10 lưu ý giữ gìn để bảo vệ máy ảnh của bạn
10 lưu ý giữ gìn để bảo vệ máy ảnh của bạn
Chiếc máy ảnh DSLR bạn đang sở hữu có thể dùng thêm nhiều năm nữa nếu được chăm sóc cẩn thận. Đây là 10 lưu ý hữu ích về cách sử dụng, giữ gìn cũng như bảo vệ để tăng tuổi thọ máy
1. Nên tham khảo kỹ hướng dẫn sử dụng
Trong cẩm nang hướng dẫn sử dụng máy ảnh thường có nhiều lời khuyên vô giá và những cảnh báo quan trọng về cách phòng tránh làm hỏng máy, giữ cho máy hoạt động suôn sẻ. Những hướng dẫn này đề cập từ cách kéo dài thời gian sử dụng pin máy ảnh cho đến cách tránh trường hợp quá nhiệt khi đang chụp cũng như cất giữ.
2. Không nên để máy ở nơi quá nóng
Hướng dẫn này thường được nêu rõ trong phần đầu của cẩm nang sử dụng máy ảnh. Nhiệt độ quá thấp hay quá cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khỏe” của máy ảnh kỹ thuật số. Nếu để máy ảnh trong tủ, gần cửa sổ hay xe ôtô quá nóng, các bộ phận bằng nhựa sẽ bị cong vênh và các thành phần bằng cao su sẽ bị thoái hóa về lâu về dài.
3. Nên dùng dây đeo
Nếu bạn chưa ít nhất một lần làm rơi máy thì sẽ chưa thấy độ quan trọng của chiếc dây đeo dành cho máy ảnh. Thực lòng mà nói, dây đeo máy ảnh là một trong những biện pháp có thể ngăn ngừa việc vô tình làm rơi máy, các bộ phận kỹ thuật số bên trong máy ảnh của bạn sẽ không bị hư vì rơi xuống đất. Cũng có thể dùng dây đeo khi đang đặt máy ảnh trên chân máy và dùng tay giữ dây đeo, tránh trường hợp chân máy vô tình bị ngã.
Nên dùng dây đeo để tránh làm rơi máy ảnh. |
4. Không nên mang máy từ nơi lạnh sang nóng đột ngột
Nếu bạn mang máy đột ngột từ phòng máy lạnh ra ngoài trời nóng để chụp ảnh, hơi nước có thể ngưng tụ lại phía ngoài của máy và các bộ phận bên trong. Để ngăn ngừa hiện tượng này, hãy để máy ảnh vào trong một túi nhựa kín trước khi mang máy từ nơi có nhiệt độ thấp sang nơi có nhiệt độ cao. Nhớ bao máy thật kín để hơi nước ngưng tụ phía ngoài của túi thay vì trên thân máy đang bị lạnh. Khi máy ảnh ấm lên đến nhiệt độ môi trường thì mới lấy máy ra.
5. Nên gắn filter cho ống kính
Bộ lọc bảo vệ ống kính (filter) là một phụ kiện nên gắn vì nhiều lý do ngoài chức năng mang lại các hiệu ứng cho ảnh chụp. Nếu không gắn filter, bề mặt và phần viền phía trước ống kính có thể bị mẻ nếu bạn vô tình làm rơi máy ảnh. Filter ống kính cũng giúp giảm hư hỏng do va đập. Cũng nên dùng filter khi chụp ảnh ngoài mưa hay ở bãi biển vì thiết bị này giúp phần trước của ống kính không bị bụi nước muối bám vào.
Filter giúp bảo vệ bề mặt và phần viền phía trước ống kính. |
6. Nên tắt máy trước khi tháo ống kính
Một số nhiếp ảnh gia thường “thay nóng” ống kính, nhưng trong hầu hết trường hợp bạn nên tắt máy ảnh trước khi thay ống kính. Thao tác này thực sự không tốn nhiều công sức và các hãng sản xuất camera cũng khuyến cáo nên làm thế vì bộ cảm biến vẫn được sạc nếu máy ảnh còn đang mở, làm tăng nguy cơ bám bụi.
