Hướng dẫn bạn lựa chọn ống kính cho máy Canon DSLR
Bài viết của tác giả Ngoc Huu Le từ vnphoto.net
Thời gian gần đây, máy ảnh, đặc biệt là DSLR đã trở nên phổ biến hơn và cũng nhiều người có khả năng chi trả để mua máy ảnh phục vụ cho công việc cũng như sở thích của mình. Tuy nhiên việc lựa chọn máy và ống kính thường là vấn đề khó khăn cho nhiều người đam mê ảnh, đặc biệt là những người mới chơi (và mình cũng là một trong số đó), khi mà nhu cầu dùng thì có nhiều mà budget thì có hạn. Trong bài viết này, mình không dám nói là chia sẻ kinh nghiệm vì kinh nghiệm chụp ảnh của mình không có nhiều, chỉ dám trao đổi về việc mua lens Canon để anh em cùng đóng góp, cũng là góp phần để những người mới chơi ảnh và đang trong quá trình tìm mua máy và ống kính có thêm một số thông tin. Nếu nói về bài viết rất xuất sắc và hữu ích cho mọi đối tượng người chơi ảnh thì theo mình được biết là bài Ăn chơi phải sướng của tác giả James Duong. Mặc dù bài viết này được viết đã lâu nhưng theo mình thông tin trong đó vẫn còn rất hữu ích và cập nhật, đặc biệt tác giả James Duong viết rất tâm huyết, có thể nói là lôi hết ra chia sẻ cho anh em. Những người nào muốn tìm thông tin một cách cụ thể và chi tiết nhất thì theo mình nên nghiên cứu kĩ bài này trước khi đầu tư cho thiết bị của bản thân. Tuy nhiên mình thấy có một vấn đề là, mặc dù bài viết này cực kỳ xuất sắc và vô cùng quý giá, nhưng lại không được phổ biến rộng rãi, đặc biệt là những người mới bước vào con đường chụp choẹt thì càng không biết. Như mình đây mãi sau khi đã có máy và thay vài cái lens rồi thì mới gặp được bài viết này. Theo mình vì hầu hết những người chơi nghiệp dư thường là tự mò mẫm trên mạng, tìm trong Google, và vì tên của bài viết là Ăn chơi phải sướng nên rất khó tìm thấy, hoặc có thấy cũng dễ bị bỏ qua. Bởi lẽ đang đi tìm thông tin về máy và lens thì ít người để ý đến một bài có tên là Ăn chơi phải sướng.
Trong bài này mình tổng hợp lại các tiêu chí chọn lens cho máy dslr của canon để anh em cùng chia sẻ, các thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn trên mạng, đặc biệt là từ bài Ăn chơi phải sướng, và từ một số ít kinh nghiệm mua lens và chụp mà mình có.
Đã có rất nhiều người nói về việc lựa chọn lens theo nhu cầu chụp, đối với những người có định hướng nghề nghiệp hẳn hoi thì mình không dám nói, vì chắc chắn những người đó sẽ tìm hiểu kĩ, có khi là được đào tạo qua các lớp chụp ảnh rồi, còn đối với anh em chơi vui vui thì về cơ bản là chụp gia đình là nhiều, chụp chân dung cho người quen bạn bè, chụp sự kiện linh tinh, ngoài ra cũng có thể là chụp để kiếm tiền như chụp đám, album cưới, hoặc chân dung cho khách. Nếu một người bắt đầu việc tìm kiếm thông tin để mua lens bằng cách search trên Google thì sẽ tương đối khó khăn vì có rất nhiều tiêu chí để lựa chọn lens sẽ phải cân nhắc, ví dụ như mua lens tiêu cự nào, khẩu nào, zoom hay fix, zoom thì zoom trong hay zoom ngoài, build thế nào, có chống rung hay không, L hay non-L, hàng hãng hay hàng for, lắp được filter không, focus có thò thụt không, có USM không …, chưa kể đến những yếu tố về chất lượng ống như màu sắc, độ nét, bokeh, mức độ flare, halo, tối góc, độ méo hình, … Một người nắm chắc hết các tiêu chí kể trên cũng còn có khi chọn lens không đúng với nhu cầu của mình, chứ đừng nói là một người còn chưa rõ lắm. Thế nên nếu cứ đọc một mớ thông tin thì chắc mãi không chọn được cái lens nào, vì các tư vấn thường cuối cùng sẽ hướng đến lens L, lens tốt nhưng giá thành cao, trong khi đó không phải ai cũng có đủ tiền mua, thành ra có người thì sẽ luôn đau đớn vì k mua được lens, có người thì sẽ mất nhiều tiền. Vì vậy chọn lens nên dựa vào tiêu chí nào để vừa phục vụ được nhu cầu của mình mà vừa phù hợp với túi tiền, và đặc biệt là không mua nhầm lens để rồi đổi đi đổi lại, vừa mất công vừa bị lỗ.
