So sánh Samyang 85mm f/1.2 và Canon 85mm f/1.2 S.S.C. Aspherical trong chụp ảnh chân dung

Trong lịch sử phát triển các loại ống kính máy ảnh, chế tạo được một ống kính 85mm với khẩu độ lớn f/1.2 là một thách thức lớn mà trong suốt một thời gian dài, gần như chỉ có Canon thống trị thị trường với các phiên bản khác nhau từ thời kỳ máy phim SLR cho tới máy ảnh kỹ thuật số DSLR. Tuy nhiên gần đây các hãng chế tạo ống kính của Trung Quốc (Mitakon) và Hàn Quốc (Samyang) đã tung ra thị trường 2 ống kính 85/1.2, phá vỡ thế độc tôn của Canon. Trong đó, phải kể tới ống kính XP 85mm f/1.2 của Samyang là một trong hai ống kính chất lượng cao đầu tiên của hãng (XP là viết tắt cho excellent performance). Mặc dù Canon đã chế tạo 5 thế hệ ống kính 85/1.2 (FD 85mm f/1.2 S.S.C. Aspherical thế hệ I và II, FD 85mm f/1.2 L, EF 85mm f/1.2 L thế hệ I và II) nhưng về thiết kế quang học, các phiên bản này không có khác biệt nhiều về chất lượng hình ảnh, còn Samyang đang có tham vọng giành thị phần từ tay Canon với vũ khí là công nghệ chế tạo ống kính mới nên sẽ rất thú vị nếu chúng ta có thể thấy ống kính mới của Samyang chất lượng như thế nào trong mối tương quan với ống kính của Canon. Mình đã giới thiệu lần trước bài đánh giá chất lượng ống kính XP 85mm f/1.2 được thực hiện bởi ePHOTOzine và photographyblog (các bạn có thể tham khảo ở đây). Lần này mình sẽ trực tiếp đánh giá ống kính mới này của Samyang và so sánh chất lượng với ống kính FD 85mm f/1.2 S.S.C. Aspherical (bản II) là tiền thân của ống kính EF 85mm f/1.2 L.

 

   Trong bài đánh giá này, mình sẽ tập trung phân tích chất lượng ống kính Samyang trước và tiến hành so sánh với ống kính FD sau, trong đó một số yếu tố đánh giá được lặp lại nên các bạn có thể đối chiếu để tự rút ra kết luận về độ chính xác của bài đánh giá. Ảnh mẫu mình cung cấp ở cuối bài, phần lớn đều là ảnh xuất trực tiếp từ máy ảnh chưa qua chỉnh sửa (một số tấm có điều chỉnh ánh sáng và cân bằng trắng mình có ghi chú ở dưới).

 

1. THÔNG SỐ KỸ THUẬT

 

   Dưới đây là bảng so sánh thông số kỹ thuật của hai ống kính (khung màu hồng là thông số được đánh giá cao hơn).

 


   Dựa theo các con số, ống XP của Samyang có nhiều lợi thế hơn Canon, hứa hẹn đem lại hình ảnh chất lượng tốt hơn với mức giá chỉ bằng hơn một nửa. Mặc dù đã xuất hiện trên thị trường đã hơn 40 năm, giá của ống kính FD vẫn giữ nguyên, thậm chí còn cao hơn phụ thuộc độ mới của ống kính, do độ hiếm, giá trị sưu tầm cao bên cạnh chất lượng luôn được đánh giá cao nhất trong các ống 85/1.2 từng được sản xuất. Trước khi đến phần so sánh hai ống kính, hãy xem chất lượng ống Samyang XP như thế nào.

 

2. THIẾT KẾ ỐNG KÍNH VÀ MỨC ĐỘ THUẬN TIỆN KHI SỬ DỤNG

   Khi mua ống kính, bạn sẽ được nhận một hộp bìa cứng, bên trong là ống kính cùng hood rời để trong một túi vải. Ống kính cấu tạo phần lớn bằng kim loại, ngàm kim loại, hood làm bằng nhựa cứng và có vòng lấy nét bọc bằng cao su. Khi cầm ống kính có cảm giác rất chắc chắn và vòng lấy nét dính tay, xoay nhẹ nhàng rất dễ lấy nét. Tuy nhiên, cũng giống như nhận xét của các nhóm khác, mình thấy vòng cao su rất dễ bám bụi, bẩn, cần được chú ý, nếu không ống kính sẽ nhìn bên ngoài bị bẩn rất nhanh. Ống kính này không có vòng chỉnh khẩu do khẩu độ được chỉnh trực tiếp trên máy, thông qua ngàm có tiếp xúc điện tử. Hiện nay Samyang mới chỉ có phiên bản ngàm Canon EF, nghĩa là có thể chỉnh được khẩu độ trên máy Canon DSLR, Canon mirrorless qua ngàm chuyển AF và máy Sony, MFT mirrorless thông qua ngàm chuyển AF cho phép chỉnh khẩu.

