Học về “Khoảnh khắc quyết định” của Henri Cartier-Bresson

Nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson vốn là một người say mê hội hoạ, nhưng rồi lại là một trong những nhà nhiếp ảnh lừng danh nhất của thể kỷ 20. Công trình hình ảnh của ông chi phối biết bao người chụp ảnh. Chính ông đã biến hành động bấm máy đơn giản trở thành một nghệ thuật tinh luyện. Khái niệm “khoảnh khắc quyết định” chính là lý thuyết do ông hoàn thiện làm nền móng cho nhiếp ảnh hiện đại. Ông cũng là một trong bốn người thành lập Magnum Agence Photography. Đọc lại một số quan điểm về ảnh phóng sự của Henri Cartier-Bresson cũng vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay.

PAR45089.jpg

Henri Cartier-Bresson 1933
SPAIN. Andalucia. Seville. 1933.

Đến với nhiếp ảnh

Hồi bé, như hầu hết những đứa trẻ ở Pháp, ngày thứ Năm và Chủ Nhật nghỉ học, thường đi chụp ảnh sinh hoạt bằng chiếc máy ảnh Brownie – loại máy do East Kodak làm hồi đầu thế kỷ XX. Chỉ khác là ông suy nghĩ nhiều về máy ảnh sau đó, và bắt đầuhọc nhìn và thấy bằng cách xem phim. Những bộ phim mà ông cho rằng giúp ông bắt đầu đánh hơi được nhiếp ảnh là Mysteries of New York với Paul White, Broken Blossoms của D.W Griffith, Greed của Stroheim, Potemkin của Eisentein, Jeanne D’Arc của Dreyer.

Năm 22 tuổi (1931), Henri Bresson đi nhiều nơi, bắt đầu săn lùng khắp các đường phố, khao khát bắt tóm được toàn bộ tinh tuý của một tình huống nào đó đang diễn ra trước mắt. Chiếc máy ảnh với ông bấy giờ như con mắt nối dài và luôn mang bên mình.

Năm 1947, cùng bốn nhà nhiếp ảnh khác, sáng lập doanh nghiệp hợp tác “Magnum Photos”, chuyên cung cấp phóng sự ảnh cho các tạp chí khắp thế giới. Và, lúc này Henri tâm sự rằng: “Hai mươi năm trôi qua kể từ khi tôi bắt đầu nhìn đời qua kính ngắm máy ảnh, tôi vẫn thấy mình là một tay chơi tài tử, dù tôi không còn là một tay mơ.“​

PAR45089.jpgBức ảnh bên trái: “phía sau nhà ga Saint Lazare”, 1932 làm nên thương hiệu Henri Cartier-Bresson

Phóng sự ảnh

Đó là một tấm ảnh hoặc một bộ ảnh mô tả trung thực nội dung một sự kiện nào đó và thể hiện được ý nghĩa, truyền tải những ấn tượng. Với Henri Bresson, những yếu tố mà khi tập hợp lại có thể làm cho chủ đề loé sáng, tản mạn trong bối cảnh không gian và thời gian cụ thể, nếu kết hợp chúng bằng sự “cưỡng bức” thì đó là “dàn dựng sân khấu”, với ông là trò lừa đảo. Còn nếu tạo được hình ảnh về “cốt lõi vấn đề” cũng như tia sáng bật loé từ đề tài, thì đó là phóng sự ảnh.

Người chụp ảnh phải quyết định, sự lựa chọn nào cũng có thể dẫn đến điều hối tiếc. Không bao giờ ta có thể làm cho cảnh tượng tái diễn để chụp lại lần nữa. Và, Henri Bresson nói rằng, trong mọi phương tiện thể hiện, nhiếp ảnh là phương tiện duy nhất có thể giữ chặt vĩnh viễn cái khoảnh khắc phù du nhưng đặc biệt của cuộc sống con người.

Hơn nữa, Henri Bresson rất nghiêm ngặt với chính mình khi chụp phóng sự ảnh. Ông nói: Nhà văn có thể hồi tưởng và xé đi viết lại, còn với nhiếp ảnh, những gì trôi đi là trôi đi mãi mãi. Người chụp ảnh phải cảm nhận hiện thực, gần như cùng lúc với việc ghi lại hiện thực ấy. Trong bất kỳ phóng sự ảnh nào, chúng ta xuất hiện như kẻ đột nhập, kín đáo tiếp cận chủ đề, dù đó là tĩnh vật, chen lấn xô đẩy chả có ích lợi gì. Thậm chí không chụp với sự trợ giúp của đèn flash, đó là sự sỉ nhục với ánh sáng thực tế.

PAR45089.jpg

Henri Cartier-Bresson
GREECE. Attica. Piraeus Harbour. 1961.

