Không có Canon 6D mark II ra mắt như đồn đoán
Việc Canon EOS 6D Mark II không ra mắt đã làm nhiều người mong chờ chiếc máy này phải thất vọng, nhưng lại không có gì bất ngờ với 50mm Vietnam. Ba chiếc máy mới gồm EOS 800D, 77D và EOS M6 được công bố nhắm tới phân khúc người mới nhập môn.
Canon EOS 6D Mark II lỡ hẹn
Nhiều người đã mong chờ chiếc EOS 6D Mark II sẽ được ra mắt vào thời gian này và sau đêm qua đã phải thất vọng. Đây không phải điều nằm ngoài dự đoán của 50mm Vietnam. Vì trong một bài viết trước đó khá lâu trên fanpage của chúng tớ thì theo những tin mật mà đã có được, phiên bản tiếp theo của chiếc máy ảnh cảm biến full-frame giá rẻ này sẽ chỉ có thể có mặt vào tháng 6 năm nay.
Vẫn còn là bức màn bí mật về cấu hình của chiếc máy ảnh này, tuy nhiên với phong cách truyền thống của Canon thì các sản phẩm ra mắt vào nửa cuối năm sẽ là những “quả nổ” đáng xem hơn nhiều.
Dual Pixel CMOS AF – Toàn dân quay phim
Trước khi nói về những chiếc máy mới vừa được ra mắt, chúng tôi sẽ nói về một tính năng mới-mà-không-mới vừa được trang bị trên cả 3 chiếc máy này, đó là Dual Pixel CMOS AF (DPAF). Đây là một tính năng lấy nét khá đặc biệt, được tích hợp trên cảm biến của những chiếc máy từ trung đến cao cấp, giúp cho việc lấy nét khi chụp hoặc quay phim trên màn hình Liveview dễ dàng hơn rất nhiều đối với mọi người.
Công nghệ này lần đầu tiên xuất hiện trên chiếc EOS 70D, sau đó là 7D Mark II, 80D, 1DX Mark II, 5D Mark IV và mới dây là chiếc không gương lật EOS M5. Bạn có thể xem tác dụng của DPAF đối với việc chụp ảnh ở video dưới đây.
Có thể thấy là công nghệ này chưa từng xuất hiện trên các dòng dành cho người mới, những chiếc máy ảnh như EOS 750D, 760D chỉ được trang bị công nghệ Hybrid CMOS AF III (HAF), công nghệ này cũng giúp lấy nét trên màn hình liveview đơn giản hơn, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách khá xa đối với người đàn anh DPAF.
Khác nhau rõ ràng nhất ở chỗ DPAF cho phép lấy nét đuổi theo chủ thể trong khi di chuyển (tracking) một cách rất mượt mà và chuẩn, nhưng HAF thì lại không thể. Việc tracking này có giá trị rất lớn đối với những người muốn chuyển từ chụp ảnh sang quay phim, vì kể cả những chiếc máy cao cấp nhưng cũ hơn một chút như EOS 6D, 5D Mark III nếu bạn muốn quay phim cũng phải biết cách lấy nét bằng tay. Hãy cùng xem tác dụng của DPAF ở video dưới đây trong việc quay phim.
Rõ ràng việc đem DPAF xuống với dòng máy dành cho người mới đã chứng tỏ một điều rằng: Canon thực sự muốn thúc đẩy mọi người quay phim nhiều hơn, vì đây đã là thời đại của video rồi.
Không mirrorless full-frame, Canon tiếp tục tấn công thị trường người mới
Dù có rất nhiều đồn đoán về một chiếc máy ảnh Mirrorless cảm biến full-frame của Canon, tuy nhiên vẫn theo những thông tin mật của chúng tớ thì hãng này năm nay sẽ không có một chiếc nào như vậy cả, thay vào đó là hai sản phẩm tầm trung, trong đó có chiếc EOS M6 đã chính thức lộ diện.
Canon EOS M6 có vẻ như là một sản phẩm thay thế cho chiếc EOS M3, vì theo như chúng tớ quan sát, cấu hình của chiếc máy ảnh khá ổn, thêm vào đó là một vẻ ngoài ngầu hơn so với phân khúc giá rẻ là chiếc EOS M10.
Một vài điểm đáng chú ý ở cấu hình của Canon EOS M6:
- Trang bị tính năng lấy nét Dual Pixel CMOS AF với khả năng lấy nét theo pha
- Cảm biến 24.2 Megapixel CMOS (APS-C) kích cỡ crop.
- Khả năng lấy nét và chụp hình liên tiếp ở tốc độ cao lên tới 7 hình/s và 9 hình/s nếu khóa nét.
