NHÀ NHIẾP ẢNH BÁ HÂN: “Nghệ sĩ tồn tại trong lòng người, chứ đâu phải nhờ tước hiệu!”
Một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) luôn nỗ lực học hỏi, tìm tòi, cố gắng tiệm cận với phong trào nhiếp ảnh đương đại thế giới, chính là Bá Hân , hãy xem bài phỏng vấn ông về nghề ảnh và lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật
Năm 2013, tại Liên hoan 10 năm nhiếp ảnh Châu Á tổ chức ở Nhật Bản, ông từng được vinh danh là một trong bốn nhà nhiếp ảnh mang tầm ảnh hưởng khu vực Châu Á. Trong suốt 16 năm qua, ông đã tham gia các khóa học và giao lưu với các diễn đàn nhiếp ảnh quốc tế, các festival nhiếp ảnh uy tín trên thế giới để thay đổi hoàn toàn tư duy và quan điểm về nhiếp ảnh của mình.
Đơn giản vì Bá Hân hiểu được, “nhiếp ảnh không chỉ đơn thuần là chụp tấm ảnh cho đẹp để treo tường, để vinh danh cá nhân với những huy chương bạc, vàng, đồng, mà là công cụ, là phương tiện truyền thông, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ và biên giới để giúp nhà nhiếp ảnh biết quan sát kỹ càng, trung thực và khách quan những gì đang xảy ra trong cuộc sống, giúp người đó thực hiện những dự án, những đề tài mang ý nghĩa xã hội”.
Ông có thể nói lên những suy nghĩ riêng của mình về thực trạng nền nhiếp ảnh Việt Nam?
– Trong hơn 10 năm trở lại đây, nhiều lần đi triển lãm và giao lưu ở các liên hoan nhiếp ảnh quốc tế, tôi đã phải giải thích về những tước hiệu AFIAP, EFIAP cho người thưởng lãm khi họ đọc tiểu sử của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam. (Các nhà nhiếp ảnh Nhật chẳng có tước hiệu gì, nhưng trong 10 năm gần đây, biết bao tay máy Nhật được nhận học bổng ở các trường nghệ thuật của Mỹ và Châu Âu).
Ở Việt Nam, chức danh NSNA là tiêu chí để đánh bóng tên tuổi cá nhân hơn là những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, xã hội. Theo tôi, hai từ “nghệ sĩ” phải để cho công chúng, những người thưởng lãm tặng cho tác giả có tác phẩm, chứ không tính bằng số lượng những thành công của họ với những huy chương hay các giải thưởng đem về từ các cuộc thi. Quan trọng hơn hết, người nghệ sĩ là người giải quyết những “hợp đồng” nghệ thuật của chính mình với cuộc đời.
Lịch sử nhiếp ảnh thế giới đã cho chúng ta thấy, cho đến ngày hôm nay, biết bao nhà nhiếp ảnh bậc thầy đã được giới nghệ thuật công nhận và ngả mũ chào, nhưng không một ai có tước hiệu cả. Giới nhiếp ảnh ta còn ngộ nhận nhiều về điều này. Tôi có dịp ngồi với một số NSNA ở ta có tước hiệu EFIAP hoặc MFIAP, chỉ thấy khoe nhau về thành tích đạt được. Có người lại hỏi tôi, chụp theo “trường phái” nào? Phóng sự báo chí hay FIAP? Tước hiệu của anh là gì? Tôi chỉ cười trừ. Tôi đã có thời “lầm lỡ” với mấy cái chức danh này! Ngay cả với các hội ISF hay PSA cũng vậy. Bởi đa số các nhà nhiếp ảnh ta sính đồ ngoại, để hù họa lính mới vào cuộc chơi, cứ phải có giải gì đó cho thấy sự khác biệt với đồng nghiệp.