Sau khi tổng hợp thì mình rút ra khi chọn lens cần tập trung vào các tiêu chí sau: tiêu cự, độ mở khẩu tối đa, thích hợp cho máy Fullframe hay máy crop (còn gọi là APS-C), và giá tiền. Những tiêu chí này liên quan trực tiếp đến nhu cầu chụp và túi tiền của các bạn. Các tiêu chí khác dĩ nhiên cũng rất quan trọng, nhưng với những người chơi vui vẻ thì có thể không cần đến.
1. Về tiêu cự
Trước hết các bạn nên đọc bài này nếu chưa rõ về các loại tiêu cự , xem bài Phân loại ống kính DSLR
Khi nói về tiêu chí tiêu cự để chọn lens thì phải chú ý đến 2 điều: góc chụp và hiệu ứng tiêu cự.
Góc chụp
Góc chụp rất quan trọng vì nó liên quan đến khoảng cách chụp. Nếu góc chụp hẹp thì phải lùi ra sau để lấy hết nội dung mình muốn, nhưng có những trường hợp không lùi được vì có chướng ngại vật, ví dụ chụp trong nhà, lùi hết cỡ vẫn không lấy hết được những người ngồi trong mâm. Tiêu cự càng lớn thì góc chụp càng hẹp. Đừng coi thường yếu tố góc chụp vì không khéo mua lens hơn 20 củ về không chụp nổi một mâm cơm hay bữa tiệc sinh nhật, hay đi du lịch mang theo cái ống L nhưng không chụp được một nhóm bạn. Vì nhiều người cần xóa phông nên hướng đến ống tele (tiêu cự lớn hơn 50mm), mà tele thì góc chụp hẹp, nên có khi mua cả đống tiền mà chụp không được theo mong muốn. Thường chụp phóng sự sẽ cần ống có góc chụp rộng, để hiểu rõ hơn và đầy đủ hơn các bạn nên đọc bài này https://vuanhiepanh.vn/2015/06/ong-kinh-goc-rong-khi-chup-phong-canh/ . Trong bài của bác James Duong có hết rồi, nhưng nói riêng về tiêu cự thì nếu muốn chụp phóng sự cứ chọn ống zoom có đầu tiêu cự nhỏ là 16, 17, đầu kia từ 35 đến 50 chắc là ok rồi. Tiêu cự 16 trên FF là siêu rộng rồi, nếu dùng máy crop mà muốn có góc rộng này thì cần phải lấy lens có đầu tiêu cự nhỏ là 10, 11, 12. Riêng đối với ống góc siêu rộng (nhỏ hơn 24) của canon thì đều đắt, nên ở dải tiêu cự này, để tiết kiệm có lẽ nên lấy ống for thôi.