 

 

   Thiết kế bên ngoài mới của ống kính XP rất giống Otus của Zeiss, đặc biệt là khi gắn thêm hood có cạnh uốn mềm.

 

   

   Khác với các ống kính 85/1.2 của Canon sử dụng thiết kế “floating design” với thấu kính sau cùng nhô ra ngoài (đây cũng là điều khá phiền toái khi sử dụng Canon 85/1.2 vì thấu kính sau khá mong manh và dễ dính bẩn khi thao tác tháo lắp), Samyang XP có thiết kế thấu kính sau hơi lùi vào thân ống kính và khi lấy nét có thể thụt sâu vào bên trong hơn 1 cm.

 

   Đặt cạnh nhau các bạn có thể dễ hình dung sự khác biệt về kích thước giữa 2 ống kính. Mặc dù vòng lấy nét cao su của Samyang bám tay khi lấy nét và có thể xoay rất nhẹ nhàng nhưng bản thân mình vẫn thích cảm giác xoay vòng lấy nét bằng plastic của ống kính FD hơn do có một chút độ lỳ làm chỉnh nét với DOF cực mỏng khó bị trượt đi hơn và dạng nhám vỏ mít của vòng chỉnh khẩu FD cũng bám tay và bền hơn vòng cao su. Một yếu tố nữa là đường kính ống kính XP lớn hơn FD khá nhiều nên phải ôm trọn bàn tay mới xoay được ống XP, lúc đầu sẽ cảm giác hơi khó điều chỉnh lấy nét hơn.

 

   

   Có một điều lưu ý về việc chỉnh khẩu của ống kính XP: nếu bạn đang dùng Sony thì hãy lưu ý là có thể ngàm chuyển AF của bạn không thể điều chỉnh khẩu độ của ống kính. Mình đã thử với Viltrox II, Techart EF-NEX III, Kooka và Yongnuo (Yongnuo chỉ dành cho máy APS-C) thì chỉ có Kooka và Yongnuo có thể chỉnh được khẩu độ, còn Viltrox II không nhận khẩu ống kính, Techart III có thể chỉnh trên máy nhưng thực tế khi chụp lá khẩu không đóng lại. Nếu bạn đang dùng Sigma MC-11 hoặc Metabones thì khả năng cao sẽ không có vấn đề gì nhưng với các ngàm chất lượng thấp hơn thì nên cẩn thận, nếu không bạn sẽ phải chụp ở f/1.2 toàn bộ thời gian. 

 

   Ống kính được thiết kế để khẩu độ luôn mở lớn nhất và chỉ đóng lại ở các khẩu thấp hơn khi chụp chứ lá khẩu không khép lại ngay khi bạn chỉnh khẩu trên máy. Với đặc điểm này, bạn cần phải lấy nét chính xác ở khẩu f/1.2 và máy sẽ hạ khẩu giúp bạn khi chụp, nghĩa là việc lấy nét sẽ luôn khó hơn các ống khác do DOF rất mỏng. Nếu dùng máy Canon thì có một mẹo là bạn có thể đóng khẩu lại bằng nút DOF preview nằm ngay bên dưới phần ngàm trên thân máy và giữ nút này ở khẩu độ tùy chọn và tháo luôn ống kính ra thì lá khẩu sẽ vẫn khép lại như bạn muốn (tuy nhiên mình chưa có điều kiện thử cách này do hiện nay máy Canon của mình đang cho mượn, mình sẽ bổ sung thông tin này sau). Trong bài đánh giá này, mình dùng ngàm Kooka (ngàm này rẻ tiền như Commlite nhưng mình rất bất ngờ vì nó là ngàm duy nhất cho máy FF hoạt động được với ống kính này) để chỉnh khẩu và kết hợp dùng Techart Pro để chụp với chức năng AF (mình sẽ nói tới phần này ở cuối bài).