Ngày nay, nhờ có Internet, nhiều thứ đã rõ ràng, FIAP là cái gì thì nhiều người cũng biết nên đỡ nhiều rồi. Nghệ sĩ tồn tại trong lòng người chứ đâu phải bởi tước hiệu!
Ngoài bệnh “sùng” tước hiệu, tình trạng thiếu sức sống, vay mượn, đạo nhái, ít sáng tạo đang khiến nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đi vào lối mòn nên nền NA không sao gượng lại được. Theo ông, có cách nào để thay đổi tình hình này?
– Cũng nhờ bây giờ là thời đại số hoá, thế giới phẳng ra, ngày càng có nhiều sân chơi mới ra đời và với xu hướng nhiếp ảnh hiện nay, nhà nhiếp ảnh có quyền chọn lựa sân chơi cho mình, chứ không nhất thiết phải đi theo những nguyên tắc, khuôn khổ của các hội nhiếp ảnh trong nước đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp.
Có người nói Việt Nam là “cường quốc” nhiếp ảnh qua những cuộc thi của FIAP, hay PSA (Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ), ISF (Images Sans Frontiere – Châu Âu) – những hội không chuyên nghiệp, chỉ là những sân chơi mang tính tài tử. Mới đây, râm ran xa gần về chuyện là hai người cùng đi sáng tác, cùng đứng một chỗ, cùng chụp một ảnh như nhau, và hai người đều đoạt giải nhất cả! Hay tác phẩm vừa có người mẫu Việt Nam, vừa có mẫu (là con chó) mượn từ đâu đó trên mạng! Đúng là chỉ có ở Việt Nam.
Ở các Liên hoan quốc tế, nói về nhiếp ảnh Việt Nam, người ta muốn tôi giới thiệu cho họ những tên tuổi có tác phẩm mới, đang làm việc, chứ không cần những người có tước hiệu! Họ còn hỏi Việt Nam có tước hiệu không, tại sao phải lấy tước hiệu này kia… Thế nhưng ở ta lại căn cứ những tước hiệu FIAP để định hình người nghệ sĩ. Thêm nữa, NA Việt Nam chưa có cuộc thi có tính chuyên nghiệp cao. Từ trước tới nay, chủ đề quanh quẩn Việt Nam đất nước con người, vẻ đẹp cuộc sống, sắc màu cuộc sống… Những năm gần đây, đã có sự đột phá từ các công ty kinh doanh tư nhân, tổ chức được các cuộc thi ảnh bộ, nên phát hiện nhiều nhân tố mới, những nhà nhiếp ảnh có tâm hồn, bày tỏ được cảm xúc, góp phần đem lại làn gió mới cho NA Việt Nam.
Vì sao gần đây ông hướng đến dự án nhiếp ảnh lâu dài “Vì một thế hệ tương lai cho nền nhiếp ảnh nước nhà”? Có thể nói gì về thành tích và khả năng của các “nhiếp ảnh gia trung học” vừa đoạt giải tại Festival nhiếp ảnh quốc tế được tổ chức tại Nhật Bản vừa qua?
– Cách đây 2 năm, tôi được mời đi dự triển lãm Đông Á, và nhận lời sẽ thực hiện dự án gửi các em tham dự liên hoan nhiếp ảnh dành cho học sinh trung học tại Nhật. Vì là năm đầu tiên nên người ta mời học sinh thủ đô các nước. Thế nên tôi ra Hà Nội, lựa chọn các thành viên từ các CLB nhiếp ảnh của một số trường… Vì nước ta không có trường chuyên về nhiếp ảnh như các nước khác, nên tôi nghĩ ra tiêu chí ưu tiên để chọn là các em phải giỏi ngoại ngữ, viết văn tốt, biết ăn nói, kỹ năng biết chụp hình hoặc có năng khiếu về cái đẹp là thứ yếu. Chủ yếu là để giao lưu văn hóa.