Nếu là chụp chân dung thì còn vấn đề nữa là khoảng cách chụp tới mẫu, các ống tele sẽ phải đứng xa mẫu hơn, do đó sẽ phải tìm hiểu góc chụp để tính ra khoảng cách chụp, nếu xa quá thì chụp rất bất tiện. Như mình thấy chụp 135L trên FF khoảng cách chụp đã tương đối xa (chắc tầm 7, 8m gì đó để lấy toàn thân), nếu mà lắp trên crop nữa thì không biết phải hò hét với mẫu thế nào, với cả xa thế có trường hợp không chụp được do không lùi được (đằng sau là bức tường hay hồ nước), cũng không chụp từ dưới lên được (trừ khi có cái hố hoặc mẫu đứng chỗ cao hơn), chụp từ trên xuống thì khá khó (nếu muốn phải dùng thang hoặc đứng ở vị trí cao hơn hẳn chỗ mẫu đứng).
Nếu bạn nào đi xin tư vấn mua lens thì đừng hỏi lens đó chụp thể loại đó đẹp không, mà hãy hỏi lens đó khoảng cách chụp tới mẫu là bao nhiêu, hoặc chụp trong nhà có bị hẹp không, mà tốt nhất mượn hoặc thuê lens chụp thử tự sẽ biết. Cái quan trọng là tiêu cự đó có dùng được cho mục đích của mình không đã, đẹp xấu tính sau.
Hiệu ứng tiêu cự
Thứ hai về hiệu ứng tiêu cự, ở mỗi tiêu cự sẽ có hiệu ứng riêng, ví dụ tiêu cự góc rộng thì càng xa máy ảnh chủ thể càng bị thu nhỏ, còn tiêu cự tele thì background sẽ bị phóng to lên và kéo gần lại với chủ thể. Các bạn tham khảo bài này Lựa chọn ống kính chụp ảnh chân dung
. Khi tìm mua lens thì nên vào các trang ảnh như Flickr để xem ảnh của lens đó (có thể search bằng cụm từ ví dụ như “photos with canon 50 1.4”). Khi xem ảnh thì chú ý xem ảnh được chụp ở tiêu cự nào, và xem xem với tiêu cự như vậy thì mình có thích cái hiệu ứng của nó không (ví như có thích cái độ phình, méo của tiêu cự góc rộng không). Cái hiệu ứng tiêu cự ở các tiêu cự khác nhau là khác nhau, do đó nếu muốn có các hiệu ứng đó trong ảnh của mình thì phải lấy đúng lens có tiêu cự đó. Một số người khi tư vấn mua lens nói “cứ lấy lens đó đi, góc chụp hẹp thì lùi vài bước là được”, đúng là lùi thì có thể lấy rộng hơn, nhưng không thay đổi được hiệu ứng tiêu cự. Ví dụ chụp lens 50mm lùi xa ra thì có thể lấy được cảnh rộng như lens 35, thậm chí 24 khi đứng gần, nhưng dù có lùi mấy thì chụp với lens 50 cũng không có hiệu ứng tiêu cự như lens 35 và 24. Các bạn cứ đọc bài của bác Bow trên kia là rõ.
Lưu ý không thể bỏ qua là tiêu cự được tính trên máy fullframe, kể cả các ống không hỗ trợ cho fullframe thì cái tiêu cự ghi trên ống kính cũng là tiêu cự tính trên cảm biến fullframe. Để hiểu rõ hơn các bạn xem thêm ở video này
Cái quan trọng là cùng một ống kính đó, lắp trên máy fullframe góc chụp sẽ rộng hơn, lắp trên máy crop góc chụp sẽ hẹp đi. Và lúc này vấn đề lại quay về góc chụp, khoảng cách chụp. Một điều nữa là do khoảng cách chụp xa hơn nên phông sẽ xóa ít hơn khi dùng máy crop so với dùng máy fullframe. Do đó khi tìm mua lens thì điều chú ý đầu tiên có lẽ là body là crop hay fullframe, nếu là crop thì phải tính lại tiêu cự cho phù hợp. Để có góc chụp tương đương trên máy FF thì trên máy crop phải chọn lens có tiêu cự nhỏ hơn 1,6 lần. Ví dụ để có được góc chụp như góc của ống 50mm trên fullframe thì phải dùng ống có tiêu cự 30 hoặc 35 khi body là crop.