- Chip xử lý mới nhất DIGIC 7
- Dải ISO trải dài 100–25600
- Khả năng quay video Full HD 60p
- Có thể chống rung năm trục nếu sử dụng một số ống kính nhất định (ở đây là EF-M 18–150mm f/3.5–6.3 IS STM hoặc EF-M 15–45mm f/3.5–6.3 IS STM)
- Có khả năng kết nối WIFI và Bluetooth
- Màn hình cảm ứng 3 inches và có thể lật lên xuống.
- Có cổng Mic
- Cớ tới 5 bánh xe để cài đặt tùy chọn theo ý muốn (có 1 bánh xe chỉnh chế độ M, Av, Tv và P rồi nên thực ra chỉ tính là 4)
- Có thể sử dụng các ống kính EF, EF-s thông qua ngàm chuyển và những phụ kiện chỉ định trên hệ EOS
- Có 2 màu đen và bạc.
- Kích thước: 112 x 68 x 45 mm
- Cân nặng: 343g
Đi kèm với chiếc EOS M6 này thì Canon còn cho ra mắt thêm một chiếc ống ngắm điện tử EVF-DC2, có 2 màu bạc và đen, vẫn có độ phân giải 2,36 triệu điểm ảnh, nhỏ và nhẹ hơn so với bản DC1, tuy nhiên không lật được lên xuống như phiên bản cũ. Cũng phải nói thêm là chiếc EVF màu bạc này có lẽ là một chất xúc tác để lần đầu tiên, Canon ra mắt một chiếc máy Mirrorless có vẻ ngoài rất “classic” thế này.
Tựu chung lại, chiếc EOS M6 này thực sự là một chiếc máy mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Một là vì vẻ ngoài đẹp một cách cổ điển, nó thực sự làm tôi cảm thấy xiêu lòng, hai là vì cấu hình không thua quá xa với chiếc M5 mới ra mắt năm ngoái, thêm một điểm nhấn nho nhỏ là giá của chiếc EOS M6 này cũng không rẻ hơn chiếc EOS M5 là bao nhiêu (nếu mua thêm ống ngắm điện tử), cuối cùng thì là cách đặt tên chả biết đường nào mà lần của dòng EOS M này. À mà quên, cũng phải nói tới chế độ chống rung 5 trục lần đầu tiên có mặt trên các sản phẩm của Canon, các bạn có thể xem thêm ở video dưới đây:
Canon EOS M6 sẽ có giá $780 cho thân máy riêng (xấp xỉ 17 triệu), nếu với kit EF-M 15-45mm F3.5-6.3 IS STM thì sẽ là $900 (khoảng gần 20 triệu đồng) và với kit EF-M 18-150mm F3.5-6.3 IS STM sẽ là $1280 (khoảng 27 triệu đồng). Riêng chiếc ống ngắm EVF-DC2 sẽ có giá $250 (khoảng 5,5 triệu đồng). Tất cả sẽ lên kệ vào tháng 4 năm nay.
Canon EOS 800D & EOS 77D – Những người mới chơi đang được hưởng lợi
Đây là hai chiếc máy ra đời để gối đầu lên phân khúc dành cho người mới. EOS 800D thì là phiên bản mới hơn của 750D và EOS 77D là phiên bản tiếp theo của 760D. Hãy cùng xem 2 video dưới đây giới thiệu về 2 chiếc máy này:
Đầu tiên là EOS 800D
Và sau là EOS 77D
Không có nhiều thay đổi về ngoại hình, nhưng cả Canon EOS 800D và EOS 77D lại được “buff” sức mạnh khá nhiều. Đầu tiên là về Dual Pixel CMOS AF (DPAF) như đã nói ở trên, cả hai chiếc máy này cũng đã được thừa hưởng công nghệ vô cùng tân tiến này. Và sau đây là những điểm sáng về cấu hình của cả 2 chiếc máy:
- Hệ thống 45 điểm lấy nét all Cross-type
- Được trang bị công nghệ lấy nét Dual Pixel CMOS AF
- Cảm biến 24.2 Megapixel CMOS (APS-C) kích cỡ crop.
- Chỉ xử lý DIGIC 7
- Dải ISO trải dài 100–25600
- Có Wi-Fi®2, NFC3 và Bluetooth®4 để dễ dàng kết nối với cac thiết bị khác
- Màn hình cảm ứng xoay lật nhiều hướng, kích thước 3 inches
- Có cổng Mic
- Chống rung điện tử khi quay phim (Movie Electronic IS)
- Cho quay HDR Movie & Time-Lapse Movie
- Chụp ảnh liên tiếp với tốc độ lên đến 6 hình / giây
- Quay phim ở độ phân giải Full HD 1920 x 1080 @ 60p
Nếu nhìn cấu hình này thì tôi không khỏi nghĩ đến đây chính là một chiếc Canon EOS 80D thay vỏ, với cấu hình gần như giống hệt. Điều này sẽ thực sự làm cho người tiêu dùng cảm thấy đau đầu, đau đầu vì có quá nhiều lựa chọn trên thị trường trong tầm giá loanh quanh 15 triệu này, đếm qua thì bạn có tới 5 sự lựa chọn: Canon EOS 750D, 760D, 800D, 77D và 70D.