Sau kết quả đạt được từ Festival lần thứ nhất, từ chỗ 3 em không biết gì về nhiếp ảnh, một em đoạt giải khuyến khích đã đam mê thực sự về NA khi chọn ngành học và hiện nay em đã nhận được học bổng ở Nhật, theo học ngành truyền thông; cũng trong năm 2015, một em khác được chọn là Đại sứ văn hóa Việt Nam tại Mỹ.
Từ bước đầu khiêm nhường cho thấy các em đủ sức tranh tài với các bạn học sinh trường chuyên nhiếp ảnh trên thế giới, nếu nhà nhiếp ảnh hướng dẫn có sự am hiểu học sinh, am hiểu xu hướng nhiếp ảnh hiện nay.
Năm 2016, trước lời mời tiếp theo của họ, tôi đề nghị chọn học sinh phía Nam, và đã tìm ra 3 học sinh nữ xuất sắc. Ở Festival lần 2 này, sự thành công cũng một phần nhờ sự dẫn dắt năng động, nhạy bén của nhà nhiếp ảnh Na Sơn, các em đã gây chú ý trong cách thực hiện bộ ảnh của mình, trả lời trôi chảy chất vấn của ban giám khảo, các thành viên trưởng đoàn trong việc nói lên được cảm xúc qua các bức ảnh của mình. Kết quả, đoàn TPHCM đoạt 3 giải gồm: Giải nhất toàn đoàn, giải nhất dành cho đội được bình chọn nhiều nhất trên Internet và em Vũ Thụy Vũ đoạt giải ba cá nhân.
Tác phẩm trong câu chuyện bằng ảnh “ Qua vùng biển cạn” của Bá Hân. |
Thế giới đang hướng đến những xu hướng nhiếp ảnh hiện đại, đời thường, một nền nhiếp ảnh mở – không biên giới. Xin ông cho biết rõ hơn về điều này?
– Nhiều người nói đến cụm từ nhiếp ảnh đương đại một cách to tát quá. Đơn giản, đó chỉ là những hoạt động của nhà nhiếp ảnh, nhằm sử dụng NA như một phương tiện để cải thiện cộng đồng tốt hơn, giúp ích cho xã hội qua những dự án ảnh thực tế.
Cũng như các nước trên thế giới, NAVN cũng tồn tại dưới 3 hình thức: Nhiếp ảnh thương mại dịch vụ, nhiếp ảnh nghệ thuật và nhiếp ảnh truyền thông báo chí. Theo tôi, do sự phát triển của công nghệ, nhiếp ảnh truyền thông đang lên ngôi. Ngay cả các liên hoan NA quốc tế hoặc những cuộc thi chuyên nghiệp, thể loại phóng sự ảnh, dòng ảnh truyền tải câu chuyện hay các dự án ảnh ngày một phong phú, đa dạng.
Còn hỏi nhiếp ảnh Việt Nam bây giờ đang đứng ở đâu? Tôi cũng đồng ý với ý kiến của nhiều người: NA Việt Nam đang dần mất đi tính trung thực! Hãy làm đúng chức năng trung thực, vì bản thân NA là đã đề cao phẩm chất đó. Có dịp tham dự các diễn đàn, festival nhiếp ảnh thế giới những năm gần đây, qua những buổi giao lưu, trao đổi với các nền NA thế giới, tôi nhận ra được nhiếp ảnh Việt Nam khá tụt hậu, ngay cả những tác phẩm đoạt giải quốc tế cũng đi vào lối mòn, cách thể hiện thì lặp lại.
Có phải hội NAVN ngại tiếp cận cái mới, nên chọn lối đi thật an toàn? Vì nếu có điều kiện đi tham dự các diễn đàn, mở rộng hành lang giao lưu quốc tế, sẽ đánh giá chuẩn xác các nền NA uy tín, biết được chính xác mình đang ở đâu. Chứ không phải tự nhận mình là “cường quốc” nhiếp ảnh theo tiêu chí giải thưởng của các hội không chuyên! Điều đó sẽ giúp NA thành công về mặt tư tưởng, nghệ thuật, mà còn giúp quảng bá hình ảnh VN trên con đường hội nhập.
