Cách chụp tia nắng mặt trời và hiệu ứng ánh sao
Các bức ảnh có tia nắng mặt trời tỏa sáng hay những ngọn đèn màu lấp lánh như ánh sao thật sự rất đẹp và huyền diệu. Có thể bạn nghĩ rằng phải có tay nghề cao mới chụp được những bức ảnh như vậy. Tuy nhiên, chỉ cần vài bước cài đặt đơn giản và tìm được vị trí đứng thích hợp là bạn đã có thể có được những bức ảnh ấn tượng mà không cần phải chỉnh sửa hậu kỳ quá nhiều.
Làm cách nào để chụp tia nắng mặt trời và hiệu ứng ánh sao?
Bạn hoàn toàn có thể sử dụng loại máy ảnh point and shoot (hay còn gọi là máy ảnh du lịch hoặc máy compact) để chụp các bức ảnh có các tia sáng tỏa ra từ mặt trời hoặc đèn điện. Nhưng để có được hiệu quả cao nhất, bạn nên sử dụng máy ảnh DSLR hoặc các máy ảnh không gương lật có thể thay đổi ống kính và chỉnh khẩu độ. Bạn cũng nên sử dụng một kính lọc tia cực tím để bảo vệ cho cảm biến máy ảnh, bởi vì những bức ảnh chụp tia nắng đòi hỏi bạn phải hướng ống kính trực tiếp vào mặt trời. Đối với các bức ảnh chụp hiệu ứng ánh sao của đèn điện, sự cố định của máy ảnh là yếu tố quan trọng. Vì vậy bạn sẽ phải sử dụng chân máy hoặc nút bấm chụp từ xa để chụp ảnh.
Kỹ thuật chụp thể loại ảnh này là sử dụng khẩu độ nhỏ khoảng f/22 và một ống kính góc rộng, chẳng hạn như 18 mm. Với khẩu độ nhỏ, các lá khẩu (blade) trong ống kính sẽ khép lại chỉ để chừa một lỗ rất nhỏ cho ánh sáng đi qua. Độ mở nhỏ sẽ làm cho ánh sáng bị nhiễu xạ hoặc bị cong, khiến cho điểm phát sáng trở thành lấp lánh như ánh sao khi ánh sáng đi vào cảm biến và được ghi lại. Bạn có thể hình dung quá trình này cũng giống như khi bạn nhìn vào ngọn đèn. Lúc nheo mắt lại, bạn sẽ thấy các tia sáng phát ra xung quanh ngọn đèn đó.
Các ống kính khác nhau thì có số lượng lá khẩu khác nhau. Càng nhiều lá khẩu thì sẽ càng tạo ra nhiều tia sáng lấp lánh. Tiêu cự ống kính rộng hơn cũng làm tăng kích thước điểm sáng lấp lánh. Tiêu cự càng rộng thì điểm sáng càng lớn.
Về phần cài đặt trên máy ảnh, bạn nên chụp với chế độ ưu tiên khẩu độ (ở máy ảnh Canon có ký hiệu là AV, còn máy Nikon ký hiệu là A) và đặt khẩu độ là f/22. Nên đặt ISO thấp, trong khoảng từ 100 – 200, bởi vì đặt ISO cao sẽ làm ảnh bị nhiễu. Máy ảnh sẽ tự động chọn tốc độ cửa trập. Nếu thấy bức ảnh chụp quá tối hoặc quá sáng, bạn nên chuyển sang chế độ điều chỉnh bằng tay, vẫn cài đặt khẩu độ và ISO như trên, và chỉnh tốc độ cửa trập tăng lên một chút để có bức ảnh sáng hơn hoặc giảm tốc độ cửa trập để có bức ảnh tối hơn.
Trong điều kiện ngoại cảnh ánh sáng yếu, chẳng hạn chụp vào buổi đêm, thì tốc độ cửa trập có thể sẽ chậm. Bạn cần sử dụng chân máy để ảnh không bị nhòe. Nếu bạn muốn chụp bằng tay thì có thể áp dụng quy tắc ngón tay cái trong nhiếp ảnh. Quy tắc này nói rằng bạn có thể chụp một bức ảnh không dùng chân máy nếu tốc độ cửa trập lớn hơn hoặc bằng tiêu cự ống kính. Ví dụ bạn có thể chụp ảnh bằng ống kính 18 mm với tốc độ cửa trập là 1/18 giây hoặc nhanh hơn nữa, hoặc dùng ống kính 50 mm với tốc độ cửa trập 1/50 giây hoặc nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn chụp hiệu ứng ánh sao của đèn điện thì tốc độ cửa trập nói chung sẽ rất chậm nên bạn cần phải sử dụng chân máy hoặc đặt máy ở một vị trí vững chãi. Một sự lựa chọn khác là tăng ISO, nhưng nó sẽ làm tăng nhiễu trong bức ảnh của bạn.
Cùng với chân máy, nút bấm chụp từ xa (loại có dây nối đến máy ảnh hoặc loại không dây) rất hữu ích. Nó giúp bạn tránh được rung máy khi bấm nút. Nếu không có thiết bị này, bạn có thể sử dụng chức năng đặt thời gian chụp sau 2 giây hoặc 10 giây. Nút bấm chụp từ xa cũng cho phép bạn sử dụng chế độ Phơi sáng dài (Bulb mode) để giữ cho tốc độ cửa trập lâu hơn 30 giây.
