Trải nghiệm thiết bị Samsung Gear 360 : chụp ảnh 360 độ độc đáo
Dù còn vài điểm trừ không đáng có, Samsung Gear 360 vẫn là một lựa chọn khá tốt để chụp ảnh và quay video 360 tính đến thời điểm hiện tại.
Facebook trong tháng 6 vừa cập nhật tính năng cho đăng tải và xem ảnh chụp 360 độ khiến cho nhiều cư dân mạng thích thú. Tất nhiên để có được những bức ảnh như vậy, người dùng cần có phần mềm ghép ảnh trên di động hoặc đơn giản hơn là sử dụng máy ảnh chuyên chụp 360 độ.
Hiện tại trên thị trường đã có một vài gương mặt máy ảnh tiêu biểu chuyên trị kiểu ảnh này như Ricoh Theta S, LG 360 Cam và gần đây nhất là ứng cử viên đến từ Samsung. Hôm nay chúng tôi đã có dịp được trên tay trải nghiệm Gear 360 của đại gia Hàn Quốc và có cảm xúc khác nhau về thiết bị này.
Thiết kế
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về sản phẩm này chính là phần thiết kế. Máy trông như một chú robot tí hon, bên dưới là 3 chân có thể mở ra để làm chân đứng hoặc gập lại trở thành tay cầm để người dùng có thể dễ dàng thao tác trong lúc chụp.
Máy trông như một chú robot tí hon, khá “cute”.
Công nhận rằng thiết kế của máy khá “cute” nhưng những bất tiện của Gear 360 bắt đầu lộ ra ngay sau vài phút sử dụng. Đầu tiên là về thiết kế, tuy trông nhỏ nhắn nhưng vì được làm theo kiểu dáng hình cầu nên kích thước của Gear 360 to ngang ngửa (hoặc hơn) một trái banh tennis, cực kỳ khó khăn nếu muốn bỏ vào túi quần như điện thoại (Ở khoản đút túi quần, chúng tôi đánh giá cao Ricoh Theta S và LG 360 Cam hơn).
Cụm camera có thiết kế lồi khá nhiều nên rất dễ dính vân tay hoặc trầy xước trong quá trình thao tác.
Tiếp theo là cụm 2 camera của máy được làm khá lồi, điều này khiến cho việc thao tác lẫn cất giữ đôi khi sẽ bị dính dấu vân tay hoặc tệ hơn là dễ bị trầy xước. May thay, có lẽ cũng lường trước được điều này nên nhà sản xuất đã kèm theo sản phẩm một khăn lau và một túi đựng để tránh trường hợp va chạm xảy ra.
Rất may nhà sản xuất đã kèm theo một túi đựng để bảo vệ Gear 360 tốt hơn.
Nếu siêu phẩm Galaxy S7 / S7 edge năm nay của Samsung đều chống nước thì ngược lại Gear 360 lại không hề có khả năng này. Điều này sẽ gây thất vọng cho một số người dùng vì không thể chụp được những bức ảnh 360 dưới trời mưa nặng hạt.
Phím cứng để bấm chụp ảnh / quay video nhanh.
Gập chân tripod lại và cầm như gậy selfie, chỉ có điều gậy này hơi ngắn.
Máy yêu cầu phải có thẻ nhớ microSD để lưu trữ ảnh/video.
Phần cứng và trải nghiệm
Gear 360 sở hữu đến 2 camera ở mặt trước và mặt sau, mỗi camera có góc rộng 180 độ cùng độ phân giải 15 MP. Khi chọn chụp ảnh 360 độ, máy sẽ tự động ghép 2 bức ảnh từ 2 camera này để tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh với độ phân giải 30 MP.
Ngoài khả năng chụp ảnh, Samsung Gear 360 còn cho phép quay video 360 cực kỳ hữu ích cho những ai thích trải nghiệm cảm giác thực tế ảo với kính Gear VR.
Ảnh 360 hoàn chỉnh:
Sự tiện lợi của Samsung Gear 360 là bạn không còn ngán ngẩm cảnh cầm điện thoại lia từng khung ảnh để chụp panorama. Với thiết bị này, chỉ một nút bấm là bạn đã có ngay bức ảnh mà không cần tốn quá nhiều thời gian như trước.