2. Về khẩu độ
Nếu chưa biết về khẩu độ thì các bạn đọc bài này tham khảo: https://vuanhiepanh.vn/?s=khẩu%20độ Khẩu độ liên quan gì đến việc chọn ống kính theo nhu cầu chụp?
Khi chọn ống hãy xem độ mở khẩu tối đa là bao nhiêu, nếu bạn muốn chụp chân dung thì nên chọn ống có độ mở lớn, ít nhất là 2.0, vì lý do: khẩu độ lớn DOF mỏng hơn, phù hợp với nhu cầu chụp xóa phông; khẩu lớn chụp được trong điều kiện ánh sáng yếu, đặc biệt là chụp ban đêm tốt hơn. Nên chọn ống fix cho chân dung vì ống fix khẩu mở lớn, nhiều ống có giá phải chăng, ống zoom hiện tại chỉ mở đến 2.8, mà các ống zoom mở được đến 2.8 thì giá thường khá đắt. Khi chọn mua ống nào cũng nên vào Flickr hay các trang tương tự xem ảnh, ví dụ nếu muốn xóa phông thì xem mức độ xóa phông của ống đó có tốt không, tốt nhất là cứ xem ảnh rồi tự quyết, đừng nghe người khác bảo ống nọ ống kia tốt lắm, chụp đẹp lắm. Nếu muốn xem ống có khả năng xóa phông tốt hay không thì phải xem ảnh người, chứ đừng xem ảnh của vật bé tí (kiểu chụp macro), chụp macro thì phông bị xóa nhòe nhoẹt, ống nào chụp vi vật hoa lá đều xóa phông được hết (kể cả ống kit), thế nên phải xem ảnh chụp người thì mới chắc, mà chụp người thì cũng phải chú ý ảnh đó chụp đầu, bán thân, hay toàn thân. Tốt nhất là tìm ảnh nào chụp toàn thân xem mức độ xóa phông có ưng ý không, nếu không ưng thì thôi. Khi xem ảnh chú ý tiêu cự chụp và khẩu độ, tiêu cự dài xóa phông tốt hơn tiêu cự ngắn, khẩu lớn xóa phông tốt hơn khẩu nhỏ. Đại diện cho nhóm chân dung có các ống tiêu biểu như 35L 1.4, 35 f2, 50 1.2, 50 1.4, 50 1.8, 85 1.2, 85 1.8, 135L f2. Ống 35L 1.4 giá khá cao, do đó để giá cả phải chăng hơn thì có 2 lựa chọn: vẫn giữ khẩu 1.4, dùng ống for như Sigma; hoặc dùng canon 35f2, hy sinh khẩu, ống Sigma thì đời mới hơn, đắt hơn một ít thì phải. Ở tiêu cự 50 thì ống 50f1.2 đắt quá, hai lựa chọn còn lại xem ra hợp lý hơn, hai ống 50 1.4 và 1.8 còn có lợi thế gọn nhẹ, chụp chân dung cũng ổn mà đời thường (streetlife) cũng ok. Tiêu cự 85 thì khẩu 1.8 là dùng cho chân dung ngon rồi, k cần đến 1.2. Còn 135L khá phù hợp vì chụp đẹp mà giá khá hợp lý, chỉ có điều dùng trên crop thì góc chụp hẹp quá. Theo lời khuyên của các cao thủ thì không nên dùng các ống zoom để chụp chân dung, vì khẩu chỉ mở được đến 2.8 là tối đa. Có ống 70-200 2.8 thì chụp tốt, nhưng vấn đề là giá quá đắt (có thêm cái IS thì càng đắt), và nặng, nếu chụp ánh sáng yếu mà run tay thì dù có IS cũng không ăn thua. Còn ống 24-70L2.8 thì càng không nên nếu chỉ chụp chân dung, vì ở tiêu cự 70 mở khẩu tối đa 2.8 chụp chân dung xóa phông chưa đủ đẹp, đấy là chưa nói nếu muốn lấy hiệu ứng tiêu cự góc rộng thì phải zoom về 24-35, nhưng vấn đề là ở tiêu cự ngắn này mà chụp với khẩu 2.8 thì DOF dày, chụp chân dung sẽ không phù hợp vì không tách được chủ thể với background. Ống 24-70L2.8 này phù hợp chụp đám với dải tiêu cự đó và khẩu 2.8. Còn ống 70-200 f4 giá rẻ hơn nhưng không nên dùng cho chân dung vì khẩu 4 không phù hợp rồi.
