Sigma SD Quattro – điềm tĩnh khám phá thế giới màu sắc của Foveon

Bài viết rất sâu của tác giả sGear từ tinhte.vn về cảm biết Foveon “Thần Thánh” của các dòng máy ảnh sigma, nếu bạn là người yêu thích màu sắc, mời bạn theo dõi bài viết sau

Thế giới Foveon là thế giới của những khung hình với độ chi tiết và màu sắc vượt trội được ghi nhận lại bởi cảm biến Foveon độc quyền do hãng Sigma phát triển. Được thương mại hóa lần đầu tiên với chiếc DSLR SD9 xài cảm biến Foveon hồi cuối năm 2002, mãi đến năm 2008 khi chiếc compact DP1 với cảm biến kích thước gần bằng APS-C ra mắt và tiếp sau đó là là 1 chuỗi các máy compact DP2, DP1x, DP2s, DP2x, DP Merrill, DP Quattro cho đến DSLR như SD14, SD15 hay SD1 Merrill thì sự đặc biệt của cảm biến Foveon mới được người chơi ảnh để mắt đến nhiều hơn.

[IMG]
Thiết kế khá dị của chiếc Sigma SD Quattro

Tuy nhiên, qua nhiều năm phát triển cho đến ngày nay thì cộng đồng người dùng máy ảnh Sigma vẫn chỉ là một cộng đồng nhỏ bé rất ít người chơi. Tại sao lại như vậy?

Đó là vì để sống chung được với Foveon thì bạn sẽ phải chấp nhận những khiếm khuyết khó chịu như sau của các máy ảnh Sigma:

  • Lấy nét siêu chậm, chậm từ P&S cho đến DSLR
  • Lưu file siêu lâu, có khi lên đến hơn 10 giây cho 1 tấm ảnh
  • Máy nóng rất nhanh, chụp liên tục chừng vài chục tấm là máy có khả năng bị treo do quá nóng
  • Pin hao chóng mặt, người chơi Sigma chỉ cảm thấy an tâm xách máy ảnh ra khỏi nhà khi thủ sẳn trong người 4 viên pin. Một viên pin chụp được chừng 30-40 tấm.
  • Quên Jpeg đi và hãy luôn chụp Raw.
  • File ảnh muốn đạt được hiệu quả tối đa phải được xử lý bằng phần mềm riêng SPP (Sigma Photo Pro) của hãng, LR hay ACR thì hãy đợi file Tiff xuất ra từ SPP đã rồi tính
  • Quên luôn khái niệm ISO đi nếu muốn có một bức ảnh tuyệt hảo, lời khuyên là khi lấy máy về hãy set sẳn ISO ở mức thấp nhất 100 rồi đừng bao giờ nghĩ đến nó nữa.
  • Nếu bạn chơi dòng compact của Sigma thì bạn phải làm quen những máy có tiêu cự cố định theo chuẩn quy đổi FF như 21mm, 28mm, 45mm và 75mm.

Vậy đó, nếu bạn vượt qua được những khó khăn trên thì bạn xứng đáng được tận hưởng những bức ảnh ngoài sức tưởng tượng, ngoài những gì mà mắt thường của bạn có thể nhìn thấy được. Thực ra thì cũng không có gì ghê gớm lắm đâu, nó như bức ảnh bình thường của một hàng rau bày bán trong chợ như thế này thôi:

[IMG]

2. Sigma SD Quattro
SD Quattro
là chiếc máy Mirrorless đầu tiên vừa được ra mắt trong năm nay 2016. Mặc dù là 1 chiếc Mirrorless hoàn toàn mới nhưng Sigma vẫn chọn giải pháp an toàn khi trung thành với ngàm cũ SA để tận dụng được nguồn ống kính Sigma sẳn có và một phần nguồn ống kính Pentax cũng có thể gắn sang được.

[IMG]

Ngoài một ngoại hình khá dị cho những ai không thích đụng hàng thì SD Quattro còn có gì đặc biệt?

  • Danh sách những nhược điểm nêu ở phía trên sẽ được giảm cường độ lại còn chừng 1/3 (lưu ý là chỉ giảm cường độ chứ không giảm số lượng nhé)
  • Dung hòa được sự to nặng nhưng đầm tay của DSLR với sự nhỏ gọn nhưng thiếu sự vững chãi của máy compact
  • Gắn được nhiều ống kính rời
  • Có EVF và có thể chuyển nhanh qua lại chỉ với 1 cần gạt
  • Có Focus Peaking để chơi lens MF
  • Vẫn giữ được chất lượng ảnh tuyệt hảo của cảm biến Foveon
  • Mức giá cực kỳ hợp lý để số đông có thể tiếp cận và trải nghiệm