   Do đặc điểm này nên nếu bạn dùng ngàm chuyển không có tiếp xúc điện với máy ảnh, ngay cả Techart Pro, thì bạn sẽ luôn phải dùng ống kính này ở f/1.2.

 

 

3. ĐỘ NÉT TÂM HÌNH VÀ ĐỘ TỐI GÓC

 

   Để thực hiện đánh giá, mình đặt máy ở vị trí cố định trên bàn phẳng để chụp mẫu ở chế độ ưu tiên khẩu (A) nên máy sẽ điều chỉnh tốc độ để đảm bảo ảnh sáng như nhau. Mình sử dụng máy A7ii có bật chống rung, tắt toàn bộ các chức năng tăng độ nét, khử noise, DR và không dùng filter khi chụp. Cân bằng trắng được đặt ở chế độ tự động AWB. Ảnh chụp RAW và mình xuất thẳng ra JPEG sau khi chụp mà không có điều chỉnh gì.

 

   

   Ở hình trên, mình chọn đại diện ảnh ở f/1.2 là khẩu độ có mức độ tối góc (vignette) nặng nhất và f/3.5 là khẩu độ mà mức độ tối góc gần như không có và từ f/3.5 bạn sẽ không phải quan tâm tới tối góc nữa. Theo mình đánh giá thì mức độ tối góc ở f/1.2 rõ nhưng không phải quá nặng và phù hợp nếu bạn cần tối góc để nhấn mạnh chủ thể. Có một điều đặc biệt là giảm từ f/1.2 xuống f/2, mức độ tối góc sẽ giảm rất nhanh và độ tương phản của toàn bộ hình cũng tăng nhanh.

 

   Về độ nét tâm hình, mình có zoom lớn khu vực trung tâm mình dùng để lấy nét. Các bạn có thể thấy là khác với nhiều ống kính, khi hạ khẩu ống XP 85mm chúng ta không thấy độ nét cải thiện nhiều, mặc dù có thể thấy độ nét cao nhất ở f/8 và bắt đầu bị giảm từ f/11 do tán xạ (diffraction). Tuy nhiên cũng cần lưu ý là độ nét của ống kính này đã cao ngay từ khẩu f/1.2. Ở khẩu f/1.2 có một chút viền tím bạn có thể thấy ở quanh viền của chi tiết nhưng mức độ rất khó nhận ra và biến mất hẳn từ f/2 trở đi.

 

4. ĐỘ NÉT PHẦN RÌA HÌNH

 

   Cách đánh giá giống như phần trên nhưng mình lấy nét vào chủ thể nằm ở sát mép hình. Thông thường độ nét và tương phản giảm so với khu vực trung tâm và các lỗi của ống kính cũng bị tăng ở khu vực này.

 

   

   Không có gì ngạc nhiên khi bạn thấy chất lượng ảnh ở khu vực này kém hơn vùng tâm hình (dù không nhiều) và độ nét được cải thiện chậm, tăng dần cho tới f/11 và giảm ở f/16. Khác với vùng tâm hình, hiện tượng tán xạ xảy ra muộn hơn, tuy nhiên lỗi viền tím thể hiện rõ hơn và cho tới tận f/11 chúng ta vẫn có thể thấy một chút viền tím. Về độ tương phản, ở khẩu độ lớn độ tương phản ở khu vực gần biên của hình thấp hơn vùng trung tâm một chút nhưng phải giảm tới f/5.6 độ tương phản mới tăng rõ rệt và khá đồng đều trên toàn bộ hình.

 

5. ĐẶC ĐIỂM BOKEH

 

   Phần này mình sẽ không làm kỹ vì đặc điểm bokeh đẹp hay xấu còn tùy người đánh giá. Theo chủ quan của mình thì bokeh của ống kính này rất mượt, gần như y hệt ống FD 85mm f/1.2 S.S.C. Aspherical. Giống như các ống kính khẩu lớn khác, phần bóng tròn bokeh tròn đều ở khẩu f/1.2 và có dạng mắt mèo khi nguồn sáng ở xa dịch về phía cạnh của hình. Bóng tròn bokeh có một chút dạng vân hành (onion) nếu độ sáng ảnh không cao, tuy nhiên không nhận thấy rõ nếu nguồn sáng mạnh hoặc không định hình rõ ràng.

