Thử sức với ảnh đen trắng
Ảnh đen trắng thậm chí còn đa sắc hơn ảnh thông thường bởi các chi tiết chỉ đuợc phân biệt qua muôn vàn cung bậc của sáng và tối.
Những bức ảnh bị thiếu sáng, thừa sáng hay "cháy" thường được thử vận may cuối cùng bằng cách chuyển sang tông màu đen trắng để hy vọng kết quả khả quan hơn. Cách làm này đôi khi đem đến những thành công bất ngờ nhưng một nhiếp ảnh gia theo đuổi thể loại ảnh đen trắng thực thụ phải cần nỗ lực hơn rất nhiều ngoài sự may mắn.
Trong khi các với ảnh màu, người xem có thể thấy rõ được sự khác nhau giữa các mảng màu thì với ảnh đen trắng, tất cả chúng trông lại rất giống nhau. Các mảng màu hay chi tiết khi đó chỉ được phân biệt dựa trên độ sáng của các gam màu xám. Chính vì vậy, để truyền tải được nội dung bức ảnh hay ý đồ, người chụp cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi bấm máy.
"Trên đường về" – Nguyễn Tiến Phương. |
Cứ chụp với màu
Hầu hết máy ảnh đều có tùy chọn chuyển sang chụp đen trắng trực tiếp, nhưng bạn đừng dùng Hãy chụp bằng ảnh màu rồi chuyển sang ảnh đen trắng bằng phần mềm xử lý, bởi lẽ, thuật toán chuyển đổi ảnh đen trắng tích hợp trong máy ảnh không xử lý tốt bằng các phần mềm xử lý hậu kỳ.
Tuy nhiên, nếu máy ảnh của bạn hỗ trợ chụp RAW thì lại là ngoại lệ. Với ảnh RAW, bạn có thể chụp ngay đen trắng mà không nhất thiết phải chụp màu. Mặc dù hình ảnh đen trắng RAW hiển thị trên máy có vẻ không được tốt, nhưng tất cả các thông tin màu sắc trên ảnh gốc vẫn được giữ nguyên. Các thông tin này sẽ hữu ích cho phần xử lý ảnh sau này. Hình ảnh đen trắng trên màn hình máy ảnh chỉ giúp bạn hình dung ảnh của mình trông sẽ ra sao sau khi được chuyển đổi.
Hai bức hình "Người mẹ Chăm" – Vũ Hồng Tâm (trái) và "Ký ức" – Nguyễn Nam Thái (phải) |
Chụp với chế độ ISO thấp
Tuy nhiên, khi đặt ISO, bạn cũng phải cân đối tới điều kiện sáng sao cho ảnh không bị mờ. Một bức ảnh hơi nhiễu hạt nhưng nét còn hơn là một bức ảnh không nhiễu nhưng lại bị rung. Mặc dù ảnh đen trắng ở thời máy phim trông cổ điển nhờ các nhiễu hạt, nhưng không vì thế mà bạn phải đặt ISO cao để tạo nhiễu. Hãy đặt ISO ở mức thấp nhất có thể. Tương tự với việc xử lý ảnh đen trắng, xử lý nhiễu trong máy ảnh không tốt bằng xử lý nhiễu trong phần mềm chuyên dụng. Mặc dù ISO cao có thể tạo nhiễu như thể ảnh thời cổ, nhưng nên nhớ nhiễu số (digital) không thể mượt bằng nhiễu tương tự (analog) được.
Chụp trong những ngày u ám
Thường những hôm thời tiết ảm đạm là ngày mà không ai muốn ra đường chụp ảnh. Nhưng với ảnh đen trắng, đây lại là thời tiết khá lý tưởng. Ánh sáng nhẹ giúp bạn có được tông chuyển đổi mượt mà giữa mức độ sáng của chủ thể. Thêm vào đó, nếu thích, bạn hoàn toàn có thể tăng độ tương phản cần thiết ở phần xử lý ảnh hậu kỳ.
"Mặn" – Huỳnh Công Nghĩa. |
Học cách nhìn qua lăng kính đen trắng
Hãy chú ý đến các hình khối. Các hình dạng, hình khối của một chủ thể có thể nổi bật lên chỉ nhờ bóng đổ của chính mình thông qua hướng ánh sáng. Một hình khối đẹp có thể mất đi vẻ đẹp của chính nó nếu bị lẫn giữa quá nhiều màu sắc trong ảnh màu. Chuyển thành ảnh đen trắng sẽ giúp bạn lấy lại được các vẻ đẹp hình khối này.Thế giới trông sẽ khác lạ với chỉ hai màu đen trắng. Khi học cách nhìn qua lăng kính đen trắng, bạn sẽ dễ dàng nhìn ra tình huống nào là hoàn hảo cho thể loại này. Hãy cố gắng tưởng tượng, một bức hình sẽ thế nào nếu nó được chuyển sang đen trắng trước khi chụp. Bạn sẽ thấy tưởng tượng qua lăng kính đen trắng không dễ dàng gì, nhưng nếu thực hành nhiều sẽ giúp có được những bức hình chất lượng hơn sau này.
Nếu một bức ảnh màu có quá nhiều tương phản sẽ khiến cho ảnh bị chói và nhiễu. Lúc này có thể nghĩ tới việc chuyển sang đen trắng để loại bỏ được các hiệu ứng không mong muốn, từ đó lấy lại được vẻ hấp dẫn cho chủ thể trong ảnh.Khi không có màu sắc phân tán, phần kết cấu (sự sắp xếp theo một cấu trúc nào đó của một chủ thể) của một bức ảnh sẽ trở nên quan trọng hơn. Kết cấu có thể hiện diện ở mọi chủ thể như trên tóc, da, vân gỗ hay sóng cát chẳng hạn. Hãy dùng ánh sáng để làm nổi bật kết cấu đó lên.