Đảo đầu ống kính chụp ảnh macro

Đảo đầu ống kính chụp ảnh macro

Đảo đầu ống kính chụp ảnh macro

Chụp ảnh macro, thì không dân chơi ảnh nào mà không biết. Không những thế, ngay cả các máy ảnh số du lịch PnS cũng có tích hợp tính năng chụp macro với biểu tượng là hình bông hoa. Vậy ảnh macro (từ bình dân hay gọi là “mặc rô”) là gì? Nói ngắn gọn đó là những bức ảnh chụp thế giới bé li ti, và kết quả là cho ta có cái nhìn khác biệt về thế giới mà khó có thể khám phá bằng mắt thường.
1. Với các máy ảnh PnS siêu zoom bạn phải gắn thêm các extension tube + các close-up filter có tác dụng phóng đại và kéo chủ thể lại gần ống kính hơn, phục vụ cho chụp macro. Tiêu biểu cho những filter loại này có thể kể đến Raynox DCR-250, close-up Canon 500D, hay close-up filter của các hãng chuyên về kính lọc như Mayumi, Kenko,…

2. Với máy ảnh số DSLR thì có nhiều lựa chọn hơn, ảnh cũng chất hơn và giá cả thì đương nhiên cũng “chát” hơn. Có thể điểm qua vài lựa chọn như sau:
2.1. Lựa chọn số 1 là dùng các ống macro chuyên dụng tương ứng với hiệu máy mình dùng, hoặc dùng ống kính của các hãng thứ ba như Tamron (có ống 90mm/f2.8 dùng cho Canon, Nikon, Pentax).
2.2 Dùng các close-up filter như trên gắn tương ứng vào đầu ống kính. Hay dùng extension tube để kéo dài ống kính.
2.3 Dùng các biện pháp khác. Một trong những biện pháp khác hay được nhắc đến chính là phương pháp mình muốn đề cập trong bài viết này : ĐẢO ĐẦU ỐNG KÍNH.
Thôi, lượn lờ thế đủ rồi, giờ mình đi luôn vào đề tài chính.

Phần 1 : Thiết bị

Ống kính mình dùng trong trường hợp này là ống kính Pentax A50/f2, lấy nét tay, đương nhiên là chụp trên thân máy của Pentax. Các bạn dùng Canon, hay Nikon thì có thể tìm loại tương tự phù hợp với máy ảnh và ống kính mà mình có.
1. Lens Pentax A50/f2 với ren ở đầu là fi49, cùng adapter dùng cho việc đảo đầu có một mặt là ren fi49 để lắp vào đầu ống kinh, mặt còn lại là ngàm K (của Pentax) lắp vào thân máy.

2. Sau khi lắp thì sẽ có dạng như thế này, phần đầu ống kính sẽ lắp ngược vào thân máy, phần đuôi ống kính (đang đậy cap sau) sẽ trở thành đầu, hướng vào chủ thể để chụp.
3. Trên ống kính có lẫy gạt khẩu và vòng chỉnh khẩu tay. Công dụng của 2 cái này mình sẽ nói trong phần hướng dẫn chi tiết ngay phía sau.

Phần 2 : Thao tác và kinh nghiệm chụp

Giờ bạn đã có một thiết bị chụp macro chuyên dụng rồi đó. Sau đây mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế và một số chú ý khi chụp với thiết bị này.
1. DOF (vùng ảnh rõ) của phương pháp này là rất mỏng, đồng nghĩa bạn sẽ không dễ dàng bắt được chủ thể để có độ nét như mình mong muốn.
2. Khẩu độ : mở khẩu lớn nhất (trị số f nhỏ nhất) để có đủ lượng ánh sáng đi vào cảm biến, và f càng nhỏ thì đồng nghĩa DOF càng mỏng. Lưu ý trong trường hợp này bạn không nên dùng flash (cho dù là flash cóc vì sẽ làm ảnh dư sáng).
3. Lấy nét : Để lấy nét thì dí ống kính vào gần chủ thể, kéo vào kéo ra đến khi nào thấy chủ thể nét là được, với máy Pentax thì sẽ có tiếng bip, báo hiệu đã lấy nét OK.
4. Kinh nghiệm thực tế : để khắc phục nhược điểm của 1 và 2 như trên thực tế mình hay làm như sau. Để khẩu độ nhỏ nhất (nghĩa là f lớn nhất), với ống kính này mình xoay vòng khẩu độ đến f22 (hoặc có thể nhỏ hơn khoảng f16 khi ánh sáng yếu), và dùng flash cóc với tản sáng tự chế để chụp. Cách chụp này sẽ cho ảnh nét và DOF đủ sâu. Tuy nhiên cần chú ý như sau :
– Do để khẩu độ nhỏ nên lượng ánh sáng qua ống kính là rất nhỏ không đủ để cho bạn thấy chủ thể và lấy nét. Do vậy bạn phải dùng ngón tay để kéo cần lẫy gạt khẩu đến vị trí khẩu lớn nhất để có ánh sáng. Sau khi lấy được nét thì bạn buông lẫy này ra và BỤP.
– Do dùng flash cóc nên bạn phải chọn lọc chủ thể. Chủ thể không được quá “long lanh”, kẻo ánh sáng phản chiếu với đèn flash sẽ khiến cho mẫu bị cháy.
– Do khẩu chỉnh tay nên bạn phải thử nhiều lần, trường hợp với f22 mà ảnh vẫn tối thì chỉnh f nhỏ lại.
– Không cần lo đến tốc, vì trong trường hợp dùng flash, tốc bị giới hạn trong khoảng 1/60s đến 1/180s (thay đổi chút ít tùy loại máy), bạn chỉ cần để ở một tốc cố định trong khoảng này, ví dụ như 1/125s rồi chỉnh khẩu thôi. Nếu bạn đã quen thì vẫn có thể chỉnh tốc để có được lượng ánh sáng phù hợp khi cần thiết.
Phần 3 : Thành quả
Giờ là lúc thưởng thức thành quả. Chắc chắn chất ảnh không thể náo bằng được so với chụp bằng ống macro chuyên dụng nhưng chắc cũng đủ để các “phó nháy’ ít tiền thỏa mãn đam mê của mình.
#1 Hoa mười giờ

#2 Hoa tường vi

#3 Màng màng tím
#4 Long lanh giọt sương

#5 Ready! Go!
#6 Bắt mồi

#7 Sao trong mắt ai

#8 Bướm
#9 Dạ yên thảo (không dùng flash, DOF cực mỏng)

#10 Tường vi (không dùng flash, DOF cực mỏng)
Như đã nói ở trên, chất ảnh macro phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị. Và mỗi phương pháp chụp (không chíh quy) đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Rất vui lòng đón nhận ý kiến đóng góp của các bạn về bài viết này. Cảm ơn các bạn đã quan tâm.

Visited 555 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...