 

   Để tham khảo các bạn có thể xem hình bên, mình crop lấy phần bóng tròn bokeh ở khẩu f/1.2, f/2 và f/3.5 ở khu vực tâm hình và rìa hình. Trong khi khẩu f/1.2 tạo dạng bóng tròn đều, chỉ giảm xuống f/1.2 bóng bokeh đã chuyển sang dạng đa giác 9 cạnh. Một nửa các lá khẩu không xếp lên nhau khít như nửa còn lại nên bên phải bóng bokeh còn hiện dạng răng cưa. Đây cũng là một giới hạn về mức độ tinh vi trong kỹ thuật chế tạo và ống kính Samyang có truyền thống là các lá khẩu xếp không đều nhau lắm. Nếu muốn tránh dạng đa giác này, bạn chỉ nên chụp từ f/1.2 xuống f/1.4. Khi hạ khẩu xuống f/3.5 thì nếu bạn bóng bokeh là nguồn sáng, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy tia sáng từ các cạnh đa giác.

 

   Có một lưu ý nhỏ là khi mở khẩu lớn để chụp dưới điều kiện ánh sáng ban ngày ở tốc độ cao, các bạn nên lưu ý tắt màn trập điện tử (electronic first curtain), nếu không tất cả các bóng bokeh của các bạn sẽ bị khuyết nửa dưới dạng vảy cá như hình minh họa dưới đây (khá xấu khi chụp chân dung). Mình quan sát thấy hiện tượng này khi dùng tốc độ 1/2500 giây hoặc nhanh hơn và khi có bật màn trập điện tử. Nếu các bạn chụp thiếu sáng hoặc dùng kính lọc ND với tốc độ chụp chậm hơn 1/2500 giây thì bóng bokeh sẽ vẫn tròn đều.
 

 

6. MÉO HÌNH, ĐỘ CONG TRƯỜNG NÉT VÀ QUANG SAI MÀU


   Giống như nhiều ống tele khác, XP 85mm có độ méo hình rất thấp. Tuy nhiên một yếu tố khác là độ cong trường nét (field curvature) thì các bạn có thể quan sát thấy ở khoảng cách lấy nét gần. Trường nét của các ống kính phần lớn không phải là mặt phẳng song song mà thường hơi cong, giống như ống kính Petzval là một dạng điển hình của trường nét rất cong. Trường nét cong thể hiện bằng việc mặt phẳng của các điểm nét trước ống kính không nằm song song với cạnh ảnh mà cong, nên nếu bạn lấy nét vào các điểm nằm trên cùng một mặt phẳng thì chỉ có điểm nét và các điểm khác thì không. Như mình có đánh dấu trên hình dưới, các bạn có thể thấy trường nét ở khoảng cách lấy nét này (khoảng 1.5 m) dạng cong hướng phần tâm về phía gần máy ảnh. Trường nét này không những cong mà còn lệch, nghiêng bên trái lên trên. Hiện tượng này khi lấy nét ở xa sẽ không rõ và mức độ nghiêng cũng thay đổi khi lấy nét gần hơn (hình thứ hai). Đây là một biểu hiện của việc xếp thấu kính trong ống kính không thẳng tâm (decentering) và khá phổ biến với ống kính Samyang, nhất là ống 14mm f/2.8. Mặc dù với các ống góc rộng chuyên chụp cảnh, hiện tượng này khá nghiêm trọng khi một nửa hình có thể nét mà nửa còn lại chi tiết bị soft, các ống chụp chân dung chuyên dụng như XP 85mm không bị ảnh hưởng đáng kể do phần lớn thời gian, ống kính chỉ cần lấy nét vào một mặt phẳng nhỏ. 

