Nhiếp ảnh gia street style, họ là ai ?
Nhiếp ảnh gia street style “OOTD” – cụm từ viết tắt “outfit of the day” rất quen thuộc với những người thích thời trang, thích… điệu và khoe phong cách mình ăn mặc mỗi ngày. Vậy ai đã có công lăng xê những phong cách ấy? Đó chính là những “nhiếp ảnh gia đường phố”
Phóng viên ảnh, nhiếp ảnh gia chân dung street style hay một paparazzi – tất cả yếu tố đó đều hội tụ trong nghề chụp ảnh street style (street style photographer). Những tấm ảnh street style được cung cấp cho các tạp chí để đăng các mục về xu hướng, xuất hiện trong các blog thời trang nhằm thể hiện sở thích về ăn mặc, hoặc đơn giản hơn, để bạn có tấm ảnh đẹp để khoe trên mạng xã hội mỗi ngày. Đi cùng với nhu cầu đó của người được chụp, số người cầm máy ngày càng nhiều và họ ngày càng có vai trò quan trọng.
Một số bạn trẻ tập tành chụp ảnh có thể trở thành street style photographer bởi thật sự việc chụp này không đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh đơn giản cùng phần mềm chỉnh sửa ảnh cơ bản, bạn cũng có thể tự tin khoe tác phẩm.
Từ Tây đến Ta
Ông tổ của nghề nhiếp ảnh street style là Bill Cunningham với khởi nghiệp từ năm 1978 cho tờ New York Times. Ông chụp mọi người trên phố và tìm xu hướng thời trang trên trang phục của họ. Dù trẻ hay già, đầy đặn hay mảnh mai, cao hay thấp, giàu hay nghèo… những nhân vật dưới ống kính của Cunningham phản ảnh hơi thở thời trang của thời đại, cho dù một số người ông chụp không phải là những người biết ăn mặc sành điệu. Hơn cả một phóng viên ảnh hay thợ chụp ảnh chân dung, Bill Cunningham đã chụp những thước phim ghi lại những cột mốc của thời trang của một thời kỳ. Nói một cách khác, nếu xếp các tập ảnh street style của Cunningham lại theo mốc thời gian, người ta đã có một quyển tài liệu lịch sử thời trang bằng hình ảnh cực kỳ sinh động.
Nhiếp ảnh gia street style huyền thoại Bill Cunningham
Từ đó đến nay, một ngành công nghiệp mới đã phát triển khi rất nhiều nhiếp ảnh gia có khả năng biến những người bình thường thành người mẫu trong trang phục của chính họ. Ngày nay, street style photographer không còn là một sở thích đơn thuần mà đã trở thành nghề nghiệp thật sự. Phil Oh, người đã theo đuổi nghề chụp ảnh street style được 6 năm, bộc lộ: “Tôi kiếm tiền với những hợp đồng quảng cáo đặt vào trang blog của tôi – Street Peeper – thậm chí còn ký hợp đồng với website thời trang để cung cấp ảnh cho những trang bài của họ, ngoài ra tôi còn chụp quảng cáo và những dự án đặc biệt khác”.
Số lượng nhiếp ảnh gia street style tính đến hiện tại đã bùng nổ thật sự. Có bao nhiêu nhiếp ảnh gia chụp street style ở tuần lễ thời trang New York? Phil Oh nhẩm đếm hàng chục cái tên: “Đây nhé, tôi, Tommy, Bill, Scott, Garance, Nam, Geraldine, Hanneli, Eddie, Vanessa, Candice, Jason, Guerre, Rei, Tamu, Yvan, Joris, người bạn gốc Canada của anh ta, Kristin, Adam, Koo, Wataru, một anh chàng người Nhật, một cựu nam người mẫu, rồi lại một cựu người mẫu khác với hàm răng xấu xí, Marcy, Shini, Yu, Lee, lại còn có vài cô Nhật Bản khác. Đấy là tôi chỉ mới đếm những người nổi tiếng trong nghề này mà tôi nhớ ra”.
Tuy trào lưu chụp ảnh đường phố mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 2-3 năm trở lại gần đây, thực chất đã phát triển trên thế giới từ lâu đời, cùng với sự lớn mạnh song song của các tuần lễ thời trang.
Cột mốc đầu tiên của nghề này khởi đầu từ thập niên 1970 ở Mỹ.