Tính toán thời gian chụp ánh dương và ánh sao
Tia sáng mặt trời và ánh sao đèn điện được tạo ra từ những điểm sáng tập trung chứ không phải là những nguồn sáng trải rộng hoặc nguồn sáng khuếch tán. Điểm sáng tập trung là nơi mà ánh sáng phát ra từ một điểm duy nhất, chẳng hạn như một ngọn đèn đường, đèn pha xe hơi, đèn flash máy ảnh, hay thậm chí là các bóng đèn trang trí dịp dáng sinh. Nguồn sáng trải rộng là nơi mà ánh sáng phát ra trong một phạm vi rộng hơn, chẳng hạn như đèn sương mù, tấm bảng quảng cáo, đèn nê-ông. Còn nguồn sáng khuếch tán là nơi mà ánh sáng được trải ra rất rộng hoặc rất khó phát hiện điểm phát sáng, chẳng hạn như mặt trời trên bầu trời u ám, ánh sáng của đèn softbox trong studio, hoặc ánh sáng phản xạ trên các bề mặt rộng như hồ nước v.v…
Mặt trời ban ngày không phải là một điểm sáng tập trung, bởi vì nó thường quá sáng và quá rộng để tạo ra tia sáng. Vì vậy, thời điểm tốt nhất để chụp ảnh ánh dương là lúc mặt trời mới mọc hoặc sắp lặn, tức là vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn. Chụp vào mùa đông cũng là một ý hay vì lúc đó mặt trời không quá chói chang.
Sau khi bạn đã chọn đúng thời điểm trong ngày để chụp, bước tiếp theo là bạn “sắp xếp” cho mặt trời ở trong tác phẩm của mình bằng cách cho một phần của mặt trời lấp ló sau tán cây hay một tòa nhà. Cho dù bị che khuất một phần nhưng mặt trời vẫn rất sáng. Ánh sáng của nó có thể bao phủ khắp cảnh vật trong tấm ảnh. Mặt trời bị che khuất một phần cũng làm tăng hiệu quả khi khép khẩu trên máy ảnh. Bạn hãy đặt máy ảnh ở vị trí sao cho mặt trời nằm khuất hẳn sau đối tượng và tưởng tượng vị trí chụp. Sau đó, di chuyển máy ảnh một cách từ từ cho đến khi mặt trời bắt đầu ló ra và bấm máy.
Để có hiệu ứng ánh sao vào buổi đêm, bạn cần phải tìm các điểm sáng thích hợp. Đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông và đèn xe hơi là các điểm sáng ưa thích của nhiếp ảnh gia. Bởi vì những điểm sáng này không chói chang như mặt trời, nên bạn không cần phải giấu nó sau một đối tượng nào cả. Bạn có thể kết hợp tất cả các điểm sáng này để tạo thành một “bộ sưu tập” các ánh sao gói gọn trong một khuôn hình. Các đèn pha xe hơi khi di chuyển sẽ tạo thành các dải sáng, trong khi đèn tín hiệu giao thông sẽ biến thành các ngôi sao lấp lánh.
Sáng tác các bức ảnh ánh dương và ánh sao
Hãy kiên nhẫn và tiến hành thử nghiệm ở nhiều góc độ để chụp các bức ảnh có tia nắng mặt trời. Chỉ một thay đổi nhỏ trong góc chụp và trong lượng ánh sáng cũng tạo ra sự khác biệt rất lớn trên các tấm ảnh. Hai tấm ảnh dưới đây chụp cùng một cái cây và cách nhau hai phút. Sự khác biệt ở đây chính là góc chụp khi nhiếp ảnh gia đã lùi vài bước để chụp tấm thứ hai. Khi lùi vài bước, mặt trời lộ rõ sau những tán lá thay vì bị che khuất bởi thân cây như trong tấm ảnh thứ nhất.
Sau khi đã chụp thành thạo các tấm ảnh có một mặt trời, bạn hãy nâng cao trình độ nhiếp ảnh của mình với một tấm ảnh chứa “nhiều mặt trời”. Cách dễ dàng nhất để có nhiều mặt trời trong một bức ảnh là sử dụng ánh sáng phản xạ. Sự phản xạ qua nhiều điểm và nhiều mặt phẳng khác nhau sẽ tạo ra nhiều “mặt trời con”. Hãy để ý đến các trường hợp ánh dương chiếu xuống mặt hồ và xe cộ. Bức ảnh dưới đây cho thấy có rất nhiều “mặt trời con” được tạo ra bởi sự phản xạ ánh sáng tại các vết lõm trên mui xe do tác hại của mưa đá.
Hiệu ứng ánh sao có thể được tạo ra từ đèn trang trí Giáng sinh. Mỗi bóng đèn LED nhỏ là một điểm sáng và nó có thể biến thành một ngôi sao trong tấm ảnh của bạn. Hiệu ứng ánh sao sẽ làm nổi bật những tấm ảnh chụp dịp Giáng sinh, nhưng bạn cũng có thể sử dụng dây đèn màu để tạo hiệu ứng ánh sao cho bất kỳ đối tượng nào mà bạn chọn.
Khi sử dụng hiệu ứng ánh sao cho ảnh quang cảnh thành phố, hãy tìm địa điểm nào có tập hợp nhiều đèn đường chiếu sáng. Hãy chụp vào lúc giờ xanh để có được hiệu ứng tốt nhất. Giờ xanh là thời gian trước khi mặt trời mọc hoặc khi mặt trời vừa lặn, bầu trời lúc đó có một màu xanh tối. Màu xanh này khi chụp ảnh với đèn đường sẽ làm nổi bật lên khung cảnh trong tấm ảnh của bạn.
Trên đây bạn đã được trang bị những kiến thức cơ bản để chụp ảnh ánh dương và ánh sao. Bạn có thể chụp thể loại ảnh này ở khắp mọi nơi, vì thế hãy cầm máy lên, đặt khẩu độ f/22 và lên đường nào!
Đăng Khoa – vnreview.vn
Theo Digital Photography School
Bài viết Cách chụp tia nắng mặt trời và hiệu ứng ánh sao