 

   

   Một lỗi nữa của ống kính là hiện tượng quang sai màu rất giống với “viền tím” mà mình gọi là lệch màu (longitudinal chromatic aberration). Hiện tượng này xảy ra với các chi tiết phía trước và phía sau mặt phẳng điểm lấy nét và dễ nhận ra khi bạn chụp ở góc nghiêng so với mặt phẳng chụp thay vì hướng vuông góc. Nguyên nhân của lệch màu là do các tia sáng bước sóng khác nhau hội tụ không đồng thời tại cùng một mặt phẳng nên thường nửa trên (phía sau mặt phẳng nét) có ánh xanh và nửa dưới (phía trước mặt phẳng nét) có ánh hồng. Hiện tượng viền tím (purple fringing) khác ở chỗ là nó chỉ xuất hiện ở mặt phẳng điểm nét và có thể thấy ở viền quanh các chi tiết có độ tương phản cao. Cũng giống như viền tím, hiện tượng lệch màu có thể giảm khi chúng ta hạ khẩu. Như ở hình dưới các bạn có thể quan sát thấy chi tiết bên trái điểm lấy nét (lò xo) có viền màu xanh lá cây thì nửa bên phải có viền màu hồng nhạt. Tuy nhiên vùng lấy nét thì không có viền màu. Hiện tượng lệch màu giảm dần và gần như biến mất ở f/5.6. Ở hình đầu tiên mô tả độ cong trường nét, các bạn có thể để ý thấy thảm có phía trước con mèo có màu ánh hồng còn phía sau thì ánh xanh, tuy nhiên mức độ lệch màu này nhẹ, phần lớn khó để ý và các bạn có thể triệt tiêu bằng chụp ảnh RAW và loại bỏ lệch màu bằng CameraRAW trên Lightroom hay Photoshop. 

 

 

7. SO SÁNH XP 85MM VỚI FD 85MM SSC ASPH

 

   Song song với kiểm nghiệm lại độ nét, bokeh, một số đặc điểm khác của ống kính XP 85mm cũng sẽ được nhắc đến khi so sánh với FD 85mm f/1.2 S.S.C. Aspherical. 

 

7.1. So sánh độ nét trung tâm

 

 

   Với cùng phương pháp chụp như mình đã mô tả ở phần trước, độ nét trung tâm hình được kiểm nghiệm vời cùng thông số máy ảnh và mình dùng ngàm Kooka để chỉnh khẩu của ống Samyang, dùng ngàm FOTGA FD-NEX để dùng ống FD trên máy A7ii có bật chống rung cho tiêu cự 85mm. Ở hình crop chi tiết, hàng trên là ảnh Samyang, hàng dưới là Canon.

 

   Có thể thấy, độ nét và tương phản của XP 85mm nhỉnh hơn ống FD ở tất cả các khẩu độ, rõ ràng nhất trong khoảng f/3.5 tới f/8. Ống FD đạt độ nét cao nhất ở khoảng f/5.6 và hình ngả xanh tím hơn hình chụp bằng Samyang. Hiện tượng tán xạ của cả hai ống kính làm giảm chất lượng ảnh từ f/11.

 

   Độ tương phản và độ tươi màu trên toàn khung hình của XP 85mm tốt hơn ống FD nhưng cũng kéo theo hiện tượng tối góc có phần dễ thấy hơn. Cả hai ống kính đều bị viền tím nhẹ ở khẩu lớn và Samyang có viền xanh trong khi Canon có viền tím. Các bạn có thể để ý thấy màu viền tím của ống Samyang khác với lúc mình test riêng ống này, đây là do điểm lấy nét hơi dịch về phía trước hay hơi dịch về phía sau sẽ dẫn tới lệch màu xanh hoặc tím hồng. Đây cũng là yếu tố khó khi thực hiện đánh giá ống kính có DOF mỏng như thế này.

 

7.2. So sánh độ nét rìa hình


   Với cách thực hiện so sánh tương tự nhưng mình lấy nét ở khu vực gần sát rìa hình, ảnh crop hàng trên là Samyang, hàng dưới là Canon. Mặc dù có thua kém về độ nét ở khu vực trung tâm, phần rìa hình của ống kính FD lại tốt hơn XP, ít viền tím và sắc nét hơn. Độ nét rìa hình của ống XP tăng dần và đạt mức cao nhất tại f/11, trong khi FD chụp nét nhất ở f/8, sau đó cả hai đều bị giảm chất lượng ảnh khi hạ khẩu thêm. Hiện tượng viền tím của ống XP rõ hơn ở khu vực này và cho tới f/11 bạn vẫn có thể đế ý thấy một chút viền tím quanh chi tiết. Mức độ nét cao nhất của hai ống kính rất gần nhau và mình nghiêng về phía Canon hơn do không có viền tím.