Chụp sự kiện, phóng sự cũng cần ống có khẩu lớn, vì có thể phải chụp thiếu sáng, mà flash bị cấm, hay không muốn dùng flash để ảnh được tự nhiên. Tuy nhiên chụp sự kiện thì dùng ống zoom góc rộng tiện hơn ống fix (các bạn tham khảo bài về ống góc rộng của bác James Duong ở trên), mà ống zoom hiện tại chỉ mở được đến khẩu là 2.8, nên tiêu chí là cứ chọn cái 2.8 mà dùng. Tất nhiên ống zoom góc rộng 1 khẩu 2.8 đều đắt, nên nếu chỉ chơi vui vui thì chắc nên dùng hàng for cho ngon bổ rẻ (thường rẻ được một nửa hoặc hơn đấy). Nếu chụp phong cảnh thì không cần khẩu lớn (vì chụp phong cảnh thường phải khép khẩu cho ảnh nét đều), nhưng vẫn cần góc rộng. Do đó mua một zoom góc rộng khẩu lớn (2.8) là đủ cho cả 2 nhu cầu phong cảnh và phóng sự. Nếu cần cho nhu cầu công việc và đủ tiền thì có lẽ 16-35L2.8 mark II, lens này chắc khỏi bàn rồi. Nhưng nếu chỉ chơi vui hoặc không đủ tiền thì ống for chắc sẽ phù hợp hơn. Mình cũng đã tìm ống for góc rộng một khẩu 2.8, dải tiêu cự khoảng 16-35 nhưng không có ống for nào vừa đủ dải tiêu cự đó vừa đảm bảo 1 khẩu 2.8 cho FF cả, có Tamron 17-35 đủ dải nhưng lại 2 khẩu (2.8-4.5), còn 1 khẩu thì có ống Tokina 16-28f2.8, nhưng lại bị thiệt một đoạn zoom. Cuối cùng mình chọn Tokina 16-28 vì mình vẫn theo tiêu chí ưu tiên khẩu độ hơn, bị mất đoạn zoom 28-35 nhưng có khẩu 2.8 trên toàn dải. Còn ống góc rộng cho crop thì hình như có nhiều lựa chọn hơn thì phải.
