Bài viết về so sánh nhiếp ảnh phim & kỹ thuật số

Bài viết sau sẽ phân tích cho bạn sự khác nhau rõ ràng chi tiết nhất về nhiếp ảnh bằng máy Phim và máy Số , và sẽ cho ta hiểu tại sao vẫn còn nhiều người vẫn thích dùng máy phim trong thời đại công nghệ này

Độ phân giải
Khi nói đến các định dạng kỹ thuật số (digital) và tương tự (analog), giới nhiếp ảnh muốn biết chắc rằng nỗ lực của họ sẽ có kết quả bằng những bức ảnh độ phân giải cao, sắc nét. Với cảm biến hình ảnh kỹ thuật số, độ phân giải được tính theo số điểm ảnh trong một diện tích cụ thể. Công nghệ nhiếp ảnh phim không có điểm ảnh và do đó phân tích độ phân giải của phim được tính theo độ phân giải góc (angular resolution). Cả hai cách tính này có thể có tương quan với nhau và do đó được so sánh để tìm kiếm độ phân giải tương đương.

Tương tự như trường hợp các loại bộ cảm biến khác nhau trong kỹ thuật số cho ra độ phân giải khác nhau, các loại phim khác nhau cũng sẽ cho ra độ phân giải khác nhau. Theo phân tích của Roger N. Clark – một chuyên gia trong ngành nhiếp ảnh – về loại phim 35mm chuẩn, tùy theo loại phim được sử dụng sẽ cung cấp độ phân giải nằm giữa mức từ 4 đến 16 triệu điểm ảnh. Thí dụ, Clark nghiên cứu thấy loại phim Provia 100 của Fujifilm cho độ phân giải khoảng 7 megapixel (MP) trong khi phim Velvia 50 của Fujifilm cho độ phân giải khoảng 16MP. Nếu những mẫu camera kỹ thuật số phổ thông như D3330 của Nikon cho ra độ phân giải khoảng 24MP, thì loại phim 35mm không có nhiều lợi thế trong trường hợp này.

Phim 35mm không có nhiều lợi thế trong việc cung cấp ảnh độ phân giải cao.

Nếu vậy thì nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ chọn cách chụp ảnh với phim định dạng vừa hoặc lớn. Theo nghiên cứu của một nhóm gồm 4 chuyên gia của ngành nhiếp ảnh thì loại phim định dạng vừa có khả năng chụp ảnh độ phân giải 400MP rất đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, sau khi quét lại bằng phương pháp kỹ thuật số thì những ảnh này chỉ có độ phân giải 50 – 80MP. Một thí nghiệm khác cũng do Roger N. Clark thực hiện cho thấy phim định dạng lớn hơn như 4 x 5-inch có thể chụp được các ảnh tương đương 200 MP.

Nói tóm lại, máy ảnh dùng phim 35mm mà bạn mua từ chợ bán đồ cũ có thể không chụp tốt hơn các mẫu camera kỹ thuật số mới nhất, nhưng loại máy ảnh phim định dạng vừa hay lớn lại có thể đạt và vượt độ phân giải của những mẫu máy mới nhất có giá 40.000 USD của hãng sản xuất Phase One nổi tiếng.

Nhiễu kỹ thuật số/Hạt li ti trên ảnh phim
Những kết cấu nhỏ tình cờ xuất hiện trong một bức ảnh có thể gọi là nhiễu kỹ thuật số hay hạt li ti trên ảnh phim. Đối với loại phim tương tự, hạt li ti là kết quả của các phần tử hóa học không nhận đủ ánh sáng. Trong các bộ cảm biến hình ảnh kỹ thuật số, nhiễu là kết quả của những tín hiệu thừa được tạo ra bởi hệ mạch kỹ thuật số của camera. Hiện tượng này xảy ra do lượng nhiệt vượt mức gây ra hay do khả năng xử lý của bộ cảm biến đối với tín hiệu rối loạn trong sóng không khí.

Một số nhà nhiếp ảnh cố tình biến hiện tượng ảnh đen trắng bị hạt nhằm thêm nét đặc sắc.

Tăng thêm độ nhạy sáng ISO của camera kỹ thuật số hay chọn loại phim tốc độ cao sẽ khiến ảnh chụp của bạn dễ bị nhiễu hay bị hạt. Trong nhiều trường hợp, không ai muốn xảy ra hiện tượng nhiễu trong ảnh màu. Tuy nhiên, đối với ảnh đen trắng, một số nhà nhiếp ảnh xem hiện tượng bị hạt là để thêm nét đặc sắc chứ không phải là một điểm tiêu cực.

