Đầu năm 2016 , chúng ta hãy nhìn lại năm 2015 qua lời kể của các nhiếp ảnh gia , những cảm xúc của những người làm nghề mang nghệ thuật và những giá trị thực tế đến với cuộc sống của con người
Sợ hãi khi chụp ảnh chiến trường, đồng cảm với người tị nạn, vui mừng khi thấy người nhiễm Ebola sống sót là cảm xúc của các nhiếp ảnh gia khi chụp những bức ảnh ấn tượng năm nay.
Bức ảnh cặp vợ chồng Syria tị nạn tới đảo Lesbos của Hy Lạp hôm 30/9. “Trong buổi sáng đó, hàng nghìn người tị nạn vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ trong điều kiện biển động. Những chiếc xuồng nhỏ cập bờ, mọi người đều ướt sũng, lạnh và sợ hãi. Tôi hy vọng bức ảnh có thể giúp thế giới hiểu thêm về những người phải liều mạng sống để thoát cảnh xung đột và đói nghèo ở quê hương họ”, Guardian dẫn lời Santi Palacios, tác giả của bức ảnh, nói. Ảnh: AP
Thi thể một nạn nhân trong vụ tấn công ở thủ đô Paris nằm trên vỉa hè bên ngoài nhà hát Bataclan tối 13/11. Karin Andreasson, tác giả bức hình, kể: “Tôi phát hiện thi thể này nằm trên vỉa hè và bấm liên tục 3 lần mà không suy nghĩ nhiều. Nhưng tôi ngạc nhiên vì kết quả của nó mang lại. Tôi không biết người này là ai nhưng bức hình như đại diện cho tất cả các nạn nhân trong vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris”. Ảnh: AP
“Tôi được nhìn toàn cảnh ngày bắt đầu lễ hội San Fermin ở thành phố Pamplona, Tây Ban Nha, ngày 6/7 từ ban công tầng hai một hội trường. Hai phút trước khi tiếng pháo hoa vang lên, đám đông chen chúc nhau và một vài người bị xô đẩy. Tôi thấy Nazarena Arguello ngước lên và cố gắng thở. Sau lễ hội, Arguello gọi cho tôi và nói rằng cô ấy bị ngất và được đưa ra khỏi quảng trường”, tác giả David Ramos chia sẻ khoảnh khắc chụp bức hình ở lễ hội bò đuổi nổi tiếng Tây Ban Nha. Ảnh: Getty
Quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc, bị bao phủ trong khói mù do ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Bắc Kinh vào cuối tháng 11. Theo nhiếp ảnh gia Kevin Frayer, ô nhiễm nghiêm trọng tại Bắc Kinh không phải là vấn đề bây giờ mới xuất hiện, song mức độ ô nhiễm cao như vậy ở trung tâm thủ đô khiến nó trở thành vấn đề nổi bật tại buổi khai mạc của Hội nghị về chống biến đổi khí hậu ở Paris. Ô nhiễm không còn là vấn đề của chỉ riêng một nước mà là của toàn nhân loại. Ảnh: Getty
Khoảnh khắc bé Lucy Howarth, 6 tuổi, gục đầu xuống bàn khi đang đọc bài cùng Thủ tướng David Cameron tại một trường tiểu học ở thị trấn Westhoughton, Anh. “Đây là chiến dịch tranh cử thành công nhất mà tôi từng thấy. Rất ít lời hứa hẹn với công chúng. Lucy gục đầu xuống bàn như chán nản lúc ông Cameron cố giúp em đọc, tôi biết vẫn có những điều ngài thủ tướng và các cố vấn không thể kiểm soát. Nhưng thực chất cô bé ấy đang xấu hổ và cúi mặt xuống cười”. Ảnh: PA
Người dân Syria đi giữa đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của lực chính phủ vào phe nổi dậy tại khu vực Douma, ngoại ô thủ đô Damascus, ngày 30/8. Abd Doumany, tác giả của bức ảnh cho biết ông chụp ảnh khi đang trên đường về nhà. Doumany nghe thấy một tiếng nổ lớn và phát hiện một chiến binh vừa ném 6 quả bom khiến nhiều người chết. Nhiều người mất con và những người thân yêu trong tích tắc. “Khi chụp bức ảnh này, tôi rất sợ. Vài người dân còn dùng súng đe dọa và không cho tôi chụp ảnh. Đây là một trong những điều tồi tệ nhất mà một nhiếp ảnh gia phải đối mặt ở chiến trường”, Doumany nói. ảnh: Getty