3. Trải nghiệm với Sigma SD Quattro
Bạn có công nhận rằng một món ăn dù ngon cỡ nào nhưng ăn hoài thì cũng sẽ đến lúc phát ngán? Dĩ nhiên là như vậy! Người chơi ảnh hay nói đúng hơn là những máy ảnh gia cũng thế, những con người không phải trăn trở, chắt chiu nhiều về việc tìm tòi những góc ảnh nghệ thuật, cũng không bị chi phối nhiều bởi cơm áo gạo tiền qua những shots ảnh. Đối với họ, máy ảnh chỉ đơn giản là một người bạn đồng hành ở một giai đoạn nào đó, giúp đem lại cho họ được niềm vui qua những trải nghiệm bấm máy hay thậm chí là cảm giác nhất thời như đập hộp ngửi mùi mới của 1 chiếc máy brandnew.

Sigma SD Quattro không giống với bất cứ một chiếc máy ảnh nào mà mình đã cầm qua từ trước tới giờ, từ ngoại hình cho đến trải nghiệm chụp ảnh. Bởi vì những nhược điểm của nó nên quá trình “sống chung với lũ” sẽ mang đến cho chúng ta những trải nghiệm hết sức thú vị sau đây:

✔ Cầm 1 chiếc máy chậm chạp và hao pin thì bạn sẽ quan sát nhiều hơn, cân nhắc nhiều hơn trước khi bấm những shot hình. Nếu như với máy ảnh thông thường bạn chụp 10 tấm chọn được 1 thì với SD Quattro, 10 tấm bạn có thể lấy được khoảng 5-6 tấm. Khá hiệu quả phải không?

[IMG]

✔ Cũng vì lí do sợ hao pin mà chụp xong bạn cũng không dám view lại nhiều, cũng hạn chế xóa hình vì bất kỳ hoạt động nào cũng đều ngốn đi 1 lượng pin quý giá. Vì thế nên khi cầm SD Quattro mình thường chuyển sang EVF để tiết kiệm được 1 phần pin nuôi màn hình. Giống như cầm 1 chiếc máy phim, tính toán cẩn thận chụp xong là không để ý gì đến shot hình vừa chụp nữa.

[IMG]

✔ Hay khi chơi với ống MF, Focus peaking trên SD Quattro là 1 điểm nâng cấp quan trọng nếu so với chiếc DSLR SD1 Merrill, bạn sẽ dễ dàng lấy nét với những ống kính có dof siêu mỏng như thế này:

[IMG]

✔ File Jpeg trên SD Quattro đã rất tốt mà trong 1 số trường hợp cần thiết bạn có thể lấy xài được ngay chứ không cần phải đợi đến quá trình Raw Processing như những dòng máy đời trước.

[IMG]

✔ Tuy nhiên để có thể tìm ra được chất Foveon một cách trọn vẹn thì bạn sẽ vẫn phải nhờ đến SPP (Sigma Photo Pro). SPP thật sự rất đơn giản đến mức bạn chỉ cần 5 phút là có thể quen hết chức năng của từng thanh trượt cân chỉnh. Xử lý file raw của Sigma trên SPP cũng giống như quá trình xử lý film trong phòng tối. Bức ảnh của bạn chỉ có thể thể hiện được hết tất cả các dữ liệu và thế mạnh khi bạn import và export ra từ nó.

[IMG]

✔ Vì thế mạnh của cảm biến Foveon là khả năng tái hiện chi tiết, độ nổi khối, độ no màu và chuyển màu rất ấn tượng nên với những frame ảnh bình thường hằng ngày cũng mang lại cho người chụp 1 cảm giác sướng khó tả. Nếu bạn chấp nhận được những cái khó từ thiết bị thì sản phẩm bạn có được sẽ nhẹ nhàng, đơn giản và kinh ngạc không ngờ.

[IMG]

✔ Cho dù không rành về photoshop hoặc các phần mềm hậu kỳ khác thì chất lượng ảnh xuất ra từ SPP vẫn khiến bạn hoàn toàn an tâm & tự tin về độ trong trẻo của nó, mọi chi tiết từ frame hình bạn nhận được sẽ hoàn toàn tách bạch và sáng rõ chứ không lờ nhờ như bị phủ qua một lớp màn đục đục ở các máy ảnh thông thường.

[IMG]

Nói tóm lại, nếu bạn chỉ là một người chơi máy ảnh đơn thuần, đã quá quen với những máy ảnh với tốc độ lấy nét nhanh như điện xẹt, chụp 1 giây được hàng chục tấm, Pin chụp 1 lần mấy ngàn tấm không hết, file Jpeg chụp ra xài được ngay, chưa kể là wifi, NFC, màn hình xoay lật, cảm ứng các kiểu …. thì bạn nên thử 1 lần sống chậm lại, tĩnh tâm và kiên nhẫn với từng shots hình của Sigma, bạn sẽ dần khám phá được sự tinh tế ở từng khung ảnh tưởng chừng như rất bình thường và đơn giản.