Ngoài ra, thao tác tắt rồi bật lại máy ảnh cũng kích hoạt chức năng tự động làm vệ sinh bộ cảm biến (trừ phi bạn đã vô hiệu hóa) giúp “thổi” bụi đã xâm nhập vào trong máy khi thay ống kính. Bạn cũng nên chĩa phần mở của máy xuống đất khi lắp ống kính vào để tránh vật lạ rơi vào máy.
7. Không nên để pin trong máy nếu không dùng một thời gian dài
Về mặt kỹ thuật, một lượng nhỏ điện năng sẽ được pin phóng ra ngay cả khi máy ảnh đã được tắt. Lượng điện phóng thừa này có thể làm giảm thời gian sử dụng pin. Do đó, hầu hết các hãng sản xuất đều khuyến cáo người dùng không nên để pin trong máy ảnh nếu không dùng một thời gian dài. Cũng không nên để pin được sạc đầy vì sẽ có thể làm giảm hiệu năng của pin.
8. Không nên để máy trong hành lý ký gửi khi đi máy bay
Đừng bao giờ để máy ảnh hay ống kính trong hành lý định ký gửi khi đi máy bay để tránh bị tình trạng va đập dẫn đến làm vỡ ống kính hay máy ảnh bị sứt mẻ. Các phụ kiện máy ảnh khó vỡ như chân máy, thiết bị điều khiển từ xa, cáp đèn flash, cục sạc nên được bọc lại trong quần áo nếu bạn muốn ký gửi hành lý. Tốt nhất là bạn nên luôn mang theo máy ảnh, ống kính, filter và đèn flash rời trong hành lý xách tay.
9. Nên bảo trì thường xuyên
Dù là một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, có lẽ bạn cần phải mang máy ảnh đến bảo trì ở cửa hiệu uy tín. Việc bảo trì và làm vệ sinh máy ảnh thường xuyên sẽ giúp kéo dài tuổi thọ cho máy. Hãy dùng dụng cụ thổi khí bằng tay để thổi bụi xung quanh vòng xoay, nút bấm và ống ngắm. Có thể dùng vải mịn để chùi vết dầu mỡ và bụi trên màn hình LCD của máy. Nên dùng vải mịn khi vệ sinh ống kính, nhưng cũng có thể dùng dụng cụ thổi và bàn chải để phủi bụi hay cát trước khi dùng vải chùi phần trước của máy.
Thường xuyên làm vệ sinh sẽ giúp tăng tuổi thọ cho máy ảnh. |
Hãy nhớ làm vệ sinh phần tiếp xúc điện giữa thân máy và ống kính để việc tiếp xúc tốt hơn. Thực hiện tháo pin, hướng máy xuống đất và dùng một loại dung dịch chuyên lau ống kính để chùi những gì bám trên phần tiếp xúc bằng vàng. Sau cùng, bạn có thể làm vệ sinh bộ cảm biến của máy ảnh bằng dụng cụ thích hợp.
10. Nên cập nhật firmware mới
Các hãng sản xuất có lịch phát hành định kỳ bản cập nhật firmware cho các mẫu máy ảnh, thường là vài tháng sau ngày tung ra một model mới. Các bản cập nhật firmware này có thể sửa lỗi thực thi và bổ sung những tính năng mới cho máy ảnh, chẳng hạn cải tiến độ chính xác và tốc độ lấy nét tự động.
Nên thường xuyên vào trang web của hãng sản xuất để xem firmware mới nhất phù hợp với mẫu máy ảnh của bạn, sau đó so sánh với phiên bản firmware được hiển thị trong trình đơn máy ảnh. Nếu cần, hãy làm theo quy trình cập nhật firmware trong cẩm nang hướng dẫn sử dụng máy ảnh.
Nguồn tin: pcworld.com.vn