Trước đây nếu phải lựa chọn giữa EOS 750D và 70D thì tôi có thể không ngần ngại chỉ ra rằng nên mua 70D vì rất nhiều điểm ưu việt hơn, tuy nhiên giờ thì câu chuyện đã khác. Ngoài việc có một thân máy chất liệu tốt hơn và thiết kế nút bấm có phần tiện hơn so với EOS 800D hay 77D thì chiếc 70D không có bất cứ cửa nào để so sánh. À nhưng tất nhiên nếu bạn chỉ có tầm tiên thấp hơn 15 triệu thì chiếc EOS 70D vẫn là một lựa chọn sáng giá nhé.
Cũng phải nói thêm về một cơn đau đầu khác là việc đặt tên của Canon đang có chút gây khó khăn cho người dùng, hết 760D và giờ là 77D, theo tôi thì giờ người chơi hãy chăm ghé 50mm Vietnam nhiều hơn thì mới hiểu thêm được những chiếc máy ảnh này đang ở phân khúc nào.
Vậy Canon EOS 800D và EOS 77D có gì khác nhau?
Tiêp theo, chúng ta sẽ nói qua một chút về vấn đề tại sao 2 chiếc máy ảnh có cùng cấu hình lại phải chia ra làm 2 chiếc khác nhau làm gì, sau đây chính là lời giải đáp.
- Canon EOS 800D không có màn hình LCD phụ ở phía trên, cũng không có thêm bánh xe điều chỉnh khẩu độ ở phía sau máy, Canon EOS 77D có cả 2 cái này. Những điều này có đem lại sự khác biệt nhiều không? Câu trả lời là có! Đây chính là những yếu tố khá quan trọng giúp bạn thao tác nhanh hơn với chiếc máy ảnh của mình.
- EOS 77D được thừa hưởng chế độ đo sáng 7650-pixel RBG+IR của 80D, giúp cho việc đo sáng chính xác hơn so với 800D.
- EOS 77D có chế độ Anti-Flicker, giúp việc chụp dưới những bóng đèn tuýp trở nên đỡ khó chịu hơn rất nhiều, nó sẽ tránh được các nhịp quét làm ảnh bị tối vàng 1 phần. Là một người sử dụng EOS 6D, chiếc máy không có tính năng này, tôi cảm thấy vô cùng khó chịu khi phải chụp ở dưới bóng đèn tuýp.
- Còn một nghi vấn mà chúng tôi chưa được giải đáp đó là việc EOS 77D liệu có tùy chỉnh được White Balance theo độ Kelvin hay không thì còn phải hồi sau mới rõ, còn 800D thì chắc chắn là không thể.
Giá bán cũng là điểm mà chúng ta sẽ thấy khác nhau:
- Canon EOS 800D có giá dự kiến là: $749.99 cho thân máy, $899.99 với kit EF-S 18-55mm f/4-5.6 IS STM mới.
- Canon EOS 77D có giá dự kiến là $899.99 cho thân máy, $1,049.00 với kit EF-S 18-55mm f/4-5.6 IS STM mới.
- Điểm chung là cả 2 sẽ cùng lên kệ vào tháng 4 năm nay.
Ống kính Kit EF-S 18-55mm f/4-5.6 IS STM hoàn toàn mới
Đi kèm với 2 chiếc máy mới, Canon một lần nữa, làm lại ống kính kit 18-55 của mình. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây đã là lần thứ 6 hoặc 7 chiếc ống kính này được làm lại.
Hình trên là so sánh về chiếc ống kính mới với ống kính 18-55 hiện tại, về chiều ngang thì không có nhiều thay đổi, tuy nhiên chiều dài của ống kính mới đã được rút ngắn khá rõ ràng, theo nhà sản xuất là lên tới 20%, sự co ngắn này sễ có giá trị nếu bạn là một người ưa thích du lịch và mong muốn sự gọn nhẹ.
Theo những gì Canon cho biết thì chiếc ống kính này tuy ngắn lại nhưng sẽ không làm giảm chất lượng ảnh đi, thêm vào đó nữa là khả năng chống rung lên tới 4 stops, sẽ giúp bạn có được những bức hình ưng ý ở tốc độ chụp chậm.
Và nhân dịp thu ngắn chiều dài lại thì Canon cũng làm bất ngờ người tiêu dùng khi chiếc ống kính kit mới EF-S 18-55mm f/4-5.6 IS STM có giá dự kiến lên tới $249 (xấp xỉ 5,5 triệu đồng). Đây là một cú shock nhẹ vì với giá này thì mình sẽ đi mua EF-S 18-135mm f/3.5 – 5.6 IS STM với giá khoảng 6 triệu đồng.
Theo 50mm.vn