[IMG]

Nếu bạn có đọc kỹ và lướt được đến đây thì không biết bạn có để ý được những góc ảnh mà mình đã show từ đầu bài đến giờ rất bình thường đúng không? Bất kỳ ai cầm máy lên đều có thể chụp được hơn như vậy. Vậy bạn thấy được điều gì hấp dẫn được bạn ở những frame hình đó??

Ok, nếu bạn thấy được sự hấp dẫn, xem như bạn đã chạm được 1 tay vào cánh cổng để đến với thế giới Foveon rồi đó!

Bản thân mình là 1 người hoàn toàn mới đối với thế giới Foveon này, mình chỉ thật sự tiếp xúc với Foveon trong vòng chưa tới 1 tháng trở lại đây. Và xin chia sẻ là mình đã thật sự nghiện nó. Nghiện từ trải nghiệm chụp cho đến quá trình import ảnh vào SPP rồi ngồi chờ nó load từng tấm hình lên rồi …

Quàooooo!!!!!!!!!!!!!!

Mình thật sự đã rất say mê nó các bạn ạh, và cho đến tận bây giờ khi ngồi gõ những dòng này để chia sẻ với mọi người thì cái cảm giác say mê vẫn còn nguyên như thế!

Chơi Sigma Foveon thì các bạn chỉ việc “Mình thích thì mình chụp thôi! Ahihi” Sẽ chắc còn phải bận tâm nhiều đến bố cục, đến khoảnh khắc, đến tính nghệ thuật, bạn hãy cứ chụp ảnh theo bản năng của mình và bạn sẽ cảm thấy thoải mái vì điều đó.

Quay lại câu hỏi ở tiêu đề bài viết “Cánh cổng đến thế giới Foveon đã thực sự rộng mở?“. Mình xin tóm lại như sau:

– Nếu bạn đã từng e ngại những khiếm khuyết về sự chậm chạp của Sigma -> SD Quattro đã khắc phục được gần 2/3 vấn đề.
– Nếu bạn ngại phải xử lý ảnh với SPP (Sigma Photo Pro) -> file Jpeg của SD Quattro không đến nổi nào. Nhưng mà đã chơi Sigma thì ai lại chơi Jpg, phải chơi Raw đã thấy hết được sức mạnh của Foveon. Processing Raw với SPP rất đơn giản các bạn ạh, đừng quá bận tâm thử thách nhỏ đó nếu bạn đã muốn yêu.
– SD Quattro đã có thể gắn được ống kính rời, bạn không còn e ngại việc phải bó buộc vào những tiêu cự cố định như trên dòng DP nữa.
– Và cuối cùng là vấn đề giá, giá của body SD Quattro hoặc combo kèm lens 30mm 1.4 là quá tuyệt để bạn có thể dễ dàng sở hữu.

Đấy vấn đề còn lại là bạn có muốn thử mở cánh cổng đó hay không thôi!

Nếu bạn vẫn chưa sẳn sàng thì mời các bạn xem tiếp loạt ảnh mình chụp với combo Sigma SD Quattro + lens 30mm 1.4 trong mấy ngày vừa qua để ngấm từ từ :p

[IMG]
Sigma 30mm 1.4 là lens khá tốt, nét ngay tại 1.4

[IMG]
Lấy nét chậm thì có chậm nhưng chụp mấy con nhúc nhích thì vẫn được nhé

[IMG]
Khi cần thì phong cảnh vẫn chơi được với chỉ 1 shot ở tiêu cự 45mm (FF)

[IMG]
Close-up cũng chơi khỏe – bạn có cảm thấy được cái cánh hoa dày thế nào không?

[IMG]
Ai nhìn ra được ảnh này chụp cái gì sẽ có thưởng :p

[IMG]
Chân dung phụ nữ

[IMG]
hay người già cũng không ngán

Nói chung là khi đã mê, đã say rồi thì cái gì mình thấy thích là mình chụp, không từ bất cứ chủ đề nào cả.

[IMG]

[IMG]

[IMG]

Mời các bạn xem thêm ảnh fullsize ở đây

Cảm ơn các bạn đã quan tâm, Sigma SD Quattro còn 2 điều đặc biệt rất hay mà mình chưa có thời gian để đề cập trong bài viết này, mình sẽ tranh thủ cập nhật để các bạn có được 1 cái hình đầy đủ hơn về chiếc máy này trong thời gian sớm nhất.
Tiết lộ là điều đặc biệt đầu tiên nằm ở cái vật nhỏ nhỏ trong tấm ảnh bên dưới đây:
[IMG]

Visited 546 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...