NHIẾP ẢNH SỐ CĂN BẢN : chất lượng tốt hơn là số lượng (P6)
"Less is More" đó chính là nguyên tắc căn bản quan trọng hàng đầu với những người nhiếp ảnh phong cảnh tự nhiên, đặc biệt là cảnh núi rừng và biển cả. Đó chính là một cách nhìn mới là về thế giới xung quanh ta để tìm ra được những hình ảnh đơn giản đến tận cùng mà vô cùng ấn tượng.
Những hình ảnh chứa đựng trong chúng không hề nhiều chi tiết tạo hình của đường nét mà ngược lại người xem cảm thấy bị xoáy vào một chi tiết rất nhỏ – trung tâm hiển nhiên của hình ảnh.
Với bất kỳ chủ đề nào dù quan trọng hay tầm thường, dù đó là một loài vật, một cọng cỏ hay chỉ một mẩu khoáng chất thì đều có thể trong bất kỳ hoàn cảnh nào phục vụ chúng ta để tạo nên những hình ảnh tối giản đơn: bởi chất liệu, bởi ánh sáng đặc biệt, tông màu đơn giản, bố cục giản đơn hay lặp lại, vùng nét thật hẹp, kích thước chủ thể thật nhỏ, tỉ lệ so với khuôn hình, cách sử dụng bóng đổ…
Canon PowerShot S400
Shooting Mode: Manual
Photo Effect Mode: Off
Tv( Shutter Speed ): 1/400
Av( Aperture Value ): 7.1
Metering Mode: Evaluative
Exposure Compensation: -1/3
ISO Speed: 50
Focal Length: 7.4 mm
Image Size: 1600×1200
Image Quality: Superfine
White Balance: Daylight
AF Mode: Single AF
AF Range Mode: Macro
File Size: 721KB
Thường thì một hình ảnh đơn giản ít khi đập ngay vào mắt người chụp ảnh. Cần có thêm thời gian, sự kiên nhấn và quan sát tỉ mỉ. Sự sáng tạo là kết hợp của cách nhìn, cách khuôn hình, cách chỉnh vùng nét, đo sáng…Cũng như thế, bằng sự kết hợp của nhiều bố cục với các điểm nhìn khác nhau bạn có thể tạo ra nhiều hình ảnh hấp dẫn khác nhau của cùng một chủ thể. Nhiếp ảnh là kết quả của sự lựa chọn và sự bó buộc, nó không bao giờ tái tạo lại trung thực hoàn toàn sự thực: đơn giản nó chỉ là một sự tái tạo lại hiện thực đa chiều, đa dạng.
Canon EOS D60
4s f/22.0 at 35.0mm iso100
Chỉ một động tác chọn lựa cặp chỉ số phơi sáng/tốc độ chụp đã là yếu tố quyết định trong nhiếp ảnh tinh giản rồi. Việc lựa chọn khẩu độ sáng sẽ quyết định sự ưu tiên dành cho cùng ánh sáng mạnh hay yếu đồng thời nó cũng ảnh hưởng tới vùng nét sâu của ảnh. Mỗi một cách hiệu chỉnh sẽ đem lại một kết quả khác nhau. Bây giờ thì bạn sẽ là người lựa chọn nhiều điểm nhìn khác nhau cho cùng một chủ thể để có thể tìm ra và thể hiện thành công một phần "sự thật" của nó.
Sự định hướng như đã nói ở trên không chỉ đúng riêng cho nhiếp ảnh tinh giản mà lý luận của nó thật sự đóng một vai trò quan trọng trong sáng tác. Thật sự là như thế, một hình ảnh tinh giản có vẻ như rất dễ thực hiện bởi cấu trúc đơn giản của nó nhưng thực tế cho thấy để có thể đạt tới những cái nhìn tinh giản ấy bạn thật sự phải làm chủ được về bố cục, và có một sự cẩn trọng rất lớn về các chi tiết bởi vì chỉ cần một yếu tố thừa sẽ làm mất đi sự hài hoà chung của tấm hình. Trước khi bấm máy bạn cần quan sát thật kỹ lưỡng bốn góc của khuôn ngắm để tránh thu vào hình những tiểu tiết thừa.
Trong nhiếp ảnh tinh giản bạn hoàn toàn có thể sử dụng tất cả các loại ống kính từ góc rộng tới télé. Nếu như bạn muốn ép tất cả lên trên một mặt phẳng đồng thời giảm độ nét sâu thì ống kính télé là thích hợp, còn nếu như bạn muốn tạo một trường ảnh rộng với các mô-típ lặp lại, hay tạo một phối cảnh biến dạng lạ mắt hoặc đơn giản hóa hình ảnh bằng cách chụp ở cự ly gần…thì ống kính góc rộng là cần thiết. Trong mọi trường hợp thì ống kính "macro" là sự lựa chọn tuyệt vời để có thể đi sâu vào chi tiết.
Nikon D100
1/160s f/3.2 at 200.0mm
Nếu bạn yêu thích tranh Thuỷ mạc của Trung Quốc thì việc vận dụng cách tạo bóng đổ và đường nét đơn giản sẽ là một hiệu quả bất ngờ đấy. Hay là bạn có thể chụp một cảnh ngược sáng để nhấn mạnh chủ thể. Những buổi sớm sương mù che phủ cảnh vật cũng là thời điểm tốt để thể hiện một tiêu điểm trung tâm.