Samsung Gear 360 không hề có màn hình để xem trực tiếp mà bạn cần phải kết nối thiết bị này với điện thoại thông qua ứng dụng cùng tên (lưu ý thiết bị này chỉ hỗ trợ Galaxy S7 / S7 edge, Galaxy Note5, Galaxy S6 / S6 edge / S6 edge+).
Giao diện trực quan của ứng dụng Samsung Gear 360.
Tương tự như ứng dụng chụp ảnh thông thường của Samsung, ứng dụng Gear 360 này cũng có giao diện rất trực quan và đơn giản, bao gồm điều chỉnh độ phân giải, HDR, bù trừ sáng, cân bằng trắng và hẹn giờ. Ngoài ra, nếu chán với kiểu ảnh 360 độ, bạn cũng có thể chuyển sang dùng 1 camera với góc rộng lên đến 180 tạo hiệu ứng fish-eye (mắt cá) trông rất hay.
Một số tùy chỉnh mà ứng dụng này cung cấp cho người dùng (hẹn giờ, bù trừ sáng, cân bằng trắng, bật/tắt HDR)
Do phải sử dụng kèm theo điện thoại (để có thể trực tiếp bố cục khung ảnh, tinh chỉnh thông số…) thông qua giao thức Bluetooth nên thiết bị này không thích hợp lắm cho các trường hợp chụp khoảnh khắc nhanh. Bởi mỗi khi nhấn phím chụp trên màn hình điện thoại, thiết bị phải tốn khoảng 0,5 đến 1 giây để nhận tín hiệu và thực hiện lệnh chụp.
Ngoài ra, trong quá trình trải nghiệm chúng tôi gặp không ít lần ứng dụng bị “đơ” vài giây hoặc thậm chí có lúc mất kết nối với thiết bị. Hy vọng trong thời gian tới Samsung cho cập nhật phần mềm Gear 360 để có thể chạy ổn định hơn.
Thi thoảng tình trạng “đơ” này xảy ra buộc chúng tôi phải tắt Gear 360 và khởi động lại.
Một khuyết điểm không thể không nói đến chính là vấn đề lưu trữ, máy không hề có bộ nhớ riêng để lưu tạm ảnh mà bắt buộc phải có thẻ nhớ microSD. Bên cạnh đó, do kết nối liên tục thông qua Bluetooth nên thiết bị này ngốn pin rất nhanh (sau hơn 2 giờ đi dạo chụp có thể tốn hết 2/3 lượng pin), chưa kể đến smartphone cũng tốn một lượng pin không hề ít.
Về mặt chất lượng hình ảnh, tất nhiên Gear 360 không thể so bì được với các loại máy ảnh DSLR chuyên nghiệp nhưng chúng tôi phải công nhận rằng khả năng ghép ảnh nhanh và độ chi tiết do camera này đem lại thực sự khá hài lòng.
Để xem ảnh 360 trên Laptop, desktop, bạn lick chuột lên ảnh và di chuyển chuột
Nhìn chung, bên cạnh vấn đề phần mềm đôi khi gặp trục trặc và thiết kế có phần hơi to so với túi quần nên đã vô tình tạo điểm trừ cho Gear 360. Tuy nhiên phần chất lượng hình ảnh, giao diện trực quan cũng như cho phép nhiều lựa chọn tùy chỉnh đã giúp Gear 360 gỡ gạc lại phần nào điểm số. Ngoài ra, thiết bị này nếu kết hợp với kính thực tế ảo Gear VR hứa hẹn sẽ đem lại nhiều trải nghiệm thú vị hơn cho người dùng.
Một số ảnh chụp 360 độ:
Để xem ảnh 360 trên Laptop, desktop, bạn lick chuột lên ảnh và di chuyển chuột
Cắt lại từ góc ảnh 360 độ:
Một số ảnh chụp với 1 camera, tức có góc ảnh đạt 180 độ:
Góc rộng tạo cái nhìn rất lạ cho ảnh.
Selfie góc siêu rộng.
Theo Tuấn Lê / Trí Thức Trẻ