Lính cứu hỏa rọi đèn pha để theo dõi đám cháy rừng ở Rocky Fire ở thành phố Clearlake, California, Mỹ hôm 3/8. Justin Sullivan, tác giả bức ảnh, cho biết ngọn lửa lan tới một con đường và đe dọa nhiều hộ dân. Lực lượng cứu hỏa phải cố gắng dập và ngăn ngọn lửa không lan rộng. Ảnh: Getty
Bức ảnh cắt từ video ghi khoảnh khắc người đàn ông da đen Walter Lamer Scott, bị cảnh sát da trắng bắn chết ở thành phố North Charleston, bang Nam Carolina, Mỹ, vào ngày 4/4. “Tôi nghĩ rằng sự hiện diện của tôi có thể ngăn một điều gì đó không xảy ra. Tuy nhiên, mọi thứ xảy ra quá nhanh. Tôi không thể tưởng tượng viên cảnh sát sẽ rút súng ra. Vào thời điểm đó, Scott không cách nào khác là bỏ chạy”, tác giả Oliver Laughland và Jon Swaine trả lời phỏng vấn. Ảnh: AP
Nhân viên cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ bế thi thể bé Alan Kurdi dạt vào bờ biển khi chiếc thuyền chở gia đình em đến đảo Kos, Hy Lạp, bị lật giữa biển ngày 2/9. Tác giả Nilufer Demir chia sẻ: “Tôi ước chiến tranh không xảy ra ở Syria và họ không phải rời bỏ quê hương để chạy tới Thổ Nhĩ Kỳ và tôi cũng không chụp bức ảnh này. Tôi không biết làm gì ngoài việc chụp tấm hình để thay cho tiếng nói của họ”. Ảnh: Reuters
Benetha Coleman, người sống sót sau khi nhiễm virus Ebola, đang vỗ về bé gái mới sinh ở Paynesville, Liberia. Nhiếp ảnh gia John Moore kể: “Tôi chụp tại trung tâm điều trị của tổ chức Bác sĩ không biên giới, nơi mà chỉ vài tháng trước đó, tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân chờ chết trong vô vọng. Lần này, số bệnh nhân vô phương cứu chữa đã giảm đi nhiều. Khi đó, vợ của tôi cũng sắp sinh và tôi ngập tràn cảm xúc khi chứng kiến đứa trẻ ra đời ở tâm dịch. Tôi càng cảm thấy nhẹ nhõm khi một thời gian sau biết được rằng đứa trẻ ấy vẫn sống mà không bị nhiễm Ebola”. Ảnh: Getty
Một bé gái bị thương trong trận động đất Nepal nằm trên máy bay trực thăng của không quân Ấn Độ. Altaf Qadr, người chụp bức ảnh, không biết thông tin gì về cô gái. Ông tập trung ghi lại những khoảnh khắc của hoạt động cứu hộ sau cơn địa chấn hôm 27/4. Khoảnh khắc cô bé nắm lấy tay mẹ trong suốt chuyến bay rất cảm động và điều đó khiến ông ghi lại khoảnh khắc này. Ảnh: AP
Khung cảnh vào cuối buổi diễu hành kỷ niệm 70 thành lập đảng Lao động Triều Tiên hôm 10/10. Sau khi lực lượng quân đội và binh lính diễu hành qua, hàng nghìn người cầm hoa và hò reo khẩu hiệu về lãnh đạo Kim Jong Un. Ảnh: AFP
Bức ảnh do Fabrice Balsamo thuộc Bộ Nội vụ Pháp chụp về mảnh vỡ phi cơ Germanwings ở khu vực núi Alps, Pháp. 150 người đã thiệt mạng khi chiếc máy bay đâm vào núi khi đang thực hiện hành trình từ Barcelona đến Dusseldorf, Đức hôm 25/3. Tai nạn trở thành bi kịch khi giới chức xác định được nguyên nhân tai nạn là do cơ phó Andreas Lubitz khóa cơ trưởng bên ngoài buồng lái và lao máy bay đâm vào núi tự sát. Ảnh: Getty