Sử dụng chân máy ảnh cùng tốc độ chậm sẽ giúp bạn làm nổi bật một chủ thể tĩnh trên nền động chẳng hạn như hình ảnh một chú chim nhỏ đậu bên bờ suối. Bên cạnh đó thì việc tạo hiệu quả bằng tốc độ chậm, chụp cầm tay và bám theo đối tượng cũng sẽ giúp bạn xoá đi những chi tiết không cần thiết của phông nền đồng thờ có được những vẹt nhoè rất nghệ thuật. Tuy nhiên kỹ thuật này ta không hoàn toàn làm chủ kết quả của hình ảnh được.
Less is More đơn giản chỉ là một cái nhìn khác về hình ảnh, một cách thức sáng tạo thêm vào những khả năng phong phú của bạn.
Biển Địa Trung Hải.
Zoom Nikkor 70-300, chụp tại 300mm.
Phim Fuji Superia 200 ISO. Scan tại Labo.
Biển Egée nhìn từ đền thờ Thần biển.
Zoom AF Zoom-Nikkor 70-300mm f/4-5.6D ED. Chụp tại 200 mm.
Phim Fuji Superia 200 ISO, scan tại Labo.
Câu nói tựa đề thuộc về nghệ sĩ tài hoa Markus Raetz, ông không những chỉ là một hoạ sĩ, điêu khắc gia, nhiếp ảnh gia, nhà thơ, một người làm nghệ thuật chân chính là ông chính là tổng hoà của tất cả những gì gọi là nghệ thuật.
Tôi không nhớ tên của một nghệ sĩ nhiếp ảnh danh tiếng đã nói rằng "Tôi chụp ảnh vì vẽ tranh không đẹp". Trong câu nói đầy hài hước ấy là cả một tài năng bởi vì Nhiếp ảnh là Vẽ bằng Ánh sáng.
Trong nghệ thuật không có ranh giới về sáng tạo, chỉ có một chút khác biệt về hình thức và phương tiện thể hiện mà thôi. Nhiếp ảnh là một nghệ thuật như thế.
Vậy thì thế nào là "vẽ bằng ánh sáng"?
Trong những bài viết về mầu sắc trong nhiếp ảnh Người Thăng Long đã đề cập một phần nào đến điều này. Nếu ta nói một hình ảnh được tạo nên bởi đường nét và mầu sắc (hay độ tương phản khác nhau) thì chính là ta đang nói về ánh sáng. Bạn nhìn thấy đường nét bởi vì chúng được tạo nên bởi sự khác biệt về mầu sắc (hay độ tương phản trong ảnh đen trắng) và bạn có thể cảm nhận được mầu sắc bởi vì chúng phản xạ từ vật thể vào mắt ta bằng Ánh sáng.
Với ánh sáng người nghệ sĩ nhiếp ảnh dường như chỉ có mộ "mầu" duy nhất – mầu trắng nhưng ẩn chứa trong nó là những tông mầu của một quang phổ bất tận. Thông qua những thấu kính, phim ảnh…hay nói một cách khác chúng chính là "cây cọ vẽ" của người chụp ảnh, bạn có thể lựa chọn mầu sắc và đặt chúng lại với nhau trong một bố cục đầy ngẫu hứng và sáng tạo. Dĩ nhiên là với một khuôn ngắm của máy ảnh bạn không thể để nét cọ vẽ tràn ra ngoài như một hoạ sĩ vẽ tranh nhưng ánh sáng chính là tự do. Không có gì cản nổi bước đi của ánh sáng trong sáng tạo. Chính sự bó buộc của khuôn hình ấy sẽ tạo nên cảm giác bức bối dẫn tới bùng nổ của mầu sắc – ánh sáng trong nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh chỉ đơn thuần là những mảnh vụn của thế giới quanh ta. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh tài ba là người có thể tái tạo lại những điều hiện thực ấy một cách sáng tạo, độc đáo và điều quan trọng nhất là làm cho chúng ta – những người xem ảnh, cảm thấy được sự tiếp nối, cảm thấy được sức sống tràn trề của những cảm xúc không lời ấy, một khoảnh khắc mà không là tĩnh tại, luôn gắn bó với thiên nhiên.
Thử hình dung một tia sáng đến từ mặt trời. Một khuôn hình bằng bốn ngón tay. Nhiếp ảnh đơn giản nằm giữa những điều ấy. Trong suốt và tiếp nối. Nếu như bạn có ý định đặt nhiều khuôn hình cạnh nhau để tái tạo lại toàn cảnh của ánh sáng thì điều ấy sẽ không bao giờ là hiện thực bởi vì trong từng khoảnh khắc ánh sáng đã đổi thay.
Những tia sáng mảnh mai mà đầy sức sống ấy đi xuyên qua những lớp thấu kính được tráng phủ nhiều mầu, đập vào tấm gương phản xạ rồi đi tới con mắt người nghệ sĩ. Không trọng lượng. Liệu có gì còn nhẹ hơn cả ánh sáng? Có đấy, đó chính là cảm xúc của sáng tạo đầy ngẫu hứng bắt nguồn từ chính trái tim và tâm hồn mình. Cội rễ.
Nothing is lighter than light but photographer's inspiration