John Huet: một lần chụp ảnh quảng cáo tại Trung Quốc
Sơ lược là như sau: chụp các hoạt động thể thao cho một chiến dịch quảng cáo để truyền cảm hứng cho thanh niên ra ngoài vận động. Chụp tại các khu phố vào buổi tối. Chụp ở Trung Quốc.
Đấy chính là thử thách mà hãng quảng cáo Wieden+Kennedy (chi nhánh Thượng Hải) đưa ra cho John Huet – một nhiếp ảnh gia thương mại người Mỹ kiêm đạo diễn các chương trình thể thao trên truyền hình, chuyên chụp ảnh thể thao và ảnh về các pha hành động. Chúng tôi đã có buổi nói chuyện với Huet cũng như hãng Wieden+Kennedy hòng tìm hiểu xem họ đã thực hiện bộ ảnh này như thế nào.
Dù chiến dịch ảnh quảng cáo này nhắm vào thị trường Trung Quốc, ý nghĩa của nó lấy cảm hứng từ một vấn đề quen thuộc với dân Mỹ: Hiện nay, thế hệ trẻ là thành phần kém khỏe mạnh nhất của đất nước. Huet giải thích, “Bây giờ Trung Quốc đã nhan nhản các tiệm bán thức ăn nhanh, tiệm trò chơi điện tử, và nhiều thú giải trí khác để khiến bạn hết muốn ra khỏi nhà tập thể dục.”
Quyết định chụp ảnh vào buổi tối là một nỗ lực nhằm giúp các bức hình trông sôi nổi và gần gũi hơn, nhờ vậy mà ảnh có thể cuốn khán giả vào luồng năng lượng của các vận động viên – cũng như khuyến khích họ ra ngoài tập tành vào buổi tối.
“Mùa hè ở Trung Quốc rất khắc nghiệt. Nó nóng bức, thành phố thì đông đúc, nhớp nháp, tù túng, và luôn hút sạch sinh khí của bạn. Khó mà làm được gì trong môi trường nóng bức đấy, chứ đừng nghĩ tới chuyện tìm động lực để ra ngoài chơi thể thao. Nhưng đêm hè thì lại khác. Cái nóng thoái lui, xe cộ biến mất, bằng cách nào đó, buổi tối luôn đem đến cho mọi người một cảm giác phấn chấn.”
Dĩ nhiên, chụp ảnh vào buổi tối luôn làm dấy lên một số rắc rối kĩ thuật. “Vấn đề thường gặp khi chụp ảnh thể thao vào ban đêm là: tốc độ cửa chập phải đủ nhanh để bạn nắm bắt được các động tác chạy nhảy, nhưng vẫn phải giữ cho ảnh trông giống ảnh buổi tối”, Huet nói. Hơn nữa, hãng quảng cáo còn muốn cảnh chụp trông phải thực tế. Như vậy Huet không thể xài đèn chớp tổng hợp (khiến ảnh trông nhân tạo), cũng như chỉnh độ ISO cao cho máy camera.
Để giải quyết những vấn để trên và đồng thời giúp tác phẩm mang vẻ tự nhiên, Huet chọn cách chiếu sáng bằng đèn HMIs – đây là kinh nghiệm anh có được sau quãng thời gian làm đạo diễn các chương trình thể thao trên truyền hình.
Công ty quảng cáo ở Thượng Hải tập hợp một đôi ngũ gần 40 nhân sự cho 3 đêm bấm máy. Huet – người từng nhiều lần chụp ảnh tại Trung Quốc – nói rằng quản lý một đội ngũ đông đảo là điều bình thường. Anh giải thích: “Mỗi lần tôi đến Trung Quốc, tôi yêu cầu tuyển 2 trợ lý và 1 kĩ thuật viên máy tính – cũng là số nhân lực cơ bản cho đợt chụp hình như thế này. Tôi đến nơi và thấy họ đã tuyển đến 8 trợ lý.”
Huet phát hiện rằng đội ngũ Trung Quốc làm việc rất hiệu quả. “Họ rất sáng tạo,” anh nói. “Họ làm việc chăm chỉ và nhanh nhẹn đến khó tin. Nếu vấp phải vấn đề gì, họ sẽ tìm mọi cách để xử lý.” Hãng Wieden+Kennedy Thượng Hải cho hay: dù tính quan liêu của Trung Quốc đôi lúc khiến những việc như lấy giấy phép chụp ảnh trở nên phức tạp; nhưng một khi bạn bắt đầu, thì đội ngũ sản xuất luôn làm việc như một nhóm, và kết quả là “một cuộc hợp tác sáng tạo hơn, tự do hơn”
Làm việc kết hợp với các công ty cũng như hãng sản xuất địa phương cũng rất quan trọng, nó sẽ đảm bảo là hình ảnh của bạn đã cân nhắc hết những khác biệt về văn hóa. Ví dụ: nếu bạn có người của hãng sản xuất bản xứ trong đội, người ấy sẽ đọc được các ký hiệu cũng như bảng chữ của các tòa nhà/vật thể trong cảnh nền; việc này sẽ giúp nhiếp ảnh gia người nước ngoài tránh phạm lỗi. Cụ thể, vào một buổi tối lúc Huet đang chụp một cảnh trong hẻm, đội ngũ sản xuất Trung Quốc đã âm thầm dời bảng hiệu của một chiếc hộp khá to, nhiếp ảnh gia từng tưởng rằng đây là máy bán hàng tự động; nhưng thực chất, nó lại là cái thùng rác. “Những thứ người Mỹ thấy hay có thể sẽ thành thứ chẳng thú vị gì đối với người Trung Quốc. Tôi luôn cố tìm hiểu ‘Thế nào là hay đối với dân bản xứ’. Các câu chữ giải thích sẽ chẳng nghĩa lý gì cả nếu bạn không thuộc cùng một ‘tần số’”.
Chụp ảnh quy mô lớn tại Trung Quốc cũng giống như một môn thể thao đồng đội – Huet thấy lối làm việc này vừa thích thú vừa gặt hái nhiều lợi ích. “Nó vui, mang đến lắm thử thách, gây mệt mỏi, nhưng cũng rất sáng tạo”, anh nói. “Vào cuối đợt chụp ảnh, hiếm khi mà tôi cảm thấy hài lòng với mọi thứ … nhưng nhìn chung, tôi rất hài lòng bộ hình này, và phản ứng từ phía người xem cũng thật tuyệt”.
Theo soi.today