5 điều cần biết khi chụp ảnh định dạng RAW
Hiểu một cách giản nhất, ảnh RAW là định dạng ảnh kỹ thuật số lưu những thông tin mà cảm biến của máy ảnh nhận được. RAW trong tiếng Anh có thể tạm dịch là thô, chưa xử lý.
Nguyên tắc tạo ảnh RAW rất đơn giản, khi bấm máy, hình ảnh được cảm biến tiếp nhận lưu thành một tệp tin thông tin tổng hợp. Tệp file này không chịu sự tác động cân bằng trắng, phơi sáng, chỉnh màu từ máy ảnh mà có thể được chỉnh với phần mềm trên máy tính.
So sánh hình ảnh chụp định dạng RAW và JPEG
Ưu điểm của hình ảnh chụp dưới dạng RAW là cho chất lượng ảnh cao hơn, tất cả các chi tiết được lưu trữ và xử lý từng bước một, không mắc lỗi tự động chỉnh màu của máy và cho phép tạo không gian màu. Do vậy, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay những người chơi ảnh thường sử dụng định dạng này để tự điều chỉnh màu sắc hình ảnh theo mong muốn.
Tuy nhiên, hầu hết máy ảnh kỹ thuật số, thậm chí cả máy ảnh DSLR đều mắc nhược điểm khi chụp ảnh RAW là thời gian lưu ảnh lâu, không cho phép chụp ảnh liên tiếp với tốc độ cao. Tất cả những điều trên nghe có vẻ phức tạp, nhưng hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn hiểu và sử dụng ảnh RAW hiệu quả hơn.
1. Chọn tính năng ảnh RAW
Nên sử dụng định dạng ảnh RAW + JPEG để có hiệu suất chụp ảnh nhanh hơn
Trong các máy ảnh bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp thường cho phép chụp RAW và JPG. Để có hiệu quả hình ảnh cao, bạn nên đặt chế độ lưu ảnh RAW + JPG. Chế độ này rất hữu ích cho những ai thường xuyên chụp ảnh nhanh, tốc độ cao. Tuy nhiên, định dạng này có dung lượng khá cao, do vậy bạn nên chuẩn bị thẻ nhớ có dung lượng lớn khi muốn chụp cả ảnh RAW và JPEG.
Một số máy ảnh có khả năng ghi lại định dạng ảnh sRAW có dung lượng nhỏ hơn định dạng RAW tiêu chuẩn, phù hợp khi thẻ nhớ của bạn có bộ nhớ hạn hẹp. Nhưng lưu ý, khi độ phân giải hình ảnh thấp, bạn sẽ không thể in ảnh với kích thước lớn.
2. Định dạng RAW không chỉ có một
Định dạng ảnh RAW chụp từ máy ảnh canon
Có hàng chục và hàng trăm loại định dạng RAW khác nhau sinh ra từ các thiết bị khác nhau, có những loại tương tự nhau, có những loại khác nhau hoàn toàn và nhiều loại không liên quan đến ảnh.
Mỗi nhà sản xuất có một chuẩn riêng, ví dụ chuẩn RAW trên máy ảnh của Canon có định dạng CRW hoặc CR2, trong khi Nikon lại cho định dạng NEF hoặc NRW. Do vậy, bạn cần có những chương trình khác nhau để mở hình ảnh từ các định dạng này, thông thường các phần mềm này đi kèm với máy ảnh của bạn, được ghi trong đĩa CD.
3. Phần mềm xử lý RAW
Adobe Photoshop Lightroom
Khi mua máy ảnh kỹ thuật số bất kỳ, kèm theo máy luôn có 1 đĩa CD trong đó có chứa phần mềm để duyệt và chỉnh sửa hình ảnh. Nếu máy ảnh hỗ trợ định dạng RAW, các ứng dụng đi kèm với máy sẽ cho phép bạn xem và xử hình ảnh RAW, nhưng như vậy bạn chỉ sử dụng phần mềm này riêng cho file ảnh được chụp từ máy ảnh đó.
Vậy nên, sử dụng phần mềm của bên thứ ba là hợp lý hơn cả. Trong đó, phần mềm Adobe Photoshop Lightroom có thể xử lý các định dạng RAW khác nhau và tất cả các định dạng RAW của máy ảnh hiện có mặt trên thị trường, nhưng bạn sẽ phải mua bản quyền sử dụng với giá thành cao.
4. Chỉnh ảnh RAW
Chỉnh sửa ảnh RAW đẹp hơn với các phần mềm chuyên dụng
Trong hầu hết các phần mềm xử lý ảnh RAW, có rất nhiều thao tác điều chỉnh ảnh RAW. Bên màn hình phải của các chương trình thường hiển thị bảng công cụ điều chỉnh, giúp bạn thực hiện việc chỉnh sửa cơ bản như bù sáng, chỉnh màu sắc… Nên chỉnh sửa hình ảnh từ các thanh công cụ này để màu sắc trong file RAW của bạn có sắc độ hài hòa và ưng ý.
Khi thực hiện việc lưu hình ảnh để đưa lên 1 trang web hay các mạng xã hội, chú ý không lưu trực tiếp lên ảnh đang thao tác mà lưu ảnh dưới dạng JPEG và giữ lại file RAW gốc.
5. Lưu trữ ảnh RAW
DVD và ổ cứng là lựa chọn lưu trữ an toàn cho ảnh RAW
Cũng như những file ảnh và dữ liệu khác, với những file ảnh RAW quan trọng, không có cách lưu trữ nào tốt hơn việc lưu lại vào ổ cứng hay DVD, để khi cần, bạn có thể sử dụng nhanh chóng.