Đề tài

Với Henri Bresson, mọi điều xảy ra trong đời đều có thể là đề tài. Một điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể là đề tài lớn lao, những chi tiết nhỏ liên quan đến con người có thể là yếu tố chủ đạo. Nó tồn tại khắp nơi và chỉ cần người chụp ảnh nhìn thấy và thành thật với cảm nhận của chính mình.

Con người sống là sống trong một môi trường xã hội cụ thể, bối cảnh sống cụ thể. Chụp một con người là trân trọng bầu không khí bao quanh con người ấy, kết hợp môi trường sống của họ trong khuôn ảnh ấy, môi trường sống riêng của họ. Cái ấn tượng đầu tiên toả ra từ một gương mặt nào đó thường là ấn tượng đúng. Khoảnh khắc quyết định và tâm lý, vị trí đặt máy, là những yếu tố đạt được bức chân dung tốt. Cái khổ là người thuê chụp lại thích hãnh diện vì một kết quả không bao giờ thực, người chụp dễ chạy theo tìm kiếm khuôn mặt sắc sảo của người mẫu, thì giá trị không bằng tấm ảnh thẻ, vì ít ra nó hiện diện một điều là chứng thực, thay cho hình dạng thơ mộng mà thợ và mẫu loay hoay tìm kiếm.​

PAR45089.jpg

Henri Cartier-Bresson
GREECE. Cyclades. Island of Siphnos. 1961.

Bố cục

Một điều mà Henri Cartier-Bresson không muốn nhìn thấy thì bây giờ đã xảy ra. Đó là khung tỷ lệ 1/3 hiện ngay trên khung ngắm máy ảnh, mà người ta gọi là Tỷ Lệ Vàng. Bố cục phải là một sự chú ý liên tục, ngay lúc bấm máy, bố cục chỉ nảy sinh từ trực giác với khoảnh khắc liên tục biến chuyển. Tỷ Lệ Vàng hay là chiếc com-pa của người chụp phải chính là đôi mắt của họ. Hiếm khi cứu vãn được một bức ảnh có bố cục yếu khi chụp bằng cách hậu kỳ. Người ta nói nhiều đến góc máy, nhưng góc vững chắc duy nhất có thực là góc độ về hình học của bố cục, chứ không phải là những điều được bịa đặt ra bởi các thợ chụp làm màu như uốn ẹo, nằm dài xuống đất làm hề khi chụp.

Nếu một bức ảnh có mục đích truyền tải mãnh liệt một thông điệp thì các thành phần hình thể trong ảnh phải có mối liên kết với nhau một cách mạnh mẽ. Bố cục mà con mắt phải làm là tìm thấy và tập trung vào một đề tài cụ thể, máy ảnh chỉ ghi lại khối hình thể ấy do sự quyết định của con mắt. Bố cục là kết quả của sự phối hợp đồng thời, cách sắp xếp có tổ chức những gì con mắt nhìn thấy, không thể tách rời nội dung và hình thức.​

PAR45089.jpg

Henri Cartier-Bresson
SPAIN. Valencia. 1933.
Inside the sliding doors of the bullfight arena

Về thiết bị

Henri Cartier-Bresson nói về màu sắc khi mà nhiếp ảnh màu còn thời ấu thơ (1952). Ông tỏ vẻ lo lắng rằng: phiên bản màu của ảnh chụp và tư liệu đạt được một sự trung thực nhất định với bản gốc, nhưng khi màu sắc đảm nhận một đời sống thực thì đó là một vấn đề. Mực và giấy in là hai chất liệu thất thường, khác hẳn nhau.

Chiếc máy ảnh với ta là một công cụ và nó phải giúp ta tạo ra những bức ảnh như ý ta muốn, không phải là một món đồ chơi cơ khí xinh xắn. Nghề phóng sự ảnh phát triển nhờ các máy ảnh phát triển, ống kính có độ mở khẩu lớn, công nghệ tân tiến. Nhưng chúng nằm trong tay con người suy tư và nỗ lực hàng ngày. Chỉ cần người chụp thoải mái với chiếc máy ảnh của mình là đủ, dĩ nhiên nó phù hợp với công việc. Việc xử lý nó, điều chỉnh các thông số khẩu độ, tốc độ màn trập và những thứ khác là những thao tác cần phải tự động như phản xạ sang số khi lái xe. Kỹ thuật chỉ quan trọng trong mức độ là ta buộc phải làm chủ nó để truyền đạt những gì ta nhìn thấy và kết quả là những khung hình được chụp.​

PAR45089.jpg

Henri Cartier-Bresson
Martine’s Legs. 1967.
Đưa tin: tuanlionsg / tinhte.vn . Nguồn ảnh magnunphotos
Visited 752 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...