Quay trở lại Việt Nam, việc chụp ảnh street style chưa được xem là nghề thật sự. Một số nhiếp ảnh gia thời trang như Kim BTN, Vinh Phan… bắt đầu cầm máy để chụp street style cho những nhân vật trong giới hoặc nghệ sỹ mà họ yêu thích. Thậm chí, anh Vinh Phan còn lập hẳn một trang web sgnista.com khá nổi tiếng, cập nhật thường xuyên ảnh street style của nhiều bạn trẻ và giới nghệ sỹ. Đó có lẽ chỉ là chút sở thích nho nhỏ bên cạnh công việc chính của họ. Tuy nhiên, những tấm ảnh ootd – street style của những người yêu thời trang và nhất là các nghệ sỹ lại đang rất được yêu thích như Hồ Ngọc Hà, Thanh Hằng, Minh Hằng, Lưu Hương Giang, Yến Trang – Yến Nhi… luôn cập nhật ảnh street style đẹp của họ thường xuyên.
Những trang báo mạng đề tít kiểu như: “Phong cách street style hàng tuần của sao Việt” hoặc “bình chọn street style đẹp xấu của sao” v.v… nhan nhản và tiếp nhận lượng cập nhật khổng lồ. Tiếp theo đó, những lợi nhuận đằng sau mỗi tấm ảnh street style bắt đầu được quan tâm. Các ngôi sao giờ đây có cả nhiếp ảnh street style riêng, makeup, thậm chí stylist riêng chỉ để có được những tấm street style đẹp bỏng mắt. Tại sao việc chụp street style được quan tâm nhiều đến thế?
Đằng sau mỗi tấm ảnh Street Style
Tại nước ta hiện tại và trên thế giới nói chung, ngoại trừ lý do về sở thích chụp ảnh mang tính cá nhân, những người cung cấp ảnh street style và cả người được chụp đều có thể kiếm được lợi nhuận tốt. Lúc những bức ảnh street style trở nên phổ biến, các thương hiệu thời trang bắt đầu nhận ra sự lợi hại của chúng khi rất nhiều người ăn mặc theo nhân vật được chụp ảnh và bắt đầu hỏi: “Cái áo ấy hiệu gì?” hoặc “Cô ấy kiếm ở đâu ra mẫu váy đẹp đến thế?”. Nhiều thương hiệu hiện nay trả tiền hoặc trao đổi bằng hiện vật để nhân vật mặc đồ của họ, hoặc chi trả cho nhiếp ảnh gia để có được tấm ảnh nghệ sỹ hoặc người bình thường mặc nhãn hiệu đó.
Người đại diện cho blog thời trang The Glamourai và Bag Snob, bà Karen Robinovitz lý giải: “Theo kiểu truyền thống, các nghệ sỹ sẽ được các thương hiệu tặng quà khi mặc đồ của họ và chụp street style. Đây là một điều có lợi qua lại cho đôi bên”. Việc này có điều tốt mà cũng có điều đáng nói. Một khi ngắm những bộ đồ street style đẹp mắt, bạn được nâng cao gu thẩm mỹ và thậm chí có thể dần điều chỉnh cho cách phục sức của mình hiện đại, ấn tượng hơn. Tuy nhiên, nếu những người được chụp street style đó được các thương hiệu đặt hàng để mặc đồ của họ, liệu rằng phong cách đó có thật sự là của riêng họ? Như vậy chẳng qua là bạn đang nhìn ngắm một tấm ảnh street style-được-sắp-đặt và rơi vào chiến dịch PR quá khéo của các thương hiệu mà thôi. Tất nhiên, nếu bạn có điều kiện để có thể sắm những trang phục ấy, thì việc ngắm ảnh ootd – street style của các nhân vật cũng chẳng có gì phải băn khoăn. Bỏ qua những sự trao đổi mua bán sau những tấm ảnh ấy, người viết may mắn được ngắm những tập ảnh street style được gửi về hàng tháng để nâng cao nghiệp vụ cũng như gu thẩm mỹ, làm tăng thêm lòng yêu thời trang và cái đẹp. Ngay cả trên trang web street style nổi tiếng nhất hiện nay, The Sartorialist do nhiếp ảnh gia Schuman sáng lập, đã bắt đầu trở lại thời của Bill Cunningham: đi trên đường và bất chợt chụp bất kỳ người nào mà ông thích, không bị ràng buộc bởi quy chế của các tạp chí hoặc bất kỳ hợp đồng thương mại nào. Trang phục ấy là của chính họ, phong cách ấy thực sự thuộc về họ mà không phải do các thương hiệu nhấn vào tay, những tấm ảnh street style mới trở về nguyên gốc của nó: chân thực và phản ánh dòng chảy của gu ăn mặc một thời kỳ.
Theo Harper’s Bazaar Việt Nam