3. Giá thành
Giá cả là vấn đề quan trọng. Nếu có tiền thì không nói làm gì, nhưng nếu không có thì chắc cũng không nên chơi theo kiểu “cố một tí”. Việc mình rút gọn các tiêu chí chọn lens lại chỉ còn có vài ba tiêu chí là để cân bằng vấn đề giá cả. Nếu bây giờ các tiêu chí khác cũng đưa vào xem xét thì chắc chắn giá sẽ lại cao, liệu có nên không. Ví dụ ở nhu cầu phóng sự, cần dải tiêu cự 16-35, khẩu 2.8, nếu kèm theo tiêu chí chính hãng nữa thì phải chọn 16-35L2.8 canon, giá khá chát. Do đó để đạt được tiêu chí giá cả phù hợp túi tiền, chắc phải loại tiêu chí hàng hãng, và ống for là lựa chọn tốt cho nhu cầu chơi vui vẻ. Nếu chỉ có ngần ấy tiền, thì cái cần quan tâm là khẩu độ, chứ không phải hàng hãng hay for. Sẽ không phù hợp nếu chọn 17-40Lf4 cho mục đích phóng sự (dải tiêu cự phù hợp nhưng khẩu nhỏ) chỉ vì đó là hàng hãng. Ông này chụp cảnh thì tốt, chứ chụp phóng sự, đặc biệt buổi tối thì không nên. Bên cạnh đó nhiều ống for rất tốt, hoàn toàn có thể dùng để kiếm tiền. Tất nhiên mình đã loại các đối tượng làm ăn chuyên nghiệp rồi, với đối tượng này việc đầu tư là cần thiết, vì sử dụng lâu dài và cần có thiết bị có độ tin cậy cao. Còn với anh em chơi ảnh bình thường, để có ảnh đẹp chắc cần luyện tập chụp nhiều cộng photoshop. Kể cả ảnh của studio chuyên nghiệp thì cũng PTS hết, chả ai trả ảnh gốc cho khách. Nói vậy không có nghĩa PTS giải quyết được hết vấn đề, nếu thế thì các thợ ảnh họ cũng mua lens rẻ rồi về PTS cho đỡ tốn, nhưng nếu không có PTS thì kể cả một ống đẹp, thợ chụp giỏi cũng chưa chắc ra được ảnh mà khách ưng ý đâu.
4. Các tiêu chí về chất lượng thấu kính
Các tiêu chí về chất lượng ống như màu sắc, độ nét, bokeh, mức độ flare, halo, tối góc, độ méo hình, … cũng rất quan trọng, liên quan nhiều đến hậu kỳ. Tuy nhiên nếu đi mua ống chụp vui vui thì không nên quan tâm, nghĩ nhiều chỉ thêm rối. Đặc biệt về màu sắc và độ nét thì càng không nên quan tâm nhiều, vì hai yếu tố này có thể điều chỉnh bằng PTS được. Khi tìm mua ống chắc ai cũng phải đọc và xem review, và trong các review đó thì người ta lại chủ yếu nói về các yếu tố về chất lượng thấu kính, nên sẽ có nhiều người đặt tiêu chí chất lượng thấu kính lên hàng đầu khi tìm mua lens. Nhưng các bài viết của những cao thủ chụp ảnh mình đọc đều nói không nên quan tâm nhiều đến các yếu tố đó. Nếu có được ống ngon thì cuối cùng lại về vấn đề giá cả. Ống ngon rồi thì cũng phải PTS (có thể là PTS ít hơn thôi), vậy thì chơi vui thì chọn ống vừa chất lượng vừa vừa thôi, rồi PTS nữa cho đẹp. Đấy là chưa nói đến việc chất lượng thấu kính của ống xịn (L chẳng hạn) cũng chưa chắc đã hơn các ống non-L, vì công nghệ chế tạo ống kính bây giờ rất phát triển, chất lượng thấu kính của các ống gần như tương đương. L đắt hơn non-L vì nó hơn ở nhiều yếu tố khác, chứ không phải hơn ở chất lượng thấu kính, đấy là theo lời của bác James Duong trong Ăn chơi phải sướng.
Thế nên mình nghĩ các bạn mới bắt đầu chơi ảnh, đang đi tìm chọn ống kính thì nên đặt tiêu chí về tiêu cự, khẩu, giá tiền (tiêu cự và khẩu phải phù hợp mục đích sử dụng) lên hàng đầu thì việc tìm ống mới dễ dàng hơn, đỡ tốn kém hơn, cũng đỡ đau đầu hơn. Tuy nhiên, mỗi người một sở thích, nên những gì mình trao đổi chỉ là tham khảo, và bài viết của mình cũng chỉ là tổng hợp từ các nguồn khác trên mạng thôi. Hy vọng anh em mới chơi có thêm thông tin để chọn được lens phù hợp, còn các pro thì mong chém nhẹ tay thôi ạ.