Cho dù xu thế hội nhập với NA thế giới là không tránh khỏi, song đa số các nhiếp ảnh gia trong nước vẫn duy trì tư duy cũ, trong khi thế mạnh của nhiếp ảnh nước ngoài là phản ánh chân thực cuộc sống, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đồng cảm cùng chia sẻ với người trong cuộc, đặc biệt nhiều ảnh mang tính phản biện xã hội khá mạnh mẽ. Ông nghĩ sao về điều này?
– Theo chủ quan của tôi, NAVN không thiếu đội ngũ những nhà NA chuyên nghiệp kế thừa. Tôi có cơ hội xem nhiều tác phẩm, bộ ảnh của đội ngũ các NSNA trẻ, các tay máy năng động, đầy tư duy sáng tạo. Từ các đề tài nhỏ bé trong cuộc sống, ngoài những kỹ năng chuyên nghiệp, họ đã và đang thực hiện nhiều dự án tạo nhiều tiếng vang trong cộng đồng NA như: James Dương, Na Sơn, Maika Elan, Nguyễn Việt Thanh, Nguyễn Thanh Hải, Hải Thanh, Việt Văn, Thuận Thắng, Trần Cương…
NAVN đã bước qua thời đại của Nick Út 1972 với “Cô gái và bom Napan”, Việt Nam cũng chính là vùng đất phì nhiêu của rất nhiều đề tài xã hội, dự án cộng đồng. Năm 2008, Justin Maxon, nhà nhiếp ảnh người Mỹ sang Việt Nam làm câu chuyện mẹ con cô Mùi (bị AIDS, sống biệt lập ở sông Hồng) đã nhận giải Pulitzer. Năm 2013, nhà nữ NA tài năng Maika Elan đã đi đúng đường và bộ ảnh “Yêu là Yêu” (Pink choice) đoạt giải nhất WPP về thể loại ảnh bộ (mặc dù không được NAVN đánh giá cao).
Năm 2016 vừa qua, cô vinh dự được Bộ Văn hóa Nhật mời sang lưu trú trong một năm để thực hiện dự án ảnh về vấn đề Hikikomori, được xem như một trong những quốc nạn ở Nhật với số người mắc chứng này đang tiếp tục tăng lên hàng năm. (Hikikomori được định nghĩa là tình trạng hơn 6 tháng liên tục ở suốt trong nhà, không đi học, đi làm và hầu như không có giao lưu gì với người ngoài gia đình). Bộ ảnh đang được giới chuyên môn quốc tế đánh giá cao và tôi hy vọng ở WP Photo 2017, Maika lại một lần nữa đem vinh quang về cho NA Việt Nam.
Theo tôi, điều đầu tiên cần làm để thay đổi hiện trạng này là: NA Việt Nam cần phải định hướng giúp các nhà NA tập trung vào đề tài nhỏ cụ thể dễ dàng tìm thấy trong cộng đồng, ngoài xã hội. Nên có các cuộc thi mang tính chuyên sâu, nhưng nâng cao được tính chuyên nghiệp trong sáng tác (tác nghiệp và kỹ thuật xử lý); thay đổi cách đặt tên các cuộc thi trong nước, nâng cao trình độ của giám khảo hay mạnh dạn mời những giám khảo có chuyên môn thực sự vào cuộc. Cũng nên thay đổi nhận thức về đánh giá quá trình sáng tác của từng cá nhân, cũng như đánh thức lòng tự trọng đối với từng cá nhân nhà nhiếp ảnh. Rất ít người có dự án ảnh nghiêm túc và cái dễ dãi ấy làm người cầm máy quên mất bản chất thực sự của nhiếp ảnh.
Xin cảm ơn ông!
Theo laodong.com.vn