Thử nghiệm do chuyên viên công nghệ ghi từ tính Norman Koren cho thấy nhiếp ảnh kỹ thuật số đã tiến hóa đến mức ít bị hiện tượng nhiễu hơn so với tốc độ phim đạt được tương đương. Dĩ nhiên, hiện tượng nhiễu kỹ thuật số còn tùy thuộc vào bộ cảm biến trong camera số, do đó các máy đời cũ hơn có thể không hữu hiệu bằng các model đời mới.

Một điểm cuối cùng phải xét đến đối với hiện tượng nhiễu/hạt là phim có thể được sử dụng như một phương tiện tốt hơn để chụp được các ảnh phơi sáng lâu. Các bộ cảm biến hình ảnh phải được sử dụng ở nhiệt độ thấp để tránh bị nhiễu nhiệt, một quy trình khó có thể áp dụng với việc sử dụng hệ mạch tạo ảnh kéo dài. Trái lại, phim không bị vấn đề gì với trường hợp quá nhiệt.

Dải tần nhạy sáng
Một khi bạn thích chụp bằng máy ảnh phim tương tự hơn máy ảnh số thì dải tần nhạy sáng không còn là vấn đề phải cân nhắc như trước đây. Trong khi dải tần nhạy sáng của một hình ảnh là quy trình phức tạp phải xem xét đến bộ cảm biến được sử dụng, kiểu nén tập tin và các yếu tố khác, thì kỹ thuật số rốt cuộc đang thắng thế đối với phim tương tự.

Mẫu camera Nikon D810 có đến 15 điểm dừng dải tần nhạy sáng.

Theo một tài liệu của Kodak, hầu hết các loại phim có khoảng 13 điểm dừng (stop) dải tần nhạy sáng. Các loại máy ảnh số hiện đại ngày nay tất cả đều có khoảng 14 điểm dừng dải tần nhạy sáng, riêng với các mẫu cao cấp như Nikon D810 có đến 15 điểm dừng. Phim cũng liên tục có dải tần nhạy sáng không ngờ, nhưng công nghệ kỹ thuật số có thể dễ dàng bắt kịp.

Thử nghiệm độc lập về dải tần nhạy sáng trên các loại camera chụp bằng phim, như những cuộc thử nghiệm do Roger N. Clark thực hiện, cho thấy các mẫu máy ảnh số cao cấp được sản xuất trong năm 2005 bắt đầu có “dải tần nhạy sáng rất lớn so với các bản quét của ảnh rửa hay phim slide”. Loại phim được sử dụng trong thử nghiệm gồm Kodak Gold 200 và Fujifilm FujiChrome Velvia.

Ngoài ra, nhiều mẫu máy ảnh số đời mới tận dụng tính năng chụp liên tiếp và tính năng HDR để tạo ra những ảnh có dải tần nhạy sáng cao khác thường ngoài khả năng của phim.

Tốc độ nhạy sáng
Nói đến chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu thì bộ cảm biến hình ảnh kỹ thuật số có vẻ thắng thế. Phim bán trên thị trường thường có tốc độ nhạy sáng (ISO) giữa 100 đến 3.200, nhưng cũng có loại phim tốc độ lên đến 6.400. Máy ảnh số ngày nay có thể có khả năng giảm nhiễu như các loại camera tương tự trong dải tần này và có dải tần nhạy sáng nhiều điểm dừng hơn. Các mẫu camera kỹ thuật số tiêu dùng như X100T của Fujifilm có thể kích độ nhạy sáng ISO lên đến 51.200 trong khi các mẫu máy Nikon chuyên nghiệp, như D4s, có thể chụp với độ nhạy sáng ISO “khủng” lên đến 409.600.

Camera kỹ thuật số cũng có lợi điểm là có thể thay đổi tốc độ phim giữa từng ảnh chụp. Đối với các loại phim cuộn phổ biến nhất được dùng hiện nay (135, 120…), độ nhạy sáng ISO không thay đổi cho cả cuộn phim. Trường hợp ngoại lệ là camera định dạng lớn dùng mỗi lần một bản, nên có thể thay đổi tốc độ giữa các lần chụp.

