1 cũng mang kiểu dáng hoài cổ quen thuộc theo một phong cách rất riêng của nhà sản xuất máy ảnh lâu đời từ Nhật Bản. Chính vì được định hướng đến phân khúc tầm trung nên thay vì lớp vỏ hợp kim, X-M1 lại được cấu tạo từ nhựa cùng lớp ngoài bọc chất liệu giả da. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều đến thiết kế của X-M1, máy vẫn toát lên được vẻ cổ điển cùng thanh lịch vốn có.
X-M1 cũng có kích thước nhỏ hơn so với hai sản phẩm đàn anh X-Pro1 và X-E1, chỉ còn 117 x 67 x 39 mm và nặng 330g. Đây là một trong những ưu điểm lớn nhất của X-M1 và là điểm khiến nó trở nên nổi bật hơn so với các đối thủ còn lại. Người dùng sẽ vô cùng thích thú khi có thể mang trên mình một chiếc máy ảnh mirrorless cùng ống kính fix 27 mm và tung tăng dạo phố. Tuy nhiên, ưu điểm này cũng đồng thời là nhược điểm của X-M1. Cụ thể là do có kích thước nhỏ nên kéo theo việc Fujifilm X-M1 cũng có phần báng cầm tay khá nhỏ, khiến cho người dùng cầm máy không được chắc chắn và các thao tác cũng bị hạn chế hơn.
Rất nhiều những chiếc máy ảnh hiện nay đều được nhà sản xuất trang bị cho màn hình lật xoay tiện dụng, và X-M1 cũng không phải là một ngoại lệ. Máy sở hữu một màn hình LCD kích thước 3 inch, độ phân giải 920,000 điểm ảnh với khớp lật giúp góc chụp của máy được mở rộng một cách linh hoạt. Màn hình cũng được tích hợp sẵn chế độ sử dụng ngoài trời giúp tăng độ sáng để tránh hiện tượng bóng hình.
Cạnh trên của máy là vị trí của một bánh xe chỉnh chế độ và một bánh xe chỉnh thông số khá tiện dụng và một nút chụp nằm giữa 2 bánh xe này cùng phím Fn giúp bật nhanh trình đơn thông số chụp. Máy cũng được tích hợp đèn flash pop-up ngay trong máy với chỉ số GN là 7, công nghệ Super i-flash. Nằm cạnh đen flash là một chân đế dùng để gắn phụ kiện mà Fujifilm trang bị cho X-M1. Với chân đế này, người dùng có thể gắn cho máy một số phụ kiện phù hợp với từng trường hợp.
Không giống như hai phiên bản cao cấp là X-E1 và X-Pro1, X-M1 không có kính ngắm điện tử hay quang học. Vì vậy, mọi thao tác cài đặt hay quá trình chụp đều phải thông qua màn hình LCD của máy. Tuy nhiên, khá may mắn khi màn hình của X-M1 có khớp lật xoay linh hoạt có thể lật nghiêng lên góc 120 độ và dốc xuống góc 80 độ giúp người dùng có thể chụp ảnh được từ nhiều góc độ khó như chụp ở trên cao hay chụp dưới thấp.
Fujifilm cũng là model đầu tiên của dòng X đươc tích hợp phím quay phim nhanh nằm ở mặt sau của máy. Với phím quay phim nhanh này, người dùng có thể ngay lập tức chuyển sang chế độ quay video chỉ với một cái nhấn nút.
Mặt sau cũng được bố trí hệ thống nút điều khiển quen thuộc như nhiều model khác bao gồm: một pad điều khiển với 4 điều hướng, một nút xem lại, một nút Q, nút quay phim nhanh cùng 1 nút Disp. Các nút đều được bố trí khá hợp lý và cho cảm giác sử dụng dễ dàng, thoải mái.
Fujifilm X-M1 cũng cung cấp khá nhiều trải nghiệm về điều chỉnh thú vị như: thiết lập cân bằng trắng một cách thủ công với chỉ 3 thao tác đơn giản là bật menu ngay khi chụp, chọn mục Manual và chụp một bức hình màu trắng tại môi trường đó.
Một điểm mạnh nữa của Fujifilm cũng được tích hợp trên X-M1, đó là chế độ mô phỏng phim với năm chế độ để lựa chọn bao gồm: Velvia (sống động), Astia (mềm mịn), Provia (tiêu chuẩn), đơn sắc, và màu nâu đỏ. Tuy nhiên, so với X-E1 thì X-M1 đã bị lược bớt mất hai chế độ là bộ lọc đơn sắc cao và tiêu chuẩn. Ngoài ra còn một số thiết lập có sẵn khác như Highlight Tone hay Shadow Tone khá tiện dụng.