 

7.3. So sánh khả năng chịu lóa (flare) và bóng sáng (ghost)


   Khi chụp ngược sáng với nguồn sáng mạnh xuất hiện trong khung hình, khác biệt về khả năng chịu lóa của hai ống kính không rõ rệt nhưng dạng flare thì khác nhau rất rõ như ở hình dưới. Trong điều kiện chụp này, sai khác về tông màu cũng rất rõ khi để máy cân bằng trắng tự động (XP có xu hướng ra ảnh ngả vàng, ấm hơn FD có phần xanh tím hơn). Lưu ý là mặc dù ống XP có được trang bị hood, ở điều kiện thế này, việc lắp hood vào không làm thay đổi mức độ lóa của hình (chỉ có tác dụng khi ánh nắng chiếu xiên ở góc nhỏ với mặt trước ống kính). 

 

   

   Mình kiểm tra lại lần nữa bằng việc dùng nguồn sáng yếu hơn từ đèn LED điện thoại. Kết quả cho thấy ống Samyang chịu lóa tốt hơn, có thể giữ được độ tương phản và chi tiết ở quanh vùng gần nguồn sáng tốt hơn Canon và không xuất hiện ghost (trong khi đó ống FD bị ghost dạng vòng tròn màu tím ở bên phải hình).

 

   

7.4. So sánh khả năng AF bằng Techart Pro

 

      Đây là một phần mới không xuất hiện trong các bài đánh giá thông thường. Với các bạn đang sử dụng máy ảnh Sony mirrorless, ngàm Techart Pro của Trung Quốc có thể biến ống kính MF của bạn thành AF bằng việc đẩy toàn bộ ống kính lên với khoảng cách xác định bằng thông tin PDAF máy nhận được từ hình ảnh. Mình so sánh hai ống kính này ở khả năng AF trên Techart Pro vì một giới hạn của FD 85/1.2 là không phù hợp với lấy nét AF bằng ngàm này. Lý do là ống FD sử dụng thiết kế floating design có vị trí thấu kính sau cố định so với bề mặt film hoặc sensor để tối ưu hóa chất lượng ảnh ở mọi vị trí lấy nét nên việc đẩy ống kính lên phía trước làm thay đổi khoảng cách này và các tính toán quang học khi thiết kế ống kính không còn đúng nữa. Để thấy sự khác biệt, mình lấy nét bằng tay khi tắt chức năng AF của Techart Pro (nghĩa là ống kính ở vị trí giống như sử dụng ngàm thường) sau đó xoay vòng nét ra xa phía sau điểm lấy nét, bật Techart Pro và để ngàm đẩy ống kính lên và lấy nét vào cùng điểm đó để so sánh chất lượng.

 

 

 

   Kết quả cho thấy là khi ống kính bị đẩy lên, mặc dù chức năng AF có thể chụp đúng nét, độ nét bị giảm đáng kể với cả 2 ống kính. Một điều rất ngạc nhiên là dù không dùng thiết kế floating hay internal focus (lấy nét trong, cũng tương tự như floating design với yêu cầu khoảng cách cố định từ thấu kính sau tới sensor) ống Samyang bị giảm chất lượng còn nhiều hơn FD khi ống kính bị đẩy lên. Do đó, mình không khuyến khích sử dụng ngàm Techart Pro với 2 ống kính này, ngoài ra còn một lý do nữa là khả năng bắt nét vào đúng điểm bạn cần ở f/1.2 tỷ lệ trúng không cao. Nếu bạn dùng Techart Pro, hãy lấy nét bằng tay ở gần điểm mong muốn trước, sau đó bật chức năng AF và cho ngàm điều chỉnh ở bước cuối cùng để đạt độ nét cao nhất và giảm tối thiểu việc giảm chất lượng hình.