Phim tương tự có thể nâng hay hạ nhiều điểm dừng khi cần, nhưng mức tương phản trong hình ảnh sẽ bị ảnh hưởng. Một số nhà nhiếp ảnh dùng phương pháp này để tạo ra phong cách lý tưởng họ muốn đạt. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn không cho phép chỉnh tốc độ ISO đến mức cực cao mà không ảnh hưởng đến tông màu hình ảnh.

Chi phí và sự tiện lợi
Về mặt chi phí và tiện lợi, cả định dạng kỹ thuật số và định dạng tương tự đều có ưu và nhược điểm. Muốn chọn lựa một trong hai tùy chọn này, bạn phải xét đến số ảnh bạn muốn chụp trong một khoảng thời gian nhất định, ảnh có cần gấp hay không và loại chủ thể bạn muốn chụp.

Chụp ảnh bằng máy phim hay kỹ thuật số hoàn toàn tùy thuộc vào sở thích của bạn.

Định dạng kỹ thuật số có chi phí đầu tư ban đầu tốn kém hơn và bạn phải nâng cấp thiết bị của mình trong vòng vài năm vì công nghệ luôn phát triển. Đối với những người cần truy xuất hình ảnh ngay sau khi chụp, không gì nhanh và tiện lợi hơn định dạng kỹ thuật số. Khi chụp ảnh hành động tốc độ cao, cũng không lo bị hết phim. Các loại thẻ nhớ dung lượng lớn có thể dễ dàng lưu trữ hàng trăm hay hàng nghìn ảnh độ phân giải cao.

Định dạng tương tự có chi phí đầu tư ban đầu chấp nhận được và bạn có thể sử dụng máy chụp phim của mình hàng chục năm, vì cải tiến chỉ được thực hiện chủ yếu đối với phim mà thôi. Do đó người chụp ảnh định dạng tương tự sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua phim và rửa ảnh. Cần phải giữ gìn phim cẩn thận hơn vì không thể xóa phim như định dạng kỹ thuật số và ảnh không thể truy cập được ngay. Những cửa hiệu rửa ảnh hiện cần ít nhất 24 giờ, hay thậm chí vài ngày, để hoàn tất quy trình tạo ra ảnh. Đáng buồn là các cửa hiệu chụp rửa ảnh nhanh ngày càng hiếm.

Thí dụ bạn muốn mua một máy ảnh số hiện đại có độ phân giải, dải tần nhạy sáng và độ mịn tương đương với loại phim ISO 100, có thể chọn mẫu Nikon D3300. Đây là mẫu camera cơ bản đạt mọi tiêu chí với giá mua ban đầu có thể lên đến 500 USD. Nhưng với một thẻ nhớ rẻ tiền (chỉ khoảng 30 USD), bạn có thể chụp vô số ảnh và xóa những ảnh không cần đến. Sau đó, bạn có thể chọn nâng cấp camera của mình trong vòng 5 năm với một khoản tiền 500 USD nữa.

Ảnh chụp bằng phim cần phải được giữ gìn cẩn thận để không bị hư hỏng theo thời gian.

Nếu muốn sở hữu một camera chụp phim bình thường với giá 150 USD và chụp 100 ảnh mỗi tháng trong mỗi năm, tổng chi phí mua phim sẽ là khoảng 260 USD (dùng loại phim Kodak Ektar 100 Pro) và chi phí tráng rửa sẽ là khoảng 370 USD. Trong thời gian 5 năm, bạn có thể không muốn nâng cấp camera, nhưng tổng chi phí tráng rửa và mua phim vẫn lên đến 3.200 USD.

Kết luận
Tiến bộ kỹ thuật số đã bắt kịp công nghệ nhiếp ảnh phim về nhiều mặt, khiến người tiêu dùng hết tranh luận rằng phim tốt hơn định dạng công nghệ. Tuy nhiên, lý do đáng chú ý nhất để chụp ảnh định dạng tương tự có thể là độ phân giải đạt được từ camera định dạng trung bình. Nhưng không phải tất cả lời giải đều có thể nằm trong các so sánh về mặt kỹ thuật. Nhiều người cho rằng chụp ảnh định dạng tương tự là một trải nghiệm riêng tư và thú vị hơn. Và cuối cùng quyết định đó là hoàn toàn tùy bạn.

Theo pcworld.com

Visited 9 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...