Fujifilm X-M1: Hiệu suất
So với hiệu suất của X-Pro1 và X-E1, X-M1 đã có một sự thay đổi đáng kể về tốc độ xử lý của mình. Máy được trang bị bộ xử lý hình ảnh EXR II cho thời gian khởi động nhanh và độ trể màn trập cực thấp. X-M1 chỉ mất thời gian khởi động không đến 0.5 giây và độ lag màn trập rơi vào khoảng thời gian 0.05 giây. X-M1 mất 5 giây để lưu hình ảnh vào thẻ nhớ khi chụp ảnh RAW và JPEG cùng lúc với chất lượng cao nhất. Tuy nhiên, máy hoàn toàn có thể chụp ngay một kiểu ảnh khác mà không khiến người dùng phải chờ đợi lâu do máy có bộ nhớ đệm lớn.
Bên cạnh đó, chế độ chụp Burst của X-M1 có thể đạt tốc độ lên đến 5,6 khung hình mỗi giây và sau mỗi lần nhấn nút chụp, máy có thể chụp liên tiếp được 30 ảnh dạng JPEG hoặc 10 ảnh RAW. Nhưng, tốc độ này cũng phụ thuộc khá nhiều vào thẻ nhớ hỗ trợ. Tốc độ có thể giảm xuống 3 khung hình mỗi giây nhưng số lượng ảnh bấm liên tục có thể lên đến 50 kiểu.
Fujifilm X-M1: Chất lượng hình ảnh
Mặc dù X-M1 có kích thước nhỏ gọn hơn X-E1 nhưng máy vẫn được Fuji ưu ái trang bị cho một trái tim tương tự như X-E1 với bộ cảm biến X-Trans CMOS II 16.3 megapixel. Đây cũng là điểm nổi trội nhất trênFujifilm X-M1 và giúp máy tách biệt hẳn so với nhiều sản phẩm khác trên thị trường.
Theo như Fujifilm thì thiết kế mới giúp giảm tối thiểu hiện tượng màu moire và cho phép hãng bỏ qua các bộ lọc chống răng cưa được sử dụng trong hầu hết các máy ảnh khác. Thêm vào đó, X-M1 có thể chụp hình ảnh với độ chi tiết cao hơn cũng như hỗ trợ việc lấy nét theo pha chuẩn xác và nhanh chóng hơn.
Các hình ảnh mà chúng tôi chụp thử nghiệm với X-M1 đều sử dụng độ phân giải cao nhất, trung bình khoảng 5MB cho định dạng ảnh JPEG. Nhìn chung, X-M1 mang đến chất lượng hình ảnh khá tốt, mang lại cảm giác rất hài lòng cho người sử dụng.
Người dùng rất khó phát hiện được nhiễu trong những bức ảnh chụp ở mức ISO từ 100 cho đến 6.400. Nhiễu bắt đầu xuất hiện khi lên đến ISO 12.800 và độ bão hòa màu cũng giảm nhẹ. Lên đến mức ISO cao nhất là 25.600, chất lượng hình ảnh giảm đi khá nhiều nhưng vẫn có thể dùng được nếu sử dụng với một bản in nhỏ. Còn với các file ảnh RAW thì người dùng cũng sẽ thấy ảnh hầu như không có hiện tượng nhiễu từ ISO 200 cho đến ISO 6.400.
Máy hỗ trợ phơi sáng tốt với tốc độ màn trập tối thiểu là 30 giây. Đây là một khoảng thời gian đủ dài cho các bức ảnh trong trời tối. Bên cạnh đó, X-M1 có thể chụp thời gian lâu hơn trong một số trường hợp cần thiết với chế độ Bulb. Khi có chênh lệch sáng nhiều trong khung cảnh, thiết lập dải tương phản Dynamic Range cũng cho phép cải thiện chi tiết trong vùng tối và vùng sáng một cách đáng kể.
Một số hình ảnh được chụp bởi Fujifilm X-M1:
Kết luận
Fujifilm X-M1 sẽ là một sản phẩm được nhiều người dùng quan tâm và lựa chọn bởi nó có một thiết kế đẹp, đậm chất hoài cổ cùng một chất lượng hình ảnh suất sắc và hiệu suất khá ổn.
Theo Sohoa/Congnghe
Bài viết Fujifilm X-M1 – thiết kế đẹp đồng hành cùng chất lượng hình ảnh xuất sắc