 

7.5. Nhận xét chung về hai ống kính

 

   Là một ống kính chân dung chuyên dụng, Samyang XP 85mm f/1.2 có chất lượng hình ảnh tốt hơn FD 85mm f/1.2 S.S.C. Aspherical ở phần lớn các tiêu chí quan trọng, trừ độ nét ở phần rìa hình và khả năng kiểm soát viền tím. Tuy nhiên ở cả các tiêu chí này, hai ống kính đều là những ống kính có khả năng kiểm soát và chữa lỗi tốt nhất trong số các ống kính khẩu f/1.2 trên thị trường, ngay cả so với các ống tiêu cự ngắn hơn. Khác biệt rõ nhất về chất lượng ảnh của hai ống kính này là tông màu ngả vàng và ấm hơn của Samyang trong khi Canon tạo hình ảnh có phần xanh tím và lạnh hơn, ngoài ra là đặc điểm flare của hai ống này khá khác nhau và nhìn chung ống Samyang với lớp tráng phủ UMC chống được lóa và ghosting tốt hơn trong phần lớn trường hợp. Khác biệt về độ nét, viền tím, màu sắc của hai ống kính này có thể thấy trong bài đánh giá khi các bạn zoom lớn hình và so sánh ảnh gốc. Tuy nhiên trong điều kiện chụp thực tế, những sai khác này không đủ lớn và đều có thể cân bằng được dễ dàng bằng hậu kỳ nên nói về hiệu quả sử dụng, hai ống kính này không có khác biệt lớn. Cả hai ống kính đều sử dụng 9 lá khẩu và nhìn chung tính chất bokeh rất giống nhau nên có thể coi ở mục này là kết quả là hòa. 

 

   Về chung cuộc, chúng ta có thể thấy ưu thế của công nghệ mới đã giúp Samyang vượt lên trước một đối thủ có thể nói là hàng đầu trong suốt 40 năm qua (dù vượt trội ở các tiêu chí là không nhiều) và đây là một chiến thắng không nhỏ giúp Samyang vượt lên cái bóng của một công ty chuyên sản xuất ống kính thay thế rẻ tiền. Tuy nhiên, một số lỗi chế tạo ống kính vẫn được thể hiện ra khi chúng ta soi xét kỹ, phản ánh giới hạn về dây chuyền lắp ráp và kiểm tra chất lượng mà Samyang cần phải cải tiến tiếp. Do mình chỉ có một ống kính mới để kiểm tra, những lỗi này (như lá khẩu xếp không đều hay mức độ cong trường nét, lệch tâm) có thể sẽ khác ở ống kính mà bạn nhận được. Chất lượng hình ảnh tốt với mức giá hấp dẫn (chỉ hơn nửa giá ống SSC, ngang ngửa giá bản FD 85mm f/1.2L và bằng 1/2 giá ống EF 85mm f/1.2 L ii) có thể giúp Samyang XP nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và đạt thành công lớn hơn những gì hãng đã có với phiên bản f/1.4.

 

8. ẢNH MẪU

 

   Cuối cùng, các bạn có thể xem ảnh chụp mẫu bằng máy A7ii ở đây. Để xem và download ảnh ở độ phân giải cao nhất, các bạn có thể click vào link sau để tới Flickr của Vsion. Phần lớn ảnh mình cũng cấp là chụp ở f/1.2 tới f/2, do đây là khẩu được dùng nhiều nhất. Ảnh mẫu chụp tại khẩu thấp hơn mình có thể cung cấp sau trong album XP 85mm f/1.2 của Vsion hoặc các bạn có thể tham khảo ở bài viết mình giới thiệu đánh giá của ePHOTOzine và photographyblog.

 

   Ảnh chụp tại f/1.2 ở các khoảng cách lấy nét khác nhau (các ảnh chụp trong nhà, trong quán cafe mình đều hạ cân bắng trắng xuống do ảnh bị ám vàng nặng dưới ánh đèn, còn ngoài ra mình không can thiệp gì vào ảnh). Kinh nghiệm của mình là khi chụp các bạn nên chụp RAW để có thể chỉnh lại cân bằng trắng dễ dàng khi hậu kỳ hoặc giảm cân bằng trắng xuống một chút để ảnh đỡ ám váng.

 

   Ảnh chụp tại f/1.4

   Ảnh chụp tại f/2

   Ảnh chụp tại f/1.2 đã qua hậu kỳ:

 

 

 

   Mặc dù kém hơn XP 85mm ở nhiều tiêu chí, ống kính FD 85mm f/1.2 S.S.C Aspherical vẫn là một ống kính chân dung rất tốt và có giá trị sưu tầm cao. Các bạn có thể tham khảo một số ảnh mình đã chụp bằng ống kính này (ảnh chụp bằng A7ii, khẩu độ f/1.2 – f/1.7 và đều đã xử lý hậu kỳ). Các bạn có thể xem thêm ở album của mình trên Flickr.

 

Visited 47 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...